Cập nhật:  GMT+7

Nâng cao chất lượng giáo dục trung học hướng tới hài hòa nguồn nhân lực

Đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh thế giới nhiều biến động và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ, là vấn đề khó khăn đặt ra cho giáo dục và đào tạo cả nước và mỗi địa phương. Trong khi đó, học sinh ngày càng có xu hướng chọn các môn xã hội để học và thi, gây ra lo lắng cho xã hội về sự mất cân đối nguồn nhân lực trong tương lai.

Giáo dục phổ thông chia làm 2 giai đoạn

Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo khẳng định, giáo dục phổ thông 12 năm, chia làm 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và Định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 – đến lớp 12). Mục tiêu đối với giáo dục phổ thông, là: “Bảo đảm cho học sinh (HS) có trình độ THCS có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”.

Mục tiêu này hoàn toàn phù hợp với giáo dục thế giới, khi hầu hết các nước chia giáo dục phổ thông làm 2 giai đoạn, trong đó giáo dục cơ bản hết THCS, là giáo dục bắt buộc, tạo lập nền tảng phổ thông để HS tiếp tục học lên THPT hoặc giáo dục nghề nghiệp.

Vì vậy, chương trình đánh giá PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhằm đánh giá HS lứa tuổi 15, khi kết thúc giáo dục cơ bản. PISA đánh giá khá toàn diện, với 4 năng lực quan trọng, đó là: Năng lực toán phổ thông; Năng lực đọc hiểu phổ thông; Năng lực khoa học phổ thông; và Kỹ năng giải quyết vấn đề. Điều này cho thấy, các nước rất coi trọng năng lực toàn diện của HS ở giai đoạn giáo dục cơ bản.

Chọn môn xã hội tăng làm giảm năng lực khoa học của HS Việt Nam

Chương trình PISA đánh giá 3 lĩnh vực chính là toán học, đọc hiểu và khoa học. Cứ 3 năm đánh giá một lần trong đó có một lĩnh vực được đặt trọng tâm. Năm 2021 không tổ chức đánh giá do dịch bệnh Covid-19 và phải lùi lại năm 2022.

Việt Nam (VN) tham gia đánh giá PISA từ năm 2012 và luôn đứng ở mức cao so với các nước và vùng lãnh thổ tham gia, xếp thứ 2 Đông Nam Á (chỉ sau Singapore). Kết quả xếp hạng năm 2022 của VN thấp nhất trong các năm 2012, 2015 và 2018, giảm ở tất cả các lĩnh vực. Môn toán học giảm 7 - 14 bậc, đọc hiểu giảm 2 - 21 bậc, khoa học 27 - 31 bậc.

Kết quả giảm sút này có thể do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, có một lý do khác mà nhiều nhà giáo dục chỉ ra, đó là, những năm gần đây, tỷ lệ HS chọn tổ hợp khoa học xã hội (KHXH) để thi tốt nghiệp THPT luôn áp đảo. Năm 2024, toàn quốc có 63% HS chọn tổ hợp KHXH và 37% HS chọn KHTN, thậm chí có địa phương hai tỷ lệ này là 90% và 10%.

Hai tỷ lệ này của Quảng Trị khoảng 65% và 35%. Xu hướng này đã tác động đến việc học của HS, ngay từ những năm THCS, HS tập trung học ba môn toán, văn và ngoại ngữ để thi tuyển lớp 10 và các môn xã hội để sau này thi tốt nghiệp THPT dễ đạt điểm cao. Điều này làm cho năng lực khoa học của HS lứa tuổi 15 của VN giảm, nên kết quả tụt hạng sâu về khoa học là tất yếu.

Nhiều bất cập trong lựa chọn môn học cấp THPT

Theo chương trình GDPT 2018, THPT là cấp định hướng nghề nghiệp, HS phải học 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử, giáo dục thể chất, giáo dục an ninh và quốc phòng, nội dung giáo dục địa phương và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Ngoài ra, HS chọn 4 môn trong số các môn (lý, hóa, sinh, tin học, công nghệ, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, mỹ thuật và âm nhạc) để học theo định hướng nghề nghiệp.

Mới đây, tại tọa đàm khoa học “Nhìn lại 5 năm thực hiện chương trình GDPT 2018” do Hiệp hội các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) tổ chức, một số chuyên gia đưa ra số liệu cho thấy, nhiều tỉnh có số HS chọn nhóm các môn lý, hóa, sinh chỉ đạt 11 - 15% trong tổng số các môn học ở lớp 10.

Nâng cao chất lượng giáo dục trung học hướng tới hài hòa nguồn nhân lực

Dẫn đến điều này có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, việc giảng dạy các môn KHTN, tin học, công nghệ ở cấp THCS gặp nhiều khó khăn, do thiếu GV dạy môn tích hợp, thiếu thiết bị và máy tính ở một số trường nên nhiều HS không hứng thú, đam mê với các môn KHTN và công nghệ.

Thứ hai, HS không được lựa chọn môn học theo năng lực, sở trường, định hướng nghề nghiệp mà chỉ chọn trong các tổ hợp môn học do nhà trường đề xuất, tùy vào tình hình GV và cơ sở vật chất; Thứ ba, HS chưa được hướng nghiệp một cách đầy đủ, hiệu quả ở cấp THCS; và Thứ tư, việc học và thi tốt nghiệp THPT đối với các môn KHXH dễ hơn so với các môn KHTN nên HS chọn học các môn xã hội và nhân văn.

Những nguyên nhân trên đã dẫn tới tình trạng sinh viên VN theo học các ngành khoa học cơ bản, ngành STEM (khoa học, kỹ thuật công nghệ và toán) chiếm tỷ lệ thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Cụ thể, tỷ lệ sinh viên VN theo học các lĩnh vực STEM năm 2021 là 28%, trong khi tỷ lệ này của Singapore là 46%, Malaysia là 50%, Hàn Quốc 35%, Phần Lan 36% và Đức 39%.

Học sinh lớp 10 Quảng Trị chọn các môn học như thế nào?

Theo số liệu từ các trường THPT trên toàn tỉnh cho thấy, năm học 2024 – 2025, HS lớp 10 đã có sự lựa chọn các môn học tương đối hài hòa. Trong tổng số 9.648 HS lớp 10, kết quả lựa chọn các môn học như sau: Tin học (6.984 HS), lý (6.292), địa (5.456), giáo dục kinh tế và pháp luật (5.214), công nghệ (5.189), hóa (5.131), sinh (4.083), mỹ thuật (405) và âm nhạc (252).

Như vậy, tổng số HS học các môn tự nhiên (toán, lý, hóa, sinh, tin học, công nghệ) là 36.827 và tổng số HS học các môn xã hội và nhân văn (văn, sử, địa, ngoại ngữ, giáo dục kinh tế và pháp luật, mỹ thuật, âm nhạc) là 40.271. Với tỷ lệ 47,76% tự nhiên và 52,24% xã hội và nhân văn là khá hài hòa, nếu tính riêng nhóm lý, hóa, sinh, HS Quảng Trị chiếm 20,11%, cao hơn so với nhiều tỉnh.

Tuy nhiên, chất lượng HS THCS của các địa phương trong tỉnh không đồng đều, thể hiện qua điểm trung bình 3 môn thi Toán, Văn, Anh năm 2023 và năm 2024 cho thấy có khoảng cách rất lớn giữa TP.Đông Hà, TX . Quảng Trị với các huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Tỷ lệ HS phân luồng tham gia học nghề sau THCS rất thấp, dưới 10%, vì tỷ lệ trúng tuyển vào THPT đạt 90% trong tổng số 10.716 HS dự thi. Biểu đồ sau thể hiện chất lượng 3 môn thi của các địa phương trong tỉnh.

Nâng cao chất lượng giáo dục trung học hướng tới hài hòa nguồn nhân lực

Nguồn: Báo cáo tuyển sinh THPT năm học 2024-2025 của Sở GD-ĐT Quảng Trị

Giải pháp nâng cao chất lượng và hài hòa nguồn nhân lực

Mục tiêu hết THCS, HS đạt trình độ phổ thông nền tảng, toàn diện, phân luồng mạnh sau THCS và định hướng nghề nghiệp cấp THPT, là nhất quán từ Nghị quyết số 29, đến Luật Giáo dục 2019 và chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để đạt được mục tiêu trên, cần tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ.

Trước hết, cần thay đổi nhận thức của của HS, phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội, rằng tất cả các môn học đều bình đẳng trong giai đoạn giáo dục cơ bản, việc đánh giá, xếp loại HS cũng không phân biệt môn học và môn học nào cũng giúp HS thành công sau này.

Các trường THCS tập trung nâng cao chất lượng dạy và học tất các các môn học, không phân biệt môn thi hay không thi lớp 10, nhằm phát triển toàn diện HS. Nâng cao chất lượng hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giúp HS biết được khả năng, sở thích, nghề nghiệp để lựa chọn môn học phù hợp ở cấp THPT; chọn nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu nhân lực địa phương và cả nước.

Sở GD-ĐT triển khai giải pháp trường giúp trường và phòng giúp phòng để xóa khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn theo phương châm “Nhà trường chung tay lan tỏa – Thầy cô chia sẻ trách nhiệm”.

Việc thi tuyển sinh THPT hướng đến toàn diện, ngoài 2 môn thi bắt buộc là toán, văn, môn thứ ba nên là một bài thi tổ hợp gồm ngoại ngữ cộng thêm 1 hoặc 2 môn hoặc phân môn học ở cấp THCS. Trong đó, ngoại ngữ luôn luôn được chọn. Chẳng hạn, tổ hợp (ngoại ngữ, lý, hóa), (ngoại ngữ, sử, địa), (ngoại ngữ, tin học); tăng tỷ lệ HS tham gia học nghề lên 15 – 20%.

HS, phụ huynh và xã hội mong muốn giảm áp lực thi cử, học tập nhẹ nhàng và thi dễ đỗ. Tuy nhiên, để đất nước phát triển cần nhiều nhân lực về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán, trí tuệ nhân tạo, kinh doanh, dịch vụ, bên cạnh các ngành xã hội và nhân văn.

Vì vậy, cần đảm bảo mục tiêu hết lớp 9, HS đạt toàn diện, phổ thông nền tảng và phân luồng mạnh sau THCS. Nếu không, công cuộc đổi mới giáo dục sẽ thất bại khi HS chọn môn học và thi ngược dòng với nhu cầu của nguồn nhân lực cho phát triển của quê hương, đất nước.

Hồ Sỹ Anh


Hồ Sỹ Anh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Xót cảnh gà trống nuôi con

Xót cảnh gà trống nuôi con
2024-12-21 05:55:00

QTO - Vợ mất vì bệnh ung thư, mấy tháng nay, ông Dương Văn Minh (sinh năm 1968), trú tại Khu phố 5, phường Đông Lễ, TP. Đông Hà phải một tay lo liệu cho...

Nghịch lý thiếu - thừa bác sĩ tuyến cơ sở

Nghịch lý thiếu - thừa bác sĩ tuyến cơ sở
2024-12-20 14:30:00

QTO - Tình trạng thiếu bác sĩ hiện là bài toán khó giải đối với y tế cơ sở các huyện khu vực đồng bằng nhưng nghịch lý ở chỗ, một số địa phương miền núi...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long