Cập nhật: Thứ 5, 10/12/2015 | 10:05 GMT+7

Đảm bảo bình đẳng trong thực hiện chính sách dân tộc

(QT) - Quảng Trị là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, là địa phương có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống, trong đó đông nhất là đồng bào dân tộc Vân Kiều và Pa Kô. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị có 41 xã, thị trấn, thuộc các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ. Tính đến nay, dân số vùng miền núi tỉnh Quảng Trị có khoảng 153.000 người, trong đó có khoảng 75.200 người dân tộc thiểu số. Về cơ cấu lao động, phần lớn tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo, bồi dưỡng chiếm hơn 50.000 người. Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về dân tộc và chính sách dân tộc, những năm qua dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, các cấp chính quyền và toàn hệ thống chính trị trong tỉnh đã thực hiện các chính sách dân tộc đúng đắn, dựa trên nguyên tắc dân chủ, công bằng, phát triển hài hòa giữa cá nhân với cộng đồng, giữa từng tộc người với cả cộng đồng dân tộc. Đồng bào các dân tộc bình đẳng về quyền làm chủ, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ; được chính quyền hỗ trợ để xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các vùng. Mọi công dân đều bình đẳng về cơ hội học tập, khám chữa bệnh, tham gia các hoạt động văn hóa; các cấp chính quyền đã tôn trọng những giá trị, bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, quan hệ xã hội của các tộc người.

Tổ chức sân chơi tập thể cho trẻ em vùng cao - Ảnh: QUANG HIỆP

Với những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng chính sách dân tộc, các chính sách dân tộc đã được triển khai toàn diện đến tất cả các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt, qua 5 năm thực hiện, các chương trình, chính sách hỗ trợ đầu tư giai đoạn 2011 – 2015 với tổng số kinh phí từ Trung ương hỗ trợ cho các chính sách dân tộc là gần 670 tỉ đồng (trong đó vốn vay cho các hộ dân là 6,415 tỉ đồng) đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội; xóa đói giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng- an ninh. Nhờ đó, số hộ nghèo toàn vùng giảm rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo vùng miền núi là 27,27% (đầu năm 2011) xuống còn 18,30% (đầu năm 2015). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 6,5 triệu đồng/người/năm (2006) lên 16,5 triệu đồng/người/năm (2012) và 18,2 triệu đồng/người/năm (2014)… Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách dân tộc vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, cụ thể là cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng đồng bộ trong các vùng dân tộc; cơ hội tiếp cận học tập, việc làm, cách thức làm ăn của đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhiều, thu nhập còn thấp; việc thụ hưởng các chính sách, chương trình đôi lúc chồng chéo nhưng hiệu quả chưa cao; chưa hoàn thành công tác định canh, định cư; các giá trị văn hóa còn chưa được chú trọng bảo tồn một cách toàn diện và thấu đáo; chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực thấp, chưa đồng đều; hệ thống chính trị cơ sở nhiều nơi chưa đủ mạnh, cán bộ người dân tộc ở một số địa phương chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; còn để xảy ra khiếu kiện, tranh chấp đất đai… Vì vậy, trong thời gian tới, để hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân tộc, góp phần tạo sự bình đẳng, nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào các dân tộc thiểu số, trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về thực hiện chính sách dân tộc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về các nghị quyết của Đảng về vấn đề dân tộc. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo bền vững trên địa bàn các dân tộc. Huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng vùng, từng địa phương đảm bảo cho đồng bào dân tộc thiểu số khai thác được thế mạnh của địa phương nhằm làm giàu cho gia đình và xã hội. Xây dựng kết cấu hạ tầng mà trước hết là giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, điện thắp sáng và các công trình phúc lợi công cộng khác. Phát triển nông lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Khai thác tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu, khoáng sản, danh lam thắng cảnh, các thế mạnh của từng địa phương trong phát triển kinh tế -xã hội. Tiếp tục thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc nói chung và từng dân tộc nói riêng. Đẩy mạnh xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa; xây dựng và đầu tư các trang thiết bị cho các trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Tổ chức nhiều hoạt động lễ hội văn hóa để nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở, đẩy mạnh việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ đối với con em là người dân tộc thiểu số địa phương, đồng thời phát huy vai trò người uy tín trong đồng bào để cùng tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, tham gia công tác xóa đói giảm nghèo và theo dõi giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc. Với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tin tưởng rằng với trách nhiệm và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc của tỉnh cùng sự phối hợp của các sở, ban, ngành và các địa phương, thời gian tới tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh sẽ có những bước chuyển biến mới, phát triển ổn định và bền vững. HẢI ĐĂNG



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Người cán bộ chữ thập đỏ nhiệt huyết

Người cán bộ chữ thập đỏ nhiệt huyết
05:35 09/12/2015

(QT) -Qua hơn 5 năm gắn bó công việc, với tấm lòng nhiệt huyết, anh Đoàn Nhật Anh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Ba Lòng, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã có nhiều đóng góp ý nghĩa...

POWERED BY
Việt Long