Cập nhật: Thứ 6, 15/07/2022 | 05:19 GMT+7

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông

QTO - Kế hoạch ra quân thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông vừa được lực lượng công an triển khai đồng loạt trên cả nước, kéo dài trong 3 tháng, từ ngày 20/6 đến hết ngày 20/9. Đợt cao điểm ra quân xử lý vi phạm giao thông lần này là cần thiết và kịp thời, nhất là trước tình hình các vụ tai nạn giao thông trên cả nước có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, bên cạnh sự chấp hành nghiêm túc của đa số người dân thì vẫn có không ít người tìm cách đối phó, lan truyền nhau các “chiêu trò” để né tránh lực lượng chức năng khi bị kiểm tra.

Trong 4 nhóm hành vi được tập trung xử phạt đợt cao điểm này có các nhóm hành vi: vi phạm nồng độ cồn và vượt quá tốc độ cho phép. Chỉ trong những ngày đầu ra quân, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trong cả nước đã xử lý hàng chục ngàn vụ vi phạm quy định về hai nhóm hành vi nói trên. Quá trình xử phạt cho thấy, nhiều trường hợp người vi phạm đưa ra đủ các lý do để không hợp tác theo yêu cầu kiểm tra của lực lượng CSGT nhằm trì hoãn việc đo nồng độ cồn. Có quán ăn, nhà hàng khi thấy CSGT bố trí lực lượng thì “mật báo” cho khách hàng để né tránh sự kiểm tra.

Một số trường hợp sử dụng quá nhiều rượu bia dẫn đến mất tự chủ, bị kích động, không phối hợp với lực lượng chức năng, thậm chí lăng mạ lực lượng thực thi công vụ khi có yêu cầu kiểm tra. Đáng chú ý, trong số các trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn có không ít trường hợp vi phạm ở mức độ cao. Điều này cho thấy, dù hành vi vi phạm nồng độ cồn đã áp dụng chế tài xử phạt rất nặng nhưng nhiều lái xe vẫn bất chấp. Để đối phó, nhiều người đi tìm các loại thực phẩm chức năng giải rượu được quảng cáo như thần dược để làm “bảo bối” sau cuộc nhậu (?!). “Có cầu ắt có cung”,nắm bắt tâm lý nhiều người lo sợ về mức xử phạt khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc, thực phẩm chức năng với quảng cáo giúp “tẩy nhanh nồng độ cồn”, “giải rượu bia thần tốc”... Quảng cáo này nhanh chóng được nhiều người tin tưởng, săn lùng để mua cho bằng được mặc dù trước đó, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết, chưa một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có công dụng như trên.

Đối với việc né tránh lỗi vi phạm tốc độ, nhiều người đã đối phó bằng cách trang bị máy phát hiện súng bắn tốc độ. Vì cho rằng việc trang bị chiếc máy này sẽ giải quyết “một công đôi việc”, đó là vừa tránh bị xử phạt về vi phạm tốc độ, vừa tránh được việc đo nồng độ cồn. Ngay từ khi mới xuất hiện, máy phát hiện súng bắn tốc độ được nhiều tài xế trang bị, coi như “bùa hộ mệnh” để tránh bị xử phạt. Trên thực tế, sau khi mua về sử dụng mới vỡ lẽ máy không đạt được công dụng như quảng cáo.

Một tài xế chia sẻ: “Tôi thường xuyên chạy tuyến xe tải đường dài từ Quảng Trị đến các cửa khẩu ở Lạng Sơn. Nhiều khi vì áp lực hàng hóa phải đến cửa khẩu đúng thời gian nên cố chạy nhanh cho kịp chuyến. Nghe quảng cáo máy phát hiện súng bắn tốc độ, thấy hay nên tôi đặt mua với giá 1,5 triệu đồng. Nhưng khi sử dụng mới phát hiện máy cảnh báo không chính xác, khi thì qua trạm không phát tín hiệu gì, nhưng nhiều lúc lại cảnh báo loạn xạ mặc dù phía trước không hề có lực lượng CSGT. Vì vậy, tôi chuyển sang cài đặt phần mềm cảnh báo tốc độ ô tô để chủ động hơn khi tham gia giao thông”.

Theo một CSGT, quảng cáo về công dụng của máy phát hiện bắn tốc độ chỉ là chiêu trò lừa đảo. Bởi lẽ, máy chỉ phát ra cảnh báo khi CSGT nhấn súng bắn tốc độ, vì lúc đó mới có tia sóng. Vì thế, máy sẽ không thể phát hiện từ trước, còn đợi đến khi máy phát hiện được thì cũng có nghĩa người đó đã bị bắn tốc độ rồi. Trường hợp máy cảnh báo sai là vì phát hiện nhầm những tia sóng có tần số trùng với tần số tia sóng từ súng bắn tốc độ.

Vì vậy, nếu quá tin tưởng vào những chiếc máy này sẽ dẫn đến tình trạng chạy quá tốc độ, nguy cơ xảy ra tai nạn do phóng nhanh, vượt ẩu gia tăng. Hơn nữa, tài xế rất dễ bị phân tâm vì phải chú ý vào các tín hiệu do máy báo. Hiện nay, nhiều người sử dụng các phần mềm cảnh báo tốc độ để có thể biết tốc độ chính xác của mình trên từng cung đường, từ đó có phương án điều chỉnh và định hướng giúp hành trình lái trở nên an toàn hơn. Tuy nhiên không phải lúc nào các chương trình này cũng cập nhật kịp dữ liệu thực tế nên nếu lệ thuộc hoàn toàn cũng sẽ không phát huy hiệu quả.

“Nhanh một phút, chậm cả đời”, câu nói này tuy không mới nhưng ý nghĩa của nó thì chưa bao giờ cũ. Làm chủ tốc độ và tỉnh táo trong quá trình tham gia giao thông trước hết là để bảo đảm an toàn tính mạng cho bản thân, sau đó góp phần xây dựng văn hóa giao thông. Muốn xây dựng văn hóa giao thông một cách bền vững, cần thay đổi suy nghĩ và nâng cao ý thức chấp hành nghiêm quy định pháp luật về an toàn giao thông của người dân. Khi tham gia giao thông, yếu tố quan trọng nhất vẫn là ý thức của con người.

Nếu chúng ta hiểu luật và tuân thủ luật thì không cần bất cứ loại máy móc nào hỗ trợ. Việc tuân thủ này phải trở thành ý thức thường xuyên của người tham gia giao thông chứ không lệ thuộc vào các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Trước đây, cứ mỗi đợt ra quân thì việc xử lý tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông được thực hiện rất nghiêm chỉnh, quyết liệt nhưng sau thời gian đó, mọi việc lại đâu vào đấy. Vì vậy, người dân bày tỏ mong muốn việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông phải được lực lượng CSGT thực hiện thường xuyên; việc xử phạt phải nghiêm minh, triệt để. Có như vậy mới tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông và nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ.

Hoài Nam



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Thời tiết

29°C - 36°C
Ít mây, trời nắng nóng
  • 28°C - 34°C
    Có mây, có mưa rào và dông
  • 27°C - 37°C
    Ít mây, trời nắng nóng gay gắt
POWERED BY
Việt Long