
{title}
{publish}
{head}
(TNTS) - Đó không phải là xứ Cồn Hến ở đất cố đô mà là ngôi làng nhỏ nằm e ấp bên dòng Thạch Hãn đôi bờ bồi lở. Chỉ ngay ở cái tên cũng khu biệt với những miền quê khác ở dải đất Quảng Trị khô cằn, cái tên như là cách gọi mộc mạc gần gũi của lớp lớp người nơi đây sống nhờ vào con hến nhỏ nhoi, trắng ngần - làng Giang Hến. Còn vì sao làng Giang Hến bị gán thêm cái tên là "làng đi lui" là cả câu chuyện dài về nghề nghiệp của cư dân sông nước...
Làng nay thuộc khu phố 5, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tương truyền rằng từ thời chúa Nguyễn Hoàng vào khai phá vùng Thuận Hóa, lấy Ái Tử làm dinh thì đã có làng Giang Hến, như thế thì lịch sử của làng đã kéo dài qua hơn 500 năm thăng trầm. Cũng có bậc cao niên trong làng cho rằng, gốc gác của người Giang Hến là từ những cư dân sông nước trên sông Hương (cụ thể là ở Cồn Hến), họ theo con nước ngang qua đây, thấy mảnh đất đẹp liền vào dựng làng lập ấp và không quên mang theo nghề truyền thống gắn liền với con hến li ti... Cứ thế mà qua bao thăng trầm của lịch sử, làng Giang Hến vẫn là cái tên định hình cho một cái nghề, con người làng Giang Hến vẫn chỉ biết "đi lui", quen ngâm mình dưới nước kiếm tìm "hạt cơm" trong lớp lớp bùn non.
Đói no nhờ vào con... hến
Làng Giang Hến không quá rộng mà chỉ là rẻo đất nhỏ chạy dọc sông Thạch Hãn từ cầu An Mô đến một đoạn chỉ chừng hơn 1 km. Đi quanh làng đâu cũng nhìn thấy bao nhiêu là vỏ hến vứt ngổn ngang từ sân ra ngõ và thoang thoảng cái mùi đặc trưng bay ra từ mấy nhà đang luộc hến. Nhưng nếu đi trên đường chính, chúng ta sẽ không bao giờ biết được rằng ở sát dưới mép sông, có một nhịp sống hối hả với bao nhiêu con người đang hụp lặn...
![]() |
Ông Nguyễn Thại (52 tuổi, trưởng làng Giang Hến) nhấp bát nước chè xanh nóng hổi rồi khề khà nói: "Làng chừ có 63 hộ với 284 khẩu nhưng đã có quá nửa trong số đó chuyên nghề làm hến, còn các hộ gia đình bữa làm bữa không thì chưa tính...". Ông Thại kể lại rằng, xưa kia nghề hến phát triển cực thịnh ở vùng đất này bởi vì đoạn sông ở đây có nhiều cồn bãi, ngày nước cạn chỉ cần bước mấy bước từ nhà xuống sông, cào một chút là đã có khối hến. Chính bởi thế mà người làng Giang Hến bị gán cho cái biệt hiệu là chuyên làm "nghề... đi lui" (mô tả động tác làm việc của người đi cào hến - họ cầm một cái cào to làm bằng tre hoặc sắt có gắn thêm lưới ở phía sau, cắm sâu xuống bùn rồi cứ thế mà đi giật lùi). "Sau này có đò máy nên việc khai thác hến trên sông mới ồ ạt chứ cách đây chừng vài năm cả làng chuyên "cào bộ" hết, thậm chí bữa ni chú có đi dọc sông Thạch Hãn mà chộ giữa sông mấy eng tam (anh em) cứ đi giật lui là người làng Giang Hến ni đó..." - ông Thại nói thêm. Ấy thế nên trong cuộc chuyện trò giữa trưa bên mép nước, một người dân làng Giang Hến nói một câu tếu táo rồi đánh đét một cái vào lưng người bên cạnh ra chiều khoái chí rằng: "Xã hội ngày càng phát triển mà răng làng tui cứ muôn đời đi lui mãi ri anh hè?".
![]() |
Nay, công việc đi cào hến chỉ thuộc về đàn ông trong làng, họ thường bắt đầu vào tờ mờ sáng và trở về bến sông làng mình khi nào con nước lên (độ khoảng 9, 10 giờ sáng), khi trên ghe có tròm trèm mấy chục cân hến, chắt chắt. "Nói rứa chơ cũng bữa đực bữa cái chú ơi, hến nó ở dưới bùn, nghe động là nó lặn, mình cũng mần đại chơ biết đàng mô..." - đi từ ghe lên với nguyên bộ quần áo đang ướt sũng, anh Nguyễn Văn Đức phân trần.
Ở bến đò, đàn bà con nít trong làng đã đợi sẵn chỉ chờ ghe cập bến rồi mang theo bao nhiêu thúng nia nhảy tót xuống mép nước, xúc từng thúng hến và đãi. Hết mớ này đến mớ khác được sàng lui sàng lại để vứt bỏ bùn, sạn trước khi mang về nhà để bắt đầu một công đoạn tiếp theo. Đoạn sông trước đó ít giờ vắng lặng nay đã rộn ràng tiếng chuyện trò, tiếng lạo xạo của những con hến đập vào nhau theo từng lần tay di chuyển sàng nia khéo léo...
![]() |
Chừng quá ngọ, nhiều nhà trong làng Giang Hến sẽ đỏ lửa. Tất cả hến được bỏ vào những chảo to cùng với một chút nước rồi được để lên lò, cháy âm ỉ trong suốt mấy tiếng đồng hồ. "Thường thì khoảng hai tiếng là được. Khi mô hến hả miệng, ra hến, thì bắc nồi xuống và bắt đầu tách phần thịt với phần vỏ ra riêng..." - Bà Trần Thị Mão tỉ mẩn giới thiệu từng công đoạn.
Và khi gần đến phiên chợ chiều, nhiều phụ nữ của làng Giang Hến sẽ tất tả quang gánh hướng về những khu chợ lân cận để bán những con hến nhỏ trắng ngần, kết quả sau 1 ngày làm việc cật lực của cả gia đình mình.
Nỗi lòng người Giang Hến
Thực ra giá trị của con hến không quá cao, với cách bán của người làng này thì việc đắt rẻ cũng vô thưởng vô phạt. Thường thì sau khi đã tách lấy thịt và mang ra bán hến sẽ có giá là 12.000 đồng/lon, chắt chắt 5.000 đồng/lon (lon ở đây là lon sữa đặc đã qua sử dụng). Nước để luộc hến sẽ bán kèm theo đó và hiện nay thì vỏ hến được tận dụng xay nhuyễn cho gà vịt ăn hoặc dùng để làm vôi. Thế nên theo tính toán của những người chuyên làm nghề thì một ngày vất vả của cả bố, mẹ, con cái trong gia đình may ra cũng chỉ kiếm được 100.000 đồng.
![]() |
Trong khi việc cào hến không còn dễ dàng như xưa, khoảng sông trước làng Giang Hến trong sự quần đảo của đội quân "sa tặc" chuyên hút cát nay đã không còn là bãi "kiếm cơm" đối với dân làng. "Chừ thì có mô nữa chú, chúng nó hút cát ngày đêm, nay tạo nên những vực sâu ngay ở các mép sông, mà con hến chỉ sống ở vùng nước cạn. Đoạn sông qua làng bị xói lở tùm lum huống hồ chi nói việc cào hến..." - ông Thại bức xúc nói.
Cũng chính vì lẽ này mà phần đông người làng Giang Hến phải tỏa đi nhiều nơi xa hơn để theo dấu con hến. Có khi họ phải chèo đò đi cả gần chục cây số mới tìm được nơi dừng chân và làm việc. Thậm chí theo chị Lan, người chuyên bán hến và trìa ở sát chân cầu An Mô, thì nay chị mua lại hến từ nơi khác nhập về chứ nguồn từ trong làng không đủ đáp ứng.
Cám cảnh việc kiếm cơm từ con hến ngày càng khó khăn nhiều hộ trong làng, đặc biệt là lứa thanh niên đã chuyển sang buôn bán, hoặc bỏ vào Nam kiếm cơ hội phát triển. Nhưng cũng dăm ba năm sau lại thấy họ quay về bến sông để tiếp tục cái nghiệp vận vào thân từ thời ông cha. "Từ khi mười mấy tuổi, chúng tôi đã quen với công việc ni, chừ làm cái việc khác cứ lớ ngớ chân tay. Nên cứ độ 10 người bỏ nghề thì quá nửa phải quay lại với con hến..." - Chị Trần Thị Ánh Hoa (SN 1967) suy tư nói.
Người làng Giang Hến thực sự không muốn mất đi nghề truyền thống nhưng nếu cứ bám lấy cái nghiệp này thì khó mà lên nổi. Họ muốn con cái họ được học hành đàng hoàng để đổi đời nhưng trớ trêu là chúng luôn phải phụ giúp trong công việc chung của gia đình. Nên đi trong làng Giang Hến nghe thật nhiều tiếng thở dài, người thì tỏ vẻ mâu thuẫn, người thì ra chiều đã buông xuôi, tới đâu thì tới... Nói đơn giản như thằng nhóc "lớn không nổi" so với tuổi 12, Nguyễn Ngọc Tâm ở bến sông thì: "Em phải giúp bố mẹ để vào năm học còn có tiền mua sách vở, quần áo mới chứ...". Cũng đúng, không làm thì lấy tiền đâu lo cho ngày tựu trường sắp tới gần của em.
Thoáng nghĩ số phận của những con người làng Giang Hến cũng như con hến nhỏ nhoi, một đời lặn hụp dưới bùn, để khi chết đi vẫn giữ được cái trắng trong ở từng thớ thịt. Và cái tên làng "đi lui" có khi không còn chỉ miêu tả động tác làm việc của người Giang Hến mà còn đúng với cả những điều sâu xa hơn...
Bài & ảnh: Nguyễn Phúc
QTO - Có lẽ chưa có buổi kết nạp đảng viên nào lại đong đầy cảm xúc đến vậy. Những giọt nước mắt hạnh phúc đã rơi khi Cao Thị Lệ Hằng-người Rục đầu tiên...
QTO - Có một loài hoa mộc mạc, dân dã trong số rất nhiều những loài hoa mãi neo đậu trong ký ức tuổi thơ biết bao đứa trẻ quê như tôi ngày ấy chính là hoa...
QTO - Tôi về lại làng vào một buổi trưa đầu hạ. Nắng trải vàng trên mái rạ cũ kỹ, rơi lấp lánh như những hạt bụi của ký ức, chỉ có tiếng gió khẽ khàng luồn...
QTO - Tuy còn trẻ nhưng cái tên Nguyễn Duy Anh (sinh năm 1991), công tác tại Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh Quảng Trị (cũ) đã gắn liền với nhiều danh...
QTO - Từ những quốc gia châu Âu xa xôi, một nhóm bạn trẻ đã đến Quảng Trị để thu thập dữ liệu cho đề tài nghiên cứu luận văn thạc sĩ. Tại đây, họ đã có...
QTO - Những đêm hè quê tôi luôn thấm đượm ánh trăng vàng óng. Khi mặt trời tắt nắng, bầu trời tối dần cũng là lúc mặt trăng lặng lẽ nhô lên từ phía rặng...
QTO - Sở hữu giọng ca ngọt ngào, truyền cảm, ca sĩ trẻ Triệu Đình Minh (SN 1996), ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, nay là xã Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Trị,...
(CAND) - Sử cũ chép lại rằng: Ngôi làng nhỏ có tên là Tùng Luật xưa kia thuộc huyện Minh Linh, đã xuất hiện trên bản đồ nước Đại Việt từ năm 1069 (thời nhà Lý). Đây chính là...
(NNVN) - Đất nước Việt nam có 54 dân tộc anh em chung sống với nhau qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Trong đó có hai dân tộc sống ở rẽo cao tỉnh Quảng Trị- những người...
(QT) - Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Mindulle), những ngày qua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng (lượng mưa đo được phổ biến từ 160- 220 mm) và xuất...
(TPO) - Cách đất liền 15 hải lý, một khoảng cách không phải là xa, khi chỉ mất hơn nửa tiếng để đi thuyền ra đến Cồn Cỏ. Vậy mà, dân cư trên đảo vẫn còn thưa, dù đến nay là đã...
(QT) - Bây giờ thì xã Vĩnh Quang (Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã lên thị trấn, nhưng không phải thị trấn Vĩnh Quang, mà là thị trấn Cửa Tùng- một thị trấn non trẻ đã hiện hữu nơi cửa...