Kỳ họp thứ 7- Quốc hội khoá XII, kỳ họp thể hiện tính dân chủ, phản biện và đồng thuận cao
* Đồng chí PHẠM ĐỨC CHÂU, UVTVTU, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị trả lời phỏng vấn
- Thưa đồng chí Phạm Đức Châu, sau gần một tháng làm việc nghiêm túc, khẩn trương và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII đã kết thúc tốt đẹp. Đề nghị đồng chí cho biết tâm tư, nguyện vọng của cử tri sau kỳ họp này? - Sau kỳ họp thứ 7- Quốc hội khóa XII, qua các cuộc tiếp xúc cử tri và lắng nghe dư luận, chúng tôi thấy rằng, nhân dân rất quan tâm đến các kỳ họp của Quốc hội, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vai trò điều hành của Chính phủ. Về tâm tư, nguyện vọng, nhiều cử tri là nông dân mong muốn Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn nữa đến chính sách phát triển Nông nghiệp- nông dân-nông thôn, có những đề án cụ thể thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng để nông dân sản xuất nông nghiệp thu được lợi nhuận khá từ cây trồng và vật nuôi. Những tháng còn lại của năm 2010, ngoài những vấn đề về kinh tế, người dân mong muốn Chính phủ rà soát lại việc thực hiện các chính sách xã hội về y tế, giáo dục, người có công với nước... để có sự điều chỉnh hợp lý, sát đúng với thực tiễn.
 |
Đại biểu Phạm Đức Châu phát biểu tại kỳ họp thứ 7- Quốc hội khóa XII. Ảnh: TL |
Tiếp xúc với đội ngũ cán bộ, công chức, đa số cử tri mong muốn bên cạnh việc đầu tư phát triển nâng cao đời sống kinh tế- xã hội thì cần giải quyết thấu đáo, dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân... - Qua theo dõi diễn biến của kỳ họp trên các phương tiện thông tin đại chúng, cử tri đánh giá rất cao hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp, trong đó nổi bật có nhiều nét mới và tính dân chủ cao. Theo đồng chí, nét mới, tính thẳng thắn, dân chủ được biểu hiện như thế nào? - Có thể khẳng định đây là một kỳ họp sôi động, dân chủ, chất lượng cao. Kỳ họp vừa rồi, ngoài việc đánh giá, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế, xã hội, Quốc hội còn bàn đến một đề án rất lớn là đường sắt cao tốc Bắc- Nam từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư lên đến 56 tỷ USD bằng vốn vay và công nghệ nước ngoài. Thời gian xây dựng dự kiến 23-25 năm, khởi công vào năm 2014. Quốc hội đã họp nhiều phiên, bàn bạc rất kỹ, đến phiên cuối cùng thống nhất chưa ban hành nghị quyết đối với đề án này. Giao Chính phủ xem xét tổng thể quy hoạch hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt, đường hàng không, từ đó phân kỳ đầu tư hợp lý. Đối với đề án này, yêu cầu Chính phủ xem xét lại và báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp tới để tiếp tục bàn bạc thêm. Điều đó khẳng định rằng tính dân chủ trong kỳ họp này rất cao. Các đại biểu cũng đã thẳng thắn đóng góp ý kiến tiến tới điều chỉnh một số luật: tách Luật Khiếu nại, tố cáo; ban hành Luật Tố tụng hành chính thay Pháp lệnh giải quyết vụ án hành chính hiện nay. Đây là một điểm mới nhằm chấm dứt tình hình khiếu nại tố cáo kéo dài. Đối với luật này, công dân có thể lựa chọn khiếu nại thẳng đến toà án hành chính chứ không nhất thiết phải qua cơ quan hành chính như quy định trước đây. Hay đại biểu đề nghị Quốc hội tăng trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước bằng việc giải quyết khiếu nại bằng quyết định hành chính thay cho các thông báo, công văn trả lời như trước đây. Theo đó, đại diện của các cơ quan nhà nước có quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính bị khiếu kiện thì người đại diện của cơ quan bị công dân khiếu kiện trước toà án hành chính phải là người có thẩm quyền ký quyết định chứ không phải người phụ trách chuyên môn hoặc cán bộ văn phòng cơ quan. - Được biết, trong kỳ họp Quốc hội này, các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo luật của Quốc hội. Đề nghị đồng chí cho biết cụ thể nội dung đóng góp này? - Chúng tôi tham gia rất nhiều phiên thảo luận đóng góp ý kiến cho một số dự thảo luật. Nhưng theo tôi, nội dung cần thiết nhất hiện nay là Luật Viên chức. Đối với dự thảo Luật Viên chức, cá nhân tôi đã tham gia hai vấn đề quan trọng và được Quốc hội đánh giá cao. Vấn đề thứ nhất , về chế độ hợp đồng làm việc. Theo tôi viên chức Nhà nước không thể làm việc theo chế độ hợp đồng mà phải theo chế độ tuyển dụng. Bởi vì sao? Thứ nhất chúng ta biết trong đơn vị hành chính sự nghiệp, đặc biệt là sự nghiệp công thì quan hệ giữa người lãnh đạo của đơn vị và viên chức thực chất là quan hệ hành chính, mà phương pháp điều chỉnh của nó là phục tùng, mệnh lệnh. Còn nếu như ký hợp đồng thì phương pháp điều chỉnh của nó chủ yếu là phương pháp thỏa thuận. Cho nên vấn đề này về mặt lý luận nó không đúng. Điểm thứ hai, chúng ta biết bản chất của hợp đồng là thỏa thuận và trong khái niệm tại Điều 8 ở đây dự thảo cũng nêu rất rõ. Tôi chưa nói tính chính xác của khái niệm, hợp đồng làm việc là sự thỏa thuận giữa viên chức vừa trúng tuyển, vừa được tuyển dụng với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp và thỏa thuận về chế độ, chính sách, tiền lương và các chế độ đi kèm. Trong khi đó thực chất mà nói thì viên chức nhà nước đang hưởng tất cả các chế độ đó theo quy định của nhà nước, chứ không phải theo sự thỏa thuận của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Bản thân người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập khi ký hợp đồng với viên chức cũng không có một quyền gì để thỏa thuận về các chế độ đó. Mọi chế độ như tôi đã nói là do nhà nước quy định, chứ không phải là viên chức đó có thể đặt ra được. Rõ ràng rất hình thức. Điểm thứ ba , ta nói viên chức nhà nước làm việc theo chế độ hợp đồng nhưng trong thực tế thì họ vẫn được hưởng mọi chế độ chính sách như một người trong biên chế nhà nước. Thực tế từ năm 2003 sau khi có Nghị định 116 và thông tư hướng dẫn đến nay thì những người lao động đã làm việc trước năm 2003 không phải ký hợp đồng lao động, còn sau đó có đơn vị ký, có đơn vị không. Mà Chính phủ chưa có báo cáo nào để nói về cái được và cái không được của chế độ hợp đồng lao động làm việc của viên chức. Nhưng chúng tôi đi thực tế, rõ ràng viên chức rất không đồng tình với chế độ làm việc theo hợp đồng và họ cảm thấy bị phân biệt đối xử khi cùng trình độ đào tạo, khi cùng chế độ thi tuyển, xét tuyển, khi cùng làm việc nhà nước, phục vụ nhân dân. Thậm chí so với công chức họ là những người vất vả hơn rất nhiều. Họ có mặt ở khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, nhất là giáo dục, y tế, từ biên giới đến hải đảo, vùng sâu, vùng xa... viên chức nhà nước là người trực tiếp biến chủ trương chính sách và các quy định của pháp luật trở thành thực tiễn trực tiếp tới người dân. Từ chăm sóc sức khỏe đến học hành... mà họ bị phân biệt đối xử bởi chế độ hợp đồng làm việc thì rõ ràng nếu đánh giá nói rằng như vậy họ phải phấn đấu tốt hơn thì trong thực tiễn ngược lại, họ sẽ không yên tâm để làm việc, mà họ không yên tâm làm việc thì chịu thiệt thòi trước hết là người dân. Thứ tư , chúng ta biết nếu như không yên tâm, làm việc không tốt thì những việc họ làm cho người dân sẽ hạn chế. Như vậy tôi lo lắng hơn, nó ảnh hưởng đến định hướng xã hội chủ nghĩa, bởi vì bản chất của nhà nước ta định hướng là để người dân được hưởng thụ tất cả giá trị do bản chất ưu việt của Nhà nước ta mang lại. Liên quan đến hợp đồng lao động, chúng ta biết trong điều, khoản chuyển tiếp ở Điều 69 có nói tất cả viên chức làm việc trong đơn vị sự nghiệp trước ngày 1/7/2003 thì không phải ký hợp đồng lao động, mà điều kiện chuyển tiếp lâu nay trong thực tiễn pháp luật Việt Nam chuyển tiếp chỉ một thời gian ngắn thôi. Nếu chúng ta đưa quy định chuyển tiếp này vào thì thời gian chuyển tiếp là bao nhiêu, có thể đến 30 năm. Một điều luật quy định chuyển tiếp mà thực hiện đến 30 năm, những người ký hợp đồng năm 2003 mà không ký hợp đồng với họ, đến lúc họ về hưu gần 40 năm nữa, như vậy kéo dài 30 năm, điều kiện chuyển tiếp đối với luật như vậy nó có đảm bảo về mặt nguyên tắc về xây dựng pháp luật hay không? Dự thảo luật đưa ra rất nhiều quy định có liên quan đến ký hợp đồng lao động. Vậy chúng ta chỉ nói những người này không ký hợp đồng lao động nhưng vẫn hưởng quyền và nghĩa vụ như ký hợp đồng lao động, không có ý nghĩa gì về điều kiện chuyển tiếp. Theo tôi, về nguyên tắc đã không ký hợp đồng lao động thì không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp, mà không đóng bảo hiểm thất nghiệp thì nảy sinh mâu thuẫn với các viên chức khác. Trong thực tế hiện nay, mặc dù viên chức không ký hợp đồng lao động mà Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội vẫn hướng dẫn đóng bảo hiểm thất nghiệp nên viên chức họ rất thắc mắc. Việc đảm bảo thống nhất pháp luật theo tôi, Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ những vấn đề này để có quy định xác đáng hơn. - Xin cảm ơn đồng chí! MINH TUẤN (thực hiện)