Cập nhật:  GMT+7

Ký ức khó phai về thời gian học tập trên đất Bắc

Trong tổng số hơn 32.000 thiếu nhi, học sinh ở miền Nam tập kết ra Bắc học tập tại hệ thống Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc theo chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, có hàng trăm thiếu nhi, học sinh Quảng Trị. Gặp gỡ, trò chuyện với những cựu học sinh ấy, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về hành trình vượt qua mọi gian khó, sự nỗ lực trong học tập, rèn luyện và kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng... Trải qua nhiều vị trí công tác cho đến ngày nghỉ hưu, họ vẫn giữ vững phẩm chất, phát huy truyền thống đoàn kết, nghĩa tình và ngọn lửa cống hiến, làm gương sáng cho con cháu noi theo.

Ký ức khó phai về thời gian học tập trên đất Bắc

Ông Nguyễn Đăng Tam luôn biết ơn Đảng, Bác Hồ và khắc cốt ghi tâm những ân tình sâu nặng của cán bộ, người dân miền Bắc - Ảnh: M.Đ

Nhiều kỷ niệm khó quên

Chúng tôi đến thăm bà Hoàng Thị Kim Lịch (sinh năm 1943) - một cựu học sinh miền Nam trên đất Bắc nay sống tại phường Đông Giang, TP. Đông Hà. Nói về những tháng năm tập kết ra Bắc đầy ắp kỷ niệm, bà bồi hồi kể: “Tháng 10/1954, ba mẹ gọi tôi đến để nói chuyện chuyển ra miền Bắc theo diện con cán bộ kháng chiến và dặn dò cố gắng học tập nên người sau này trở về góp sức xây dựng quê hương. Lúc đó, tôi vui vẻ lắm và mường tượng ra bao nhiêu điều tốt đẹp chờ đợi mình phía trước”.

Tháng 10/1954, Lịch tạm biệt gia đình, theo một cán bộ cách mạng thực hiện hành trình ra Bắc. Những ngày đầu, Lịch mới hơn 10 tuổi cảm thấy vui sướng, quên đi mệt mỏi vì luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo từ các cán bộ cách mạng và được làm quen thêm nhiều bạn bè mới gia nhập đoàn ra Bắc. Đến khi dừng chân lâu ngày ở tỉnh Hà Tĩnh, cô mới cảm thấy nhớ nhà. Lịch tự lên dây cót tinh thần tự nhủ phải mạnh mẽ hơn. Từ đó, Lịch vững bước tiếp tục ra tận Hải Phòng, nhập học Trường học sinh miền Nam số 7.

“Hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là mô hình đào tạo đặc biệt với chính sách ưu tiên cho con em miền Nam. Ở đó, chúng tôi ăn ở tập trung, được trang bị đầy đủ áo quần, sách vở, dụng cụ học tập và đặc biệt là luôn nhận sự quan tâm chăm lo, giúp đỡ về mọi mặt của đội ngũ giáo viên, nhân viên y tế, bảo mẫu”, bà Lịch nhớ lại.

Học sinh miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 đa phần không có ba mẹ đi cùng nên luôn nhận được nhiều tình cảm của thầy, cô giáo, đồng bào miền Bắc. Đó thực sự là những kỷ niệm đẹp theo suốt cuộc đời của họ, để mỗi khi nhắc đến ai nấy đều bồi hồi, xúc động. Mỗi học sinh miền Nam khi ấy luôn biết ơn vì được đào tạo toàn diện, từ học làm người, rèn luyện nhân cách, tính trung thực, lòng biết ơn, ý thức tập thể, tinh thần đoàn kết, sự dấn thân và tinh thần cống hiến...

Ông Đoàn Đình Tánh, nguyên Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị (sinh năm 1945) cho biết: “Tháng 8/1954, tôi và chị gái được mẹ đưa từ quê nhà là xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong ra Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh để nhập đoàn học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Từ biệt mẹ, tôi hứa sẽ cố gắng học tập, rèn luyện tốt.

Khi ấy, dù còn nhỏ nhưng tôi đã ý thức được chuyến đi của mình và bạn bè đồng trang lứa rất đặc biệt, phải cố gắng ăn học thành người để trở về chiến đấu và xây dựng lại quê hương. Hành trình ra Bắc của những cô bé, cậu nhóc lên 8 lên 9 tuổi dẫu nhọc nhằn, vất vả nhưng luôn nhận được sự động viên và tình yêu thương từ các cán bộ và người dân.

Khắc ghi muôn vạn ân tình

Từ những kỷ niệm đẹp khó phai nên suốt 70 năm qua, trong trái tim những học sinh Quảng Trị tập kết ra Bắc luôn giữ trọn vẹn lòng biết ơn sâu sắc đến đồng bào miền Bắc, công ơn của Đảng và Bác Hồ.

Ông Nguyễn Đăng Tam (sinh năm 1945), nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị kể lại: “Lên 9 tuổi, tôi được ra Bắc học tập. Học sinh miền Nam được đối xử như những đứa “con cưng” trong lòng miền Bắc. Bác Hồ và Trung ương Đảng luôn dành sự quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất để ưu tiên cho chúng tôi được học hành bài bản, làm nòng cốt trở về chiến đấu bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương.

Các thầy, cô giáo của miền Bắc thân yêu đã thay cha, thay mẹ chăm lo cho chúng tôi chu đáo từng miếng ăn, giấc ngủ. Được sống trong một môi trường học tập tốt nhất lúc bấy giờ, tôi luôn biết ơn Đảng, Bác Hồ và khắc cốt ghi tâm những ân tình sâu nặng của cán bộ, người dân miền Bắc”.

“Chúng tôi được sống, học tập và nên người là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ và sự đùm bọc, chở che, dạy dỗ của các thầy, các cô cũng như đồng bào miền Bắc. Vì thế trong mỗi suy nghĩ, việc làm của tôi đều luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng và ra sức thi đua học tập, rèn luyện tốt để xứng đáng với ân tình sâu nặng đó...”, bà Kim Lịch xúc động nói.

Quả đúng như vậy, suốt quãng đời học sinh, sinh viên, Kim Lịch luôn là một tấm gương sáng trong học tập và xung kích trong các phong trào, hoạt động đoàn; được thầy, cô tin yêu, bạn bè quý trọng. Năm 1965, bà được cấp trên đưa đi học tập tại Trung Quốc hơn 1 năm, rồi trở về học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đến năm 1970, tốt nghiệp đại học, Kim Lịch trở thành cô giáo dạy môn Sinh học.

Hiện thực hóa khát vọng cống hiến

Sau khi học xong Đại học Thủy lợi vào năm 1971, chàng trai trẻ Nguyễn Đăng Tam viết đơn xin đi miền Nam nhưng chưa thành và được phân công về làm cán bộ nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu khoa học Thủy lợi, Bộ Thủy lợi. Đến năm 1973, ông Tam vui mừng khi được điều động trở về Quảng Trị công tác tại Ty Nông lâm ngư thủy. Được bổ nhiệm nhiều công việc khác nhau, ở vị trí công tác nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để lại nhiều dấu ấn về tinh thần làm việc đầy tâm huyết, trách nhiệm.

Cũng như ông Tam, sau những tháng ngày học tập, rèn luyện nơi đất Bắc, bà Lịch vui mừng khôn xiết khi được cấp trên đồng ý cho trở về quê hương. Lúc bấy giờ, dù đã có việc làm ổn định ở Hòa Bình, nhưng cô giáo Kim Lịch không so đo tính toán thiệt hơn mà nhanh chóng lên đường, bởi hai tiếng “quê hương” đầy thiêng liêng đang thúc giục.

Hàng trăm cựu học sinh Quảng Trị trưởng thành từ các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc trở về đều mang theo biết bao hoài bão và mong muốn góp sức mình vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương. Những phẩm chất quý báu của học sinh miền Nam luôn được họ thể hiện rõ trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Ông Đoàn Đình Tánh cho hay, năm 2000, Ban liên lạc học sinh miền Nam tỉnh Quảng Trị được thành lập với khoảng 320 thành viên chính thức. Nhiều học sinh miền Nam người Quảng Trị trở thành cán bộ chủ chốt trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục... với những đóng góp quan trọng trong từng vị trí công tác. Tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau luôn được phát huy; trực tiếp đóng góp tiền của và vận động thêm nhiều nguồn lực xây nhà tình nghĩa cho các gia đình có công với cách mạng, tặng quà cho người nghèo...

Đến khi nghỉ hưu, nhiều người vẫn còn hăng hái tham gia và có nhiều đóng góp cho các hoạt động ở địa phương với tinh thần “còn sức khỏe, còn cống hiến”. Trong mỗi gia đình, họ là những tấm gương sáng về việc dạy dỗ, chăm sóc, nuôi dạy con cái nên người, trong đó nhiều người có con, cháu thành đạt, hiện đang giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ: “Tôi luôn tự hào về ba mình và những học sinh miền Nam ngày ấy bởi họ được đào tạo trong một môi trường tốt nhất lúc bấy giờ để trở thành những con người tài năng, có bản lĩnh và ý chí, có lý tưởng và hoài bão cao đẹp.

Luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ và sẵn sàng dấn thân vào những nhiệm vụ khó khăn, hiểm nguy để cống hiến cho quê hương, từ đó trao truyền ngọn lửa để thế hệ mai sau không ngừng phấn đấu noi theo, viết tiếp truyền thống cha ông trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Nguyễn Minh Đức

Tin liên quan:
  • Ký ức khó phai về thời gian học tập trên đất Bắc
    K8 - ký ức không phai

    Sau Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954, sông Bến Hải của Quảng Trị trở thành giới tuyến chia cắt hai miền Nam - Bắc. Quảng Trị trở thành chiến trường ác liệt nhất. Trước tình hình này, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định sơ tán học sinh Vĩnh Linh và các huyện bờ nam sông Bến Hải ra Bắc với chiến dịch K8 để các em có điều kiện học tập sau này trở về xây dựng quê hương...

  • Ký ức khó phai về thời gian học tập trên đất Bắc
    Ký ức một thời K8

    Trong ký ức của người dân Vĩnh Linh hôm nay, K8 là một cụm từ thiêng liêng mà khi nhắc đến ai cũng trào dâng niềm xúc động, bồi hồi với những kỷ niệm không thể nào quên. Bước vào năm 1967, tình hình chiến sự ở Vĩnh Linh ngày càng ác liệt. Để ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc vào miền Nam, đế quốc Mỹ đã dùng đủ các loại máy bay, kể cả pháo đài bay chiến lược B52, các loại pháo từ Dốc Miếu, Cồn Tiên, từ các tàu chiến ở ngoài biển ngày đêm trút bom đạn xuống Vĩnh Linh.

  • Ký ức khó phai về thời gian học tập trên đất Bắc
    Rưng rưng ký ức “một thời hoa lửa”

    Cuộc chiến đấu tại Thành Cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm thấm đẫm “máu và hoa” 50 năm trước đã trở thành ký ức không thể nào quên với những cựu chiến binh (CCB) đã trực tiếp tham gia chiến đấu giữ từng tấc đất nơi đây. Mùa hè này, khi những chùm hoa phượng thắm đỏ khoe sắc nơi mảnh đất thị xã Quảng Trị, những người lính năm xưa lại có dịp trùng phùng. Ngày gặp lại đồng đội nơi chiến trường xưa, những người lính với mái đầu điểm bạc lại rưng rưng nhớ về ký ức “một thời hoa lửa” đầy bi tráng...


Nguyễn Minh Đức

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Thắm tình quân - dân trong ngày hội lớn

Thắm tình quân - dân trong ngày hội lớn
2024-11-25 05:40:00

QTO - Từ năm 2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 04/NQ-ĐCT-MTTW, thống nhất lấy ngày 18/11 hằng năm là Ngày hội Đại...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long