Cập nhật: Thứ 3, 22/11/2011 | 11:09 GMT+7

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tham gia xây dựng luật

(QT) - Trong các ngày 15 - 17/11/2011, Quốc hội thảo luận cho ý kiến về một số dự án luật tại kỳ họp này. Đại biểu PHẠM ĐỨC CHÂU đã tham gia thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; đại biểu LY KIỀU VÂN tham gia thảo luận về Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Sau đây là lược ghi ý kiến phát biểu của các đại biểu. - Về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền: Đại biểu Phạm Đức Châu cho rằng, việc ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền rõ ràng là rất cần thiết, nhưng nếu theo dự thảo của luật này thì chưa đáp ứng được, mà luật này nên gọi là Luật Phòng, chống rửa tiền qua hoạt động ngân hàng của các tổ chức tài chính thì đúng hơn. Thực tiễn ở Việt Nam hoạt động rửa tiền chắc chắn đã xảy ra, nhưng không phải qua các tổ chức ngân hàng, tổ chức tài chính. Vì chúng ta có một thị trường tiền mặt và các loại hàng hóa có giá trị như tiền hoạt động mua, bán, chuyển nhượng rất dễ dàng. Nếu chúng ta qui định như thế này thì không đáp ứng được việc phòng, chống rửa tiền ở trong nước. Tất nhiên chúng ta cũng phải phòng, chống rửa tiền đối với các loại tội phạm quốc tế khi đưa vào rửa tiền ở Việt Nam. Vì vậy, đề nghị phải qui định cụ thể hơn, đặc biệt phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.

Đại biểu Phạm Đức Châu phát biểu tại hội trường - Ảnh: HN

Trong thời gian vừa qua, theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, một số đối tượng cán bộ, công chức... phải kê khai tài sản, thu nhập do phải yêu cầu minh bạch hóa thu nhập, tài sản cá nhân có thời điểm phát sinh nhu cầu hợp pháp hóa tiền, tài sản hợp pháp. Thực tiễn ở Việt Nam việc hợp pháp hóa tiền và tài sản thu nhập này hiện nay không thông qua hệ thống ngân hàng, các tổ chức tài chính. Cho nên, dự thảo luật cần quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam để đáp ứng yêu cầu phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam. Về phạm vi điều chỉnh, đề nghị luật này chỉ quy định về phòng, chống rửa tiền chứ không nên quy định về hành vi tài trợ khủng bố, bởi vì đây là 2 hoạt động khác nhau, hai hình thức khác nhau. Tất nhiên trong tài trợ khủng bố có hoạt động rửa tiền, nhưng sau này chúng ta có luật về phòng, chống khủng bố thì sẽ đưa vào. - Về Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá: Về sự cần thiết và tính khả thi của luật, với ý thức chấp hành pháp luật ở nước ta hiện nay và với phong tục tập quán thì luật này chắc chắn tính khả thi sẽ chưa cao. Nhưng hy vọng trong xu thế xây dựng nhà nước pháp quyền, đồng thời xây dựng nền văn hóa thì dần dần những quy định này sẽ được thực hiện. Cái quan trọng là bây giờ chúng ta thấy thái độ của nhà nước, trách nhiệm của nhà nước đối với vấn đề phòng, chống tác hại thuốc lá, vì vậy, cần thiết phải ban hành luật này. Nội dung chính của luật này là vấn đề giảm cầu, kiểm soát cung, đặc biệt dùng các biện pháp để phòng tránh phơi nhiễm khói thuốc lá của người hút và người không hút. Xét về mặt quy luật cung- cầu thì vẫn biết nếu giảm cầu được thì đương nhiên giảm cung, nhưng trách nhiệm của nhà nước đối với vấn đề này không những quy định biện pháp kiểm soát nguồn cung mà phải kiểm soát và từng bước giảm nguồn cung. Về việc thành lập quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá, theo ý kiến của đại biểu Phạm Đức Châu là không nên có quỹ này vì chưa rõ nó là phí, lệ phí hay là thuế. Mặt khác, nếu thành lập quỹ thì kéo theo một bộ máy quản lý rất rườm rà. Vấn đề xử lý vi phạm, đề nghị luật này thể hiện được các quy định phải xử phạt ở nơi nào, về thẩm quyền được xử phạt. Về quyền của người không hút thuốc lá và nghĩa vụ người hút thuốc lá quy định tại điều 11 và 12 trong dự thảo luật, đây là quyền của mọi công dân chứ không riêng gì người hút thuốc lá và không hút thuốc lá. Dự thảo còn quy định lẫn lộn giữa quyền và nghĩa vụ ở một số khoản. Vì vậy đề nghị không cần quy định 2 điều này hoặc phải thiết kế lại theo hướng phù hợp hơn với nguyên tắc pháp chế trong xây dựng pháp luật. - Về dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật: Đại biểu Ly Kiều Vân đồng ý sự cần thiết phải ban hành luật, mặc dù trong thực tế đã có nhiều văn bản pháp luật hiện hành quy định về vấn đề phổ biến, giáo dục pháp luật và trên thực tế cũng đã giao trách nhiệm cụ thể cho một số cơ quan, tổ chức thực thi vấn đề này. Tuy nhiên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian qua chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, thực tế luật được ban hành rất nhiều, nhưng người dân thực sự biết đến luật và thực hiện luật lại không được nhiều. Đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn thì việc hiểu luật và chấp hành luật lại càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, việc giao trách nhiệm cho một số cơ quan, tổ chức cũng chưa thật hợp lý, các điều kiện và các chính sách để đảm bảo cho công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, việc ban hành luật là hết sức cần thiết nhằm giải quyết những vấn đề bất cập trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình hiện nay. Đại biểu Ly Kiều Vân đề nghị bổ sung và làm rõ một số vấn đề như sau: Thứ nhất, luật mới chỉ quy định trách nhiệm của người phổ biến, giáo dục pháp luật mà chưa quy định rõ trách nhiệm của người được phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong khi đó, mục tiêu của luật này là hướng tới đối tượng tiếp nhận và làm thay đổi nhận thức hành vi của họ để từ đó hình thành thói quen tôn trọng pháp luật, do vậy đề nghị cũng cần nghiên cứu, bổ sung nội dung này vào trong dự án luật. Thứ hai, cần phải nghiên cứu thiết kế một quy định về trình tự thời gian tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật sau khi luật được ban hành nhằm để đảm bảo tính kịp thời trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Bởi vì một thực tế hiện nay mà chúng ta đều biết là khi luật ban hành thì cần phải có hướng dẫn của nghị định, thông tư. Cho đến khi nghị định, thông tư ra đời thì cũng có những dự án luật không còn phù hợp và cần phải sửa đổi, bổ sung, do đó, ảnh hưởng không nhỏ trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật. Thứ ba, về cơ quan quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật. Dự thảo luật cần thể hiện rõ trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Tư pháp trong vấn đề này. Tán thành với dự thảo luật là phải thành lập Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật, vì thực tế hiện nay hội đồng này vẫn đang phát huy tác dụng. Tuy nhiên, không nên giao cho Chính phủ qui định, mà nên qui định ngay trong luật, qui định rõ quyền, trách nhiệm của hội đồng, bởi vì hội đồng có vai trò rất lớn trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Một số vấn đề khác như: các hành vi cấm được qui định như trong dự thảo là chưa đầy đủ, cần bổ sung thêm hành vi cấm cản trở hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và hành vi xúc phạm người phổ biến, giáo dục pháp luật. Về đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật được qui định tại Điều 16 và Điều 18, Luật Trợ giúp pháp lý và Luật Người khuyết tật đã điều chỉnh vấn đề này. Do vậy cần phải nghiên cứu và thiết kế để đảm bảo tính thống nhất của luật, đồng thời nhằm tránh tình trạng một nội dung nhưng lại được rất nhiều luật điều chỉnh. Cần phải bổ sung thời gian có hiệu lực của luật này. PHẠM HỒNG NAM (tổng hợp)



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Huyện Gio Linh: Kết nạp 169 đảng viên mới

Huyện Gio Linh: Kết nạp 169 đảng viên mới
23:28 21/11/2011

(QT) - Thực hiện chương trình công tác năm 2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, nhằm tăng nhanh số lượng đảng viên, đặc biệt là đảng viên trẻ ở địa bàn dân cư và sức chiến đấu...

Đạo lý - Nghĩa tình

Đạo lý - Nghĩa tình
22:49 14/11/2011

* LÊ GIA HÀ, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh Quảng Trị   Năm nay, Hội Cựu giáo chức phối hợp với Công đoàn Giáo dục tỉnh Quảng Trị tổ chức kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam...

Thời tiết

22°C - 27°C
Nhiều mây, không mưa
  • 22°C - 30°C
    Có mây, không mưa
  • 25°C - 33°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long