Trước hết, phải khẳng định rằng trong 1/4 thế kỷ tham gia tiến trình APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả vào tất cả các lĩnh vực hợp tác, để lại nhiều dấu ấn quan trọng.
Việt Nam lần đầu tiên đảm nhiệm vai trò chủ nhà APEC vào năm 2006. (Ảnh: TTXVN)
Nhìn lại chặng đường 25 năm tham gia APEC, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho rằng, có thể khẳng định, quyết định gia nhập APEC năm 1998 là một quyết định chiến lược trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, đặt nền tảng cho hội nhập toàn cầu và đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam cũng như của khu vực.
"Trong 25 năm qua, Việt Nam đã đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả vào tất cả các lĩnh vực hợp tác, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong tiến trình APEC. Đây là những đóng góp rất cụ thể, thiết thực và nó thể hiện chủ trương nhất quán của chúng ta là là bạn, là đối tác tin cậy, là đối tác có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nói
Theo đó, dưới sự chủ trì của Việt Nam, hai Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo kinh tế APEC Hà Nội năm 2006 và Đà Nẵng năm 2017 đều được đánh giá hết sức thành công, đạt những kết quả quan trọng, có ý nghĩa mang tính chiến lược đối với Diễn đàn APEC cũng như hợp tác, liên kết kinh tế tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Nếu như tại APEC 2006, Việt Nam ghi dấu ấn với Chương trình Hành động Hà Nội nhằm thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư, thì năm 2017, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến xây dựng tầm nhìn mới của APEC sau năm 2020 và thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC. Điều này thể hiện cách tiếp cận dài hạn, tổng thể của Việt Nam, làm nền tảng để APEC thông qua Tuyên bố chung về Tầm nhìn Putrajaya đến năm 2040.
Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong việc đề xuất các sáng kiến, dự án hợp tác, với gần 150 dự án, trên các lĩnh vực chung của APEC từ phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy thương mại điện tử, an ninh lương thực, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ đến phát triển nông thôn và đô thị, rác thải đại dương, ứng phó biến đổi khí hậu. Các sáng kiến, dự án này một mặt thúc đẩy hợp tác APEC phù hợp với quan tâm và lợi ích của các thành viên, đồng thời phục vụ hiệu quả cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng.
Đánh giá về những nỗ lực của Việt nam vào thành công chung của Diễn đàn APEC, đặc biệt là khi Việt Nam đảm nhiệm cương vị chủ nhà của Hội nghị cấp cao năm 2017 tại Đà Nẵng, nguyên Tổng thống Cộng hòa Chile Michelle Bachelet nhận định: “Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc thực thi các nội dung quan trọng và trong vấn đề này, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với Việt Nam về những ưu tiên trong Chương trình nghị sự của Năm APEC 2017”.
Một điểm nhấn nữa đó là vai trò điều hành, thúc đẩy triển khai các chương trình hợp tác của APEC của Việt Nam thông qua việc đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các cơ chế của Diễn đàn APEC. Nổi bật là vai trò Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, Chủ tịch nhóm ASEAN trong APEC, Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều ủy ban, nhóm công tác quan trọng của Diễn đàn. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đóng góp và tham gia tích cực tại Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC và Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde, khi dự Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tại Đà Nẵng đã nhấn mạnh rằng, những vẫn đề ưu tiên của Việt Nam đã chứng minh Việt Nam đang thể hiện quyết tâm rất cao cùng APEC hiện thực hóa các mục tiêu chung: “Việt Nam là nước có nền kinh tế rất mở và đang được hội nhập tốt hơn với thế giới. Tôi cũng thấy, việc Việt Nam đặt thương mại quốc tế là trọng tâm đã thực sự được chứng minh là đúng đắn, nhất là khi 60% thương mại của khu vực diễn ra giữa các nước châu Á với nhau".
Có thể nói, thành công của các Năm APEC 2006 và APEC 2017, cùng những đóng góp quan trọng khác của Việt Nam tại Diễn đàn APEC đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế. Từ đó, giúp Việt Nam tranh thủ tối đa các cơ hội, nguồn lực từ hợp tác APEC và các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế khu vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước giàu mạnh.