Cập nhật:  GMT+7

Bên ly cà phê nhìn ra vườn Dinh Thống Nhất

Vào Sài Gòn có cả vạn quán cà phê, nhưng cà phê “dinh” là nơi tôi thường hẹn bạn bè ở đó. Cà phê dinh là cách gọi quán cà phê nằm trong khuôn viên dinh Thống Nhất-nơi đã trở thành di tích lịch sử kể từ sau 30/4/1975.

Bên ly cà phê nhìn ra vườn Dinh Thống Nhất

Không gian xanh mát của vườn dinh Thống Nhất, bên ly cà phê trong khu vườn này mọi người thêm biết ơn về ngày hòa bình -Ảnh: L.Đ.D

Ngồi cà phê ở đó, không chỉ để thưởng thức hương vị cà phê hay không gian rộng thoáng giữa một đô thị ồn ào náo nhiệt. Khi ngước nhìn về tòa dinh thự bề thế nơi từng là đầu não của chế độ Sài Gòn, tôi vẫn nghĩ nếu không có ngày 30/4/1975 ?

Mùa hạ năm 1975, thế hệ chúng tôi đang vào tuổi lên 10. Và may mà chiến tranh đã kết thúc vào ngày 30/4/1975. Bởi nếu chiến tranh chỉ kéo dài thêm dăm bảy mùa hè nữa, thì có thể mọi chuyện đã khác đi. Những đứa bé đang tuổi thiếu nhi như chúng tôi buộc phải cầm súng. Chỉ cần nghĩ như thế, bên ly cà phê trong làn gió xao xác qua hàng cây cổ thụ trong khuôn viên dinh hôm nay là đủ để thấm thía hai chữ hòa bình !

Năm trước, cũng đang lúc ngồi cà phê ở dinh thì chúng tôi nhận được bản tin chiến sự khơi mào ở Ucraina. Và dài đến hôm nay sau hơn ba năm, ở một góc trời Ucraina, những ngày này bom đạn vẫn cướp đi bao nhiêu sinh mạng dân lành.

Sinh ra ở Quảng Trị, từ lúc 6-7 tuổi tôi đã nếm mùi chiến tranh từ mùa hè 1972, rồi những tháng ngày tao loạn dài dằng dặc cho đến tháng 4/1975. Cứ nghe tới chiến tranh, ký ức tuổi thơ trong tôi lại ào về. Tôi tìm thấy tuổi thơ tôi trong dòng lưu dân trên những thước phim chiến sự còn lưu trên YouTube. Những đứa trẻ ngác ngơ giữa chiến tranh, mà nhờ một phép màu nào đó, tôi đã may mắn không phải nằm trong những bức ảnh tang thương kia-bức ảnh với xác những đứa trẻ nằm xếp lớp bên con đường Quốc lộ 1 từ Quảng Trị vào Huế.

Tôi đã tần ngần rất lâu trước một tấm hình chụp con đường đi ngang bưu điện tỉnh Quảng Trị bây giờ. Tấm hình của năm 1972 ấy là hình ảnh một thị trấn tang thương đổ nát. Còn bây giờ, quanh khu vực đó ngày nào cũng tấp nập hình ảnh những em bé mặc đồng phục tới lớp. Nhà tôi ở cạnh cả ba ngôi trường, trường mầm non Hoa Sen, trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, trường trung học cơ sở Nguyễn Trãi. Và một niềm vui mỗi ngày của tôi là được nhìn những đứa bé đến trường. Cả gương mặt rạng rỡ của những ông bố bà mẹ ngày ngày đưa con đi học. Dường như có những điều rất đỗi bình thường mà rất ít người nhận ra, rằng hạnh phúc lớn lao nhất nằm trong sự bình thường ấy. Có đi qua tao loạn đạn bom, mới thấy chỉ riêng việc mỗi ngày bình yên được đưa con đến trường là hạnh phúc vô giá.

Bên ly cà phê nhìn ra vườn Dinh Thống Nhất

Bức ảnh lịch sử khi xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập , đánh dấu đất nước được thống nhất sau hơn hai mươi năm chia cắt -Ảnh: T.L

Hơn nửa thế kỷ trước, cũng lứa tuổi này bao đứa bé thời chiến đã đi vào câu thơ Tố Hữu: “Chào các em, những đồng chí tương lai/ mang mũ rơm đi học đường dài”. Đấy là câu chuyện về những thế hệ học trò đất Bắc đến trường dưới bom đạn, lớp học, là căn hầm chữ A và những câu thơ của cậu bé Trần Đăng Khoa ngày nào vẫn vương mùi khói bom: “Em nghe như Bác dạy lời/ Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa/Trồng rau, quét bếp, đuổi gà/Thấy tàu bay Mỹ nhớ ra hầm ngồi..” (Góc sân và khoảng trời) .

Tôi sống ở miền Nam, không “mang mũ rơm đi học đường dài” nhưng ký ức tuổi thơ tôi hình như rất ít chỗ cho trò chơi mà nỗi ám ảnh thường trực vẫn là bom đạn. Chừng như khi tôi chập chững biết đi thì những tiếng nổ đêm đêm đã ăn vào ký ức. Căn hầm đào ngay dưới giường nằm, đang ngủ rất yên lành bỗng mẹ tôi bật dậy ôm lấy tôi lăn vội xuống hầm khi tiếng súng vang đâu đó. Rồi sáng mai ra tôi nghe người lớn kháo nhau về những du kích, bộ đội địa phương bám trụ ở những cánh rừng bên kia sông Hiếu, đêm đêm về tập kích chi khu quân sự ngay gần nhà tôi. Có khi cả một đại đội chủ lực về phối hợp với bộ đội địa phương đánh những trận ra trò, mẹ con tôi nằm im thin thít dưới hầm, miệng mẹ tôi lầm rầm khấn vái.

Năm tôi lên 6 tuổi, quân giải phóng đánh mạnh trên chiến trường Quảng Trị, cả làng dắt díu nhau chạy tránh đạn bom, gồng gánh xô đẩy nhau trên đường, xe pháo ầm ào ngược xuôi lẫn trong dòng dân vô tội không biết tiến thoái thế nào. Pháo từ đâu câu đến giữa dòng người đang chạy, khi ấy cái cống thoát nước bên dưới lòng quốc lộ bỗng trở thành nơi trú ẩn. Bà nội tôi bế tôi vào trước, mẹ bồng em nhỏ chui theo, rồi không nhớ bao nhiêu người chen chúc nhau nêm kín lòng cống chật hẹp.

Tôi không sao thở nỗi, thằng bé em tôi ngằn ngặt không thét ra hơi, chỉ chực chết ngộp, may sao pháo ngớt, người ta bò ra khỏi cống, tôi hớp hớp những giọt không khí...Bà nội tôi và mấy mẹ con dắt díu nhau chạy bộ từ Cam Lộ vào tận Huế, băng đồng mà đi, mệt đâu ngủ đấy, thằng em trai chưa đầy 2 tháng tuổi của tôi mấy lần uống no nước khi mẹ tôi bế nó lội vượt ào qua những khe suối sâu ngập quá đầu mẹ...Đói đến đâu thì xin ăn ở đấy, rồi một ngày cái đôi chân thơ bé của tôi không đủ sức lon ton chạy theo bà theo mẹ được nữa, bà nội tôi kiếm đâu đôi quang gánh ai vứt bỏ ở vệ đường rồi bỏ tôi vào một đầu thúng, đầu kia phải bỏ thêm hòn đá cho thăng bằng mà gánh tôi đi.

Những nếp hằn chiến tranh chạm khắc vào trí óc thơ dại. Thằng nhóc tôi mới 6 tuổi thì làm gì biết nghe nhạc Trịnh? Nhưng những mảnh ký ức giằng xé và ám ảnh ấy đủ cho tôi sau này lớn khôn, nhận biết chút ít về thân phận trần ai của kiếp người trong những ca khúc của Trịnh, thì khi ấy ký ức tuổi thơ như những hồi quang vọng về qua điệp trùng ngày tháng soi vào từng ca từ của Trịnh, không ầm ào tiếng binh đao mà nghe ròng ròng lệ ứa: “Chiều đi lên đồi cao hát trên những xác người...” Những đêm trên trảng cát trắng Hòa Khánh tôi vẫn nhớ những ánh hỏa châu vút lên trên nền trời nhập nhòa, cái sắc trời của vùng đất sát bên biển, cái màu âm âm mờ tối của những tiếng súng vọng về từ phía núi, cái màu sáng vàng vọt của những đêm trăng mùa đông, những vệt khói của máy bay B.52 vương lại sau khi ném bom bay về...

Sau này tôi theo gia đình xiêu tán theo nhiều cuộc tao loạn khác, những ngày tạm cư ở vùng đồi Câu Nhi giáp vùng giải phóng Quảng Trị cả nhà tôi thường xuyên sống dưới hầm. Căn hầm bé tí dưới căn nhà tôn tạm bợ, không ngày nào không nghe những tiếng pháo vọng về từ miền Tây Trị Thiên, những cuốn truyện cổ tích cha tôi mua cho tôi đọc hình như chẳng có cho tôi một giấc mơ hoàng tử hay công chúa nào cả, khi ấy tôi chỉ có một ước mơ vô cùng lớn là cả nhà có một căn hầm thật chắc chắn, thật an toàn, đầy đủ lương thực cho cả nhà tôi sống trọn đời trong đó. Giờ đây trên xứ sở mình hẳn chẳng một đứa trẻ nào mơ những giấc mơ như thế! (cách đây khá lâu có một cô bé nước ngoài với bài thơ về chiến tranh đã mơ “Nếu trái đất hình vuông, trẻ con có thể trốn vào trong góc, nhưng trái đất tròn-nên các em không có chỗ nào để nấp” ).

Chiến tranh đã khiến ước mơ tuổi thơ của tôi chỉ có thế, mơ một căn hầm chắc chắn và cả nhà không bị ...đói. Rồi mùa xuân 1975, tôi nhớ khi cả nhà trở vào Huế, chạy về quân cảng Thuận An nhìn thấy những cái chết tức tưởi trong cuộc đua tranh mất còn để vượt sóng lao ra với chiếc tàu buông neo ngoài khơi mong thoát khỏi một cuộc “tắm máu” như luận điệu hù dọa tuyên truyền của bộ máy chiến tranh. Cha tôi bảo: Không chạy đi đâu nữa, về lại làng! Khi ấy tôi vừa 10 tuổi.

Rất nhiều lần ngồi bên ly cà phê ở dinh Thống nhất, giữa những ngày tháng Tư của Sài Gòn tôi luôn bị những thước phim ký ức chiến tranh thức dậy như thế để hiểu mỗi ngày bình yên không bom đạn là niềm hạnh phúc thiêng liêng đến ngần nào! Cũng như mạ tôi, ở tuổi gần chín mươi cứ mỗi lần thấy trên tivi những đạn bom đâu đó xa xôi, những chuyện khủng bố ở xứ này xứ khác, những cái chết của dân lành vô tội...lại bảo tắt tôi tắt tivi. Chiến tranh với mạ tôi đã quá đủ hơn nửa chặng đời, và bây giờ những đứa cháu nội ngoại mỗi ngày quây quần bên bà dưới tán cây xanh mát trong mảnh vườn nhỏ chứ không phải ngồi dưới căn hầm với ầm ì tiếng bom pháo vọng về, với mạ tôi đấy đã là hạnh phúc.

Lê Đức Dục


Lê Đức Dục

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Biển xanh sông gấm thắm màu hòa bình

Biển xanh sông gấm thắm màu hòa bình
2025-05-01 06:10:00

QTO - Một sớm cuối tuần của những ngày tháng Tư rộn ràng, tôi đi trên tuyến Metro ngó thành phố trong ánh nắng vàng réo rắt. Những tòa nhà cao vút khảm lên...

Có một ngày tháng Tư

Có một ngày tháng Tư
2025-04-30 07:20:00

QTO - Một ngày đầu tháng Tư năm nay, tôi có chuyến đi cùng anh Phạm Quyến, 68 tuổi, người Quảng Trị là Việt kiều ở Mỹ. Đợt về nước lần này, anh Quyến nhờ...

Tản mạn ngày lễ trọng

Tản mạn ngày lễ trọng
2025-04-30 06:30:00

QTO - Những ngày này, trong không khí hồ hởi, háo hức đón mừng Đại lễ kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, tôi lại hay nghĩ đến câu...

“Tiểu đội không về”

“Tiểu đội không về”
2025-04-30 06:20:00

QTO - Thuyết phục mãi, ông Trần Kiệm mới kể cho tôi nghe câu chuyện về “Tiểu đội không về” mà ông là tiểu đội trưởng. Tên “Tiểu đội không về” do ông Kiệm...

Chắp cánh những giấc mơ toàn cầu

Chắp cánh những giấc mơ toàn cầu
2025-04-29 10:40:00

QTO - Với môi trường chuẩn quốc tế, hiện đại, tiện nghi và thân thiện, Trường Liên cấp Hội nhập Quốc tế iSchool Quảng Trị (iSchool Quảng Trị) đã và đang...

Giúp học sinh thêm yêu lịch sử qua phim ảnh

Giúp học sinh thêm yêu lịch sử qua phim ảnh
2025-04-29 10:30:00

QTO - Những ngày tháng Tư lịch sử, bộ phim “Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên được khởi chiếu trên toàn quốc đã nhanh chóng...

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long