Mưu sinh nơi cửa biển
(QT) - Bấy lâu nay ngư dân làm nghề chài lưới trên sông ở hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh vẫn xem cảng biển là nơi mưu sinh tốt nhất của mình. Dẫu biết rằng nghề chài lưới lắm nhọc nhằn, vất vả và tiềm ẩn những mối nguy hiểm khó lường, thế nhưng họ vẫn bám sông, bám biển mưu sinh vì duyên nợ với nghề… Nhọc nhằn mưu sinh Theo những người dân nơi đây thì nghề chài lưới trên sông là nghề có thể tiến hành quanh năm, ít phụ thuộc vào thời tiết. Thế nhưng vào mùa nước nổi hay khi những cơn gió mùa đông bắc ùa về khiến tiết trời chớm lạnh là lúc nghề mưu sinh nơi cửa biển cảm thấy thuận lợi nhất.
 |
Chuẩn bị ngư lưới cụ để hành nghề |
Ông Hồ Ngọc Minh, ở khu phố An Đức 2, thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh cho biết: “Mùa gió to, sóng lớn thì tàu thuyền đánh bắt xa bờ phải neo đậu ở bến chứ không dám ra khơi. Vì thế mà một bộ phận ngư dân chuyên đánh bắt ở các ngư trường lớn chuyển sang nghề chài lưới trên sông. Mùa biển động nên một số loài cá sống gần bờ thích vào trú ẩn, sinh sản nơi các kè đá xung quanh cảng biển khá nhiều. Ngư dân vừa có việc làm mà lại có thêm thu nhập”. Mưu sinh nơi cửa biển không cần tàu, thuyền có mã lực lớn mà chỉ cần một chiếc thuyền thúng, thuyền nan là có thể ngược sông ra cửa biển thả lưới. Dụng cụ đánh bắt chỉ là lưới bén, lừ nên nhẹ nhàng hơn việc vây lưới ở giữa biển khơi. Vào mùa này, một ngày mỗi hộ gia đình cũng kiếm được 500-700 nghìn đồng. Công việc cũng khá vất vả bởi cửa biển chật hẹp mà người lại đông, lại phải canh chừng giới hạn thả lưới của nhau để tránh người này thả lưới chồng chéo lên lưới của người kia. Ban đêm người làm nghề chài lưới nơi đây phải thức để canh chừng lưới trong cái lạnh căm căm nơi đầu sóng. “Nếu lưới của mình đan vào lưới thuyền bạn thì mất công để tháo gỡ mà có khi lại xảy ra cãi vã nhau mệt lắm. Thậm chí phải bỏ lưới vì không thể tháo gỡ được là chuyện thường xuyên nên đêm đến chúng tôi dường như thức trắng”, anh Trần Thế Hùng ở thôn Cát Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh cho biết. Những ngày trúng vào mùa di cư, sinh sản của cá tôm đã hết, thủy sản trên sông thưa dần thì đó là lúc mưu sinh nhọc nhằn nhất của ngư dân. Anh Trần Đức Ngọc ở khu phố An Đức 2, thị trấn Cửa Tùng là người có thâm niên đánh bắt nơi cửa sông tâm sự: “Vợ chồng tôi làm nghề thả lừ, lưới bén nơi cửa biển này ngót 15 năm nay, vất vả cũng nhiều mà thu nhập bấp bênh lắm. Hôm nào trúng thì kiếm được 300 đến 400 nghìn còn thường thì 70 đến 100 nghìn là cùng. Có hôm chi phí chỉ đủ tiền đèn dầu”. Dẫu biết thế, nhưng bà con ngư dân vẫn bám sông để mưu sinh bởi chí ít nó cũng đem lại cho họ một mức sống tạm ổn. Người làm nghề chài lưới nơi đây chủ yếu là những người phụ nữ chân yếu tay mềm, hay các lão ngư hết thời đi biển. Họ quyết bám nghề phần để mưu sinh đắp đổi qua ngày và một phần vì nhớ biển khơi. Việc thả lừ, bủa lưới không tuân theo thời gian biểu cụ thể mà phụ thuộc theo con nước và mùa cá di cư. Vì thế, có khi họ bắt đầu công việc từ sáng sớm, lại có khi vào đầu giờ chiều hay chập choạng tối. Họ thường ăn cơm sớm hơn mọi nhà, chuẩn bị chăn màn để ngủ lại giữa lòng sông. Chiều dần buông, trên sông gần khu vực cảng Cửa Việt, Cửa Tùng nhiều thuyền nan đã chuẩn bị buông lưới đón cá trích, cá mòi từ biển vào. “Chúng tôi nắm rất rõ mùa di cư của cá, ví như mùa đánh bắt cá mòi thì từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, mùa đánh bắt cá trích từ tháng 1 đến tháng 3 nên chủ động trong đánh bắt”, anh Nguyễn Văn Nam ở thị trấn Cửa Việt chia sẻ. Theo người dân thì mỗi loài cá phải có một cách đánh bắt riêng. Để đánh bắt cá trích, cá mòi, người đánh bắt cho thuyền ra nơi cửa biển, đợi con nước lên rồi mới thả lưới. Khi thả lưới một đầu biên lưới buộc vào thuyền, đầu biên kia gắn thêm chiếc đèn chớp để làm hiệu trong đêm và khi nước biển dâng sẽ đẩy lưới lùi dần vào sông nên thuyền phải di chuyển theo rồi đợi đến khi thuận lợi sẽ tiến hành thu lưới. Còn đối với thả lừ, lưới bén thì sau khi thả xong, thuyền sẽ neo đậu chờ thu hoạch chứ ít khi thuyền giong theo lưới nên đỡ vất vả hơn. Theo nghề này, bình quân 1 tháng mỗi hộ gia đình cũng thu nhập được 2,5 đến 3 triệu đồng. Số tiền đó tuy không nhiều nhưng đủ giúp họ trang trải kinh tế gia đình và phụ lo cho các con ăn học. Hiểm nguy rình rập Đối với bà con ngư dân chuyên đánh bắt trên khu vực sông và nơi cửa biển thì mùa nước nổi là mùa dễ làm ăn và có thu nhập cao nhất nhưng cũng là mùa nguy hiểm nhất. Khi những cơn mưa rừng nặng hạt và dai dẳng ngày này sang ngày khác làm nước từ sông, khe suối nơi thượng nguồn ồ ạt đổ về xuôi mang theo một lượng tôm, cá có giá trị cao, đó là lúc bà con mưu sinh nơi cửa biển chuẩn bị ngư lưới cụ đón luồng cá từ mọi nẻo sông, suối đổ về và cả luồng cá từ biển vào sông ẩn nấp, sinh sống. Trong dòng nước đục ngầu, cuồn cuộn chảy ấy là rất nhiều tôm cá đang “xốc nước”, cuống cuồng tìm nơi trú ngụ để không khỏi bị đẩy ra dòng nước mặn chát giữa biển khơi. Khi mùa nước nổi về, rất nhiều chiếc xuồng thúng, thuyền nan của ngư dân bất chấp sóng to, nước chảy xiết để thả lừ mưu sinh hay cắm sào giữa dòng sông để giăng lưới đơm đáy, bủa lưới vây. Mùa nước ấy, có ngày ngư dân kiếm cả tiền triệu, nên ai cũng muốn cho thuyền ra giữa dòng nước chảy xiết để làm nghề. Không phải họ không biết những nguy hiểm rình rập nhưng vì “lộc trời” ban phát nên họ bất chấp. Và cũng có những người chủ quan vì ở xứ sông nước, ngay cả đứa trẻ nhỏ cũng biết bơi còn người lớn thì có thừa khả năng bơi từ bờ sông này sang bờ bên kia hay lặn xuống đáy sông sâu bắt tôm, cá thì đuối nước làm sao được. Ấy vậy nhưng sức người có khi không thắng nổi sức mạnh dòng chảy của nước. Ở vùng cửa biển đã từng xảy ra nhiều cái chết thương tâm bởi mưu sinh vào mùa nước nổi. Người dân làm nghề chài lưới xung quanh vùng cảng biển Cửa Tùng vẫn còn nhớ cảnh vật lộn của 2 cha con ông T. (trú tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh) khi rơi vào tâm dòng chảy. Họ vật lộn rồi chìm nghỉm trong dòng nước mặc dù mọi người nỗ lực ứng cứu. Ở xã Gio Việt, (huyện Gio Linh) có trường hợp người vợ phải chứng kiến cái chết của chồng mình trước mắt mà đành bất lực. Mùa nước nổi luôn chứa những mối hiểm nguy rình rập nhưng mấy ai chịu ngồi ở nhà. Chỉ cần đánh bắt được vài con cá chình suối hay đôi ba con cá hanh, cá mú trưởng thành là có được thu nhập khá nên ai cũng muốn xách ngư cụ ra mưu sinh nơi cửa biển nước đang chảy xiết. Trong quá trình đánh bắt thường ngày, đôi khi người dân vẫn gặp phải những hiểm nguy khó lường, nhất là ban đêm. “Mấy năm trước, khi chúng tôi đang đánh bắt vào ban đêm ở trên sông thì một chiếc thuyền khác chạy đến va vào vì chẳng thấy đường. Thuyền chìm, lưới mất may mà vợ chồng tôi bơi được vào bờ”, một lão ngư kể lại. Hiện nay, để tránh tai nạn xảy ra trong đêm nên thuyền nào cũng sử dụng đèn chiếu sáng từ ắc quy để báo hiệu cho các tàu, thuyền lưu thông và để dễ dàng hơn trong thu lưới, gỡ tôm cá. Có đèn cũng là lợi thế giúp người dân tránh xa loài rắn đẻn biển hết sức nguy hiểm chẳng may vướng vào lưới. Loài rắn này sống ở biển khơi, cách bờ 20 đến 30 km nhưng mùa sinh sản, thời tiết nắng ấm có khi lại dạt vài con vào các cửa biển để làm tổ. Theo người dân, nếu bị rắn đẻn cắn thì chẳng có cách nào cứu chữa nổi. Mùa này chưa phải là mùa nước nổi và khi con cá, con tôm từ biển vào theo mùa, người dân nơi đây lại ra cửa biển để mưu sinh. Họ đón lấy chút lộc biển khơi đưa lại để nuôi sống gia đình và nuôi những ước mơ đèn sách của con em... Bài, ảnh: NHƠN BỐN