Để thị xã Quảng Trị xứng tầm đô thị loại 4 (Bài 2)
(Tiếp theo kỳ trước) *Đồng chí Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Sở Xây dựng: Sở Xây dựng nêu một số đánh giá về thực trạng hạ tầng trên địa bàn thị xã ở góc độ quy mô, phạm vi diện tích cũ trước khi có Nghị định số 31/2008/NĐ-CP của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hải Lăng, Triệu Phong để mở rộng địa giới hành chính thị xã Quảng Trị.
 |
Khu đất qui hoạch xây dựng Khu kinh tế Bắc Thành Cổ, thị xã Quảng Trị -Ảnh: N.V.H |
Trước thời điểm ngày 2/4/2008, thị xã Quảng Trị có 634,67 ha đất tự nhiên, trong đó có 55,8 % diện tích đất xây dựng đô thị. Diện tích đất tự nhiên của thị xã không lớn, quỹ đất dành cho phát triển các khu chức năng còn hạn chế. Đất cây xanh, sản xuất công nghiệp còn thiếu, đất dành cho phát triển đô thị không nhiều. Nhìn chung quỹ đất thuận lợi cho xây dựng thị xã đang còn ít do địa hình quá thấp, hoặc quá dốc, chịu ảnh hưởng của thuỷ văn sông Thạch Hãn, ví dụ như: Đất xây dựng ít thuận lợi do ngập lút chiếm 50,68 %, đất dốc chiếm 24,53%, đất mặt nước chiếm 6,79 % diện tích đất toàn thị xã. Về hạ tầng xã hội, nhà ở do Nhà nước quản lý chiếm tỷ lệ nhỏ, trên 90% dân số nội thị đã có nhà tự xây dựng. Công trình y tế có 7 cơ sở khám chữa bệnh, với số giường bệnh là 148 giường, đạt 8,6 giường/1000 dân, 7 cán bộ y tế/1000 dân. Giáo dục đào tạo: Cơ sở vật chất của các trường học hầu hết đã được đầu tư xây dựng; cao tầng hoá đảm bảo cho dạy và học. Các công trình văn hoá, thương mại-dịch vụ đáp ứng được nhu cầu phần nào cho vui chơi giải trí và sinh hoạt của người dân đô thị. Công trình thể dục-thể thao xây dựng tương đối hoàn chỉnh. Các khu vực cây xanh trong thị xã chưa được chú trọng, chủ yếu khai thác vùng sông Thạch Hãn, di tích Thành Cổ và vùng hồ Tích Tường. Về hạ tầng kỹ thuật: Thị xã Quảng Trị có địa hình tương đối phức tạp, bị chia cắt địa hình bởi dòng sông Thạch Hãn và các hồ nước; có tuyến Quốc lộ I và đường sắt đi qua, ảnh hưởng ít nhiều đến việc đầu tư, khai thác hạ tầng kỹ thuật. Giao thông nội thị có trên 23 tuyến đường cơ bản được cứng hoá, chiếm tỷ lệ trên 80%. Giao thông nội phường dài trên 30 km, chủ yếu là đường đất. Tổng diện tích đất giao thông chiếm 37,8 ha, chiếm tỷ lệ 10,7 % đất đô thị là quá thấp. Nhìn chung, mạng lưới giao thông đô thị được mở rộng nâng cấp nhưng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng phát triển đô thị trong tương lai. Hệ thống bến bãi còn thiếu, các điểm giao cắt giữa đường bộ, đường sắt còn nhiều, hạ tầng chưa đảm bảo cho an toàn giao thông. Nguồn nước sinh hoạt của thị xã Quảng Trị trước mắt đã đáp ứng nhu cầu cho thị xã và thị trấn Ái Tử, nhưng lâu dài phải được đầu tư nâng công suất và tránh khu vực ô nhiễm cho nguồn nước khai thác. Nguồn điện cung cấp cho thị xã đã được đầu tư hoàn chỉnh, đảm bảo nhưng do nhu cầu vốn và thực trạng nên mạng lưới còn nhiều nhược điểm, như chiếm nhiều diện tích đất xây dựng, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Thoát nước bẩn và vệ sinh môi trường: Thị xã chưa có hệ thống thoát nước cơ bản, mới đầu tư được khoảng 13,3 % tổng chiều dài các tuyến đường nội thị; bãi chôn lấp chất thải rắn, nghĩa trang thị xã gây ô nhiễm cho nguồn nước và đời sống dân cư trong khu vực. Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và tỉnh, sự phấn đấu nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Quảng Trị, thị xã đã khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng đô thị, tốc độ đô thị hoá nhanh, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện hơn trước. Thị xã đang ngày càng khẳng định vị trí của mình là trung tâm tổng hợp thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội phía Nam của tỉnh. Thị xã có vị trí địa lý và giao thông thuận lợi nhưng quy mô diện tích quá nhỏ, mật độ dân số cao nhất tỉnh nên gặp nhiều khó khăn trong việc quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội bố trí khu công nghiệp, khu dân cư, khu phòng thủ quốc phòng và giải quyết các vấn đề về môi sinh, môi trường. Thực hiện Nghị quyết 06 khoá XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, được sự phân công của UBND tỉnh, năm 2004 Sở Xây dựng cùng Viện Quy hoạch đô thị nông thôn-Bộ Xây dựng tiến hành thực hiện "Điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Quảng Trị đến năm 2020 " nhằm thực hiện nội dung sau: Thứ nhất: Quy hoạch chung thị xã Quảng Trị khai thác tối đa tiềm năng đất đai, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi diện tích 634,6 ha đã có một cách hoàn chỉnh để thực hiện quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư xây dựng giai đoạn đầu. Thứ hai: Hướng đề xuất phạm vi, quy mô về sự phát triển đô thị trong giai đoạn lâu dài, chuẩn bị cho dự án mở rộng phạm vi địa giới thị xã Quảng Trị, có sự gắn kết lô gích trong công tác quy hoạch hạ tầng kỹ thuật khi điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng trước mắt cũng như lâu dài. Để giải quyết lâu dài cho nguồn nước thị xã Quảng Trị cũng như vùng phụ cận, Sở Xây dựng đã điều chỉnh quy hoạch xây dựng nguồn nước, thay thế nguồn nước tại hồ Tích Tường cũng như khi mở rộng công suất nhà máy. Về công tác này, hiên đang được tiến hành trong nội dung chương trình của Tập đoàn cấp nước Vùng Fell-Cộng hoà Pháp và tỉnh. Thông qua Vụ Hạ tầng-Bộ Xây dựng, Vụ Kinh tế đối ngoại-Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Sở Xây dựng và Công ty Cấp thoát nước Quang Trị, chuyên gia cấp nước và vệ sinh trưởng nhóm Ngân hàng ADB đã cùng Bộ Xây dựng ký văn bản ghi nhớ dự án cấp nước vệ sinh môi trường. Chính phủ Việt Nam xác định 4 khu đô thị tiềm năng tại tỉnh Quảng Trị trong dự án là: Đông Hà và Quảng Trị trên Quốc lộ I A (tuyến đường Nam-Bắc) và Quốc lộ 9 (Hành lang kinh tế Đông-Tây). Cả hai thị xã là trung tâm dịch vụ của tỉnh và có thể mở rộng vai trò trong quá trình phát triển Hành lang kinh tế Đông-Tây; Lao Bảo là thị trấn biên giới với Lào và Cửa Việt là một thị trấn ven biển nhỏ nằm cuối đường 9...Chương trình dự án cấp nước và vệ sinh khu vực sông Mê Công (MWSSP) nhằm xây dựng trung tâm dịch vụ khu vực, dự kiến mở rộng vai trò của đô thị. Công suất nước sinh hoạt đáp ứng nhu cầu đến năm 2020 là 20.000 m3/ngày đêm. Hỗ trợ về xí tự hoại, xử lý rác thải và hạn chế lũ lụt một số địa bàn trên thị xã. Sở Xây dựng cùng chính quyền thị xã lập kế hoạch thực hiện quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch chi tiết xây dựng trên phạm vi 7.402,78 ha diện tích đất thị xã đã được điều chỉnh địa giới từ năm 2008 trở đi. Sở Xây dựng cùng Hội Kiến trúc sư trực tiếp tham gia vào các đồ án quy hoạch, dự án xây dựng, như quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Bắc Thành Cổ, các công trình di tích lịch sử: Bến vượt sông Thạch Hãn, khu Thành Cổ, đảm bảo nội dung chất lượng về mặt không gian kiến trúc cảnh quan xứng tầm của một đô thị vùng phía Nam của tỉnh. Quản lý quy hoạch xây dựng, tăng cường thanh tra hướng dẫn để các dự án của các tổ chức, cá nhân xây dựng theo nền nếp tạo bộ mặt chung cho thị xã. Thị xã Quảng Trị trong công tác quy hoạch xây dựng và xây dựng theo quy hoạch còn nhiều việc phải làm, nhất là sau khi có Nghị định 31/2008/NĐ-CP của Chính phủ về việc mở rộng địa giới hành chính thị xã Quảng Trị. Song song với tổ chức bộ máy chính quyền các phường, công tác quy hoạch xây dựng phải đáp ứng được các trung tâm của phường sau khi đã được thành lập và điều chỉnh. Quy hoạch 191,56 ha đất xã Triệu Thượng, 6.576,55 ha đất của xã Hải Lệ (cũ) đáp ứng phát triển của thị xã Quảng Trị. Cùng với công tác quy hoạch xây dựng và xây dựng theo quy hoạch trong địa bàn thị xã cần chú trọng thực hiện quy hoạch xây dựng xã Hải Phú, khu vực Nhan Biều, sân bay Ái Tử và các dự án khu vực Nhà lưu niệm Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nhằm tạo diện rộng hỗ trợ đắc lực về động lực cho thị xã Quảng Trị. Muốn xây dựng một thị xã xứng tầm khu vực trên Hành lang kinh tế Đông- Tây phát triển một cách bền vững phải có những cơ chế chính sách phù hợp, có kế hoạch ngắn hạn và dài hạn, phải có sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và người dân. Tin rằng, thị xã Quảng Trị sẽ phát triển mạnh và trở thành trung tâm tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội phía Nam của tỉnh. (Còn nữa) Nguyễn Văn Hai (thực hiện)