{title}
{publish}
{head}
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ -Ảnh: T.L |
Với 29 tuổi đời, hơn 13 năm tham gia cách mạng, 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn 2 năm làm Tổng Bí thư của Đảng, tuy tuổi đời và sự nghiệp ngắn ngủi nhưng đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã để lại cho Đảng và Nhân dân ta một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, niềm tin mãnh liệt ở lý tưởng cách mạng cao đẹp...
Sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở làng Phù Khê, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, nay là phường Phù Khê, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cậu bé Nguyễn Văn Cừ được hưởng sự giáo dục truyền thống khoa bảng, là hậu duệ đời thứ 17 của đại thi hào - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Hoạt động trong các phong trào yêu nước từ rất sớm, năm 1927, khi 15 tuổi, người thanh niên Nguyễn Văn Cừ đã tích cực tham gia tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; năm 1928, tham gia vào các phong trào vận động quần chúng đứng lên đấu tranh chống sự áp bức, bóc lột của đế quốc và bè lũ tay sai.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ có khả năng lý luận sâu sắc và uyên bác. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, các vấn đề lý luận và thực tiễn được giải quyết một cách sáng tạo, nhuần nhuyễn, phù hợp với quy luật vận động khách quan.
Sáng kiến thành lập Mặt trận dân chủ thống nhất Đông Dương đã cho thấy đồng chí là người nắm vững chủ nghĩa Mác-Lênin và quan điểm chỉ đạo của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Từ sự phân tích khoa học, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Đảng ta quyết định không áp dụng mô hình Mặt trận bình dân (kiểu Pháp), cũng không rập khuôn mô hình Mặt trận dân tộc phản đế (của Trung Quốc) mà thành lập Mặt trận dân chủ thống nhất. Chỉ có như vậy mới vừa đoàn kết được giai cấp công nhân, nông dân; vừa thu hút được trí thức và các lực lượng theo xu hướng cải cách dân chủ khác.
Để làm rõ và thống nhất trong toàn Đảng về quan điểm nêu trên, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Các quyền tự do dân chủ với Nhân dân Đông Dương”. Trong tác phẩm này, đồng chí đã đưa ra và giải thích những khái niệm và phạm trù mang tính lý luận như: “Thế nào gọi là tự do dân chủ”, “Tự do dân chủ với dân tộc”, “Tự do dân chủ với giai cấp tư sản”, “Tự do dân chủ với giai cấp vô sản”... Từ việc trả lời những câu hỏi đó, đồng chí kết luận: “Xứ Đông Dương hàng thế kỷ ở dưới chế độ phong kiến, rồi kế đến chế độ thuộc địa áp bức. Chánh sách thuộc địa cấu kết với tàn tích phong kiến để thống trị xứ Đông Dương, nên chi dân xứ này chưa được hưởng cái mùi tự do dân chủ của hiện đại... Vậy, Nhân dân Đông Dương muốn có hưởng các quyền tự do ấy, lẽ tất nhiên phải trải qua tranh đấu”. Đồng chí cũng chỉ ra hình thức đấu tranh: “Căn cứ theo những tình hình cụ thể đó, chúng ta có thể dùng phương pháp đấu tranh có tính chất hòa bình - là chính sách lập mặt trận dân chủ thống nhứt Đông Dương để thực hiện những yêu cầu ấy”. Tác phẩm “Các quyền tự do dân chủ với Nhân dân Đông Dương” đã luận giải được những vấn đề lý luận cơ bản, trên cơ sở đó Đảng ta đưa ra những quyết sách chiến lược, sách lược trong phong trào cách mạng dân chủ.
Năm 1939, trước nguy cơ chủ nghĩa phát xít và Chiến tranh thế giới thứ hai đang đến gần, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương lăm le đàn áp phong trào cách mạng, những phần tử tờ-rốt-kít giả danh cách mạng cũng ra sức chống phá Đảng; trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã tiến hành một cuộc đấu tranh sâu rộng trên mặt trận lý luận. Bên cạnh việc vạch rõ chân tướng của bọn tờ-rốt-kít, đồng chí đã chỉ ra “không thể có thỏa hiệp nào, nhượng bộ nào. Phải dùng mọi cách để lột mặt nạ chúng làm tay sai cho chủ nghĩa phát xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị”.
Trên phương diện đấu tranh củng cố nội bộ, tháng 6/1939, với bút danh Trí Cường, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã cho in và phát hành cuốn “Tự chỉ trích”, đóng góp quan trọng vào công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Lần đầu tiên ở Việt Nam, một Tổng Bí thư của Đảng đã viết: “Những người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng chớ không phải theo đuôi hay phỉnh họ”. Đồng chí nhấn mạnh, dù có sai lầm, có thất bại cũng “phải có can đảm mở to mắt ra nhìn sự thật”. Phê phán những khuynh hướng thiên tả hoặc thiên hữu của một số cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ yêu cầu Đảng phải “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch ra những lỗi của mình mà tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ”.
Tác phẩm “Tự chỉ trích” thể hiện tính minh triết trong tư duy chính trị của một lãnh tụ trẻ tuổi có chiều sâu trong tư duy; phản ánh sự sáng suốt của một tài năng lỗi lạc, dấu ấn đặc biệt của một người cộng sản dù mới chỉ được học tập lý luận chủ yếu trong lao tù đế quốc, nhưng bằng những hoạt động thực tiễn của mình đã khái quát được những vấn đề lý luận cách mạng hết sức sâu sắc, mang tính thời đại và còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Đây cũng là sự đóng góp vô cùng to lớn của Đảng ta trong việc làm giàu hơn kho tàng lý luận của chủ nghĩa MácLênin từ sự đúc kết thực tế của phong trào cách mạng Việt Nam.
Không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, thông qua thực tiễn đấu tranh để rèn luyện, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực tế phong phú với lý luận khoa học, giải quyết đúng đắn những yêu cầu của cách mạng đề ra, nhất là trong những hoàn cảnh khẩn trương, phức tạp. Trong cuộc vận động dân chủ 1936-1939, Đảng ta gặp nhiều trở lực, khó khăn: kẻ thù luôn tìm cách đàn áp, bọn tờ-rốt-kít khiêu khích, phá hoại, một số cán bộ, đảng viên của Đảng bộc lộ những khuynh hướng sai lầm “tả” khuynh, “hữu” khuynh trong chiến lược, sách lược, lệch lạc trong nhận thức... Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã đoàn kết tạo nên một cao trào cách mạng sôi nổi với hàng triệu quần chúng tham gia; đặt tiền đề cho cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới - cao trào vận động giải phóng dân tộc. Thành công đó có cống hiến to lớn về trí tuệ, tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng cao đẹp của Đảng và Nhân dân ta. Toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là một tấm gương mẫu mực về phẩm chất cao quý của người cộng sản, thể hiện ở tinh thần say sưa học tập, rèn luyện và vươn lên không ngừng. Từ lúc bắt đầu hoạt động cách mạng cho đến khi bị thực dân Pháp xử bắn, dù chưa được học ở trường lớp lý luận nào nhưng bằng niềm tin và nghị lực, đồng chí đã trang bị cho mình những hiểu biết sâu rộng về khoa học chính trị và trở thành lãnh tụ cao nhất của Đảng.
Không chỉ là tấm gương sáng về tinh thần tự học tập, rèn luyện trong thực tiễn, đồng chí còn là hình ảnh tiêu biểu của người cán bộ cách mạng liên hệ, gắn bó máu thịt với quần chúng. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ luôn gương mẫu trong cuộc sống; gần gũi, tin tưởng ở quần chúng; có khả năng tập hợp, đoàn kết, động viên quần chúng tham gia cách mạng. Đồng chí cũng luôn nêu cao tinh thần bảo vệ Đảng, bảo vệ khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, phát huy tự phê bình và phê bình để xây dựng Đảng vững mạnh, giữ vững vai trò tiên phong của Đảng, làm cho Đảng thống nhất về tư tưởng, tổ chức và hành động.
Trước kẻ thù và những phần tử phản động, đồng chí luôn kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng. Bị giặc bắt, qua nhiều trận đòn roi, tra tấn dã man của kẻ thù; mặc dù thể trạng không được khỏe, bệnh sốt rét biến chứng ngày càng nặng, nhưng đồng chí vẫn tỏ rõ khí tiết, nêu cao tinh thần kiên trung. Hình ảnh đồng chí hiên ngang, lẫm liệt bước ra pháp trường cùng với nhiều cán bộ lãnh đạo khác của Đảng đã trở thành tấm gương lớn về thái độ bất khuất trước kẻ thù và khí phách can trường của người cộng sản.
Khi được hỏi vì sao Trung ương bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư khi đồng chí chỉ vừa 26 tuổi, ít tuổi hơn nhiều so với các đồng chí khác, đồng chí Lê Duẩn trả lời: Bởi đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một trí tuệ lỗi lạc của Đảng, rất sắc sảo và nhạy bén về chính trị, lại có khả năng đoàn kết, thuyết phục anh em, là một người cộng sản có phẩm chất đạo đức rất trong sáng, được mọi người kính phục.
Giữa lúc phong trào cách mạng của dân tộc đang bước vào thời kỳ mới, ngày 18/1/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt tại đường Nguyễn Tấn Nghiêm, thành phố Sài Gòn. Ngày 23/11/1940, sau khi khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, thực dân Pháp khép đồng chí Nguyễn Văn Cừ vào tội đã thảo ra “Nghị quyết thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương”, “Chủ trương bạo động”, là người có trách nhiệm tinh thần trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ và kết án tử hình đồng chí. Ngày 28/8/1941, đồng chí anh dũng hy sinh tại trường bắn Ngã Ba Giồng, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, thành phố Sài Gòn.
Với 29 tuổi đời, hơn 13 năm tham gia cách mạng, 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn hai năm làm Tổng Bí thư của Đảng, tuy tuổi đời và sự nghiệp ngắn ngủi nhưng đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã để lại cho Đảng và Nhân dân ta một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, niềm tin mãnh liệt ở lý tưởng cách mạng cao đẹp, tình thương yêu, quý mến giai cấp công nhân và Nhân dân lao động; luôn nêu cao tinh thần bảo vệ Đảng, bảo vệ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, phát huy vai trò tiên phong của Đảng, không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, nỗ lực học tập, rèn luyện, suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giành độc lập tự do cho dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân.
Nguyễn Thị Ánh
QTO - Phát huy những thắng lợi đã đạt được trong các thời kỳ cách mạng (1930 - 1931; 1936 - 1939), dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, phong trào đấu...
QTO - Những ngày này, cấp ủy, chính quyền, Nhân dân xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong nỗ lực lập thành tích cao nhất trong lao động sản xuất, trong học...
QTO - Theo nhận xét của Bí thư Đảng bộ Phường 3 Mai Thị Kim Nhung, bà Lê Thị Thiếp, Bí thư Chi bộ Khu phố 7, Phường 3, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị là một...
QTO - Nhiều năm qua ở huyện Gio Linh, phong trào thi đua “Cựu chiến binh (CCB) gương mẫu” đã trở thành một trong những động lực lớn thúc đẩy cán bộ, hội...
QTO - Ngày 5/7/2024, Báo Quảng Trị trang trọng tổ chức kỷ niệm 35 năm xuất bản số báo đầu tiên 13/7 (1989 - 2024). Đây là dấu mốc, tiền đề quan trọng để...
QTO - Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo...
QTO - Lễ hội Vì Hòa bình khai mạc vào tối 6/7/2024 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Đây là sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch...
QTO - Thực hiện phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” năm 2024 với khẩu hiệu hành động “Xây dựng Công an tỉnh Quảng Trị thật sự trong sạch, vững mạnh,...
QTO - Là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị, 35 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ...
QTO - Đảng bộ tỉnh Quảng Trị được thành lập ngày 21/4/1930. Từ đó đến nay, dù trong hoàn cảnh nào, Đảng bộ tỉnh Quảng Trị luôn giữ vững sự đoàn kết thống...
QTO - Nằm ở trung độ của đất nước, suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Quảng Trị từng là tuyến đầu chống giặc ngoại xâm, nơi thắp lên...
QTO - Thời điểm này, nhiều tỉnh duyên hải miền Trung đang long trọng tổ chức kỷ niệm 35 năm lập lại tỉnh: 1989-2024! Từ Khánh Hòa ra đến Quảng Bình là...