Cập nhật:  GMT+7

Định hướng để học sinh sử dụng mạng internet an toàn

Mới đây, đề tài khoa học của 2 học sinh lớp 8B, Trường THCS Phan Đình Phùng, TP. Đông Hà là Nguyễn Linh Giang và Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc về “Nâng cao nhận thức, kỹ năng nhằm đảm bảo an toàn trên không gian mạng cho học sinh” vừa đoạt giải Ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS năm học 2023 -2024 cấp thành phố. Điều đáng quý là đề tài này đã vượt qua giới hạn của một cuộc thi, đưa vào áp dụng thực tế tại trường và gặt hái được những kết quả bước đầu.

Chắp cánh cho ý tưởng của học sinh thành hiện thực

Từ thực tế sử dụng internet để học tập và giải trí, nhiều học sinh bị hack tài khoản, mất thông tin cá nhân, bị lừa đảo, quấy rối, có trường hợp bị lôi kéo tham gia những thử thách nguy hiểm, nghiện game online, xem các ấn phẩm không phù hợp, thông tin sai lệch..., Linh Giang và Bảo Ngọc đã ấp ủ ý tưởng xây dựng bộ tài liệu cung cấp những kiến thức, kỹ năng cơ bản về sử dụng internet và mạng xã hội dành cho lứa tuổi học sinh THCS. Ý tưởng này của các em đã nhận được sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của phụ huynh, thầy cô giáo, nhất là cô Nguyễn Thị Thắm - giáo viên trực tiếp hướng dẫn cho các em.

Định hướng để học sinh sử dụng mạng internet an toàn

Nguyễn Linh Giang (bên phải), Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc (bên trái) và cô Nguyễn Thị Thắm tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS năm học 2023 -2024 của TP. Đông Hà - Ảnh: M.L

“Xu hướng học sinh đọc tin tức qua mạng, sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin ngày càng tăng, tuy nhiên không gian mạng với đặc tính dễ ẩn danh, lan truyền nhanh đã trở thành môi trường thuận lợi cho hoạt động phát tán tin giả, tin sai sự thật. Tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội...

Nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, bịa đặt, phản cảm nhưng lại được chia sẻ rộng rãi, trong khi đối tượng học sinh lại rất tò mò, chưa có đủ hiểu biết để phân biệt thật giả. Vì thế, vấn đề mà Bảo Ngọc và Linh Giang chia sẻ đã chạm đến sự trăn trở, lo lắng bấy lâu nên tôi rất tâm huyết, dành nhiều thời gian để cùng các em thực hiện đề tài này”, cô Thắm chia sẻ.

Việc đầu tiên 3 cô trò bắt tay vào làm là thực hiện khảo sát hiểu biết về Luật An ninh mạng và các kỹ năng đảm bảo an toàn trên không gian mạng đối với học sinh Trường THCS Phan Đình Phùng.

Theo đó, cuộc khảo sát được thực hiện với 220 học sinh từ khối 6 đến khối 9 tại trường. Kết quả cho thấy, về mức độ hiểu biết các kiến thức, kỹ năng để đảm bảo an toàn trên không gian mạng chỉ có 16,4% học sinh được hỏi hiểu biết nhiều, 31,4% hiểu biết tương đối, trong khi có tới 43,2% hiểu biết ít, 9,1% học sinh được hỏi không hiểu biết gì. Hoặc với câu hỏi “Bạn đã bao giờ bị mất an toàn trên không gian mạng như tiếp cận với thông tin xấu, độc hại, bị bắt nạt, bị xâm hại đời tư, bị lừa đảo... chưa?” thì có 49,1% học sinh được hỏi chọn câu trả lời có.

Sau khi khảo sát, thu thập thông tin, cô Thắm hướng dẫn Linh Giang và Bảo Ngọc tìm hiểu Luật An ninh mạng và các tài liệu liên quan; tiến hành soạn thảo, xây dựng đề tài “Nâng cao nhận thức, kỹ năng nhằm đảm bảo an toàn trên không gian mạng cho học sinh”. Đề tài được hoàn thành với 2 bộ cẩm nang nhận diện các phương thức, thủ đoạn lừa đảo và tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng; 1 bộ câu hỏi (140 câu) trắc nghiệm về an toàn thông tin trên không gian mạng và 1 sổ tay hướng dẫn sử dụng mạng xã hội.

Cùng với việc xây dựng nội dung, các em cũng lựa chọn mẫu thiết kế ấn phẩm trên power point với hình ảnh trực quan sinh động, thẩm mỹ và dễ dàng chia sẻ qua zalo, facebook, trang web padlet... để thuận tiện trong việc tuyên truyền, đồng thời tiết kiệm chi phí.

Đưa đề tài vào thực tế

Nhận thấy tính thời sự và ý nghĩa của đề tài, Ban giám hiệu Trường THCS Phan Đình Phùng đồng hành, hỗ trợ cho cô trò áp dụng vào thực tế tại trường ngay trong thời gian thực hiện đề tài.

Định hướng để học sinh sử dụng mạng internet an toàn

Bộ cẩm nang tuyên truyền nâng cao kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho học sinh THCS do Linh Giang và Bảo Ngọc thực hiện -Ảnh: M.L

Sau khi cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật, các phương thức lừa đảo trên không gian mạng và sổ tay hướng dẫn sử dụng mạng xã hội an toàn cho học sinh ra đời, nhà trường đã hỗ trợ phát hành 200 bản. Hiện cẩm nang được lưu giữ tại thư viện, bản mềm được đưa lên fanpage của trường. Các lớp đều có nhóm hội phụ huynh của lớp trên zalo, facebook... đây là các kênh để giáo viên chủ nhiệm chia sẻ cho học sinh, phụ huynh đọc, tìm hiểu một cách thuận tiện nhất. Theo Hiệu trưởng Trường THCS Phan Đình Phùng Nguyễn Thế Nhân, đề tài của các em đã đi đúng vấn đề “nóng” hiện nay, cụ thể mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có định hướng xây dựng sổ tay “Hướng dẫn sử dụng mạng xã hội an toàn cho học sinh”.

Ban giám hiệu nhà trường đã đồng ý cho giáo viên môn Tin học đưa nội dung của cẩm nang “Phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” và cẩm nang “Các phương thức lừa đảo trên không gian mạng” tích hợp vào chủ đề 3 “Đạo đức, pháp luật và văn hóa trong môi trường số”, bài 4 ‘Đạo đức và văn hóa trong sử dụng công nghệ kỹ thuật số” của môn Tin học lớp 8 để giảng dạy cho học sinh.

Đồng thời, hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm sử dụng tài liệu để xây dựng nội dung sinh hoạt chủ điểm tuyên truyền về Luật An ninh mạng và các kỹ năng đảm bảo an toàn trên không gian mạng theo chủ đề, từng tháng cụ thể trong các tiết sinh hoạt. Với 140 câu hỏi trắc nghiệm, liên đội đã phân ra thành các bộ đề thi khác nhau (30 câu hỏi/đề thi) và tổ chức cho học sinh của trường thi trên phần mềm Azota.

Mới đây, nhóm tác giả đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên 220 bạn học sinh của trường để so sánh kết quả trước và sau khi áp dụng đề tài. Kết quả khảo sát cho thấy, tỉ lệ mức độ hiểu biết nhiều của học sinh tăng từ 16,4% lên 57,3%; tỉ lệ về mức độ hiểu biết tương đối tăng từ 31,4% đến 37,7%; mức độ hiểu biết ít và không hiểu biết gì giảm đáng kể (hiểu biết ít từ 43,2% giảm còn 4,7%; chỉ có 0,9% học sinh được hỏi ở mức độ không hiểu biết gì).

“Một điểm dễ nhận thấy nhất là học sinh trong trường đã biết cân nhắc, chọn lọc và tìm hiểu kỹ nội dung các bài viết trước khi chia sẻ lên trang cá nhân. Các em đã có một số kỹ năng số cần thiết để bảo vệ bản thân khi tham gia vào không gian mạng như kỹ năng tìm kiếm, khai thác, chia sẻ, bảo mật thông tin, cách xử trí trước những rủi ro trên không gian mạng, nắm được các thủ đoạn lừa đảo thường xảy ra trên không gian mạng từ đó biết cách phòng tránh”, cô Thắm chia sẻ.

Mai Lâm

Tin liên quan:
  • Định hướng để học sinh sử dụng mạng internet an toàn
    Vai trò của gia đình trong việc giúp trẻ sử dụng internet an toàn

    Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin là sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội (MXH). Những thuận lợi và tiện ích của nó đã cuốn hút đông đảo người dân sử dụng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực, internet và MXH cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực đến lối sống, tâm lý cũng như nhân cách của mỗi người. Chính vì vậy, để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ internet và MXH đối với trẻ thì vai trò của gia đình là hết sức quan trọng.

  • Định hướng để học sinh sử dụng mạng internet an toàn
    Định hướng sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050

    Quốc hội thông qua Nghị quyết 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó có nội dung định hướng sử dụng đất quốc gia:


Mai Lâm

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Cho con học tập qua những trải nghiệm

Cho con học tập qua những trải nghiệm
2024-01-06 05:10:00

QTO - Ngày 28/12, Ban tổ chức cuộc thi video clip “Tôi yêu Quảng Trị” năm 2023 đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải. Vượt qua 39 tác phẩm của 27 tác giả,...

Cô giáo tâm huyết với nuôi dạy trẻ vùng cao

Cô giáo tâm huyết với nuôi dạy trẻ vùng cao
2024-01-02 05:15:00

QTO - Từng được chọn là vận động viên của Đội tuyển bóng chuyền năng khiếu tỉnh Quảng Trị vào năm 16 tuổi và được công nhận là vận động viên cấp 1 quốc gia...

Đắng lòng với “của để dành”

Đắng lòng với “của để dành”
2024-01-01 13:40:00

QTO - Nhiều người vẫn có quan niệm con cái là “của để dành”. Bao yêu thương, kỳ vọng được ba mẹ gửi gắm vào con, ngoài ước mơ con được nên người còn gửi...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long