Cập nhật: Thứ 5, 24/09/2020 | 06:30 GMT+7

Chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn

QTO) - Trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp để người dân ổn định đời sống, nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng luôn được chính quyền các cấp quan tâm, người dân thực hiện tốt. Hiện nay, phát triển trồng rừng sản xuất đã khẳng định là hướng kinh tế ổn định, nhiều hộ dân vươn lên khá giả và làm giàu nhờ trồng rừng. Sản xuất, kinh doanh rừng trồng cung cấp gỗ lớn đang là xu hướng và cũng là giải pháp quan trọng để từng bước chuyển đổi thực trạng kinh doanh lâm nghiệp hiện nay, phục vụ tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

Kiểm tra độ sinh trưởng của rừng trồng - Ảnh: PVT​

Trồng rừng kinh doanh gỗ lớn cho mục đích kinh doanh gỗ xẻ trong những năm trở lại đây đã khẳng định hiệu quả kinh tế cao gấp 2 đến 3 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ với mục đích kinh doanh gỗ băm dăm. Trồng rừng gỗ nhỏ được thực hiện với chu kỳ 5 đến 6 năm, nhưng trồng rừng gỗ lớn phải thực hiện với chu kỳ ít nhất là 10 năm. Để đạt được mục đích gỗ lớn, người trồng rừng cần thực hiện chuyển hóa rừng trồng từ gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.

Đối với cây keo lai và keo tai tượng hiện nay, mật độ trồng rừng được khuyến cáo phù hợp nhất là 1.660 cây/ ha. Trong quá trình chăm sóc năm thứ nhất, năm thứ hai, thì người trồng rừng lưu ý phải thực hiện tốt việc tỉa cây, chỉ để lại một cây cho mỗi gốc, tỉa cành nhánh, tỉa ngọn chỉ để lại một ngọn chính để đảm bảo cây có hình thái đẹp, chiều cao dưới cành lớn, ít mắt sẹo cho mục đích cung cấp gỗ xẻ về sau.

Với mật độ ban đầu 1.660 cây/ha, đến tuổi thứ 2 cây đã bắt đầu khép tán, xuất hiện hiện tượng tỉa cành tự nhiên, cây tập trung phát triển về chiều cao, đường kính. Đến tuổi thứ 4 đã bắt đầu có sự cạnh tranh về không gian dinh dưỡng, rừng bắt đầu có sự phân hóa, cây hạn chế phát triển về đường kính mà tập trung phát triển về chiều cao. Xác định mục đích trồng rừng gỗ lớn thì lúc này người trồng nên tiến hành tỉa thưa rừng là phù hợp nhằm giảm sự cạnh tranh giữa các cây với nhau, giúp cây phát triển đồng đều về đường kính và chiều cao, hạn chế cây phát triển quá cao khi đường kính nhỏ, tỉ lệ sử dụng gỗ thấp.

Việc chuyển hóa từ rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang rừng sản xuất gỗ lớn cũng là cơ sở để quản lý đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh rừng trồng. Thạc sĩ Đặng Thị Mến, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, để có rừng gỗ lớn đảm bảo chất lượng và giá trị đem lại cao, trong chu kỳ kinh doanh 10 năm người trồng nên tiến hành tỉa thưa 2 lần. Lần 1 tỉa thưa vào tuổi 4 đến tuổi 5 của cây, mật độ để lại 1.000 cây/ha; lần 2 tỉa thưa vào tuổi 7 của cây, mật độ để lại 600 cây/ha. Đối với tỉnh Quảng Trị, năm nay thời tiết khô hạn kéo dài nên thời vụ tỉa thưa thích hợp là tiến hành trong tháng 9 và tháng 10.

Cây bài tỉa được đánh dấu theo các thứ tự ưu tiên, đây là những cây bị che sáng gần như hoàn toàn, phẩm chất kém trong lâm phần; cây bị sâu bệnh hại, cụt ngọn, nhiều thân, phân cành thấp, cây bị bệnh, rỗng ruột hoặc các khuyết tật khác; cây có thân hình cong queo, phân bố ở nơi có mật độ dày. Còn đối với cây mục đích để lại là những cây ưu thế không bị chèn ép, sinh trưởng tốt, có hình thái đẹp, thân thẳng, phân cành cao, một thân, có triển vọng cung cấp gỗ lớn. Cây có tiềm năng phát triển về chiều cao và đường kính.

Thạc sĩ Đặng Thị Mến cũng cho biết thêm về phương pháp bài cây và chăm sóc rừng sau khi tỉa thưa. Bài cây trước khi chặt được đánh dấu (x) bằng sơn đỏ ở 2 vị trí, một dấu ở vị trí chiều cao 1,3m trên thân cây, một dấu ở dưới mạch cắt gốc khoảng 1/4 đường kính gốc cây và cùng một hướng trong lô để dễ quan sát. Trong quá trình tỉa thưa cần chặt toàn bộ những cây bài chặt đã đánh dấu, phải chặt cây sát gốc, hướng cây đổ không ảnh hưởng tới cây giữ lại, không chặt 3 cây liền nhau và đảm bảo cây giữ lại phân bố đều trong rừng.

Với sản phẩm tỉa thưa rừng, người trồng rừng đã có nguồn thu, trong lần thứ nhất đã đủ bù lại chi phí đầu tư trồng rừng. Với sản phẩm tỉa thưa rừng lần thứ hai thì bắt đầu có một nguồn thu nhất định. Sau khi tiến hành tỉa thưa người trồng rừng cần vệ sinh, chăm sóc rừng. Thu gom thân cây, cành cây ra khỏi khu rừng tỉa thưa, thu dọn lá cây rừng, băm thành từng đoạn và rải thành băng.

Qua năm 1, năm 2 sau tỉa thưa thì người trồng rừng cần tiến hành chăm sóc mỗi năm 2 lần. Nội dung chăm sóc gồm phát dây leo, cây bụi trên toàn bộ diện tích. Sau đó tiến hành bón phân. Đối với đất nghèo dinh dưỡng (đất sét, tỉ lệ đá lẫn cao) hoặc trồng rừng thâm canh, bón bổ sung cho mỗi gốc cây bằng hoặc hơn 0,25 kg phân NPK (tỉ lệ 10:12:5)/cây hoặc 0,3 - 0,5 kg phân NPK (tỉ lệ 5:10:3)/cây. Để bón phân người dân cần cuốc từ 4 đến 5 hố xung quanh và cách gốc cây từ 1 đến 1,5 m, kích thước hố bề mặt hình vuông, rộng từ 20 đến 30 cm, sâu từ 15 đến 20 cm, chia đều khối lượng phân bón cho từng hố, trộn đều với đất vun vào 1/2 hố, phủ đất lên trên. Thời gian bón phân vào vào đầu mùa mưa thường tháng 9 đến tháng 10 hằng năm. Ngoài ra, người trồng rừng cần bảo vệ rừng chuyển hóa, thường xuyên kiểm tra, bảo vệ nghiêm ngặt, ngăn chặn gia súc phá hoại và phòng, chống các nguy cơ cháy rừng.

Tại tỉnh Quảng Trị và các tỉnh miền Trung qua thực tế triển khai các mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn của các đơn vị, các hộ dân và doanh nghiệp đã mang lại những kết quả khả quan. Theo hạch toán kết quả đạt được bước đầu của cây keo lai cho thấy trữ lượng gỗ ước tính 100 - 110 m3 /ha và thu được 56 triệu đồng/ha từ sản phẩm gỗ, lợi nhuận thu được trên 40 triệu đồng/ha trong chu kỳ 5 năm (mỗi năm thu được hơn 8 triệu đồng/ha). Với chu kỳ kinh doanh 10 năm, rừng keo lai gỗ xẻ cho trữ lượng gỗ 180 m3 /ha, thu được 191,5 triệu/ha/chu kỳ kinh doanh rừng 10 năm từ 60% sản phẩm gỗ xẻ và 40% gỗ băm dăm, như vậy lợi nhuận thu được 175,2 triệu đồng/ha, mỗi năm thu được 17,52 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp trên 2 lần so với trồng keo lai gỗ nhỏ với hai chu kỳ kinh doanh 5 năm. Đồng thời quy trình trồng rừng gỗ lớn giúp người trồng rừng giảm bớt số lần khai thác, trồng lại rừng, do đó giảm xói mòn, rửa trôi đất do quá trình khai thác. Rừng keo lai gỗ lớn cũng có khả năng hấp thụ nhiều cacbon, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Người trồng rừng áp dụng tốt quy trình chuyển hóa trồng rừng thâm canh gỗ lớn với thời gian kinh doanh 10 năm trở lên, đất đai sẽ được cải tạo, tầng đất mặt sẽ tốt hơn, đảm bảo ổn định sinh thái, ổn định nguồn nước ngầm, cải tạo được điều kiện khí hậu. Từ các mô hình trồng rừng gỗ lớn sẽ góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.

Phan Việt Toàn



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Đưa gỗ Quảng Trị đi xa
00:20 01/01/2025

Quảng Trị có diện tích rừng hơn 248.189 ha, trong đó diện tích rừng trồng hơn 121.495 ha. Toàn tỉnh có hơn 26.136 ha diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý ...

Đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn
22:30 06/11/2023

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá, các ...

Chay an lành - gieo mầm xanh

Chay an lành - gieo mầm xanh
7 giờ trước

QTO - Dũng cảm bước ra khỏi “vùng an toàn” để chọn lối đi ít người dấn bước, Nguyễn Thị Hoàng Lan (phường Đồng Thuận) từ bỏ công việc ổn định với mức thu...

Sẵn sàng ứng phó với các loại hình thiên tai

Sẵn sàng ứng phó với các loại hình thiên tai
10:35 tối Thứ 6

QTO - Với quyết tâm chủ động từ sớm, từ xa, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đang triển...

Khi nông dân “nghĩ lớn”

Khi nông dân “nghĩ lớn”
10:00 tối Thứ 6

QTO - Là những người nông dân chân chất, quanh năm gắn bó với ruộng đồng, nương rẫy nhưng bằng ý chí và sự năng động, họ trở thành những điển hình tiên...

POWERED BY
Việt Long