Góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp, thân thiện và nghĩa tình
(QT) - Với họ, bao giờ cũng vậy, tinh thần vượt khó luôn được thể hiện mọi lúc, mọi nơi, và hiện thực hóa bằng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Càng quý trọng, nâng niu hơn về những tấm gương điển hình ấy chính là họ luôn hướng về cuộc sống cộng đồng bằng cả tấm lòng yêu thương, sẻ chia. Giúp người nông dân vơi bớt nhọc nhằn
 |
Anh Văn Đức Quynh bên thiết bị cơ khí đã từng làm ra nhiều máy móc phục vụ nông nghiệp |
Anh Văn Đức Quynh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nông nghèo khó ở thôn Long Hưng, Hải Phú, Hải Lăng. Học đến lớp 9, anh phải nghỉ học, mở quán sửa xe đạp ven đường kiếm tiền phụ giúp cha mẹ lo toan cuộc sống gia đình. Với số tiền dành dụm được cùng nhiều kinh nghiệm đúc rút trong công việc và cuộc sống, anh mạnh dạn đầu tư mở rộng quán sửa xe thành cơ sở sửa chữa cơ khí, mua thêm nhiều máy móc, thiết bị… nhằm phục vụ tốt mọi nhu cầu sửa chữa từ những cái đơn giản đến phức tạp cho người dân địa phương. Trong ngôi nhà của anh hiện trưng bày rất nhiều bằng khen, giấy khen, những chiếc cúp danh giá và nhiều danh hiệu cao quý khác do các cấp, ngành trao tặng cho anh về thành tích sáng tạo ra nhiều loại máy móc phục vụ lao động, sản xuất đạt hiệu quả cao. Không qua trường lớp đào tạo về lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy móc, thế nhưng những sáng tạo của anh đã được ứng dụng và phát huy hiệu quả, nhất là phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp. Anh Quynh cho biết: “Xuất thân là người nông dân và chứng kiến những người dân vất vả, khó khăn trên đồng ruộng sau mỗi vụ thu hoạch, tôi luôn suy nghĩ phải làm một cái gì đó có ý nghĩa thiết thực để giải phóng sức lao động thủ công cho người dân. Đến tận bây giờ khi đã sáng tạo hàng chục loại máy móc, nhưng tôi vẫn không quên được sản phẩm đầu tiên trong đời, đó là máy tách hạt ngô vào năm 2007. Thành công trong bước khởi đầu đầy khó khăn đã tiếp thêm nhiều động lực quý giá để tôi thêm tự tin trong việc sáng tạo, chế tạo, cải tiến máy móc phục vụ lao động sản xuất cho người nông dân”. Những sáng tạo, cải tiến máy móc của anh Quynh đã khẳng định được “thương hiệu” trên toàn quốc, được ứng dụng rộng rãi trong lao động, sản xuất bởi sự tiện lợi, phù hợp với thực tiễn sản xuất và đặc biệt là giá cả hợp lý. Anh Quynh cho biết, những sáng tạo của anh chủ yếu là phục vụ người nông dân và mong muốn được góp một phần công sức giúp người nông dân có những vụ mùa bội thu, từng bước nâng cao đời sống. Dự tính của anh trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy khả năng sáng tạo để có thêm nhiều loại máy móc mới phục vụ đắc lực mọi nhu cầu của nông dân, góp phần xây dựng nền nông nghiệp quê hương ngày càng hiện đại. Làm giàu cho mình và cho quê hương
 |
Anh Thái Quốc Khánh trong trang trại chăn nuôi |
Anh Thái Quốc Khánh, ở khu phố 4, thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ) là người quyết tâm hiện thực hóa giấc mơ làm giàu từ mảnh đất quê hương. Năm 2009, anh thuê 2 ha đất để phát triển mô hình kinh tế VAC. Sau 2 năm đầu tư nhiều tâm huyết, công sức chăm sóc và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, đàn lợn phát triển nhanh, với tổng đàn lợn 700 con lợn thịt siêu nạc. Anh cho biết: “Với mong muốn phát triển chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường, năm 2012, tôi mạnh dạn áp dụng quy trình chăn nuôi lợn an toàn sinh học áp dụng công nghệ đệm lót sinh học cho hơn 1.700 con lợn thịt với 2.300 m 2 đệm lót sinh học. Tận dụng các phụ phẩm nông sản như trấu, mùn cưa, vỏ lạc, rơm rạ... kết hợp với men Balasa No1, tôi đã thực hiện được quy trình chăn nuôi trên đệm lót lên men có tên là “Quy trình chăn nuôi đệm lót sinh thái: vi sinh hoạt tính” với đệm lót chuồng dày chứa quần thể các vi sinh vật có lợi, có hoạt tính cao, tồn tại cùng nhau lâu dài trên đệm lót, có khả năng phân giải các chất hữu cơ, lên men tiêu hủy phân, nước tiểu làm giảm khí độc và ức chế các vi sinh vật có hại, có tác dụng khử mùi hôi trong chuồng nuôi, tạo môi trường trong sạch, không ô nhiễm, ít ruồi muỗi và vi sinh vật cho hại. Ngoài ra, tôi còn thực hiện cho lợn uống chế phẩm sinh học EM do Hội Nông dân tỉnh cung cấp và hướng dẫn kỹ thuật. Từ đó, đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt, có sức đề kháng cao, giảm thiểu được mùi hôi và nước thải gây ô nhiễm môi trường”. Chăn nuôi theo mô hình này có nhiều ưu điểm, đó là đàn lợn tăng trọng nhanh, ít bị bệnh tật, tiết kiệm công lao động, tiền điện, thuốc thú y... Đầu năm 2013, đàn lợn phát triển lên đến hơn 2.000 con lợn siêu nạc, nuôi trên đệm lót sinh học có diện tích 2.600 m 2 . Tổng thu của gia đình anh trên 1,4 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lãi ròng hơn 685 triệu đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 6 lao động, với bình quân thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng. Từ hiệu quả mô hình chăn nuôi trên đệm lót sinh học, anh Khánh tích cực tuyên truyền, vận động và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trong vùng cùng thực hiện mô hình này, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đoàn đến tham quan, học tập và nhân rộng mô hình. Năm 2013, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh và các cấp, ngành liên quan, anh Khánh đã thành lập HTX Thống Nhất và xây dựng mô hình HTX liên kết với Hội Nông dân. Đây là mô hình điểm áp dụng chăn nuôi lợn an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo chuỗi sản xuất chăn nuôi khép kín, sản phẩm thịt lợn sạch, an toàn, không có chất tạo nạc nên bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân trong và ngoài hợp tác xã. Hiện nay, có 60 hộ tham gia chăn môi mô hình an toàn sinh học trên diện tích 6.700 m2 đệm lót sinh học cho 3.978 con lợn thịt, 5.500 con gà sinh sản và thịt thương phẩm. Hàng năm, sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi xã viên lãi từ 250-300 triệu đồng. Tiếp sức cho những mảnh đời bất hạnh
 |
Ni sư Thích Nữ Nguyệt Liên chăm sóc trẻ em khuyết tật |
Hơn 20 năm qua, Ni sư Thích Nữ Nguyệt Liên trụ trì Tịnh xá Ngọc Lộ (Cam Lộ) đã có nhiều việc làm đầy ý nghĩa, tiếp sức cho những mảnh đời bất hạnh vượt lên nỗi đau bệnh tật, hòa nhập cộng đồng. Hình ảnh và việc làm bằng cả tấm lòng san sẻ yêu thương của ni sư được nhiều người khâm phục. Những ngày đầu năm 1993, Ni sư Thích Nữ Nguyệt Liên được hệ phái Khất sĩ cử ra huyện Cam Lộ với nhiệm vụ khôi phục lại Tịnh xá Ngọc Lộ bị hư hại nặng nề sau chiến tranh. Niềm vui lớn nhất của ni sư chính là đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và có nhiều việc làm giúp đỡ cho những người bất hạnh. Ni sư Thích Nữ Nguyệt Liên tâm sự, mỗi mùa mưa bão đến, ni sư luôn cầu mong người dân không bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, đồng thời chủ động chuẩn bị nhiều suất quà và vận động thêm các tổ chức, cá nhân hảo tâm đến thăm, tặng quà cho những người bị thiệt hại. Khi thấy những em học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học, ni sư đến động viên và trao những suất quà. Những món quà tuy không lớn nhưng lại chứa đựng cả tấm lòng cao cả của ni sư. Đặc biệt, ni sư còn trực tiếp chữa bệnh tại Tịnh xá Ngọc Lộ cho những người khuyết tật, trẻ em nhiễm chất độc da cam/dioxin… Niềm vui lớn nhất của Ni sư Thích Nữ Nguyệt Liên chính là tự tay cắt băng khánh thành và đưa vào sử dụng Cơ sở từ thiện Tịnh xá Ngọc Lộ để hỗ trợ, chăm sóc, phục hồi chức năng trẻ em khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam vào tháng 3/2010. Cơ sở từ thiện Tịnh xá Ngọc Lộ có tổng kinh phí xây dựng hơn 2,1 tỷ đồng từ sự đóng góp, ủng hộ của các tổ chức, đơn vị, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. 5 năm qua, cơ sở đã đón nhận gần 200 trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, nhiễm chất độc da cam, người già... được chăm sóc, phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng. Điều đáng trân trọng ở những việc làm thắm đượm tình người của Ni sư Thích Nữ Nguyệt Liên chính là dù nguồn thu của cơ sở từ thiện chủ yếu làm hương, thuốc còn ít, nhưng ni sư vẫn dồn hết nguồn lực để chăm lo, chữa trị cho những mảnh đời gặp nhiều khó khăn; đồng thời tích cực vận động người dân hướng tấm lòng đến cộng đồng bằng tình cảm, sự sẻ chia để chăm lo cho cuộc sống những người có hoàn cảnh khó khăn. “Chúng tôi rất vui mừng khi việc làm của mình và những tấm lòng hảo tâm đã giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật... vơi bớt nỗi đau, vượt lên mặc cảm, tự ti, hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân hữu ích cho xã hội. Đây cũng chính là những động lực thôi thúc chúng tôi tiếp tục triển khai thêm nhiều việc làm thiện nguyện để mang đến niềm vui, hạnh phúc cho những mảnh đời bất hạnh, góp sức xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp, hạnh phúc trong tình người bao la”, Ni sư Thích Nữ Nguyệt Liên tâm sự. Bài, ảnh: HOÀI NHUNG