Cập nhật: Thứ 4, 14/11/2018 | 13:33 GMT+7

Kì bí Brai

(QT) - Từ ngã ba tượng đài chiến thắng Khe Sanh (huyện Hướng Hóa) rẽ phải theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây thêm một giờ đồng hồ nữa là trung tâm xã Hướng Lập hiện ra bên con sông Sê Băng Hiêng uốn mình như cố nán lại trước lúc chảy ngược sang nước bạn Lào. Đây là địa bàn có nhiều thác nước, hang động hoang sơ tọa lạc giữa rừng, trong đó đầu tiên phải kể đến là hang động Brai với vô số thạch nhũ tuyệt đẹp nằm trên địa phận thôn A Sóc.

Một khối đá đẹp mắt trong hang động Brai

Gửi nhờ phương tiện ở một nhà dân rồi men theo lối mòn dọc sông Sê Băng Hiêng chừng một ki-lô-mét sẽ bắt gặp những triền ngô sai quả, rẫy sắn tốt tươi dưới chân núi Brai. Từ đây, tiếp tục rẽ trái và leo lên một con dốc dài 100 mét là nhìn thấy một gốc núi trơ đá dựng đứng, đó chính là hang động Brai- “nàng tiên” ngủ say đang chờ đánh thức.

Trước cửa hang Brai là những cây rừng cao vút tầm mắt. Giáp mặt cửa hang cũng là lúc chiếc đèn pin mang theo trong ba-lô bắt đầu được dịp “trổ tài” pha chiếu trong hang động mà ánh sáng ban mai khó có thể lọt vào. Nhẹ bước vào hang động Brai chừng mươi mét, qua ánh đèn pin từng khối thạch nhũ hiện ra với đủ hình thù, màu sắc.

Có thạch nhũ đã được vun đắp, kiến tạo từ lâu nên rất lớn, buông thõng xuống tận nền hang. Nhưng cũng có những “búp” thạch nhũ óng ánh như dát vàng vừa bung mình ra khỏi lớp đá núi rắn chắc, tưởng chừng vừa mới “nở” hôm qua. Nhiều khối đá sáng màu đủ hình thù theo thời gian bị bào mòn tạo thành từng vân, thớ lung linh khoe sắc.

Có lúc mải mê ngước nhìn từng khối, từng ngọn, từng “búp” thạch nhũ đủ màu sắc trên cao, người đi chợt khựng lại khi chạm phải vũng nước mát lạnh dưới chân. Phút giây khựng người ấy như lời nhắc nhở rằng chiêm ngưỡng hang động Brai phải chậm rãi, tỉ mẫn, kĩ càng thôi. Như vậy mới có thể thấy hết được vẻ đẹp mà tạo hóa đã bao ngày kì công đục đẽo ban tặng.

Lối đi dẫn vào hang Brai khá rộng và đá núi dưới chân không trơn trượt cho lắm. Càng tiến sâu vào hang động, thạch nhũ xuất hiện ngày một nhiều. Từng giọt nước óng ánh đọng trên ngọn thạch nhũ tích tắc lại nhỏ xuống, chìm lắng vào thinh không. Chốc chốc, bạn đồng hành cho đến bản thân lại vui sướng vỗ vai nhau mà khoe vừa “phát hiện” ra ngọn thạch nhũ cực đẹp hay trong phút giây liên tưởng ngộ ra rằng hình này giống con vật này, con vật kia.

Men theo hang động, thỉnh thoảng người đi sẽ bắt gặp một vài vũng nước trong vắt và ngập chỉ ngang mắt cá chân. Lối đi có đoạn đá chồng lên đá tạo thành những hố hõm nhỏ, nên mỗi bước đi cũng cần phải cẩn thận, dè chừng. Nhưng dù sao, được ngắm nhìn, chìm đắm trong cảnh đẹp kì vĩ ở hang động Brai nên lối đi có khó một chút cũng thấy thỏa lòng.

Núi Brai nơi có hang động đẹp được phát hiện từ bao giờ và vì sao được đặt tên như vậy? Đó là câu hỏi mà nhiều người khi đặt chân đến tham quan hang động này mong muốn được tỏ tường. Tuy nhiên, lời giải đáp cho câu hỏi này không phải ai cũng biết, chỉ còn một vài cụ cao niên người đồng bào Vân Kiều bên bếp lửa âm ỉ cháy thi thoảng vẫn kể lại cho con cháu mình nghe.

Chuyện rằng, xưa kia có một người con gái tóc dài như suối Sê Băng Hiêng tên là Brai đã đem lòng yêu chàng trai vạm vỡ như đá núi tên Tà Păng. Tình yêu của họ sâu nặng như cá không thể thiếu nước, núi không thể vắng cây và chim lạc lõng nếu không có rừng. Tuy nhiên, tình yêu ấy vấp phải sự phản đối quyết liệt của dòng họ, gia đình vì Brai và Tà Păng cùng chung huyết thống.

Biết không thể đến với nhau, một ngày nọ Brai và Tà Păng đã rủ nhau ra sông Sê Băng Hiêng hẹn non, thề biển rồi trầm mình tự vẫn. Khi dân làng phát hiện thì mọi chuyện đã quá muộn màng. Và để chia rẽ mối tình oan nghiệt này, dân làng đã đưa thi thể của Brai, Tà Păng chôn cất ở xa rời nhau.

Theo tích xưa, Brai được dân làng chôn cất ở dưới chân một ngọn núi cao ở phía mặt trời lặn. Tên của nàng được đặt cho ngọn núi cao ấy cùng hang động kì vĩ. Còn Tà Păng được đưa đến chôn ở một ngọn núi cao phía mặt trời lên, nằm bên kia dòng Sê Băng Hiêng và tên của chàng cũng được đặt cho ngọn núi đá lừng lững, cô độc này.

Theo các cụ cao niên, hang động Brai đã được dân làng phát hiện từ xa xưa, nhưng người đi vào hang động sâu nhất chỉ khoảng nửa cây số; nhiều ngóc ngách vì thế chưa được khám phá bởi càng vào sâu lối đi nhỏ hẹp, ngập sâu trong nước. Thời chiến tranh, khi vùng biên xã Hướng Lập được ví như là “cửa tử” bởi địch oanh tạc, đánh phá suốt ngày đêm thì hang động Brai là nơi trú ẩn an toàn cho bộ đội và dân làng. Sau ngày giải phóng, hang động Brai dường như bị bỏ quên, ít người lui tới. Thỉnh thoảng mới có vài người dân địa phương rủ nhau lần mò vào hang để khám phá, thỏa chí tò mò.

Ngày nay, giữa ngọn núi Brai và Tà Păng có cây cầu vững chãi bắc ngang nối đôi dòng Sê Băng Hiêng. Nhìn chiếc cầu vững chắc bắc giữa hai ngọn núi cao, chợt nghĩ có lúc nào đó nàng Brai và chàng Tà Păng gặp lại nhau giữa chiếc cầu này?

Đức Nghĩa



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái rừng
03:15 20/10/2024

Du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên trong các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang là xu hướng mới được giới trẻ quan tâm, ...

Tỏa sáng tài năng nhí

Tỏa sáng tài năng nhí
23:49 09/11/2018

(QT) - Tuy đã khép lại nhưng cuộc thi “Tìm kiếm tài năng nhí Quảng Trị” 2018 do Đài PT-TH tỉnh phối hợp với Nhà thiếu nhi  tổ chức vẫn được đông đảo khán giả nhắc đến. Thành...

Gặp Lào, Việt Nam chỉ cần đá tự tin

Gặp Lào, Việt Nam chỉ cần đá tự tin
00:03 08/11/2018

(NLĐ) - Lào muốn gây sốc ở AFF Cup 2018 nên cách đây 3 tuần mới bổ nhiệm HLV người Singapore Sundramoorthy.Tuy nhiên, giới chuyên môn tin tuyển Việt Nam sẽ có 3 điểm ở trận ra...

Thời tiết

25°C - 31°C
Có mây, có mưa rào
  • 24°C - 34°C
    Có mây, không mưa
  • 24°C - 33°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long