Cập nhật: Chủ nhật, 17/01/2016 | 12:10 GMT+7

Huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia vào công tác đầu tư, bảo tồn và phát triển di sản

(QT) - Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) là một sản phẩm văn hóa tinh thần, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học do con người sáng tạo và xây dựng nên được lưu giữ bằng trí nhớ, chữ viết, truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu giữ khác. Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đã và đang tiến hành tổng điều tra, kiểm kê, nghiên cứu các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn bà CÁI THỊ VƯỢNG, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này. - Thưa bà ! Được biết trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh làm tốt công tác điều tra, kiểm kê DSVHPVT trên địa bàn. Đề nghị bà cho biết công việc đó được triển khai như thế nào?

- Từ năm 2011 đến nay, được sự quan tâm, chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành 5 cuộc tổng điều tra, kiểm kê, nghiên cứu các di sản văn hóa trên địa bàn các huyện: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh và thị xã Quảng Trị. Kết quả bước đầu đã kiểm kê được 187 DSVHPVT bao gồm nhiều loại hình: Lễ hội, nghệ thuật trình diễn, nghề thủ công truyền thống, ngữ văn dân gian, tri thức dân gian... Hiện tại chúng tôi đang tiếp tục điều tra trên địa bàn các huyện Cam Lộ, Hướng Hóa, Đakrông và thành phố Đông Hà. Dự tính đến năm 2017 cuộc tổng điều tra sẽ được hoàn thành trên địa bàn toàn tỉnh. Điều đáng mừng là trong năm 2015, Bảo tàng đã bảo vệ thành công đề tài cấp tỉnh “Di sản văn hóa phi vật thể Quảng Trị”, sau khi hoàn thành đề tài sẽ làm cơ sở về nội dung cho việc xuất bản tập sách “Di sản văn hóa phi vật thể Quảng Trị”. - Bà có thể cho biết về vai trò của DSVHPVT trong đời sống người dân? - DSVHPVT là sản phẩm kết tinh từ tâm hồn, trí tuệ, tài năng, cốt cách và đạo lý của cả cộng đồng trong quá trình sống, lao động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong đời sống con người cũng như trong bản sắc văn hóa của mỗi làng, bản. Đây là tài sản vô cùng quý giá của đất nước, là chất keo gắn kết cộng đồng, là cơ sở để sáng tạo những giá trị tinh thần mới và giao lưu với văn hóa quốc tế. Có thể khẳng định DSVHPVT là phần hồn, là mạch nguồn nuôi dưỡng, là bản sắc, dòng chảy tâm linh tồn tại vững chãi và bền bỉ trong đời sống cộng đồng các thế hệ người Quảng Trị. Bảo vệ, giữ gìn và phát huy kho tàng di sản văn hóa dân tộc là góp phần to lớn vào việc bảo vệ và xây dựng đất nước, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chính vì vậy, việc giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, phát huy giá trị của nó trong đời sống đương đại và thời kỳ hội nhập hiện nay là một yêu cầu hết sức cần thiết. Trên thực tế, các loại hình di sản văn hóa, đặc biệt là văn hóa phi vật thể ngày càng đứng trước nguy cơ bị mai một và mất đi vĩnh viễn vì nhiều lý do khác nhau. Quảng Trị là vùng đất phải hứng chịu nhiều cuộc chiến tranh, thiên tai khắc nghiệt, các làng mạc và công trình tín ngưỡng tâm linh của người dân trong đó có di sản văn hóa phi vật thể đã bị tàn phá nặng nề. Chiến tranh buộc nhân dân phải ly tán khắp nơi, điều này dẫn đến hệ lụy là các giá trị di sản văn hóa mà cha ông để lại không được bảo tồn. Bên cạnh đó, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở các làng, bản đa số vẫn đang tồn tại trong trí nhớ, ký ức của một số nghệ nhân tuổi đã cao nên rất dễ bị mai một. Ngoài ra, trước sức ép của nền kinh tế thị trường đang diễn ra một cách mạnh mẽ cùng với sự ảnh hưởng các trào lưu văn hóa nước ngoài, sự thờ ơ của con người, đặc biệt là sự thiếu hiểu biết của một bộ phận thế hệ trẻ đã dẫn đến nguy cơ biến mất các loại hình văn hóa cổ xưa mà cha ông chúng ta đã dày công vun đắp và để lại.

Hội bài chòi làng Ngô Xá Tây, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong - Ảnh: TT

- Vậy các giải pháp về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các DSVHPVT là gì, thưa bà ? - Để bảo tồn và phát huy giá trị các VHDSPVT, cần tuyên truyền sâu rộng các quan điểm, nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đến với người dân, nhằm nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Chính quyền địa phương cần quan tâm và có trách nhiệm hơn nữa đối với việc quản lý các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Có chính sách hỗ trợ kịp thời, tiến hành phục hồi các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đang có nguy cơ thất truyền và mai một trên địa bàn tỉnh.. .Phát huy những mỹ tục truyền thống, đồng thời từng bước loại trừ các hủ tục mang tính chất mê tín dị đoan tránh phiền hà, tốn kém cho người dân. Có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy và giới thiệu văn hóa phi vật thể của tỉnh. Xác định bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, do vậy cần vận động, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, vì quần chúng nhân dân là lực lượng đông đảo, giữ vai trò quyết định sự phát triển của xã hội. Có chính sách phù hợp, kịp thời đối với những doanh nghiệp, cá nhân có những đóng góp tích cực trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bằng hình thức khen thưởng, vinh danh. Xây dựng kế hoạch mở lớp để các nghệ nhân truyền dạy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ. Nâng cao ý thức, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cơ bản cho cán bộ, công chức đảm nhận nhiệm vụ quản lý về di sản văn hóa; tăng cường công tác hoạch định mục tiêu, kế hoạch phát huy giá trị di sản văn hóa cũng như công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời có những định hướng đúng đắn cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phải gắn liền với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công tác điều tra, sưu tầm, kiểm kê... để làm cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin, phổ biến tri thức về lịch sử, giá trị di sản văn hóa; góp phần định hướng và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân, chống lại sự du nhập của các yếu tố văn hóa ngoại lai có ảnh hưởng xấu đến các giá trị văn hóa truyền thống, chuẩn mực trong xã hội. Để phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa các nhân tố văn hóa thấm sâu vào lĩnh vực kinh tế, kinh doanh thì cần thực hiện đồng bộ những chính sách và giải pháp đúng đắn từ phía cơ quan quản lý văn hóa; cùng với sự nỗ lực chung của các ban ngành và quần chúng nhân dân. Một trong những yếu tố quan tâm hàng đầu khi hoạch định chính sách và giải pháp đó là có được quan điểm đúng đắn về xây dựng một nền văn hóa tương ứng, hướng tới những giá trị nhân văn hiện đại chung của toàn dân tộc, nhân loại nhưng vẫn đảm bảo giữ gìn, phát huy những nhân tố tích cực trong văn hóa truyền thống của Việt Nam để văn hóa thật sự là nền tảng, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh tăng trưởng và phát triển bền vững. - Xin cảm ơn bà! THANH TRÚC (thực hiện)



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Đưa di sản đến gần với du khách
22:25 02/02/2024

Quảng Trị hiện có 562 di sản văn hóa vật thể, 342 di sản văn hóa phi vật thể. Xác định đây là tiềm năng, thế mạnh để khai thác phát triển du lịch, thời gian ...

Địa chỉ cần giúp đỡ: Nỗi đau chồng chất

Địa chỉ cần giúp đỡ: Nỗi đau chồng chất
15:29 16/01/2016

(QT) - Cuộc sống gia đình anh Ngô Văn An ở thôn Nhĩ Thượng, Gio Mỹ, Gio Linh (Quảng Trị) lâm vào hoàn cảnh khó khăn, bế tắc kể từ khi anh bị tai biến mạch máu não vào tháng...

Rước họa do kiêng khem quá mức

Rước họa do kiêng khem quá mức
15:24 16/01/2016

(QT) - Mấy hôm nay, bà con xã A. cứ xôn xao chuyện con gái bà Liên vừa sinh con chưa được chục ngày đã phải nhập viện cấp cứu vì bị bỏng trong lúc xông hơ. Các bà lớn tuổi thì...

Hồ Chư, chiếc lá về rừng

Hồ Chư, chiếc lá về rừng
15:16 16/01/2016

(QT) -Một ngày cuối năm, nghe giọng Hồ Chư như ấm nóng cả một buổi chiều mưa lây phây hạt: “Chú về anh, làm chén rượu”. Tôi về, đã thấy Hồ Chư trán nhẫy mồ hôi, đôi mắt hình...

POWERED BY
Việt Long