Cập nhật:  GMT+7

Giữ gìn văn hóa dân tộc bằng cả khối óc lẫn trái tim

Từ lâu, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Kray Sức và nghệ nhân Hồ Văn Hồi đã xem việc gìn giữ những tinh hoa cha ông để lại là nhiệm vụ của mình. Mới đây, hai người con của núi rừng Quảng Trị vinh dự được ra Hà Nội, tham gia hội nghị tuyên dương già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người uy tín có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trò chuyện với hai nghệ nhân.

Giữ gìn văn hóa dân tộc bằng cả khối óc lẫn trái tim

-Đầu tiên, xin chúc mừng NNƯT Kray Sức và nghệ nhân Hồ Văn Hồi vừa được tuyên dương, khen thưởng tại hội nghị toàn quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Cảm xúc của hai nghệ nhân như thế nào khi đón nhận tin vui này?

- NNƯT Kray Sức: Tôi rất vui mừng khi được có mặt tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội tham dự hội nghị tuyên dương già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều đóng góp trong hoạt động bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Đến với hội nghị, tôi có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với những người “giữ lửa” văn hóa dân tộc và tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa. Đặc biệt, chúng tôi có cơ hội được gửi gắm đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước những tâm tư, nguyện vọng trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc. Đây là kỷ niệm đẹp mà tôi sẽ không bao giờ quên.

- Nghệ nhân Hồ Văn Hồi: Cũng như NNƯT Kray Sức, tôi rất vui mừng, vinh dự và tự hào khi được lựa chọn tham dự hội nghị do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. So với phần lớn đại biểu, tuổi đời của tôi còn trẻ. Vì thế, tôi chú ý tiếp thu, học hỏi để sau này cống hiến nhiều hơn cho việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

- Thời gian qua, các nghệ nhân đã nỗ lực như thế nào trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình?

-Nghệ nhân Hồ Văn Hồi: Tính đến nay, tôi đã có hơn 20 năm chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Vân Kiều. Buổi đầu, thấy nghề dệt thổ cẩm bị mai một, tôi đã đi học để giữ nghề. Sau nghề dệt thổ cẩm, sự mất dần của những làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống lại làm tôi trăn trở và vào cuộc. Ngoài dệt thổ cẩm, tôi còn biết nhiều nghề truyền thống; sử dụng được khoảng 10 loại nhạc cụ của người Vân Kiều; sưu tầm, gìn giữ hàng chục làn điệu dân ca... Tôi đã đến rất nhiều bản làng để truyền dạy, chia sẻ về những gì mình bảo tồn, gìn giữ được.

Giữ gìn văn hóa dân tộc bằng cả khối óc lẫn trái tim

NNƯT Kray Sức (đứng thứ ba, từ phải sang trái) trò chuyện với các bạn trẻ về những nét đẹp văn hóa của người Pa Kô - Ảnh: T.L

- NNƯT Kray Sức: Tôi đã dành gần nửa cuộc đời mình để bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Pa Kô. Tôi sử dụng nhiều cách như: sưu tầm, sáng tác, tham gia biểu diễn những làn điệu dân ca; chế tác, sử dụng các loại nhạc cụ; tìm hiểu, ghi chép, phục dựng các phong tục, tập quán tốt đẹp; dịch thuật các bài hát lời cổ... Trước đây, tôi từng bán một con trâu để có kinh phí cùng với một số người Pa Kô giàu tâm huyết chụp ảnh, tổ chức một triển lãm nói về cuộc sống, những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Cũng như nghệ nhân Hồ Văn Hồi, tôi đã có cơ hội đến nhiều bản làng của người Vân Kiều, Pa Kô để chia sẻ những gì mình chắt lọc, bảo tồn được. Năm 2015, tôi vinh dự nhận danh hiệu NNƯT.

- Động lực nào thôi thúc các nghệ nhân làm công việc không lương này?

- NNƯT Kray Sức: Theo tôi, mỗi dân tộc đều có một nguồn gốc, lịch sử, dòng chảy và câu chuyện riêng. Đó chính là điều giúp dân tộc ấy tồn tại cho đến hôm nay. Dân tộc Pa Kô cũng vậy. Tôi luôn tự hào khi mang trong mình dòng máu Pa Kô. Chính dòng máu ấy đã thôi thúc tôi luôn muốn được cống hiến cho dân tộc mình. Trong thời gian làm cán bộ văn hóa xã, tôi nhận thấy rằng, nếu văn hóa mất thì người Pa Kô mất nguồn cội. Vì vậy, tôi đã nỗ lực để bảo tồn, gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc mình. Bắt đầu từ sự ý thức, tôi đã thích và yêu quý công việc này lúc nào không hay. Đến giờ, tuy tuổi cao, sức yếu nhưng tôi vẫn nỗ lực để bước tiếp chặng hành trình.

- Nghệ nhân Hồ Văn Hồi: Tôi sinh ra, lớn lên ở bản Pa Nho, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa. Từ lúc còn rất nhỏ, tôi đã thấy mẹ ngồi dệt thổ cẩm, ba thổi khèn bè, còn ông bà hát dân ca... Tình yêu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Vân Kiều trong tôi cứ đắp bồi một cách tự nhiên và gần gũi như thế. Lớn lên, thấy bạn bè đồng trang lứa và lớp trẻ sau này không mấy mặn mà với tiếng nhạc cụ truyền thống, bộ trang phục thổ cẩm, làn điệu dân ca..., tôi cảm thấy canh cánh trong lòng. Vì thế, tôi thấy cần phải hành động để bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc mình. Tôi rất vui mừng khi nỗ lực của mình đã được các cấp, ngành ghi nhận, quan tâm, hỗ trợ.

- Trong quá trình chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc mình, hai nghệ nhân có điều gì trăn trở?

- Nghệ nhân Hồ Văn Hồi: Thời gian qua, các cấp, ngành đã dành nhiều sự quan tâm đến việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, nỗ lực ấy chưa mang về kết quả như mong muốn. Đứng trước nhiều lựa chọn, một số bạn trẻ thường quay lưng với những giá trị tốt đẹp của dân tộc mình. Trong khi đó, các nghệ nhân lại gặp những khó khăn vì không sống được với nghề truyền thống, với đam mê. Hằng ngày, tôi đều dành một buổi để dệt thổ cẩm. Thế nhưng, sản phẩm mà tôi làm ra không phải lúc nào cũng có người mua.

- NNƯT Kray Sức: Tôi từng đến rất nhiều vùng quê, gặp nhiều người Vân Kiều, Pa Kô để truyền lưu các giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh kỷ niệm đẹp, những chuyến đi còn đọng lại trong tôi nhiều trăn trở. Hiện nay, một bộ phận người Vân Kiều, Pa Kô chưa ý thức sâu sắc việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống. Một số người không muốn chia sẻ những nét đẹp mà mình được truyền lại, có được và giúp nó lan tỏa. Việc bảo tồn giá trị truyền thống còn mang tính thời vụ, lúc nào có lễ hội mới rộ lên như cơn mưa rào. Hiện nay, tôi và các nghệ nhân khác đang gặp khó khăn trong việc ghi chép, lưu giữ những thứ mà ông cha để lại.

- Vậy, theo hai nghệ nhân, chúng ta cần phải làm gì để bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc mình?

- NNƯT Kray Sức: Tôi nghĩ, để bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống, ta phải có chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, dài hạn. Bên cạnh đó, việc tạo môi trường thuận lợi, giúp mọi người thấy được cái hay, cái đẹp và ý thức hơn trong việc gìn giữ những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình. Ngoài các lễ hội lớn, chúng ta có thể tổ chức những chương trình quy mô nhỏ hơn như buổi biểu diễn văn nghệ, hội thi... ở bản làng. Hiện nay, một số địa phương, đơn vị đã đưa những nét đẹp văn hóa dân tộc vào các giờ học, buổi ngoại khóa trong trường học. Tôi thấy đây là cách làm hay, cần nhân rộng. Chúng ta cần giúp thế hệ trẻ hiểu, chung tay giữ gìn văn hóa dân tộc bằng cả khối óc lẫn trái tim.

- Nghệ nhân Hồ Văn Hồi: Tôi cũng đồng quan điểm với NNƯT Kray Sức. Tham gia hội nghị do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vừa rồi, tôi thấy các đại biểu còn chia sẻ nhiều kiến nghị rất hay, tương đồng với suy nghĩ của tôi. Cụ thể, các cấp chính quyền cần ban hành các văn bản chỉ đạo để khôi phục, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc; có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí để phục dựng các nét văn hóa truyền thống; tổ chức sưu tầm, lưu giữ, giới thiệu các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian của các dân tộc để quảng bá du lịch; quan tâm phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng... Việc tăng cường đầu tư cho các thiết chế văn hóa ở cơ sở và có chính sách đãi ngộ về vật chất, tinh thần đối với các nghệ nhân, cán bộ làm công tác văn hóa ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng là điều hết sức cần thiết.

- Xin cảm ơn hai nghệ nhân!

Tây Long (thực hiện)

Tin liên quan:
  • Giữ gìn văn hóa dân tộc bằng cả khối óc lẫn trái tim
    Hồ In - “bảo tàng sống” về văn hóa dân tộc Pa Kô

    Ông Hồ In (thường gọi là Côn Giới) ở thôn Kỳ Nơi, xã Lìa, huyện Hướng Hóa được người dân địa phương xem như là một “bảo tàng sống” về văn hóa dân tộc Pa Kô. Ông dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Pa Kô. Đặc biệt, ông am hiểu sâu và thực hành thành thạo các điệu dân vũ, làn điệu dân ca và tất cả các loại nhạc cụ của người Pa Kô. Bằng vốn hiểu biết đó, Hồ In tích cực truyền dạy lại cho thế hệ sau, sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về dân ca, nhạc cụ truyền thống để chung sức giữ gìn, bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của địa phương mình.

  • Giữ gìn văn hóa dân tộc bằng cả khối óc lẫn trái tim
    Lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Vân Kiều, Pa Kô trong ...

    Không thờ ơ, đứng ngoài cuộc, thời gian qua, nhiều cán bộ, giáo viên vùng cao Quảng Trị đã góp sức giúp học sinh người Vân Kiều, Pa Kô giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS A Xing, huyện Hướng Hóa NGUYỄN MAI TRỌNG, một trong những nhà giáo luôn trăn trở, không ngừng nỗ lực đưa ngôi trường của mình trở thành điểm sáng với các mô hình “giữ hồn” dân tộc ý nghĩa.


Tây Long (thực hiện)

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết