Cập nhật: Thứ 6, 08/08/2008 | 15:13 GMT+7

Đakrông làm gì để xoá đói giảm nghèo?

Dù đã cố gắng hết sức, với sự giúp đỡ hỗ trợ tối đa của Trung ương, của tỉnh, sự nỗ lực của địa phương nhưng đến nay Đakrông vẫn thuộc huyện có tỷ lệ hộ đói nghèo cao nhất tỉnh, với 10 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, nền kinh tế vẫn mang tính chất tự cấp tự túc, phương thức canh tác còn nhiều lạc hậu. Trận rét lịch sử cuối năm 2007 cùng với nắng hạn kéo dài trong thời gian vừa qua đã làm cho đời sống người dân các xã trong huyện đã khó khăn càng khó khăn hơn, tỷ lệ hộ đói nghèo, tái nghèo không những không giảm mà còn tăng thêm bởi những tác động bất khả kháng của thiên tai và "bão giá". Một cán bộ ở Phòng nông nghiệp huyện đã tâm sự rất chân thành với chúng tôi, nếu xét theo tiêu chí mới thì tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện phải trên 50%, bởi lẽ so với trước đây thu nhập của người dân không những không tăng lên mà trị số còn giảm xuống do đồng tiền mất giá. Tôi đã chứng kiến cảnh những người Vân Kiều cố gắng gùi những buồng chuối, mớ rau đi gần 15 cây số từ Ka reng hay Sa ta ra tận chợ huyện để bán đổi lấy vài long gạo, cân muối, bà con cho biết, không phải ngay tại bản không có những thứ hàng hoá thiết yếu ấy, nhưng do giá cả leo thang không mua nổi. Chị Hồ Thị Mày ở Ka reng (Hướng Hiệp) giải bày một cách giản dị: “Đi mệt một chút nhưng dễ hơn kiếm tiền”. Không thể phủ nhận những thành tựu to lớn của quá trình định canh, định cư, chuyển đổi phương thức canh tác, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp xoá đói giảm nghèo đã và đang thực hiện ở huyện miền núi đặc biệt khó khăn này. Cho đến bây giờ sau hơn 10 năm lập lại huyện và 7 năm thực hiện chương trình 135 của Chính phủ, bộ mặt huyện miền núi Đakrông đã có nhiều khởi sắc đáng ghi nhận, thành tựu to lớn nhất là trên lĩnh vực giao thông và hạ tầng cơ sở. Từ một huyện 14 xã và thị trấn mà có tới 4 xã chưa có đường giao thông vào tận trung tâm, 80% hộ dân chưa có điện, chưa được dùng nước sạch sinh hoạt, nhiều xã chưa có trường học, trạm y tế... đến nay, với gần 100 tỷ đồng từ nguồn vôn đầu tư của Chính phủ và các dự án, đường giao thông đã đi vào tận những xã xa xôi hẻo lánh nhất như Ba Lòng, Hải Phúc, A Vao, Ba Nang. Hơn 60% hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô đã được dùng điện, 41,5% thôn bản có nước sạch sinh hoạt, 92% trẻ em trong độ tuổi đã được đến trường, được học hành trong những cơ sở trường lớp khang trang, người dân đau ốm bệnh tật đã được chữa trị trong các cơ sở y tế với nhiều trang thiết bị hiện đại, các loại dịch bệnh xã hội cơ bản đã được đẩy lùi. Trên 1700 hộ nghèo đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở, 1570 hộ đã được hỗ trợ đất sản xuất. Theo số liệu thống kê của UBND huyện Đakrông, trong thời gian 7 năm thực hiện chương trình 135, Nhà nước đã đầu tư trên 72 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng cơ sở và thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao đời sống cho người dân các dân tộc trong huyện, đó là chưa kể nhiều chính sách trợ cước trợ giá, các dự án chương trình lồng ghép khác đã và đang được triển khai ở đây. Đánh giá về kết quả thực hiện chương tình 135 trên địa bàn, anh Đinh Văn Lý, Trưởng phòng Dân tộc huyện khẳng định, chưa bao giờ huyện miền núi Đakrông được Nhà nước quan tâm đầu tư một cách mạnh mẽ như thế, nếu không có chính sách đầu tư tập trung này thì không biết đến bao giờ bộ mặt nông thôn miền núi mới khởi sắc như ngày hôm nay. Tuy nhiên công bằng mà nói, đến nay Đakrông vẫn còn là một huyện nghèo với tỷ lệ hộ đói nghèo cao nhất tỉnh, thu nhập bình quân đầu người chỉ chưa bằng một nửa so với các địa phương khác trong toàn tỉnh. Cái khó của Đakrông không chỉ dừng lại ở chỗ hạ tầng cơ sở nghèo nàn, điểm xuất phát đi lên thấp, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, phương thức canh tác còn lạc hậu... mà phải nói rằng khó khăn của Đakrông càng chồng chất hơn khi điều kiện tự nhiên quá khắc nghiệt, tài nguyên thiên nhiên không có gì. Là một huyện nông nghiệp nhưng diện tích đất đai eo hẹp lại bị chia cắt bởi nhiều đồi núi, sông suối nên sản xuất nông nghiệp vốn mang tính nhỏ lẻ lại càng manh mún hơn. So với nhiều địa phương khác, Đakrông có diện tích tự nhiên rất lớn, nhưng diện tích đất sản xuất thuần thục lại quá ít, thuộc diện bình quân đầu người thấp nhất tỉnh, chưa đầy 700 m2/đầu người. Tại các xã như Triệu Nguyên, A Vao, Ba Nang để tìm đất sản xuất là rất khó. Trong khi đó với tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn, tình trạng khai thác vàng, khai thác cát sạn bừa bãi, sau mỗi mùa lũ lụt, hàng chục héc-ta đất sản xuất quý giá của người dân đã bị sạt lở, bị cát đá bồi lấp. Anh Võ Thương, Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên cho biết, với tình trạng sạt lở không ngăn chặn được như hiện nay e rằng vài chục năm nữa thung lũng Ba Lòng chỉ còn là thung lũng chết. Với tình trạng đất sản xuất nông nghiệp không dồi dào như Đakrông hiện nay có lẽ phải tính tới một phương thức canh tác khác, không nên quá chú trọng đến nguồn lương thực tại chỗ vừa chi phí lớn vừa quá nhiều rủi ro. Một cán bộ kiểm lâm có tính toán sơ bộ rằng, ở miền núi để sản xuất ra một tấn lương thực phải chặt bỏ 1,2 ha rừng tạp giao, phải đốt bỏ trên 150 mét khối gỗ củi, mà đặc tính của cây lương thực là ngắn ngày, việc chặt phá, cuốc xới tác động lên nền đất lại thường xuyên do đó không chỉ nhiều héc-ta rừng bị chặt phá, nhiều cây non bị triệt hạ mà mỗi năm để làm ra một tấn lương thực tình trạng rữa trôi cũng đã mất đi hàng trăm ngàn mét khối đất màu quý giá. Vì thế ngăn chặn tình trạng phát rừng làm nương rẫy là việc đã đành mà hơn thế, còn cần phải hạn chế việc phát triển diện tích sản xuất lương thực ở miền núi đến mức thấp nhất. Giải pháp lương thực tại chỗ cho đồng bào miền núi đã có, đó là chương trình cấp gạo cho người dân miền núi trồng rừng đã được Chính phủ thông qua, chỉ tiếc rằng không biết vì sao hiện nay không chỉ riêng Đakrông mà nhiều địa bàn miền núi khác ở trong tỉnh vẫn chưa triển khai thực hiện.

Phương thức canh tác lạc hậu, một trong những nguyên nhân gây ra đói nghèo ở huyện miền núi Đakrông

Bên cạnh việc trồng rừng không chỉ mang lợi ích kinh tế mà còn mang nhiều lợi ích tổng hợp cần khuyến khích phát triển ở miền núi, để giúp người dân xoá đói giảm nghèo ổn định lâu dài cần tính đến việc đưa cây công nghiệp vào một số vùng phù hợp. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc đưa cây cao su, cây cà phê vào Đakrông là điều cần phải tính đến. So với các huyện trong vùng như Cam Lộ, Gio Linh, đất đai cũng như khí hậu của Đakrông không khác mấy. Nhưng tại các địa phương này, cây cao su đã khẳng định được vị thế của nó và đang trở thành cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình, kể cả những hộ đồng bào Vân Kiều (như ở Linh Thượng, Vĩnh Trường). Nếu chưa có điều kiện thì cần thí điểm đưa cây cao su vào trồng tại một số vùng đất ở Hướng Hiệp, Mò Ó, Ba Lòng để rút kinh nghiệm. Cao su không chỉ là cây công nghiệp dài ngày có giá trị mà đây còn là cây phủ xanh đất trống đồi trọc, cải tạo môi trường sinh thái rất hiệu quả. Nên chăng, huyện Đakrông cần đột phá trong vấn đề này. Một thông tin cũng cần đề cập, là không chỉ vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên mà hiện nay nhiều tỉnh phía bắc như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên cũng đã đưa cây cao su vào trồng đa dạng hoá cơ cấu cây trồng thì lý gì Đakrông lại ngần ngại? Còn cây cà phê thì đã quá quen thuộc với tiểu vùng khí hậu đường 9 và hạ Rào Quán, nếu như các xã Pa Tầng, Xã Húc (Hướng Hoá) cây cà phê phát triển tốt thì ở Đakrông tại sao không? Vấn đề ở đây là nên trồng và đầu tư thâm canh cho cây cà phê một cách bài bản và chuyên nghiệp hơn, đừng nên trồng theo kiểu nhờ trời như một số hộ bà con đã trồng rồi vội vàng kết luận là không phù hợp. Trong một lần làm việc mới đây, đồng chí Hồ Thanh Bân, Bí thư Huyện uỷ Đakrông có tâm sự với chúng tôi rằng, vấn đề chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu bằng phương pháp tiến bộ, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất chỉ thật sự đi vào cuộc sống khi đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở thật sự trăn trở, tâm huyết với khát vọng xoá đói giảm nghèo của dân. Là một huyện miền núi còn nghèo khó nhưng nhiều cán bộ vẫn chưa sâu sát, chưa chia sẻ với nỗi khổ của người dân, vẫn làm việc cho hết ngày (chứ không phải cho hết việc) thì không thể đem cái đói cái nghèo đi đâu xa được. Bài và ảnh: Hoàng Đức.


 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Mở ra con chữ, khép lại đói nghèo
22:40 30/10/2024

Từ bao đời nay, nhiều gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh chỉ tập trung lo đủ cái ăn, cái mặc chứ chưa thực sự chú trọng vào việc ...

Thành tỷ phú từ tay trắng

Thành tỷ phú từ tay trắng
07:51 08/08/2008

Chỉ trong vòng 9 năm (năm 1999-2008) tạo dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng đến nay, ông Trần Hiền, thôn Giang Xuân Hải (xã Trung Sơn, Gio Linh) đã có trong tay 1 xưởng cưa xẻ...

Triệu Phong: 5.587 hộ đạt tiêu chí sản xuất giỏi

Triệu Phong: 5.587 hộ đạt tiêu chí sản xuất giỏi
02:36 08/08/2008

Trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Triệu Phong đã tích cực vận động nông dân chú trọng khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương, đầu tư phát triển sản xuất, đẩy mạnh...

Làm giàu từ nghề làm hương

Làm giàu từ nghề làm hương
02:26 08/08/2008

Bây giờ, nhiều lúc ngồi một mình nghĩ lại những tháng ngày đã qua, chị Bùi Thị Hoa (Cam An, Cam Lộ) vẫn không tin được mình lại có được thành công như ngày hôm nay. Bởi khi bắt...

Thời tiết

20°C - 25°C
Có mây, không mưa
  • 18°C - 25°C
    Có mây, không mưa
  • 16°C - 21°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long