Cập nhật:  GMT+7

Đồng lòng hồi sinh giếng cổ

Thời gian qua, người dân nhiều xóm, thôn trên địa bàn huyện Cam Lộ đã tự nguyện góp tiền, góp sức khôi phục giếng cổ có tuổi đời hàng trăm năm bị xuống cấp. Các giếng cổ được tôn tạo, phục hồi không chỉ tạo cảnh quan xanh mát và không gian sinh hoạt truyền thống cho mỗi thôn, xóm mà còn giúp giữ gìn bền chặt di sản văn hóa, mạch nguồn quý báu của cha ông.

Đồng lòng hồi sinh giếng cổ

Người dân xóm Cây Dầu chung sức trùng tu giếng cổ của xóm - Ảnh: Đ.V

Chung sức khôi phục giếng cổ

Từ khi làm lễ động thổ vào cuối tháng 2 Âm lịch đến nay, 20 hộ dân xóm Cây Dầu, thôn Mai Lộc 1, xã Cam Chính, đã sắp xếp thời gian thay nhau tham gia xây dựng lại chiếc giếng cổ của xóm đã bị hư hỏng.

Anh Nguyễn Văn Thuận (36 tuổi) nhiều ngày nay đã cố gắng sắp xếp công việc tham gia xây dựng giếng với bà con trong xóm. “Khi biết xóm triển khai phục hồi giếng cổ Cây Dầu, ai cũng đồng lòng đóng góp kinh phí, công sức. Bởi đây chính là mạch nguồn, tài sản quý báu của cha ông để lại. Tôi gắng hết sức để cùng bà con trong xóm xây dựng hoàn thành công trình ý nghĩa này”, anh Thuận vui vẻ nói. Theo anh Thuận, không gian khu vực giếng cổ Cây Dầu là nơi đặt đàn âm hồn của xóm, đồng thời cũng là nơi diễn ra các hoạt động thờ cúng vào các dịp lễ, tết hằng năm của người dân.

Đồng lòng hồi sinh giếng cổ

Giếng Đình được trùng tu năm 2024 - Ảnh: Đ.V

Bà Nguyễn Thị Liên, người dân trong xóm cho biết, thời trước gia đình bà chủ yếu dùng nước giếng Cây Dầu để ăn uống, sinh hoạt. Nhưng từ khi có điện, hầu hết bà con chuyển qua dùng giếng bơm, giếng khoan và hiện nay là dùng nước máy nên giếng Cây Dầu dần bị lãng quên. Mấy ngày nay, bà Liên tất bật cùng bà con trong xóm phụ việc tập kết đá, trộn bê tông cũng như phục vụ “hậu cần” cho mọi người. “Giếng được xây dựng, phục hồi lại ai cũng mừng. Người dân sinh sống ở xóm thì góp sức, góp của còn những người xa quê thì hỗ trợ tiền.

Thấy không khí đoàn kết, đồng lòng của mọi người trong xóm, tôi cảm thấy rất vui”, bà Liên nói. Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Quảng (55 tuổi) sắp xếp gọn lại các cột và những tấm gỗ trai được lấy lên từ lòng giếng. Anh nói: “Ít bữa xây xong ô lòng giếng, chúng tôi sẽ vệ sinh lại những tấm gỗ này cho sạch để đặt xuống như cũ. Trải qua hàng trăm năm nhưng các cột và tấm gỗ này vẫn gần như nguyên dạng. Việc giữ nguồn nước trong, không đọng bùn cũng nhờ vào vật liệu gỗ này và lớp đá ong”. Theo bà con trong xóm, dự kiến kinh phí phục hồi giếng Cây Dầu khoảng gần 100 triệu đồng, đều do người dân tự nguyện đóng góp.

Cách đó không xa, anh Hồ Trung Dũng (45 tuổi) ở xóm Cây Đa, thôn Mai Lộc 2 ghé vào giếng Đình để rửa mặt và lấy nước uống sau khi đi làm đồng về. Anh cho biết, giếng Đình được trùng tu hoàn thành năm 2024 từ kinh phí của các gia đình trong xóm đóng góp. Không gian giếng này sau khi trùng tu thoáng rộng, có đầy đủ giếng phía trong, bể nước ngoài, bậc thang đi xuống, hệ thống hàng rào bao quanh khang trang, kiên cố. “Mỗi khi đi làm đồng về, người dân chúng tôi thường vào khu vực giếng ngồi nghỉ ngơi, uống nước, rửa tay chân. Hầu như mọi người đều có ý thức giữ gìn không gian giếng sạch đẹp. Giếng cổ chính là không gian gần gũi, chất chứa hồn cốt quê hương đối với mỗi người dân chúng tôi”, anh Dũng chia sẻ.

Giữ mạch nguồn chảy mãi

Anh Nguyễn Viết Tính, trưởng xóm Cây Dầu cho hay, theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, giếng Cây Dầu có tuổi đời từ 800 - 900 năm. Từ xưa đến nay, nguồn nước của giếng được người dân sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất. Giếng nằm ở một triền đồi, hướng mặt ra cánh đồng canh tác lúa và hoa màu của xóm. Giếng cổ Cây Dầu được người xưa xây dựng bằng cách ghép những tấm gỗ trai, lim - những loại gỗ ngâm nước không bao giờ hỏng - để không bị đọng bùn, giữ nước trong và bền vững theo thời gian.

Thân giếng được tạo nên từ đá ong xếp lại với nhau bằng mộng mà không cần dùng vữa. “Trải qua thăng trầm thời gian và sự phát triển của xã hội, giếng cổ Cây Dầu một thời gian gần như bị quên lãng. Mới đây, con đường giao thông trong thôn được nâng cấp, mở rộng khiến đất đá tràn lấp giếng khiến bà con rất lo lắng. Vì vậy, chúng tôi đã thống nhất tự nguyện đóng góp kinh phí, trước mắt mỗi hộ góp 1 triệu đồng để tôn tạo giếng cổ Cây Dầu”, anh Tính thông tin.

Đồng lòng hồi sinh giếng cổ

Giếng Cây Bàng được trùng tu năm 2020 - Ảnh: Đ.V

Khi triển khai tôn tạo giếng, ban đầu thành giếng dự định được xây bằng viên đá cuội nhưng lúc xây lên thấy không hợp với giếng cổ nên người dân trong xóm nhất trí thay đổi vật liệu là đá chẻ. Sau khi hoàn thành, phần đá ong, gỗ sẽ được đặt lại vào giếng như cũ. “Đến nay, nguồn nước đã chảy ổn định trở lại. Giếng Cây Dầu như là tài sản, vốn văn hóa, lịch sử quý giá của xóm nên chúng tôi sẽ chung sức giữ gìn”, anh Tính cho hay.

Trưởng thôn Mai Lộc 1 Hoàng Ngọc Quý cho biết, đối với người dân trong thôn, việc phục dựng lại giếng cổ cũng là một cách bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương. Theo anh Quý, ngoài giếng cổ Cây Dầu, từ năm 2012 đến nay, các giếng cổ khác của thôn Mai Lộc 1 đã được người dân tự nguyện đóng góp kinh phí, công sức để trùng tu, phục hồi như: Cây Thị, Ông Cây, cây Bàng. “Giếng cổ xóm Cây Dầu cùng nhiều giếng cổ các xóm khác được khơi dòng trở lại như là mạch nguồn quê hương trong lành vẫn luôn chảy mãi và đồng hành với người dân trong công cuộc xây đắp quê hương”, anh Quý chia sẻ.

Theo Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin (VH,KH&TT) huyện Cam Lộ Trần Thị Anh, hệ thống giếng cổ vùng Cùa được xây dựng cách đây hàng trăm năm, thuộc dạng giếng Chăm, làm bằng đá tổ ong và gỗ trai. Qua khảo sát, hiện nay trên địa bàn 2 xã Cam Chính, Cam Nghĩa đang có 14 giếng cổ, trong đó có một số giếng được bảo vệ khai thác tốt (như các giếng Gai, Cây Bàng, Cây Thị, Vòi). Đồng thời, đến nay phần nhiều các giếng cổ đã được người dân đóng góp kinh phí trùng tu, hồi sinh trở lại.

Trước đây, khi chưa có hệ thống nước sạch và giếng khoan thì người dân ở đây hằng ngày vẫn dùng nước các giếng cổ để sinh hoạt. Qua thời gian, một số giếng do ít sử dụng nên hư hỏng, cần được tu bổ, tôn tạo và bảo vệ để góp phần vào việc bảo tồn nguồn nước ngầm; giữ gìn cảnh quan tự nhiên, công trình văn hóa dân gian đặc trưng của vùng. Bà Anh cho biết, thời gian qua Phòng VH,KH&TT đã hướng dẫn UBND các xã khảo sát, đánh giá, lập hồ sơ các giếng cổ có giá trị, trong đó ưu tiên quy hoạch khu vực bảo vệ, quản lý chặt chẽ các hoạt động xây dựng, khai thác tài nguyên, lấn chiếm, xâm hại khu vực các giếng cổ.

Phòng đề xuất UBND huyện bố trí nguồn ngân sách nhà nước cho công tác nghiên cứu, bảo tồn, tu bổ, phục hồi các giếng cổ; hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cho các hoạt động bảo tồn, tu sửa. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của giếng cổ và trách nhiệm bảo tồn; gắn việc xây dựng bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử các giếng cổ với việc xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch, dịch vụ một cách bền vững.

Theo bà Anh, người dân địa phương là những người trực tiếp sinh sống và gắn bó với các giếng cổ. Họ là chủ thể của các giếng cổ, có vai trò quan trọng trong việc nhận diện giá trị, xây dựng, bảo vệ, giữ gìn và truyền lại những câu chuyện, ký ức liên quan đến giếng cổ. “Trong khả năng nguồn lực, ngân sách địa phương còn hạn chế thì việc người dân địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài huyện tham gia đóng góp nguồn lực tài chính, công sức kỹ thuật cho công tác bảo tồn giếng cổ là điều đáng ghi nhận và cần được phát huy”, bà Anh nhìn nhận.

Bên cạnh đó, việc người dân trực tiếp tham gia vào hoạt động bảo tồn, tu sửa nhỏ, cung cấp thông tin, tư liệu liên quan đến giếng cổ; tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội, phát triển các hình thức du lịch cộng đồng sẽ tạo ra lợi ích kinh tế gắn với giếng cổ; lưu giữ, truyền dạy cho thế hệ sau giá trị truyền thống cũng như tham gia giám sát các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị giếng cổ là việc làm hết sức cần thiết. Qua đó vừa nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị, sự cần thiết của việc bảo tồn công trình văn hóa dân gian, vừa góp phần bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa hệ thống giếng cổ trên địa bàn.

Đức Việt

Tin liên quan:
  • Đồng lòng hồi sinh giếng cổ
    Giếng cổ Gio An, điểm du lịch sinh thái hấp dẫn

    Hệ thống giếng cổ nằm tại xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị là những công trình dẫn thủy cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất; là di tích có giá trị khảo cổ, văn hóa nghệ thuật độc đáo do người Chăm Pa sáng tạo và ước tính có trên 1.800 năm tuổi đã được xếp hạng di tích lịch sử-văn hoá cấp quốc gia năm 2001.

  • Đồng lòng hồi sinh giếng cổ
    Đề nghị sửa đổi tên gọi di tích hệ thống giếng cổ Gio An

    Hệ thống các giếng cổ Gio An, huyện Gio Linh là những công trình dẫn thủy cổ, cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, từng giếng đơn lẻ đều có giá trị khảo cổ, văn hóa nghệ thuật độc đáo do người Chăm sáng tạo và được người Việt tiếp thu giữ gìn cho đến ngày nay. Với các giá trị về lịch sử - văn hóa đó, hệ thống giếng cổ ở xã Gio An được công nhận là di tích quốc gia với tên gọi: “Hệ thống khai thác và xử lý nước (14 giếng cổ) thuộc xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị tại Quyết định số 08/2001/QĐ-VHTT ngày 13/3/2001 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).


Đức Việt

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Lãng quên một di tích lịch sử cấp tỉnh ?

Lãng quên một di tích lịch sử cấp tỉnh ?
2025-04-26 08:21:00

QTO - Dù đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh từ nhiều năm trước, nhưng việc bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Vụ thảm sát Hướng Điền ở xã...

Bác sĩ Hải Lê - “đôi bàn tay vàng”

Bác sĩ Hải Lê - “đôi bàn tay vàng”
2025-04-24 05:10:00

QTO - Giỏi chuyên môn, có nghị lực vượt khó cùng tấm lòng nhân ái là những gì mà nhiều người nhận xét về anh Lê Viết Hải, nhà sáng lập hệ sinh thái y tế...

Chiến dịch truyền thông nói không với ma túy

Chiến dịch truyền thông nói không với ma túy
2025-04-23 05:50:00

QTO - Ma túy - hiểm họa của cộng đồng, hãy tránh xa ma túy vì tương lai thế hệ trẻ, vì hạnh phúc cho chính mình, cho gia đình và cho xã hội, đó là một khẩu...

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long