Cập nhật: Thứ 6, 01/11/2019 | 10:19 GMT+7

Giữ sắc màu thổ cẩm

(QT) - Thổ cẩm A Bung từng có một thời gian rơi vào quên lãng vì giới trẻ chạy theo xu hướng thời trang với những bộ trang phục hiện đại, phụ nữ trong xã thì không mặn mà với nghề khi sản phẩm dệt ra không có người mua. Nhưng đó là câu chuyện của ngày hôm qua, giờ đây nghề dệt thổ cẩm ở xã A Bung đã có những bước chuyển đáng kể, không những mang lại thu nhập cho người dân mà còn góp phần giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của người Pa Kô ở A Bung.

Giới thiệu nguyên liệu dệt thổ cẩm cho du khách. Ảnh: UBND XÃ A BUNG CUNG CẤP

Chiều muộn, chị Đoàn Thị Nga (45 tuổi) ở thôn Cu Tai 2 vẫn ngồi bên khung cửi để hoàn thành nốt tấm thổ cẩm dệt dở. Chạm vào tấm thổ cẩm mà chị đang dệt, tôi như chạm vào những thanh âm của núi rừng miền Tây, chạm vào một phần sắc màu văn hóa của người dân tộc Pa Kô nơi này. Để giữ được màu thổ cẩm bền mãi theo thời gian, gắn với cuộc sống, sinh hoạt của bà con dân tộc Pa Kô ở đây là nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương và những người phụ nữ như chị Nga.

Chị Nga quê ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế theo chồng sang sinh sống ở xã A Bung mấy chục năm nay và xem đây là quê hương thứ 2 của mình. Hiện chị là tổ trưởng tổ dệt thổ cẩm thôn Cu Tai 2. Chị gắn bó với khung dệt hơn 20 năm, từ thời còn là một thiếu nữ, chị đã được truyền nghề từ mẹ của mình. Tấm vải chị đang dệt dở có chiều dài 3,2 m, đủ may một bộ áo quần. Mất 3-4 ngày chị mới hoàn thành xong tấm thổ cẩm này, mỗi tấm đem bán được 300 ngàn đồng nhưng nếu có đính cườm thì giá sẽ tăng từ 500-700 ngàn đồng. Một tấm thổ cẩm đính hạt mất nhiều công hơn, có khi kéo dài cả tuần mới xong. “Phụ nữ A Bung tranh thủ thời gian rảnh để dệt thổ cẩm, không kể ban đêm hay ngày, những lúc trời mưa không lên rẫy được, ở nhà cũng có việc để làm. Chị em chúng tôi quan niệm rằng, có thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm là ưng cái bụng rồi nhưng ưng hơn là giữ được nét văn hóa đặc sắc của bản làng mình”, chị Đoàn Thị Nga chia sẻ.

Người Pa Kô quan niệm rằng khi sinh ra ai cũng phải có một tấm thổ cẩm làm vật hôn, gắn bó với mình đến hết cuộc đời. Con trai Pa Kô khi lấy vợ, lễ vật cho nhà gái không thể thiếu tấm thổ cẩm. Người Pa Kô mang trang phục thổ cẩm vào những dịp lễ trọng của cuộc đời hay vào dịp lễ hội. Trang phục của người đàn ông có màu sắc sặc sỡ, nhiều hoa văn. Trang phục của người phụ nữ có màu đen và được tô điểm bởi những hoa văn nhẹ nhàng. “Nếu một ngày, sắc màu thổ cẩm nhạt phai trên chính bản làng của người Pa Kô ở A Bung thì nét văn hóa độc đáo của dân tộc Pa Kô cũng phai nhạt đi phần nào. Vì thế, khi tiếng khung cửi lách cách trở lại, chị em chúng tôi thấy có động lực hơn”, chị Nga nói. Lúc nào cũng thế, trong từng tấm thổ cẩm do mình làm nên, chị Nga và nhiều chị em phụ nữ khác trong xã đã dệt vào đó tình cảm, tấm lòng trân quý của mình. Điều quan trọng nhất mà họ mong muốn đó là giữ nghề, giữ một phần sắc màu văn hóa của dân tộc Pa Kô cho con cháu sau này.

Chị Đoàn Thị Nga hoàn thành nốt tấm thổ cẩm. Ảnh: PHH

Năm 2005-2006, dự án Phần Lan tiến hành khảo sát nhu cầu của chị em phụ nữ tại xã A Bung, đa phần đều mong muốn có một địa điểm tập thể để dệt thổ cẩm nên đã hỗ trợ kinh phí hơn 1 tỉ đồng để xây dựng ngôi nhà bên cạnh UBND xã A Bung. Dự án đã mời giáo viên về dạy dệt thổ cẩm cho phụ nữ trong xã. Tuy nhiên sau khi tay nghề khá vững thì chị em ai về nhà nấy, dệt theo nhu cầu của bản thân hoặc bán lẻ. Vấn đề khôi phục lại nghề truyền thống dệt thổ cẩm để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của người dân tộc Pa Kô là một vấn đề cấp thiết được cấp ủy và chính quyền xã A Bung đặt ra. Ban chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kì 2010-2015 đã đưa ra bàn bạc về vấn đề này. Tại Đại hội Đảng bộ xã A Bung nhiệm kì 2015-2020, vấn đề giữ gìn, phát huy nghề truyền thống dệt thổ cẩm được đưa vào nghị quyết. Thực hiện nghị quyết đại hội, UBND xã A Bung đã xây dựng kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 15/8/2018 về việc may và sử dụng trang phục người dân tộc Pa Kô vào các ngày lễ, hội, cưới, hỏi… UBND xã chỉ đạo cán bộ văn hóa tăng cường công tác tuyên truyền, vận động từ cán bộ đến nhân dân, giáo viên, học sinh may và sử dụng trang phục được dệt may từ thổ cẩm. Xã cũng đã thành lập các tổ dệt thổ cẩm, chỉ đạo dệt ra nhiều sản phẩm để phục vụ cho việc may trang phục.

Ông Hồ Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã A Bung cho biết: “Xã đã rà soát chị em phụ nữ có tay nghề để thành lập các tổ dệt thổ cẩm. Hiện xã thành lập được 4 tổ sản xuất thổ cẩm của người Pa Kô với sự tham gia của 25 phụ nữ ở các thôn Cu Tài 1, Cu Tài 2 và Ti Nê… Đẩy mạnh tuyên truyền vận động cán bộ, công chức, giáo viên, học sinh và nhân dân trên địa bàn xã mang trang phục truyền thống của người dân tộc Pa Kô. Thời gian đầu, công tác vận động trên toàn xã chưa đồng đều. Một số hộ gia đình quen mặc trang phục hiện đại, nhất là lớp thanh niên nên việc vận động người dân thay đổi gặp khá nhiều khó khăn”. Ông Hiền đã xây dựng đề tài “Duy trì và phát huy bản sắc văn hóa về trang phục truyền thống của người dân tộc Pa Kô”, trong đó nêu thực trạng và các giải pháp để duy trì nghề dệt thổ cẩm, phổ biến trang phục thổ cẩm trong cộng đồng dân cư và đưa thổ cẩm A Bung ra khỏi bản làng, đến với nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh. Đề án cũng đưa ra các giải pháp để nhân rộng mô hình dệt, may sản phẩm cho đồng bào Pa Kô; đề xuất quảng bá sản phẩm qua các hội chợ trong, ngoài tỉnh và sang nước bạn Lào...

Bước đầu, những nỗ lực của cán bộ, người dân xã A Bung đạt được những kết quả khích lệ. Hiện xã A Bung có hai địa điểm giới thiệu sản phẩm thổ cẩm cho khách hàng. Nếu như trước đây, vào ngày thứ 2 đầu tuần, công chức xã A Bung mang đồng phục trong giờ hành chính (nam giới mang áo, phụ nữ mang áo, váy dài) thì nay đối tượng được mở rộng ra cho giáo viên và học sinh các trường học trên địa bàn. Trong năm 2018, tỉ lệ sinh cán bộ, công chức, gia đình, dòng họ may và sử dụng trang phục thổ cẩm tăng trên 65% so với năm 2017. Năm học 2019-2020, những trường học trên địa bàn xã A Bung đều đồng loạt mang đồng phục thổ cẩm cho giáo viên và học sinh trong ngày khai trường. Với sự vào cuộc của các ban, ngành, tổ chức đoàn thể, công tác tuyên truyền trên địa bàn xã được đẩy mạnh, người dân tự giác tham gia may và sử dụng trang phục ngày một đông hơn. Việc tuyên truyền, vận động được cán bộ làm công tác văn hóa triển khai đến dòng họ, gia đình bằng nhiều hình thức phong phú, dễ hiểu và phù hợp. Trong đó, chú trọng tư vấn, diễn đàn, đối thoại, nói chuyện chuyên đề trực tiếp với nhân dân, nhất là lứa tuổi thanh niên và học sinh… Thông qua đó, trong năm 2019 có 100 lượt người được tiếp cận, tuyên truyền thông qua các buổi họp dân, tiếp xúc cử tri và họp thôn; 40 buổi đối thoại có các ban ngành đoàn thể cấp xã và giáo viên tham gia.

Huyện Đakrông hiện có 3 xã chuyên dệt nghề thổ cẩm, trong đó có hai xã chuyên dệt trang phục truyền thống người Pa Kô và một xã chuyên dệt trang phục truyền thống của người Vân Kiều. Xã A Bung là địa phương có nghề dệt thổ cẩm phát triển nhất huyện. Thổ cẩm A Bung ngoài phục vụ cho nhu cầu của người dân địa phương còn được bán cho các vùng lân cận và có mặt tại các buổi triển lãm trong, ngoài tỉnh. Về A Bung hôm nay, chúng ta có thể thấy những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống được người lớn, trẻ nhỏ mặc bất cứ nơi đâu, thấp thoáng bên những mái nhà sàn; rực rỡ trên sân trường hay gam trầm trên những bộ đồng phục của cán bộ, công chức xã… Trang phục thổ cẩm ở A Bung ngày càng phổ biến, đi vào cuộc sống cộng đồng, chứ không chỉ xuất hiện trong các lễ hội của dân tộc như A Riêu Ping, lễ mừng lúa mới, cưới hỏi...

Hoài Nam



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Đưa sản phẩm dệt thổ cẩm A Bung vươn xa
02:35 10/12/2024

Nghề dệt thổ cẩm ở xã A Bung, huyện Đakrông có truyền thống lâu đời. Những tấm vải thổ cẩm đủ màu sắc, hoa văn tinh xảo được làm ra từ những đôi bàn tay tinh ...

Cần lối mở cho nghề dệt thổ cẩm ở A Bung
22:48 23/09/2022

Những tấm thổ cẩm đủ sắc màu đẹp mắt được dệt nên bởi đôi bàn tay tinh tế của người phụ nữ Pa Kô ở xã A Bung, huyện Đakrông, từ lâu là niềm tự hào của người ...

Giúp thổ cẩm vượt núi
23:10 20/10/2023

Không muốn nghề dệt thổ cẩm bị mai một, thời gian qua, nhiều người Vân Kiều, Pa Kô ở miền Tây Quảng Trị đã sử dụng những cách làm mới để quảng bá, tìm đầu ra ...

Chọn thổ cẩm cho ngày trọng đại
4 giờ trước

Thay vì bộ váy cưới tân thời thường thấy, ngày càng nhiều bạn trẻ Vân Kiều, Pa Kô đã trở lại chọn trang phục thổ cẩm cho hôn lễ của mình. Tín hiệu vui ấy góp ...

Những “sứ giả” văn hóa giữa đại ngàn

Những “sứ giả” văn hóa giữa đại ngàn
03:06 01/11/2019

(QT) - Giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, mỗi người mỗi việc nhưng họ được xem là những “sứ giả” luôn đi đầu, dấn thân với niềm đam mê văn hóa, con chữ của dân tộc mình. Từ đam...

Đakrông, vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa

Đakrông, vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa
02:21 01/11/2019

(QT) - Huyện miền núi biên giới Đakrông là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa từ thời tiền sử, nằm về phía tây nam của tỉnh Quảng Trị, là mảnh đất con người lập nghiệp từ rất sớm...

Bóng chiều qua biển vắng

Bóng chiều qua biển vắng
01:03 26/10/2019

(QT) - Trong kí ức tuổi thơ yên đằm của tôi luôn hiện diện hình bóng của lão, cùng chiếc thuyền câu được gắn “động cơ” là đôi tay đen bóng như đồng hun của lão. Chiếc thuyền...

Thương nhớ câu hò trên bến Hiền Lương

Thương nhớ câu hò trên bến Hiền Lương
01:00 26/10/2019

(QT) - Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỉ, song hôm nay đến những làng quê thanh bình hai bên con sông Bến Hải lịch sử, vẫn còn đó biết bao câu chuyện cảm động của những con...

Thời tiết

20°C - 29°C
Nhiều mây, có mưa nhỏ
  • 20°C - 30°C
    Nhiều mây, có mưa nhỏ
  • 21°C - 27°C
    Nhiều mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long