Cập nhật: Thứ 3, 13/12/2022 | 17:47 GMT+7

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Hướng tới mục tiêu có việc làm, tăng thu nhập - Bài 1: Đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động

QTO - Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) được xem là giải pháp quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, cơ hội lập nghiệp, giúp ổn định đời sống người dân. Đây cũng là nhiệm vụ đã và đang được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cùng vào cuộc, đáp ứng nhu cầu học nghề của LĐNT và yêu cầu của thị trường lao động.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Hướng tới mục tiêu có việc làm, tăng thu nhập - Bài 1: Đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao độngNhờ tham gia lớp kỹ thuật trồng cây hồ tiêu, bà Hà đã có thêm kiến thức, kỹ năng trồng cây hồ tiêu đạt hiệu quả - Ảnh: T.P

Tạo sinh kế, tăng thu nhập

Nhiều năm nay, UBND xã Cam Nghĩa đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) huyện Cam Lộ tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động tại địa phương. Thông qua các lớp đào tạo đa ngành, đa nghề này, người lao động trên địa bàn đã được trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích, từ đó có việc làm ổn định, tạo ra thu nhập cho gia đình.

Anh Phạm Hữu Phương (sinh năm 1985), hiện đang sống tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, là một trong những người đầu tiên tham gia vào lớp kỹ thuật chăn nuôi gà. Chia sẻ với chúng tôi, anh Phương cho hay: “Tuy khóa học chỉ kéo dài trong 3 tháng nhưng tôi đã được dạy toàn bộ quá trình chăm nuôi gà từ chọn giống, phòng dịch bệnh, tiêm vắc-xin... Những kiến thức đó đã hỗ trợ rất nhiều cho việc xây dựng trang trại gà của tôi sau này”.

Vận dụng kiến thức học được, năm 2017, trên diện tích vườn cao su đã khép tán của gia đình, anh Phương vay vốn xây dựng trang trại gà. Nhờ cách chăn nuôi theo hướng an toàn, cho gà ăn các loại thức ăn có nguồn gốc tự nhiên như lúa, bột bắp, bã sắn sấy khô… kết hợp nuôi thả vườn nên chất lượng thịt gà thơm, ngon được thị trường ưa chuộng.

Từ thành công trong chăn nuôi, anh Phương tiếp tục xây dựng nhà hàng chế biến các món ăn từ gà do anh nuôi theo ý tưởng “từ trang trại đến bàn ăn” để quảng bá thương hiệu gà Cùa đến người tiêu dùng.

Ngoài ra, anh còn kết hợp nuôi thêm heo thịt và heo giống theo hình thức bán chăn thả, vịt trời, cá trê... để phục vụ khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Mô hình làm ăn này mang lại cho gia đình anh Phương nguồn thu từ 250 – 300 triệu đồng/năm.

Phó Chủ tịch UBND xã Cam Nghĩa Nguyễn Anh Hai cho biết, toàn xã có khoảng 2.468 lao động đã qua đào tạo, chiếm tỉ lệ 73,85%. Chỉ tính từ năm 2018 đến cuối năm 2021, địa phương đã phối hợp với Trung tâm GDNN – GDTX mở 10 lớp đào tạo nghề cho 391 LĐNT. Trong đó, nghề nông nghiệp chiếm 24,04%, nghề phi nông thôn chiếm 75,96%.

“Qua mỗi năm, công tác đào tạo nghề cho LĐNT ngày càng có chuyển biến tích cực, tỉ lệ lao động địa phương tham gia học nghề tăng lên đáng kể. Người dân được học nghề biết làm ăn hơn, kinh tế khá hơn. Việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được mọi người tiếp thu nhanh và hiệu quả.

Căn cứ vào điều kiện tự nhiên và nguồn lực lao động, UBND xã cũng đã tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích người lao động sau khi tham gia đào tạo nghề đầu tư mở rộng các mô hình trang trại, gia trại, phát triển sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn đảm bảo chất lượng và hiệu quả cao”, ông Hai nói.

Tại huyện Vĩnh Linh, nhờ tham gia lớp kỹ thuật trồng cây hồ tiêu do UBND huyện phối hợp với Trung tâm GDNN – GDTX huyện mở ra, bà Trần Thị Hà (sinh năm 1967), hiện đang sống tại thôn Huỳnh Công Tây, xã Vĩnh Tú đã có hướng phát triển kinh tế riêng cho gia đình.

Được biết, trước đây gia đình bà từng đầu tư làm ruộng, trồng lạc, dưa hấu nhưng không đem lại hiệu quả. Năm 2015, sau khi tham gia lớp học, được hướng dẫn thêm kiến thức, kỹ thuật và thực hành trồng cây hồ tiêu, vợ chồng bà Hà mạnh dạn đầu tư trồng 300 gốc thử nghiệm.

Đến nay, gia đình bà đã có trên 600 gốc tiêu. Trung bình mỗi năm, vườn tiêu mang lại cho gia đình bà khoảng 70 – 80 triệu đồng. Ngoài trồng tiêu, bà Hà còn trồng cây cao su, mở trang trại chăn nuôi lợn...

“Học xong lớp kỹ thuật trồng trọt, tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, giúp cây phát triển tốt, năng suất cao, thu nhập ổn định. Thời gian tới, nếu có điều kiện, tôi muốn tham gia thêm các lớp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi để mở rộng trang trại của mình”, bà Hà tâm sự.

Không riêng gì bà Hà mà nhiều cá nhân, đơn vị khác cũng đã có việc làm, thu nhập ổn định sau khi đào tạo nghề cho LĐNT như các hội viên của lớp nghề kỹ thuật làm hương Hội Người mù huyện Vĩnh Linh với thu nhập bình quân 3-4 triệu đồng/người hay ông Lê Quang Đức Huy tại xã Vĩnh Chấp với mô hình chăn nuôi trang trại đa con, cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm.

75% lao động có việc làm sau học nghề

Xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng LĐNT trong tiến trình xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và xây dựng nông thôn mới, công tác dạy nghề cho LĐNT đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tích cực.

Theo đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân đối với công tác dạy nghề cho LĐNT. Công tác đào tạo nghề đa dạng về hình thức và loại hình, số lượng các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn cũng tăng lên với 2 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 11 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp.

Những năm gần đây, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn đào tạo nghề cho LĐNT gắn với tạo việc làm, thu nhập.

Với cách đào tạo trên, đối tượng tham gia học nghề được trang bị kiến thức cơ bản, thiết thực theo từng ngành nghề; kết hợp giữa lý thuyết và thực hành; được tư vấn nghề nghiệp.

Vì vậy, sau học nghề đã có trên 75% lao động có việc làm, biết vận dụng kiến thức đã học vào sản xuất, kinh doanh tại địa phương, gia đình, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo và tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo.

Các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện; đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy nghề không ngừng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.

Tính đến tháng 5/2022, toàn tỉnh có 138 cán bộ, công chức (kể cả kiêm nhiệm) thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đào tạo nghề nói chung, cho LĐNT.

Trong 10 năm, đã có 24.991 lượt cán bộ, công chức được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ góp phần nâng cao năng lực triển khai, tổ chức thực hiện công tác đào tạo nghề cho LĐNT.

Huyện Vĩnh Linh là một trong những địa phương làm tốt công tác đào tạo LĐNT trong những năm qua. Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thiên Tùng cho hay: “Mặc dù còn có những hạn chế nhất định, nhưng hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT là không thể phủ nhận. Chất lượng LĐNT có bước cải thiện đáng kể, từng bước hình thành một xã hội học tập, sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề. Trên địa bàn xuất hiện những tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, các câu lạc bộ nghề, góp phần liên kết sản xuất, tạo ra chuỗi giá trị trong nông nghiệp”.

Giai đoạn 2012-2022, toàn tỉnh đã có 55.805 lượt LĐNT được đào tạo nghề, trong đó đối tượng là thanh niên nông thôn gần 6.000 lượt người. Tổng kinh phí hỗ trợ công tác đào tạo nghề đến năm 2022 là trên 191 tỉ đồng. Đối tượng học nghề gồm những người thuộc đối tượng chính sách đang còn sức lao động, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ cận nghèo, hộ nghèo...

Để thực hiện tốt sự lãnh đạo trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT, UBND huyện Vĩnh Linh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện như: Quyết định số 999/QĐ-UBND ngày 6/5/2010 của UBND huyện về việc thành lập “Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ”; Đề án số 866/ĐA-UBND ngày 30/11/2010 của UBND huyện về “Đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2010-2020”...

Nhờ đó mà trong các giai đoạn từ 2010 – 2015 và 2016 – 2021, toàn huyện đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo 259 lớp với tổng số 7.372 học viên. Tỉ lệ LĐNT có việc làm sau khi học nghề đều đạt trên 80%. Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giúp các xã sớm hoàn thành các tiêu chí về thu nhập theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Nguyễn Huyền Trang khẳng định: đào tạo nghề cho LĐNT là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành trong tỉnh cũng đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT.

“Cần tiếp tục gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm đáp ứng nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025.

Bên cạnh đó, việc đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển một bộ phận lao động nông thôn sang làm nông nghiệp sẽ tạo chuyển biến tích cực, rõ nét hơn về chuyển đổi nghề nghiệp, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân lao động nông nghiệp”, bà Trang nói.

Bài 2: Cần tháo gỡ những “điểm nghẽn”

Trúc Phương

Tin liên quan:

Trúc Phương

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Quảng Trị - Điểm sáng về thu hút đầu tư

Quảng Trị - Điểm sáng về thu hút đầu tư
23:50 01/05/2025

QTO - Tận dụng những điều kiện thuận lợi về giao thương và phát triển kinh tế khu vực, tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu...

Dạy nghề cho du học sinh Lào

Dạy nghề cho du học sinh Lào
10:30 13/12/2022

QTO - Lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhất là hỗ trợ đào tạo cán bộ y tế giúp 2 tỉnh bạn Salavan và Savannakhet (Lào) luôn được Trường Cao đẳng Y tế (CĐYT)...

POWERED BY
Việt Long