Giải thưởng Bùi Dục Tài, từ lượng đến chất
(QT) - Năm 2003, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành quyết định thành lập Giải thưởng Bùi Dục Tài. Đây là giải thưởng cao nhất của chính quyền nhà nước địa phương ở Quảng Trị. Giải thưởng nhằm tôn vinh những người có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, công tác. Đối tượng được trao giải là học sinh, sinh viên có hộ khẩu thường trú tại Quảng Trị; là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hộ khẩu thường trú và làm việc tại Quảng Trị. Hội đồng xét duyệt giải thưởng do UBND tỉnh ra quyết định thành lập gồm Chủ tịch Hội đồng Thi đua- khen thưởng tỉnh làm Chủ tịch hội đồng. Các Phó Chủ tịch hội đồng gồm: Trưởng Ban Thi đua-khen thưởng tỉnh, Chủ tịch Hội Khuyến học, Giám đốc Sở GD-ĐT. Các ủy viên gồm: Chủ tịch LĐLĐ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở KH-CN và các Phó Ban Thi đua- khen thưởng tỉnh... Những năm đầu, đồng chí Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh làm Phó Chủ tịch thường trực hội đồng, sau này chức vụ Phó Chủ tịch thường trực hội đồng được giao cho Trưởng Ban Thi đua- khen thưởng của tỉnh.
 |
Lãnh đạo tỉnh trao Giải thưởng Bùi Dục Tài năm 2012 |
Gần 10 năm qua, quy chế Giải thưởng Bùi Dục Tài đã nhiều lần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế. Những năm đầu, đối tượng, điều kiện để trao giải có phần dễ dàng. Học sinh trung học phổ thông đạt học lực loại giỏi, học sinh chuyên nghiệp đạt loại giỏi; sinh viên đại học có bằng tốt nghiệp loại giỏi (không phân biệt trường công lập hay dân lập) đều được trao thưởng; chỉ cần có bằng thạc sĩ, tiến sĩ là được trao thưởng không cần xem xét kết quả học tập, tốt nghiệp như thế nào. Do quy định thoáng này mà số đối tượng nhận giải thưởng khá nhiều, có năm 30-40 người nhưng cũng có năm lên tới hơn 100 người được trao giải thưởng danh giá của tỉnh, trong đó có những đối tượng không thực sự tiêu biểu như học sinh thi không đỗ vào trường đại học công lập phải vào học các trường đại học dân lập, tư thục, điểm vào trường rất thấp nhưng khi ra trường được ưu ái cho tốt nghiệp loại giỏi, khi trở về địa phương lại được tôn vinh, trao giải thưởng cao nhất của tỉnh. Hoặc trường hợp nhiều em học THPT thực chất học lực không giỏi nhưng có các mối quan hệ quen biết, được thầy cô “cấy điểm” để xếp loại giỏi cũng được trao thưởng. Cách làm này khiến cho giải thưởng có lúc không tạo được uy tín... Tiếp thu ý kiến đóng góp của nhiều đối tượng, những năm sau này, quy chế giải thưởng đã được sửa đổi theo hướng lựa chọn đối tượng để trao giải nghiêm ngặt, chặt chẽ hơn. Chẳng hạn quy chế giải thưởng ban hành ngày 16/1/2013 quy định đối tượng để xét giải thưởng: Đối với học sinh trung học phổ thông, là những học sinh đang học ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh, có đạo đức tốt và đạt 1 trong 3 tiêu chuẩn sau mới được xét trao giải: Xếp học tập loại giỏi trong các năm học và điểm thi tốt nghiệp THPT bình quân từ 9 điểm trở lên đối với tất cả các môn thi; đạt giải 3 trở lên trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc quốc tế; đạt thủ khoa trong kỳ thi vào trường đại học công lập. Đối với sinh viên đại học để xét trao giải phải là sinh viên đại học công lập, hệ chính quy (không áp dụng đối với chương trình đào tạo liên thông và các chương trình đào tạo ở nước ngoài theo chương trình hợp tác của tỉnh), có đạo đức tốt, có điểm bình quân toàn khóa từ 9 điểm trở lên. Đối với thạc sĩ, tiến sĩ: Là những người bảo vệ thành công luận án thạc sĩ, tiến sĩ có điểm bình quân các môn học và điểm bảo vệ luận văn từ 9 trở lên đối với thạc sĩ; đối với tiến sĩ được hội đồng chấm luận án tiến sĩ công nhận đạt yêu cầu khi có 6/7 hoặc 5/6 thành viên hội đồng có mặt bỏ phiếu tán thành hoặc được xếp loại xuất sắc. Loại hình đào tạo thạc sĩ yêu cầu học tập trung ở các trường công lập, đầu vào là đại học chính quy loại giỏi, đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài nếu theo quy định không có điểm bảo vệ luận văn thì lấy điểm bình quân các môn học theo thang điểm nước ngoài nhưng phải đạt theo thang điểm Việt Nam từ 9 điểm trở lên. Đối với công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Quảng Trị: Kết quả học tập có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi (tất cả các loại hình đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, không xét hình thức đào tạo từ xa) có điểm bình quân các môn học từ 9 trở lên. Cùng với thay đổi nội dung, tiêu chuẩn xét trao giải, thì mức tiền thưởng cũng đã được nâng lên, giải thưởng dành cho học sinh phổ thông từ 2.000.000 đồng lên 3.000.000 đồng, học sinh đạt giải nhất văn hóa toàn quốc từ 5.000.000 đồng lên 6.000.000 đồng, thạc sĩ từ 4.000.000 đồng lên 5.000.000 đồng; tiến sĩ từ 7.000.000 đồng lên 10.000.000 đồng... Do quy chế có thay đổi nên đối tượng được trao giải hàng năm cũng có biến động; năm 2003- năm đầu tiên thực hiện trao Giải thưởng Bùi Dục Tài có 32 người được nhận giải thưởng. Năm 2004 là 50 người. Năm 2011 có 140 người được nhận giải thưởng và năm 2012 khi thực hiện quy chế mới với những yêu cầu chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn nên chỉ xét trao giải cho 15 người. Đó thực sự là chuyển biến từ lượng đến chất, những người được trao giải ngày càng xứng đáng hơn, không còn tràn lan như trước. Qua 10 năm thực hiện trao Giải thưởng Bùi Dục Tài đã góp phần động viên, khuyến khích học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức và người lao động tỉnh nhà vươn lên đạt kết quả cao trong học tập, công tác, từ đó chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh cũng đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Bên cạnh những mặt tích cực, việc tổ chức Giải thưởng Bùi Dục Tài vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục. Cần tổ chức trao giải thường xuyên, hàng năm; không bị gián đoạn như những năm trước, giá trị giải thưởng cũng cần xem xét ở mức độ cao hơn; việc tổ chức bình xét chặt chẽ; trao giải đúng đối tượng; xứng đáng với kỳ vọng của những người đã góp phần xây dựng và tổ chức trao giải thưởng này. Bài, ảnh: HOÀNG NAM BẰNG