Cập nhật: Thứ 5, 10/01/2019 | 06:42 GMT+7

Hiệu quả từ mô hình trồng rau theo phương pháp canh tác tự nhiên

(QT) - Trong sản xuất rau màu hiện nay, việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học rất phổ biến. Tuy nhiên bên cạnh ưu điểm là mang lại năng suất cao thì những việc làm này còn đưa lại những tác hại như làm ô nhiễm môi trường, tồn dư hóa chất trong sản phẩm làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng. Trước thực tế đó, thời gian qua, Chương trình phát triển vùng huyện Triệu Phong (Dự án Tầm nhìn Thế giới) đã hỗ trợ người dân triển khai các mô hình sản xuất rau an toàn theo phương pháp canh tác tự nhiên (CTTN) và đã thu được những kết quả khả quan.

Tiến sĩ Chang Pyo Lee (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn chăm sóc rau theo phương pháp CTTN

Cùng ông Đào Văn Đức, Trưởng Chương trình phát triển vùng huyện Triệu Phong, chúng tôi đến thăm mô hình trồng rau theo phương pháp CTTN của chị Hoàng Thị Yến ở tại thôn An Trú, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, một trong những vườn “rau mẫu” tại địa phương. Vừa đặt chân đến đầu ngõ, chúng tôi đã thấy một màu xanh của những luống rau đa màu sắc, nhiều chủng loại. Xen giữa vườn cà xanh tốt lúc lĩu quả là những luống rau dền đỏ mơn mởn đang độ thu hoạch. Những luống gừng vừa mới nhú mầm xen kẽ những luống rau lang, cải, xà lách, rau thơm xanh tốt. Trao đổi với chúng tôi, chị Yến cho biết, khoảng giữa năm 2015, chị cùng với 4 hộ trong thôn được Chương trình phát triển vùng huyện Triệu Phong chọn thực hiện mô hình trồng rau, nuôi gà sạch theo phương thức CTTN do tiến sĩ Chang Pyo Lee, người Hàn Quốc chuyển giao. Ban đầu, khi được tập huấn kỹ thuật về trồng rau sạch theo phương pháp CTTN là không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học hay chất kích thích sinh trưởng mà thay vào đó là chỉ sử dụng phân bón hữu cơ hoai mục (phân compost) được ủ từ các phụ phẩm nông nghiệp, cây phân xanh và phân động vật… cùng với chế phẩm dinh dưỡng được lên men vi sinh; còn thuốc trừ sâu bệnh được làm ra dựa trên các nguyên vật liệu sẵn có như gừng, tỏi, ớt, thuốc lá … chị cũng như những hộ khác đều cảm thấy không chắc chắn, mơ hồ, chưa hình dung ra được là sẽ làm như thế nào. Vì vậy, khi chương trình mới triển khai, chị chỉ dám đăng ký làm thử nghiệm mô hình với diện tích 200m2 . Sau khi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình việc thực hiện các chế phẩm dinh dưỡng, thảo mộc, ủ phân compost chị bắt đầu cảm thấy cuốn hút và làm theo. Kết thúc vụ rau đầu tiên, chị nhận thấy khoảnh rau áp dụng theo phương thức CTTN phát triển tốt, không thấy xuất hiện sâu bệnh hại gì. Rau mặc dù không xanh mướt như trước đây canh tác theo cách thông thường nhưng rau ăn có vị đậm đà hơn, bảo quản được lâu hơn và đặc biệt là không phải pha chế thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ sâu bệnh, độc hại cho người sản xuất. Kể từ đó chị mạnh dạn áp dụng phương pháp CTTN cho toàn bộ vườn rau của mình với diện tích 2 sào (1.000m2 ). Khi được hỏi về hiệu quả kinh tế mang lại từ phương pháp CTTN này, chỉ vào những luống cà với diện tích khoảng 200m2 sai quả đang độ thu hoạch, chị Yến bộc bạch: “Trên luống đất này trước đây khi canh tác theo cách thông thường, do chủ yếu là sử dụng phân bón hóa học nên cây mặc dù rất xanh tốt nhưng lại không lâu dài, dễ bị héo nhũn, chết rục, chỉ cho thu hoạch 2 - 3 lứa là cây tàn. Trong khi trồng theo phương pháp CTTN cây mặc dù không xanh đậm nhưng đổi lại cây khỏe mạnh, cứng cây, cho nhiều lứa quả, hầu như không bị chết rục, quả vị ngọt đậm đà hơn. Khi đưa ra thị trường thì rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Với luống cà này tôi bắt đầu thu hoạch từ tháng 3 đến nay, bình quân cứ 3 - 5 ngày thu hoạch 1 lần, được khoảng 20 - 25 kg. Với giá bán dao động 5.000 - 7.000 đồng/kg, thì đã mang lại cho gia đình tôi một khoản thu nhập không nhỏ, ước tính đến hết vụ cũng được 5 - 6 triệu đồng. Còn tính từ lúc gia đình tôi áp dụng phương pháp CTTN trên toàn vườn rau đến nay, mỗi năm cho thu nhập cũng được 30 triệu đồng”.

Với kinh nghiệm của mình, hiện nay vườn rau nhà chị Yến mùa nào cũng xanh tốt. Theo chị, nếu như trước đây khi trồng rau hễ cứ phát hiện có sâu bệnh là chị lại sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ. Mặc dù mang áo quần bảo hộ đầy đủ nhưng mỗi lần phun xong vẫn mệt lả cả người. Trong khi với phương pháp CTTN này thuốc trừ sâu bệnh được tạo ra từ gừng, tỏi, ớt... lên men nên rất an toàn cho con người cũng như môi trường. Có khi đang phun cho luống rau bên này thì luống bên cạnh vẫn thu hoạch rau để bán bình thường, không ảnh hưởng gì cả. “Sau khi biết rau của gia đình tôi được làm theo phương pháp CTTN thì nhiều người đã tìm tới tận vườn để mua về sử dụng, nhiều lúc không có đủ rau để bán. Đồng thời được Cửa hàng Nông sản sạch Triệu Phong tại thành phố Đông Hà đặt hàng sản xuất theo kế hoạch để cung cấp cho cửa hàng với giá cả cao hơn so với thị trường 20%”, chị Yến cho hay.

Trao đổi về hướng làm ăn trong thời gian tới của gia đình, chị Yến cho biết, bên cạnh việc tiếp tục sản xuất rau an toàn theo phương pháp CTTN chị đã đề xuất với Chương trình phát triển vùng huyện Triệu Phong về việc hỗ trợ xây dựng nhà màng nilon đơn giản để có thể trồng rau quanh năm, hạn chế được sâu bệnh. Đồng thời liên kết sản xuất nhằm xây dựng chứng nhận sản phẩm để có giá bán cao hơn, tương xứng với chất lượng và công sức chăm bón, có nơi tiêu thụ ổn định để người dân an tâm sản xuất. “Hiện gia đình tôi đang chuẩn bị nguyên vật liệu làm thử nghiệm nhà màng nilon kín trên 2 luống rau với diện tích khoảng 40 m2 , nếu hiệu quả sẽ làm rộng ra 300 - 500m2 để có được vườn rau khép kín, liên vụ, có được sản phẩm rau sạch quanh năm cung ứng cho Cửa hàng Nông sản sạch và người tiêu dùng được ổn định”, chị Yến cho biết.

Theo ông Đào Văn Đức, tính đến nay đã có 6 nhóm chuyên sản xuất rau theo phương pháp CTTN tại 4 xã gồm Triệu Thượng, Triệu Tài, Triệu Trung và Triệu Trạch với tổng diện tích 20.000m2. Trong đó có 2 nhóm Thâm Triều (xã Triệu Tài) và nhóm Nhan Biều (xã Triệu Thượng) đã phát triển sản xuất theo quy mô tập trung với tổng diện tích 10.000 m2. So với ban đầu, khi mới thực hiện mô hình chỉ có 5 nhóm thử nghiệm với diện tích chỉ 1.000 m2, thì đến nay đã mở rộng diện tích gấp 20 lần, đây là điều đáng mừng bởi người dân đã nhận thức lợi ích mà chương trình mang lại. Ông Đức nhấn mạnh, hiện nay việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học rất phổ biến trong sản xuất rau của người dân. Tuy nhiên, do người dân đôi khi không hiểu rõ về các loại thuốc cũng như cách sử dụng mà lựa chọn và sử dụng theo giới thiệu của người bán hoặc truyền miệng. Điều này dễ dẫn đến việc sử dụng thuốc cấm, sử dụng quá liều lượng và thời gian cách ly không đảm bảo, đây chính là nguyên nhân của các vụ ngộ độc rau quả. Trong khi với phương pháp CTTN này, người trồng nói không hoàn toàn với phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học mà chủ yếu là ứng dụng công nghệ vi sinh, nhân các vi sinh vật có lợi trong đất để lên men và làm ra các chế phẩm vi sinh tưới cho cây trồng nên sản phẩm làm ra hoàn toàn đảm bảo an toàn cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Theo đó, trong quá trình trồng, để rau phát triển tốt thay vì sử dụng phân bón hóa học, nông dân chỉ sử dụng các chế phẩm được tạo ra từ trái cây, cá tạp, xương động vật, vỏ trứng... lên men. Còn để trừ sâu bệnh thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì sử dụng các loại thảo mộc được tạo ra từ gừng, ớt, tỏi… lên men. “Trên cơ sở những kết quả đạt được này, dự kiến trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình này ra các xã trong và ngoài vùng dự án nhằm góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho nông dân”, ông Đức cho hay.

Thúy Trần - Thục Quyên



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Thu nhập khá từ trồng rau sạch
23:33 07/03/2023

“Được địa phương quan tâm tạo điều kiện tham gia lớp học nghề về kỹ thuật trồng trọt, tôi đã đầu tư làm đất để sản xuất rau sạch với các loại giống chất lượng ...

Trả lại màu xanh cho rừng

Trả lại màu xanh cho rừng
23:32 09/01/2019

(QT) - Đến bây giờ, nhiều vùng đất trống, đồi núi trọc của xã Đakrông (huyện Đakrông) dần được đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô phủ xanh bằng các loại cây trồng có giá trị kinh...

Thời tiết

23°C - 31°C
Có mây, không mưa
  • 22°C - 29°C
    Có mây, không mưa
  • 23°C - 30°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long