Cập nhật: Thứ 3, 29/03/2011 | 03:18 GMT+7

Hồi sinh những vườn tiêu

(QT) - Trước những biến động của thị trường cũng như những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, nhiều diện tích hồ tiêu trong tỉnh Quảng Trị đã bị phá hủy để thế chỗ cho những cây trồng khác. Xác định vị thế là một trong những cây công nghiệp chủ lực, nhiều địa phương đã có biện pháp khắc phục kịp thời, từng bước duy trì diện tích hồ tiêu. Nhờ vậy, khi giá hạt tiêu tăng trở lại trong thời gian gần đây, nhiều hộ dân có diện tích cây hồ tiêu được giữ lại, chăm sóc tốt đã có thu nhập khá. Vừa qua, gia đình ông Phan Tạo, thôn Tân Phú, xã Cam Thành, Cam Lộ đã đón một cái tết sung túc nhờ tiêu khô được giá. Ông Tạo cho biết: “Nhà tôi trúng lớn nhờ giá tiêu khô tăng cao lên tới 105.000 đồng/kg. Chỉ tính riêng hơn 3 tạ tiêu bán làm quà tết cũng cho nguồn thu rất khá!”. Với trên 1.500 gốc tiêu trong vườn, trong năm 2010 vừa qua ông Tạo thu vào khoảng 1,5 tấn tiêu khô. Từ đầu mùa, tiêu hạt đã bắt đầu bán được giá trên thị trường, bình quân 80.000 đồng/kg, trừ chi phí ông Tạo thu vào 60-70 triệu đồng. “Nếu hồ tiêu không bị sâu bệnh mà bán được giá như thế này thì ở Tân Phú không đếm xuể người giàu lên nhờ hồ tiêu”, ông Tạo nói với vẻ tiếc nuối. Những năm qua, ông Tạo là người tâm huyết, gắn bó với hồ tiêu nên mới kiên trì giữ được vườn tiêu với trên 1.500 gốc như ngày hôm nay trước “cơn bão” hạ giá và dịch bệnh hoành hành.

Những vườn tiêu được phục hồi tại Cam Lộ.

Nhớ lại mấy năm trước, có thời điểm tiêu hạt rớt giá xuống còn 20.000 đồng/kg, sản lượng tiêu có vụ đạt 4 tấn nhưng sau khi trừ chi phí nhân công và đầu tư chăm sóc, ông Tạo chấp nhận lỗ vốn. Mất giá cùng với dịch bệnh, nhiều hộ trồng tiêu ở đây không đủ kiên nhẫn đã chặt bỏ hoàn toàn các choái tiêu trong vườn để thay thế bằng những cây trồng khác như sắn KM94, cao su, khoai môn…Ông Tạo vẫn quyết tâm giữ lại vườn hồ tiêu với niềm tin đến một ngày tiêu hạt sẽ tăng giá trở lại. Cùng với một số hộ tâm huyết với cây tiêu tại địa phương, ông Tạo đã tìm ra biện pháp phòng chống dịch bệnh kịp thời, tiến hành xử lý đất để trồng mới, duy trì số lượng choái tiêu trong vườn. Dẫn chúng tôi tham quan vườn tiêu xanh mướt vừa kết trái, ông Tạo tự hào: “Là cây công nghiệp chủ lực của vùng đất này nên tôi biết hồ tiêu không phụ công những người gắn bó với nó. Trải qua bao khó khăn, cuối cùng tôi cũng rút ra nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Với mức giá như hiện nay, người trồng tiêu ở vùng đất này sẽ có cuộc sống ổn định hơn”. Phấn khởi, lạc quan khi hồ tiêu tăng giá là tâm lý chung của những người đang duy trì được vườn tiêu ở xã Cam Thành. Ông Nguyễn Anh Đào, thôn Tân Phú cũng đang sở hữu trên 1 ha hồ tiêu đã cho thu hoạch, riêng năm 2010 vừa qua nhờ tiêu khô được giá, ông Đào thu nhập gần 100 triệu đồng. Biết cách chăm sóc, chịu khó quan sát để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời nên đến nay ông đã cơ bản khống chế dịch bệnh trên vườn tiêu của mình. Trên cơ sở vườn tiêu do nông trường Tân Lâm để lại, ông Đào loại bỏ những gốc tiêu quá già, tiến hành cải tạo trồng mới từ năm 1992. Chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc hồ tiêu của mình, ông Đào khẳng định, người trồng tiêu trước hết phải nắm được đặc tính của cây trồng. Với cây tiêu cần giảm tối thiểu phân bón vô cơ, tăng lượng phân hữu cơ hàng năm. Do đặc tính cây ưa sống ở tán rừng thưa nên trồng hồ tiêu rất cần các vành đai rừng phòng hộ, có chế độ tưới và thoát nước hợp lý và có quy trình chăm sóc phù hợp. Nắm được những kỹ thuật cơ bản đó nên vườn tiêu của ông Đào ít chịu ảnh hưởng của sâu bệnh và phát triển tốt. Cũng như Cam Lộ, nhiều hộ trồng tiêu ở Vĩnh Linh cũng rất phấn khởi khi tiêu hạt tăng giá. Mặc dù trong vườn nhà chỉ trồng hơn 200 gốc tiêu nhưng nhiều năm qua đã đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình ông Bùi Công Dưỡng, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh. “Cây hồ tiêu rất thích hợp với đất đỏ ba dan và càng thích hợp hơn với mô hình kinh tế vườn, nếu giá tiêu giữ được như hiện nay hoặc cao hơn thì tôi sẽ cải tạo thêm 3 sào vườn nữa để trồng thêm hồ tiêu”, ông Dưỡng cho biết. Hiện nay, toàn tỉnh có có gần 2.200 ha hồ tiêu, tập trung chủ yếu ở các huyện Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh, Hướng Hóa. Năng suất bình quân đạt trên 1 tấn/ha. Với giá tiêu hạt khô đạt trên 100.000 đồng/kg, bình quân mỗi héc ta hồ tiêu người dân sẽ thu vào 100 triệu đồng, mức thu nhập cao hơn rất nhiều so với một số cây trồng truyền thống khác trên cùng diện tích đất canh tác (trừ cây cao su). Trước những lợi ích mà cây hồ tiêu mang lại cho người dân ở những vùng đất đỏ bazan, nhiều địa phương đã tìm ra và triển khai nhiều biện pháp nhằm phục hồi và phát triển vườn tiêu. Được đánh giá là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển hồ tiêu của tỉnh, Cam Lộ có trên 3.000 ha đất đỏ bazan, có nguồn lao động dồi dào, phát triển hồ tiêu vườn phù hợp với tập quán canh tác truyền thống của người dân. Qua điều tra cho thấy hiện nay ở Cam Lộ tồn tại 4 giống tiêu chủ yếu: Giống Lada Belangtoeng có nguồn gốc từ Inđônêsia; giống Pannijur-1 có nguồn gốc từ Ấn Độ, tiêu Vĩnh Linh và tiêu sẻ Cùa. Thời gian qua, do giá hồ tiêu sụt giảm, người dân giảm đầu tư và đưa quá nhiều cây trồng xen vào vườn hồ tiêu làm phá vỡ hệ sinh thái, tăng nguồn lây lan bệnh. Mặt khác, quá trình lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu của người dân đã dẫn đến cây hồ tiêu suy dinh dưỡng, nhiễm bệnh, chết hàng loạt. Trước tình hình đó, đề án “Phục hồi và phát triển vườn tiêu huyện Cam Lộ giai đoạn 2011-2015” sắp được triển khai sẽ từng bước phục hồi và phát triển ổn định vườn tiêu trên địa bàn, xây dựng thương hiệu sản phẩm tiêu Cam Lộ, mở ra vùng sản xuất ổn định có thu nhập cao, tạo việc làm cho lao động nông thôn. “Đề án được xây dựng trên cơ sở khách quan, thực tế, kế thừa những kinh nghiệm sản xuất của nhân dân kết hợp với tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Đây là yêu cầu bức thiết, phù hợp với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích”, ông Lê Quang Lực, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cam Lộ cho biết thêm. Đối với một số địa phương trên địa bàn tỉnh, cây hồ tiêu là loại cây dễ trồng, cho thu nhập cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện mức sống cho người dân. Từ đó góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Sản phẩm hồ tiêu Quảng Trị cũng đã khẳng định được thương hiệu ở thị trường trong và ngoài nước bởi chất lượng đặc trưng của nó. Bởi vậy, để phục hồi những vườn hồ tiêu mới, ngoài tâm huyết của mỗi người dân rất cần sự hỗ trợ của các ban, ngành liên quan, sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền mỗi địa phương. Bên cạnh việc tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh, người trồng tiêu rất cần một thị trường tiêu thụ để đảm bảo hồ tiêu Quảng Trị có đầu ra và giá cả ổn định. Bài, ảnh: LỆ NHƯ



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Cây hồ tiêu có nguy cơ mất mùa
22:50 02/04/2025

Dù còn vài tháng nữa mới đến thời điểm chính thu hoạch song hiện tại, do ảnh hưởng của thời tiết bất thường suốt thời gian qua khiến hoa cây hồ tiêu bị rụng ...

Không vì giá tiêu cao mà ồ ạt trồng mới
22:10 20/06/2024

Thời điểm hiện nay, nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang thu hoạch cây hồ tiêu. Người dân rất phấn khởi vì giá hạt tiêu khô đang tăng cao. ...

Người chuyên ươm tiêu giống ở vùng Cùa
22:30 27/09/2022

Những năm trở lại đây, nhu cầu về cây tiêu giống để người dân phục hồi, cải tạo diện tích hồ tiêu bị chết do sâu bệnh, mưa bão trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói ...

Người nặng lòng với thương hiệu tiêu Cùa
19:23 06/03/2023

Dù cây hồ tiêu có những lúc thăng trầm theo giá cả thị trường, thiên tai, dịch bệnh nhưng ông Trần Hà, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ hồ tiêu Cùa, huyện Cam ...

Để rừng xanh hơn trên đất nương rẫy

Để rừng xanh hơn trên đất nương rẫy
06:12 28/03/2011

(QT) - Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều biện pháp định canh, định cư, quản lý diện tích đất nương rẫy của đồng bào dân tộc tại vùng núi nhằm bảo vệ rừng và cải...

Người cựu chiến binh tuổi cao chí bền

Người cựu chiến binh tuổi cao chí bền
03:37 28/03/2011

(QT) - Năm nay, cựu chiến binh Vỗ Doa bước sang tuổi 80. Tóc bạc, da mồi nhưng ông vẫn hăng hái giúp đỡ mọi người và chăm chỉ phát triển kinh tế. Bà con thôn A Cha (xã A Xing,...

Tập trung làm tốt công tác tiêm phòng gia súc

Tập trung làm tốt công tác tiêm phòng gia súc
03:26 27/03/2011

(QT) - Với chức năng là chăm sóc và quản lý tình hình sức khỏe và dịch bệnh của gia súc gia cầm trên địa bàn, những năm qua, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị đã làm tốt nhiệm vụ...

Thành lập mới 12 hợp tác xã nông nghiệp

Thành lập mới 12 hợp tác xã nông nghiệp
21:58 24/03/2011

(QT) - Trong năm 2010, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã thành lập mới thêm 12 HTX nông nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực nông-lâm-ngư, phân bố ở các huyện như sau: Vĩnh Linh 4...

POWERED BY
Việt Long