Cập nhật:  GMT+7

Lan tỏa chuyện trạng Vĩnh Hoàng đến muôn nơi

Chuyện trạng Vĩnh Hoàng chủ yếu diễn ra ở 2 thôn Huỳnh Công Tây và Tây Ba của xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, là nét văn hóa dân gian độc đáo được lưu truyền hàng trăm năm qua. Ngày nay, chuyện trạng Vĩnh Hoàng đang được người dân sưu tập, trao truyền để chuyển tải giá trị đến với du khách muôn nơi nhằm thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.

Lan tỏa chuyện trạng Vĩnh Hoàng đến muôn nơi

Người dân xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh thi kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng -Ảnh: TÚ LINH

Bà Hoàng Dạ Hương, công chức văn hóa - xã hội xã Vĩnh Tú cho biết, thôn Huỳnh Công Tây và Tây Ba của xã Vĩnh Tú là cái nôi chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Trước đây, vùng đất xã Vĩnh Tú cùng các xã Trung Nam, Vĩnh Thái thuộc xã Vĩnh Hoàng. Chuyện trạng Vĩnh Hoàng được người dân kể bằng giọng địa phương khiến ai nghe cũng cười sảng khoái vì nội dung tuy có hư cấu nhưng rất hài hước và dung dị, như: chuyện bắt cọp đi cày; đa (da) bí ngô mần thuyền thúng; cây khoai bò qua hai tỉnh; đi bứt tranh bứt nhầm đuôi cọp; ớt mà tưởng ngà voi; cá đô bảy món; vỏ tôm dùng để lợp nhà...

Sau những giờ lao động nặng nhọc, mọi người cùng quây quần bên ấm nước chè xanh, kể cho nhau những câu chuyện vui để lạc quan hơn trước những khó khăn, vất vả, lo toan trong cuộc sống hằng ngày. Đồng thời gửi gắm trong câu chuyện ước mơ, khát vọng, lạc quan về cuộc sống tốt đẹp hơn. Cứ thế, hết câu chuyện vui này đến câu chuyện vui khác được kể cho nhau nghe, rồi được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chuyện trạng Vĩnh Hoàng không những theo nông dân ra đồng ruộng, còn theo cán bộ kháng chiến lên chiến khu, theo anh bộ đội ra chiến trường, theo người công nhân vào nhà máy, xí nghiệp. Ở đâu, lúc nào, chuyện trạng cũng đem lại cho mọi người những tiếng cười sảng khoái. Chuyện trạng Vĩnh Hoàng còn theo các chuyến tàu vào Nam ra Bắc. Càng ngày, các câu chuyện mới có thêm nội dung gắn với đời sống xã hội đương đại.

Nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh cho biết, chính sự khắc nghiệt về điều kiện tự nhiên và xã hội của vùng đất này đã làm cho con người trải qua bao thăng trầm, biến thiên trong cuộc sống; trước những thử thách cam go, họ vẫn giữ được phẩm chất lạc quan, kiên cường, được thể hiện qua những câu chuyện trạng đầy hài hước. Từ những câu chuyện trạng, người dân đã góp phần xây đắp nên bề dày bản sắc văn hóa cho quê hương mình.

Chuyện trạng Vĩnh Hoàng là hiện tượng văn hóa dân gian độc đáo của Vĩnh Linh, là sản phẩm tinh thần có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống Nhân dân, nuôi dưỡng trí tuệ, tâm hồn, ý thức xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đặc điểm của người dân Huỳnh Công Tây và Tây Ba là ứng khẩu nhanh và ứng tác rất giỏi nên sáng tác chuyện rất nhanh. Chuyện trạng Vĩnh Hoàng là kho tàng văn học dân gian có một không hai của Việt Nam, được xem như là một di sản văn hóa phi vật thể, cần được bảo tồn và phát huy.

Bà Lê Thị Anh Chi, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vĩnh Linh cho biết, nói trạng và chuyện trạng Vĩnh Hoàng đã ngấm vào máu thịt của người dân nơi đây, cả làng, cả thôn ai cũng có thể nói chuyện trạng. Tiếp sức bảo tồn cho chuyện trạng Vĩnh Hoàng là những sinh viên ngành xã hội của các trường đại học về Vĩnh Tú tìm hiểu, nghiên cứu. Đặc biệt, người dân địa phương cũng đã tích cực tham gia bảo tồn chuyện trạng với những cách làm độc đáo như vẽ tranh chuyện trạng, thi kể chuyện trạng, tổ chức các đêm đối thoại chuyện trạng cho con cháu nghe. Sự kiện được người dân chào đón là sự ra đời Câu lạc bộ “Chuyện trạng Vĩnh Hoàng” vào giữa năm 2022, có 32 thành viên sinh hoạt định kỳ vào 2 tối mỗi cuối tuần. Nhiều câu chuyện trạng của các nghệ nhân, nhiều ý tưởng của người trẻ đã được chọn lọc, viết lại có cấu tứ, hình ảnh minh họa để chuyện trạng thêm hấp dẫn.

Bà Hoàng Dạ Hương chia sẻ, để du khách thập phương đến xã Vĩnh Tú hiểu được chuyện trạng, bà phải viết mỗi câu chuyện có mở bài, thân bài, kết luận, khi kể thời gian khoảng 3-5 phút, nói dài quá 5 phút thì chuyện sẽ không còn hài hước. Hằng năm, các trường học trong huyện phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng xã tổ chức thi kể chuyện trạng cho học sinh. Những lần thi này bà Hương phải viết nhiều câu chuyện cho phù hợp với độ tuổi các cháu. Từ ngày có câu lạc bộ, có tổ chức sinh hoạt dưới sự chỉ đạo và quản lý của cơ quan chức năng nên chuyện trạng từng bước được bảo tồn, câu lạc bộ tổ chức đào tạo được thế hệ kế tiếp.

Dù nỗ lực cố gắng, nhưng bà Lê Thị Anh Chi và bà Hoàng Dạ Hương băn khoăn chỉ những thành viên câu lạc bộ chưa đủ sức vực dậy một kho tàng văn hóa dân gian phi vật thể sống lại mạnh mẽ. Mong cấp trên quan tâm hơn nữa trong việc bảo tồn chuyện trạng. Hy vọng chuyện trạng Vĩnh Hoàng sẽ được đầu tư để bảo tồn góp phần làm đặc sắc hơn loại hình văn hóa dân gian độc đáo, riêng có của mảnh đất Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Khánh Hưng

Tin liên quan:
  • Lan tỏa chuyện trạng Vĩnh Hoàng đến muôn nơi
    Thành lập Câu lạc bộ Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng

    Sáng nay 30/6, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Câu lạc bộ Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng.

  • Lan tỏa chuyện trạng Vĩnh Hoàng đến muôn nơi
    Chàng trai mang tiếng cười đến muôn nơi

    Là gương mặt diễn viên quen thuộc khi xuất hiện trong nhiều sản phẩm trên Youtube, các tiểu phẩm và chương trình truyền hình ăn khách, Nguyễn Hà Trung (sinh năm 1993) gây ấn tượng với khán giả nhờ khuôn mặt hài hước, lối diễn mộc mạc, chân quê. Nhiều năm qua, anh đã nỗ lực trong hành trình mang tiếng cười đến muôn nơi và trở thành một trong những diễn viên hài đắt show, được nhiều người mến mộ...


Khánh Hưng

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long