Cập nhật:  GMT+7

Giải phóng mặt bằng Dự án đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ: Khơi sức dân mở đường lớn

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án để phát triển KT-XH, cơ sở hạ tầng ở các địa phương luôn là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, khó khăn do liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và sinh kế của người dân, quá trình triển khai thường kéo dài và ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án nếu không có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Triển khai GPMB thực hiện dự án thành phần đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 (Dự án đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ), tỉnh Quảng Trị đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, khơi dậy sức dân, thay đổi trong cách nghĩ, cách làm để thực hiện đạt kết quả cao.

Bài 1: Điểm sáng trong công tác giải phóng mặt bằng

Tháng 1/2023, Dự án đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đi qua hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị có chiều dài 65,5 km, trong đó đoạn đi qua Quảng Trị dài 32,53 km thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ chính thức được khởi công. Số hộ bị ảnh hưởng bởi dự án khoảng 464 hộ. Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân để đẩy nhanh tiến độ GPMB.

Giải phóng mặt bằng Dự án đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ: Khơi sức dân mở đường lớn

Ông Trần Văn Tuyện, thôn Xuân Hòa, xã Gio An, Gio Linh vui mừng vì ngôi nhà mới ở khu TĐC sắp hoàn thiện - Ảnh: LÊ AN

Cán bộ, đảng viên phải đi đầu làm gương

Sau khi được giao nhiệm vụ GPMB, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) Dự án đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, tháng 3/2022, Ban Thường vụ Huyện ủy Gio Linh đã kịp thời ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo GPMB đường cao tốc huyện do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban, thành lập Tổ chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy. UBND huyện đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng GPMB cao tốc của huyện, qua đó chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực phối hợp, tham mưu UBND huyện xử lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Quan điểm khi triển khai thực hiện là cán bộ, đảng viên trong vùng dự án cùng người thân phải là những người đi đầu để làm gương.

Xã Linh Trường phần lớn là đồng bào dân tộc Vân Kiều. Khi dự án đường bộ cao tốc đi qua địa bàn xã, ngoài phạm vi các hộ dân bị ảnh hưởng, vấn đề khó nhất là thực hiện giải phóng khu vực rừng ma, nơi có 51 ngôi mộ của 11 dòng họ người Vân Kiều đang chôn cất, trong đó có những ngôi mộ mới chôn cất được 3 tháng.

Để thực hiện thành công việc khó “chưa từng có trong tiền lệ này”, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Linh Trường Hồ Văn Truyền nhắc lại vai trò đi đầu, tiên phong của ông Hồ Choàng (nay đã mất), đảng viên kỳ cựu của thôn Bến Hà: “Khi có chủ trương GPMB khu rừng ma, ông Choàng đã cùng lãnh đạo huyện, xã chủ động gặp gỡ, tranh thủ ý kiến của các già làng, trưởng bản, người có uy tín, trưởng các dòng họ, bí thư chi bộ các thôn để vận động, tuyên truyền các gia đình thuộc diện phải di dời mồ mả chấp hành. Nói một lần bà con chưa thông, ông kiên trì vận động từng dòng họ, từng hộ dân, nói cái hay, cái đúng để bà con tin và nghe theo”.

Đảng viên Hồ Văn Quyết, năm nay 74 tuổi, người có uy tín ở thôn Cu Đinh nhớ lại: Đó thực sự là một cuộc “cách mạng tâm linh” của người Vân Kiều. Thời điểm đó bà con đều có tâm lý e sợ “con ma” bắt khi đụng đến mồ mã tổ tiên nên không ưng cái bụng khi nhắc đến GPMB. Chính quyền tuyên truyền nhiều lắm, nhưng đại diện các dòng họ đều chưa dám làm.

Sau nhiều lần lãnh đạo địa phương tham gia vận động, Bí thư Huyện ủy lên tận nơi gặp gỡ thân tình với già làng, trưởng bản, người có uy tín, trưởng các dòng họ và người dân để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nghe cán bộ phân tích thấu tình, đạt lý, bà con đã nhất trí. Bản thân tôi cũng nêu gương thực hiện di dời các phần mộ của gia đình và tuyên truyền để bà con làm theo.

Giải phóng mặt bằng Dự án đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ: Khơi sức dân mở đường lớn

Người dân thôn Xuân Hòa, xã Gio An đồng thuận giải tỏa mặt bằng bàn giao cho nhà thầu thực hiện dự án -Ảnh: T.T

Liên quan đến dự án, trên toàn tuyến đoạn qua huyện Gio Linh có 48 trường hợp thuộc diện tái định cư (TĐC) tại chỗ. Trong đó, xã Linh Trường có 18 trường hợp, xã Hải Thái là 21 trường hợp và xã Gio An 9 trường hợp. Đối với xã Linh Trường, để xây dựng khu TĐC cho 18 trường hợp thì buộc phải thu hồi đất trồng rừng lâu năm của các hộ dân khác, điều này đồng nghĩa với việc xã phải thực hiện hai lần GPMB.

Là hộ dân vừa có đất ảnh hưởng buộc phải giải tỏa để thực hiện cao tốc lẫn khu TĐC, đảng viên Hồ Văn Ba, thôn Cu Đinh không khỏi tâm tư: “Gia đình tôi có diện tích đất rừng bị ảnh hưởng nhiều nhất xã, tổng cộng gần 3 ha trồng tràm phải giải tỏa để thực hiện đường cao tốc và khu TĐC.

Đây đều là diện tích trồng tràm từ năm 2008 đến nay, trước đây, mỗi lứa tràm mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng. Nhưng nhận thấy đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, tôi suy nghĩ thấu đáo và cũng động viên bà con là mình hy sinh một chút để có con đường lớn, đừng làm khó cho chính quyền, quê hương mình thay đổi, cuộc sống của thế hệ con cháu sẽ khác hơn”.

Cùng suy nghĩ “đảng viên phải nêu gương vì việc chung”, đảng viên Trần Văn Tuyện, từng có thời gian 9 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Xuân Hòa, xã Gio An, ngoài việc tự nguyện giải tỏa hơn 1.500 m2 đất ở và đất vườn trồng tiêu để thực hiện dự án, ông còn hăng hái tham gia cùng chính quyền địa phương vận động các trường hợp khó khăn trong bàn giao mặt bằng.

“Có một trường hợp người cháu họ, không đồng thuận phương án bồi thường nên mãi không bàn giao mặt bằng, chính quyền địa phương phải đi lại tuyên truyền vận động nhiều lần vẫn chưa có kết quả. Tôi đã chủ động phân tích lý lẽ, chỉ ra cho người cháu hiểu là với diện tích đất chưa được cấp sổ đỏ như vậy, về lý nhà nước chỉ bồi thường 50% giá trị, nhưng ở đây đã xét bồi thường 80% giá trị, như vậy là quá thấu tình đạt lý rồi, nên đồng thuận vì chủ trương chung”, ông Tuyện bộc bạch.

Phương châm “lấy cán bộ, đảng viên làm nòng cốt” để vận động người dân thực hiện đã thực sự mang lại hiệu quả rõ nét.

Lấy công tác tuyên truyền, vận động làm trọng

Bài học quý báu về việc tạo sự đồng thuận, đoàn kết của người dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã căn dặn “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” càng đặc biệt phát huy hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn triển khai công tác GPMB thực hiện các dự án.

Thấm nhuần tinh thần ấy, Đảng bộ, chính quyền các địa phương nơi có Dự án đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đi qua đã và đang nỗ lực triển khai công tác dân vận, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, cùng với quyết tâm của hệ thống chính trị để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành bàn giao mặt bằng thi công.

Tổng chiều dài tuyến chính thuộc Dự án đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ đi qua 3 xã thuộc địa bàn huyện Cam Lộ gồm: Cam Tuyền, Cam Thuỷ và Cam Hiếu là 6,584 km. Để thực hiện dự án, có tổng số 417 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng cần GPMB, 122 trường hợp thuộc diện TĐC, giao đất có thu tiền sử dụng đất tại khu vực TĐC.

Ông Trần Hoài Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết, là địa phương được UBND tỉnh lựa chọn mở đầu cho công cuộc GPMB thực hiện dự án, huyện Cam Lộ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tập trung mọi nguồn lực cho công tác này. Tại vị trí nút giao giữa hai tuyến cao tốc Cam Lộ - Tuý Loan và Vạn Ninh - Cam Lộ được chọn để tổ chức lễ khởi công dự án có 15 hộ dân thuộc địa bàn xã Cam Hiếu bị ảnh hưởng.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai các phương án đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và nhà đầu tư nên chỉ trong vòng hai tuần lễ, các lực lượng chức năng cùng với người dân không kể ngày đêm khẩn trương tháo dỡ nhà cửa, di dời đồ đạc đến nơi ở tạm, hoàn tất GPMB để khởi công dự án.

Giải phóng mặt bằng Dự án đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ: Khơi sức dân mở đường lớn

Các hộ dân có nhà nằm trong khu vực dự án đường bộ cao tốc thực hiện giải tỏa mặt bằng -Ảnh: T.T

Mặc dù không khỏi xót xa vì ngôi nhà vừa mới xây hơn 1 tỉ đồng bị đập đi để giải tỏa mặt bằng, ông Hoàng Kim Bằng, thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu vẫn chấp hành: “Tiếc lắm chứ, vợ chồng tôi gom góp mãi mới xây ngôi nhà này, chưa ở được bao lâu. Nhưng đây là chủ trương của Nhà nước, mình phải chấp hành để xây dựng đường cao tốc vì lợi ích chung. Nhà nước cũng đã quan tâm nguyện vọng của dân để bố trí mặt bằng hợp lý ở khu TĐC, chúng tôi thỏa mãn với các điều kiện bồi thường”.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã nên đến tháng 5/2024, Cam Lộ là địa phương đầu tiên hoàn thành bàn giao 6,584 km tuyến chính, đạt tỉ lệ 100% cho nhà thầu tiến hành thi công.

Trong số 3 địa phương liên quan Dự án đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, Vĩnh Linh là huyện có chiều dài ảnh hưởng lớn nhất với 14,25 km. So với các huyện khác, tiến độ bàn giao mặt bằng tuyến chính và công tác TĐC của Vĩnh Linh còn chậm. Tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận GPMB là cách làm mà huyện Vĩnh Linh sớm thực hiện trước khi dự án khai bắt đầu triển khai. Nhờ đó, cuối năm 2022, đã có 8 hộ dân ở thị trấn Bến Quan và 6 hộ dân ở xã Vĩnh Hà hoàn thành sớm việc bàn giao mặt bằng.

Từ tháng 5-6/2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội huyện đã phối hợp Đảng ủy thị trấn Bến Quan và các xã Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Sơn tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách về công tác GPMB Dự án đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ gắn với tuyên dương điển hình đi đầu trong công tác GPMB.

Cùng với tuyên truyền tập trung, các địa phương đã triển khai gặp gỡ trực tiếp các hộ dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Riêng đối với các chủ sử dụng đất không phải là người địa phương thì có các biện pháp phối hợp với địa phương nơi công dân cư trú làm tốt công tác tuyên truyền, vận động.

Nhờ sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở nên có những trường hợp khó khăn, vướng mắc, chưa có tiền lệ trong công tác GPMB trên địa bàn huyện Gio Linh đã được giải quyết kịp thời. Thông qua các buổi làm việc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân bị ảnh hưởng từ dự án, địa phương đã làm tốt việc di dời 51 ngôi mộ ở rừng ma xã Linh Trường, 2 ngôi mộ tổ dòng họ Trần Đăng ở Gio Sơn nằm trên địa bàn xã Hải Thái, 2 điểm trường trên địa bàn xã Vĩnh Hà, làm việc với Công ty Cao su Quảng Trị và các hộ dân liên quan để GPMB xây dựng khu TĐC ở Gio An...

Bên cạnh đó, Hội đồng GPMB huyện đã gửi các văn bản liên quan đến công tác GPMB cho người dân nghiên cứu, đối chiếu với việc kiểm kê, áp giá đền bù của Hội đồng GPMB huyện thông qua việc họp dân, đo đạc, quy chủ quyền sử dụng đất, kiểm kê cây cối, vật kiến trúc bị ảnh hưởng.

Chủ tịch UBND xã Gio An Nguyễn Văn Song chia sẻ: “Sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện đã giúp địa phương rất nhiều trong việc thực hiện các phần việc liên quan đến GPMB. Chúng tôi ngày đêm bám sát tình hình để họp dân, tuyên truyền, vận động Nhân dân, bất kỳ một trường hợp vướng mắc nào cũng báo cáo kịp thời với lãnh đạo huyện, thậm chí không kể giờ giấc nửa đêm để cấp trên có phương án giải quyết. Nhờ đó, công tác GPMB trên địa bàn xã Gio An được triển khai quyết liệt, có kết quả, giải quyết cơ bản những vướng mắc phát sinh”.

Rút kinh nghiệm từ thực tiễn vướng mắc trong GPMB khi triển khai dự án làm ảnh hưởng tiến độ bàn giao mặt bằng, cấp ủy, chính quyền các địa phương xác định công tác dân vận là giải pháp “mềm”, “đi trước, mở đường” nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân. Từ đó, chú trọng tuyên truyền, minh bạch chính sách bồi thường, GPMB đến người dân, xử lý thấu đáo các kiến nghị, đề xuất và luôn đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết.

Thanh Trúc - Lê An

Bài 2: Quyết liệt, linh hoạt trong xử lý điểm nghẽn

Tin liên quan:
  • Giải phóng mặt bằng Dự án đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ: Khơi sức dân mở đường lớn
    Giải phóng mặt bằng Dự án đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ: Khơi sức dân mở ...

    Các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn là “điểm nghẽn” lớn trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công của tỉnh. GPMB bị ách tắc kéo theo dự án chậm tiến độ và gây ra các hệ lụy khác. Nhiều bài học trong công tác GPMB khi thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ sẽ là kinh nghiệm quý để tỉnh linh hoạt áp dụng đối với các dự án trọng điểm triển khai trong tương lai.

  • Giải phóng mặt bằng Dự án đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ: Khơi sức dân mở đường lớn
    Giải phóng mặt bằng Dự án đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ: Khơi sức dân mở ...

    Theo dự kiến, Dự án đường bộ cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ sẽ hoàn thành vào tháng 6/2025. So với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Trị đã 4 lần trễ hẹn bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ vì nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhiều “điểm nghẽn”, vướng mắc. Đến ngày 4/10/2024, các địa phương đã hoàn thành công tác bồi thường, chi trả tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) và bàn giao mặt bằng sạch được 32,53/32,53 km tuyến chính, đạt 100%. Để tháo nút thắt trong GPMB, Ban Chỉ đạo công tác GPMB tỉnh (Ban Chỉ đạo) đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, các sở, ngành tập trung vào 4 nhóm vấn đề lớn, đó là: lựa chọn cán bộ làm công tác GPMB, tháo gỡ khó khăn về giá đất bồi thường, giải quyết tốt khâu tái định cư và cuối cùng là phải tích cực vào cuộc, phối hợp hỗ trợ các địa phương.


Thanh Trúc - Lê An

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Sức bật và vị thế Việt Nam

Sức bật và vị thế Việt Nam
2024-10-04 07:15:00

QTO - Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc diễn ra ở New York (Mỹ) từ 22.9 đến 26.9.2024 vừa qua, Đoàn cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu đã có bài...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long