Cập nhật:  GMT+7

Ngành ngân hàng đồng hành với sự phát triển của quê hương

Thời gian qua, ngành ngân hàng tỉnh Quảng Trị luôn nỗ lực khẳng định vai trò, vị thế tiên phong trong cung ứng nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân, đóng góp tích cực và hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tếxã hội của địa phương.

Ngành ngân hàng đồng hành với sự phát triển của quê hương

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Quảng Trị hướng dẫn người dân tiếp cận Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ - Ảnh: H.T

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, đúng quy định

Với vai trò quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tuân thủ đúng quy định của pháp luật, hoạt động an toàn, hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các TCTD trên địa bàn tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, qua đó giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh luôn theo dõi sát thị trường để yêu cầu chấp hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp. Các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định về niêm yết tỉ giá; công tác quản lý ngoại hối được triển khai thực hiện nghiêm túc.

Nguồn vốn ngân hàng đã góp phần hình thành và đưa vào hoạt động 3 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp, 7.770 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng nghìn người lao động. Trong đó, có nhiều công trình, dự án lớn như: Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1; Nhà máy thủy điện Quảng Trị; các nhà máy thủy điện Khe Nghi, Khe Giông, Mai Linh...; Dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 1, 2; Dự án đầu tư Trung tâm dịch vụ du lịch Cửa Việt; Dự án Nhà máy gỗ ván MDF-VRG Quảng Trị 1, 2.

Các dự án dệt may, đánh bắt hải sản, trồng tiêu, cao su, cà phê và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác; công trình đường tránh lũ Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh... Đến cuối năm 2023, doanh số cho vay đạt 61.841 tỉ đồng; tổng dư nợ cho vay đạt 51.608 tỉ đồng, tăng 867 tỉ đồng, tương đương tăng 1,71% so với cuối năm 2022; nợ xấu là 426 tỉ đồng, chiếm 0,83% tổng dư nợ.

Bên cạnh lĩnh vực kinh tế nhà nước, ngành ngân hàng đã triển khai các gói cho vay hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giải quyết các vấn đề xã hội.

Hiện tại, hệ thống ngân hàng tỉnh Quảng Trị tiếp tục đồng hành sát sao với các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh như: NHTM Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cam kết cung cấp tài chính hơn 4.700 tỉ đồng cho dự án Cảng hàng không Quảng Trị; NHTM Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Quảng Trị ký hợp đồng tín dụng tài trợ 450 tỉ đồng để đầu tư dự án Khu công nghiệp Quảng Trị.

Ngoài ra, các dự án trọng điểm khác như Khu bến cảng Mỹ Thủy, Đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, Quốc lộ 15D từ cảng biển Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay, Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây gắn với đường tránh phía Đông TP. Đông Hà, Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan và các dự án năng lượng có quy mô lớn tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị... đều được các ngân hàng tiếp cận, sẵn sàng hỗ trợ tín dụng khi đáp ứng đầy đủ điều kiện.

Đối với việc hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thực sự đi vào cuộc sống từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.

Sau hơn 20 năm thực hiện, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn không ngừng tăng trưởng, huy động được các nguồn lực tài chính đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Các chương trình tín dụng được mở rộng. Từ 2 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 17 chương trình được triển khai và thực hiện. Tăng trưởng tín dụng không ngừng tăng lên qua các năm, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 19,78%/năm.

Ngành ngân hàng đồng hành với sự phát triển của quê hương

Người dân thực hiện giao dịch nộp tiền vào máy CDM của Agribank chi nhánh TP. Đông Hà -Ảnh: H.T

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, góp phần giúp cho hơn 66,5 nghìn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 33 nghìn lao động.

Giúp gần 87 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập, mua máy tính; hỗ trợ xây mới và cải tạo hơn 109 nghìn công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 6.302 căn nhà cho hộ nghèo, 757 căn nhà ở xã hội, 771 lượt lao động được doanh nghiệp vay vốn để trả lương do ảnh hưởng của COVID-19.

Bắt nhịp chuyển đổi số

Có thể khẳng định, trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số chính là chìa khóa để phát triển các dịch vụ ngân hàng cũng như tiếp tục đạt được những bước tiến lớn trong thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Trị, các NHTM trên địa bàn đã chủ động, tích cực triển khai công tác chuyển đổi số, tạo tiền đề phát triển đa dạng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo đó, các ngân hàng trên địa bàn đã nhanh chóng ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới vào hoạt động cung ứng dịch vụ như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), dữ liệu lớn (Big Data)...; các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, thân thiện mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng như QR Code, ví điện tử, số hóa thông tin thẻ, mở tài khoản trực tuyến xác thực bằng eKYC, chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chíp...

Thông qua các dịch vụ ngân hàng điện tử, các lệnh về chi trả, nhờ thu của khách hàng được thực hiện nhanh chóng, tạo điều kiện đơn giản hóa quy trình, thủ tục giải ngân, cho vay. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng và phát huy hiệu quả. Hệ thống ATM, POS hoạt động ổn định, được các ngân hàng quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 115 ATM, trong đó có 10 ATM đa chức năng; hơn 21.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QRCode được đặt tại các doanh nghiệp, cơ sở/chuỗi phân phối, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học...

Với những tiện ích của phương thức quét mã QRCode, thanh toán qua Mobile Banking tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ (tăng 468% về số lượng và 731% về giá trị so với năm 2022 - cao hơn giá trị bình quân cả nước 471,13%). Thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ POS tăng 99% về số lượng và 67% về giá trị so với năm 2022.

Đặc biệt, giao dịch nộp tiền qua máy đa chức năng như CDM, CRM trên địa bàn đạt 134.989 món, tương ứng giá trị hơn 1.018 tỉ đồng. Việc chuyển tiền qua Internet Banking, Mobile Banking, POS có xu hướng tăng cả về số lượng và giá trị (tăng 28% về số lượng và 23% về giá trị so với năm 2022). Tỉ trọng thanh toán số so với tổng phương tiện thanh toán trên địa bàn đạt gần 80%.

Số lượng khách hàng mở và sử dụng tài khoản thanh toán liên tục tăng qua các năm. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 705.759 tài khoản cá nhân đang hoạt động (tăng 40% so với cuối năm 2022), hơn 69% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán; trong đó, mở tài khoản bằng phương thức định danh khách hàng điện tử (eKYC) tăng 114% so với cuối năm 2022.

Cùng với đó, dịch vụ thẻ ngân hàng phát triển, nhiều TCTD đã bổ sung, tích hợp thêm các tính năng thẻ ngân hàng, cho phép sử dụng để thanh toán và các dịch vụ tại các đơn vị cung ứng khác. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị có hơn 769.000 thẻ đang lưu hành (tăng 32% so với cuối năm 2022). Các TCTD luôn chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thuận lợi cho khách hàng thông qua việc phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô mạng lưới ATM, thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (quẹt thẻ thông qua POS).

Thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân về sử dụng các dịch vụ ngân hàng trên kênh số một cách an toàn, tự bảo vệ mình khỏi các rủi ro trên môi trường điện tử.

Đảm bảo chuyển dịch trong việc cung ứng sản phẩm dịch vụ, làm cầu nối thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số; qua đó, giúp khai thác dữ liệu hiệu quả để gia tăng trải nghiệm và gắn kết khách hàng.

Thu Hạ

Tin liên quan:
  • Ngành ngân hàng đồng hành với sự phát triển của quê hương
    Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023

    Chiều nay 8/2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Trị tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2023. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng dự hội nghị.


Thu Hạ

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Bảo vệ “viên ngọc xanh” giữa trùng khơi

Bảo vệ “viên ngọc xanh” giữa trùng khơi
2024-06-29 05:45:00

QTO - Nằm giữa muôn trùng sóng vỗ, Khu Bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ được ví như một “viên ngọc xanh”, không chỉ bảo vệ môi trường mà còn góp phần quan trọng vào...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long