Đứa con của bản nghèo
(QT) - Từ bao đời nay, việc làm giấy khai sinh, hộ khẩu, hay cho con đến trường dường như không phải là thứ mà người dân bản nghèo Ka Tăng quan tâm. Cái mà những con người lam lũ, cơ hàn trên bản cần chỉ đơn giản là no cái bụng, ấm cái thân. Thế nhưng, từ khi “tuyên truyền viên” Hồ Văn Ngời rảo khắp bản làng bằng xe lăn để truyền đạt lại cho bà con dân bản những cái hay, cái đẹp thì mọi chuyện đã thay đổi nhanh chóng. Giờ đây, người dân bản Ka Tăng không chỉ hiểu mà còn thấy được tầm quan trọng của những gì mà bấy lâu nay họ xem nhẹ đến lãng quên... Gương sáng giữa núi đồi Hồ Văn Ngời sinh năm 1984, trong một gia đình nghèo và có tới 7 anh em trên bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, Hướng Hoá. Từ lúc cất tiếng khóc chào đời, Ngời đã phải gánh chịu nghịch cảnh với đôi chân dị tật bẩm sinh. Tuổi thơ của em lớn lên trong sự đùm bọc, che chở của gia đình. Khi các bạn đồng trang lứa đã biết đi, biết chạy thì Ngời chỉ có thể lê mình bằng hai tay. Nhiều lúc thấy bạn bè chơi đùa mà lòng Ngời buồn rười rượi. Thế giới bên ngoài của em chỉ là cái nhìn qua ô cửa sổ nhà sàn, nó mông lung, trực cảm và quen thuộc đến nhàm chán. Nỗi buồn của em càng tăng thêm bội phần khi thấy niềm vui của những đứa trẻ trong bản được cắp sách đến trường. Ngày đó, chỉ vì muốn đi học nên Ngời đã bắt đầu tập đi bằng hai tay với đôi chân vắt chéo lên vai, nhưng đôi tay bé tí chẳng thể nào đỡ nổi một thân hình quá nặng so với nó, nên khiến em ngã nhào nhiều lần. Nước mắt đã rơi, máu đã tuôn trên đôi bàn tay nhưng quyết tâm đi được bằng hai tay của Ngời vẫn không lay chuyển.
 |
Hồ Văn Ngời cùng trẻ em bản Ka Tăng đến trường. |
Thấy con quá quyết tâm nên ông Hồ Biên Năng và bà Hồ Thị Thom (ba mẹ của Ngời) đã dìu dắt em từng bước một. Và cứ thế, một ngày, một tháng rồi đến một năm trôi qua, Hồ Văn Ngời đã đi được bằng hai tay khá vững. Ngày ấy Ngời thật vui sướng và bắt đầu nhen nhóm ý định đến trường. Khi biết được ý định của Ngời, cả ba mẹ, anh chị và bà con trong bản đều can ngăn vì nghĩ rằng em không đủ sức để đi bởi đoạn đường từ nhà đến trường dài gần 3 km. Thế nhưng, với khát khao quá mãnh liệt của em, gia đình đã phải đồng ý. Gần 9 tuổi mới bước vào lớp 1, hành trang ngày ấy của cậu học trò tật nguyền là chiếc đòn gỗ buộc vào thân để thế đôi chân và một chiếc cặp nhỏ. Khó khăn là thế, nhưng Hồ Văn Ngời vẫn đến trường đều đặn, kể cả những ngày mưa gió em vẫn đến trường trong sự thán phục của thầy cô, bạn bè. Đến năm lớp 4, khó khăn của Ngời đã giảm đi rất nhiều khi có chiếc xe lắc tình thương đồng hành trên đoạn đường quen thuộc. Từ ngày có xe lắc, Ngời càng quyết tâm hơn trong việc học, năm nào em cũng lên lớp đều đặn. Rồi thời gian trôi qua, Ngời tốt nghiệp THPT trong sự vui mừng, thán phục của gia đình, bạn bè. Tưởng chừng như con đường học tập của em sẽ kết thúc sau khi tốt nghiệp THPT, phần vì khả năng của Ngời khó có thể thi đỗ đại học, với lại có thi đỗ cũng chẳng có tiền mà đi học. Nhưng với suy nghĩ nếu ở nhà thì sẽ phí 12 năm học hành, với lại cũng chẳng phụ giúp được gì cho ba mẹ, Ngời đã thuyết phục gia đình để nộp hồ sơ xin học Trường Trung cấp Mai Lĩnh (thành phố Đông Hà), ngành công nghệ thông tin. Tháng 10/2006, Ngời nhận được giấy báo nhập học của Trường Trung cấp Mai Lĩnh trong sự vui mừng khôn tả. Dù biết được khó khăn khi con đi học, thế nhưng ba mẹ Ngời vẫn ủng hộ con đường mà em đã chọn. Đúng 1 tuần sau, Ngời đón xe về Đông Hà, một mình với chiếc xe lăn và bao sách vở, lương thực của người dân trong bản tặng. Ngời đã lang thang khắp phố để tìm nơi ở trọ. Hết đường này, phố nọ vẫn chưa tìm ra chỗ ở, cuối cùng em được gia đình anh Trương Văn Lai ở phường Đông Lễ giúp đỡ tận tình. Thời điểm đó, Hồ Văn Ngời như trút đi được nỗi lo canh cánh trong lòng, em đã khóc trong hạnh phúc, khóc bởi lần đầu tiên trong đời xa nhà và gặp được những con người nghĩa hiệp như anh Lai. Ngày khai giảng cả trường đều chăm chú nhìn Ngời với ánh mắt ngạc nhiên, tò mò nhưng không vì thế mà Ngời thấy ngại. Ngời hoà đồng khá nhanh và dần dần được bạn bè yêu mến bởi sự thật thà, cần cù và nhẫn nại của em. Trong suốt quá trình học tập ở Trường Trung cấp Mai Lĩnh, tuy không thông minh nhưng lại chăm chỉ, cần cù nên Hồ Văn Ngời đã không thi lại môn nào. Không chỉ thế, các hoạt động thể dục thể thao của trường, tỉnh, em đều tham gia và đạt giải cao. Ở Trường Trung cấp Mai Lĩnh, nói đến môn ném tạ dành cho người khuyết tật thì chẳng ai vượt qua được “đôi cánh tay sắt” của Hồ Văn Ngời. Quá trình đi bằng hai tay từ nhỏ và đi xe lắc, xe lăn đã rèn cho Ngời có được một đôi tay mạnh mẽ, rắn chắc. Trong hai lần Đại hội TDTT dành cho người khuyết tật của tỉnh thì Hồ Văn Ngời vẫn không có đối thủ trong môn ném tạ và ở môn đua xe lăn, xe lắc em cũng giành được 3 huy chương (vàng, bạc, đồng).
 |
Hồ Văn Ngời luôn trau dồi kiến thức để phục vụ dân bản. |
Thấm thoắt 2 năm học xa nhà đã qua, năm 2008, Hồ Văn Ngời tốt nghiệp ra trường. Tấm bằng trung cấp đó không chỉ là niềm vui của Hồ Văn Ngời và gia đình mà còn là niềm tự hào của cả bản làng. Ngời đã trở thành người đầu tiên của bản đi học tiếp sau THPT. Dù từ ngày ra trường đến nay vẫn chưa tìm được việc làm nhưng Hồ Văn Ngời vẫn là một ngọn đuốc sáng giữa bản làng, là một tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vượt lên hoàn cảnh, khát vọng dám nghĩ dám làm để chinh phục cái chữ, công nghệ thông tin, điều mà bấy lâu nay bao thế hệ bản làng chưa làm được. Hồ Văn Ngời được xem như là một người con chung của bản, không chỉ tận tâm vì sự phát triển của quê hương mà còn dìu dắt, động viên, hướng dẫn thế hệ con trẻ của bản làng đến với chân trời trí tuệ. Góp sức khai sáng cho bản làng Bao đời nay người dân bản Ka Tăng luôn sống thành cộng đồng, với nhiều tập tục lạc hậu. Người dân bản chỉ tin vào những gì mà mình thấy tận mắt, sờ tận tay chứ không tin vào những lời nói mà họ cho là “bịa đặt”. Có một thời Ka Tăng là điểm nóng về du canh, du cư với tập tục đốt rừng làm nương rẫy theo mùa, sinh đẻ con cái rất đông và một số người dân vì sức hút của đồng tiền đã vượt biên để vận chuyển hàng hoá trái phép cho kẻ xấu. Cán bộ chính quyền các cấp đã nhiều lần vào tận bản để tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con về pháp lụât, mô hình làm ăn, kế hoạch hoá gia đình, các chính sách của Đảng, Nhà nước nhưng hầu hết bà con dân bản chỉ nghe và... không hiểu. Cái khó của người cán bộ ở đây cũng dễ hiểu bởi đa phần người dân bản không hiểu được tiếng phổ thông và chẳng mấy mặn mà để nghe đến cùng. Thế nhưng từ khi trong bản có cậu bé Hồ Văn Ngời đang học Trường THPT Lao Bảo thì mọi chuyện đã khác hẳn. Hồ Văn Ngời như là một cầu nối trung gian, là người phiên dịch và truyền đạt lại những điều hay, lẽ phải mà Đảng và chính quyền địa phương đã làm cho bản. Trong các buổi sinh hoạt cộng đồng, Ngời như là trung tâm của cả bản. Em đã cùng già làng phân tích, truyền đạt lại các cách làm ăn mới để thay cho thói quen đốt rừng làm rẫy; chỉ rõ cái xấu, cái không tốt của những tập tục lạc hậu để bà con sửa đổi. Không chỉ nói để bà con hiểu mà Hồ Văn Ngời đã đem cả sách vở phổ thông nói về tác hại của việc đốt rừng để diễn giải cho bà con từng li từng tí. Nhờ đó bà con đều hiểu ra và từ bỏ những tập tục cũ, lạc hậu khá nhanh. Để làm gương cho mọi người trong bản về sản xuất, chăn nuôi, Hồ Văn Ngời đã vận động gia đình đầu tư nuôi dê, bò và trồng cây ăn quả để cải thiện đời sống kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, em còn vận động cả già làng lập trang trại nuôi trâu rừng để làm gương cho bà con. Cách làm đó đã đem lại hiệu quả khá cao được nhiều người học tập làm theo, nhờ vậy đời sống của người dân ngày một nâng cao. Bản Ka Tăng có khoảng hơn 70 em đang độ tuổi đi học cấp 1, 2, và dù ngày nay bản đã có điểm trường tiểu học thế nhưng học sinh đến lớp vẫn không đều, phần thì các em bận đi làm rẫy mưu sinh, phần thì ham chơi. Các em đều không ý thức được hạnh phúc và ý nghĩa của việc đến trường. Nắm bắt được hiện trạng ấy, ngày ngày Hồ Văn Ngời tự nguyện đi đến tận các gia đình để vận động các em đến trường và phân tích, lý giải về lợi ích, tương lai tươi sáng mà cái chữ Bác Hồ mang lại cho các phụ huynh hiểu. Kết quả của việc tuyên truyền đã làm cho lớp học ngày càng đông và ổn định sĩ số hơn. Các em đã biết chú trọng hơn trong việc học và phụ huynh đã không còn bắt các em nghỉ học để mưu sinh giữa núi đồi. Nhà ở gần điểm trường Ka Tăng nên Hồ Văn Ngời như là một người giám sát số lượng các em đến trường, hôm nào thấy ít học sinh thì dù trời có mưa to, gió lớn hay nắng gắt Ngời vẫn đi xe lắc đến tận nhà để “bắt” các em đến lớp và đã không một em nào từ chối. Không biết từ bao giờ tiếng nói của con người “trí tuệ nhất bản” ấy lại có trọng lượng với các em học sinh nơi đây đến thế. Không phải sợ, cũng chẳng phải bị ép buộc hay cưỡng chế khắt khe thế nhưng các em vẫn nghe theo lời của Hồ Văn Ngời. Bởi lẽ rằng trong con mắt, suy nghĩ của các bậc phụ huynh, các em học sinh thì Ngời là một tấm gương sáng, một con người tận tâm vì tương lai của thế hệ con trẻ bản làng . Cái chữ Bác Hồ mà Ngời học được đã giúp ích rất lớn cho bản làng. Từ việc làm giấy phép định cư hợp pháp, hộ tịch hộ khẩu, giấy khai sinh của người dân bản đều qua tay của Hồ Văn Ngời chỉnh sửa, ghi hộ trước khi trình lên UBND thị trấn Lao Bảo. Trước đây, những giấy tờ trên chẳng khiến người dân bản quan tâm, có cũng được, không có cũng xong. Điều ấy đã làm cho cán bộ tư pháp, hộ tịch hộ khẩu nơi đây phải lao tâm khổ tứ. Người dân bản khi lên UBND thị trấn xin làm giấy tờ thì trình bày bằng tiếng Bru - Vân kiều khiến cán bộ hộ tịch hộ khẩu không hiểu, phải mất thêm người phiên dịch, khi cán bộ cần giấy tờ liên quan thì không biết tìm ở đâu bởi phần lớn bà con không có giấy tờ tuỳ thân. Nhận thấy được khó khăn đó nên Hồ Văn Ngời đã trao đổi, tìm hiểu những thủ tục liên quan về tư pháp, hộ tịch hộ khẩu từ cán bộ thị trấn rồi về truyền đạt lại bằng tiếng Bru - Vân kiều cho bà con hay. Kể từ đó, hễ ai trong bản sinh con cần giấy khai sinh, những ai cần làm hộ khẩu, đơn từ... đều đến tìm Hồ Văn Ngời để nhờ hướng dẫn, ghi khai, đánh máy, có khi còn chở cả Ngời lên UBND thị trấn để phiên dịch và kê khai hộ cho họ. Nếu như trước đây không có nhân vật trung gian Hồ Văn Ngời thì cán bộ thị trấn và người dân bản phải mất một buổi có khi vài ngày mới làm xong giấy tờ, bởi phải mất thời gian phiên dịch, kê khai, kiểm chứng, tìm giấy tờ liên quan, thì từ khi có Ngời hướng dẫn và chuẩn bị trước những giấy tờ liên quan thì việc thủ tục cấp giấy tờ rất nhanh và tiện. Một người nhờ, người khác biết lại tìm đến và cứ thế hàng chục, hàng trăm người đã được Hồ Văn Ngời giúp tận tình, chu đáo không một chút nề hà, chẳng một đồng tiền công. Việc làm đó của Ngời càng khiến người dân bản nể phục và tự hào về người con sinh ra từ bản làng nghèo. Riêng Hồ Văn Ngời, em cảm thấy vui mừng và hạnh phúc vì cái chữ Bác Hồ đã giúp em soi sáng, giúp ích được cho dân bản mình. Bài, ảnh: TRẦN NHƠN BỐN