Cập nhật: Thứ 7, 05/09/2009 | 11:38 GMT+7

"Chạy nước rút" vào năm học mới

( TTO) - Để kịp đón ngày khai giảng năm học mới, nhiều trường ở ngoại thành TP.HCM đã phải chạy đua với thời gian, gấp rút khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thiếu phòng ốc và cả tình trạng quá tải học sinh.

Buổi tổng duyệt lễ khai giảng của Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) diễn ra tại phần hành lang mượn của Trường THCS Lê Lợi với đại diện tham dự của mỗi lớp chỉ vỏn vẹn 10 HS trên tổng số 1.536 HS toàn trường.

Dạy thêm ca tối

Niềm vui được học ở ngôi trường mới trong ngày khai giảng của học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyển Văn Lịch (Q.Thủ Đức). Ảnh: P.Điền

Không thể ngồi yên chờ dự án xây mới đang được phê duyệt, vì dự án cứ trục trặc suốt bảy năm nay, ban giám hiệu nhà trường đã năng động tổ chức cơ sở vật chất tạm thời để đảm bảo yêu cầu dạy và học. Hiện nhà trường đã xây 22 phòng học tạm, mượn của Trường THCS Lê Lợi gần đó ba phòng học và dãy hành lang làm chỗ sinh hoạt chung. Các phòng y tế, thư viện, phòng thí nghiệm, phòng vật tư… được gom lại, văn phòng ngồi chung với ban giám hiệu.

Giờ thực hành, thí nghiệm, học nghề diễn ra ở hành lang, học thể dục tại công viên gần đó. Thầy Lê Văn Anh, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Giáo viên cố gắng đến trường vào buổi tối để phụ đạo cho HS lớp 12 ôn thi vì điều kiện phòng ốc không đủ. Với hoàn cảnh hiện nay, nhà trường đã làm hết sức mình để đảm bảo việc dạy và học, trong thời gian chờ đợi ngôi trường mới".

Tương tự, Q.Bình Tân cũng đã gấp rút xây dựng thêm ba phòng học kiên cố tại Trường tiểu học Bình Long và năm phòng học tạm (xây dựng theo kiểu nhà tiền chế, tường ván ép, lợp tôn có trần) tại Trường tiểu học Bình Hưng Hòa 1.

Theo ông Trần Hữu Vĩnh, trưởng Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân: “Tám phòng học mới này đã góp phần giải quyết chỗ học cho 2.100 HS ở “điểm nóng” cụm phường Bình Hưng Hòa. Các cháu được đi học gần nhà thay vì phải đi hơn 10km để qua học tại phường Tân Tạo”.

Anh Nguyễn Hùng - phụ huynh Trường tiểu học Bình Hưng Hòa 1, không giấu sự vui mừng: “Ai cũng biết năm nay số HS vào lớp 1 của cụm phường Bình Hưng Hòa tăng đột biến. Nhưng phường không đủ phòng học mà bắt các bé đi hơn 10km sang phường khác học thì tội lắm".

Năm học này Trường THPT Thạnh Lộc vẫn còn là một trong những ngôi trường cũ kỹ, nghèo nàn nhất TP.HCM. Dự án xây mới Trường THPT Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM được làm từ năm 2004 đến nay mới chỉ đến giai đoạn san lấp mặt bằng, chưa biết bao giờ được khởi công.

Trong khi đó, trường cũ gánh 31 lớp chỉ có 25 phòng. Trước thềm năm mới, ban giám hiệu trường tận dụng mặt bằng khu sinh hoạt chung (lâu nay có chức năng như hội trường) xây hai phòng học tạm; thu dọn phòng giám thị và y tế để có thêm một phòng học nữa sẵn sàng đón năm học mới. Tuy vẫn chưa đủ phòng tổ chức học hai buổi nhưng năm học này trường có đủ phòng cho HS trong khi chờ trường mới.

Mượn phòng để dạy

Trong khi đó P.Phước Long A, Q.9, TP.HCM là phường đông dân cư nhưng hiện chưa có trường tiểu học cũng như THCS. Trường tiểu học Phước Long B có hai cơ sở cũ, chật hẹp với 28 phòng học phải gánh HS cả hai phường Phước Long A và Phước Long B. 11 phòng học tại cơ sở chính trường này cũ kỹ ngập nước, xuống cấp đến mức không thể khai giảng năm học mới tại đây. Tổng số HS trường này năm nay lên đến 51 lớp.

Tháo gỡ khó khăn phòng học tại “điểm nóng” này, ngành giáo dục Q.9 đã linh động mượn phòng tổ chức dạy bảy lớp tại Trường THCS Tăng Nhơn Phú B, 13 lớp tại Nhà Thiếu nhi Q.9, tổ chức xe đưa đón HS hơn 10 lớp học tại Trường Phú Hữu. Đồng thời quận đang gấp rút xây mới Trường tiểu học Phước Long A trên diện tích hơn 1ha, chuẩn bị cho năm học tới. Gặp chúng tôi, nhiều phụ huynh tỏ ra tin tưởng: “Chúng tôi chấp nhận cùng chịu khó khăn chung với ngành giáo dục, miễn là con em chúng tôi được đi học an toàn. Hi vọng năm sau các bé sẽ được học tại ngôi trường mới khang trang…”.

Và địa bàn có số trẻ vào lớp 1 (trong năm học 2009-2010) tăng vọt đến mức báo động là Q.Gò Vấp thì “đã ổn” - nói như ông Đặng Thanh Tuấn, trưởng Phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp: “Trước tình hình trường lớp quá tải, chúng tôi đành phải giảm lớp bán trú để bảo đảm tất cả HS trong độ tuổi đều được đi học và đi học gần nhà. Phụ huynh nào có nhu cầu bán trú thì làm đơn xin học trái tuyến (ở những trường có bán trú). Đến thời điểm này các trường đã giải quyết 931 trường hợp học trái tuyến theo nhu cầu của phụ huynh”.

Theo ông Văn Công Sang, trưởng phòng tổ chức - cán bộ, Sở GD-ĐT TP.HCM, sở đang tiến hành tuyển giáo viên đợt 2 để đảm bảo đủ giáo viên theo định biên của Bộ GD-ĐT (ví dụ: bậc tiểu học phải có 1,15-1,5 giáo viên/lớp). Mặc dù mỗi ngành học của TP hiện vẫn còn thiếu 60-100 giáo viên nhưng đó là thiếu theo định biên. Trên thực tế, tất cả các lớp học đều có giáo viên đứng lớp đảm bảo giảng dạy trong năm học mới mà không phải dồn lớp. Ông Nguyễn Minh Châu -trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, cho biết: “Năm nay, ngoài số giáo viên do Sở GD-ĐT đưa về, chúng tôi đã có được 67 giáo viên từ nguồn đào tạo tại chỗ".

HOÀNG HƯƠNG - LƯU TRANG

Cà Mau: 20 tỉ đồng hỗ trợ tiền đò

Do điều kiện đường bộ còn nhiều khó khăn nên học sinh nhiều huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Cà Mau hầu hết đến trường bằng đò. Nhiều gia đình không kham nổi khoản chi phí này nên đã cho con em nghỉ học. Vì vậy, năm học này tỉnh Cà Mau chi trên 20 tỉ đồng để hỗ trợ tiền đò cho học sinh trong tỉnh.

Nửa cuối năm học 2008-2009, huyện Ngọc Hiển được tỉnh thí điểm hỗ trợ tiền đò cho học sinh, kết quả tỉ lệ học sinh bỏ học giảm hẳn so với năm trước. Ông Lê Thanh Phùng, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Ngọc Hiển, cho biết: "Tỉ lệ bỏ học năm học rồi ở bậc tiểu học là 2,5%, giảm hẳn so với năm trước. Ở đây đường bộ còn ít nên hầu hết học sinh đến trường bằng đò, nhất là các điểm lẻ. Việc hỗ trợ tiền đò đã giúp gia đình học sinh giảm được một khoản chi phí đáng kể, do vậy tỉ lệ đến trường cao hơn. Năm học này số học sinh bậc tiểu học đến trường tăng khoảng 500 em so với năm trước”.

MINH GIẢNG

Hà Nội: tuyển mới gần 4.000 giáo viên

Năm học 2009-2010 là năm học thứ hai Hà Nội mở rộng địa giới với hơn 2.300 trường học và gần 1,4 triệu học sinh các cấp đến trường.

Để giải quyết tình trạng phòng học tạm, phòng học xuống cấp mà chủ yếu rơi vào các trường học vùng mới mở rộng, trước năm học mới Hà Nội đã hoàn thành việc xây mới thay thế 800 phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp với kinh phí gần 300 tỉ đồng và dành 250 tỉ đồng để xây mới 1.200 phòng học.

Tuy nhiên, điều đáng lo nhất của giáo dục thủ đô sau hai năm sáp nhập vẫn là vấn đề chất lượng. Theo ông Nguyễn Thành Kỳ, trưởng phòng giáo dục phổ thông - Sở GD-ĐT Hà Nội: Đầu năm học mới này, ngành GD-ĐT đã phải kiểm tra, khảo sát các trường trên địa bàn thành phố, phân tích các kết quả đánh giá HS qua các kỳ thi để hình dung sự chênh lệch về chất lượng giáo dục, nguyên nhân, hướng khắc phục trong năm học này.

Theo đó, những cơ sở giáo dục thuộc các khu vực Hà Tây cũ, Đông Anh, Sóc Sơn... được quan tâm đầu tư về chất lượng. Năm nay Hà Nội dự kiến tuyển thêm khoảng 4.000 giáo viên mới, hiện đã tuyển mới gần 1.000 giáo viên, nhân viên bổ sung những trường thiếu giáo viên cả chất và lượng.

VĨNH HÀ



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Gio Linh sẵn sàng bước vào năm học mới
22:45 22/08/2023

Đến nay, toàn ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Gio Linh đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024. Hệ thống cơ sở vật chất ...

Hướng Hóa sẵn sàng cho năm học mới
22:00 31/08/2022

Huyện miền núi Hướng Hóa có 60 trường học, gồm 26 trường mầm non (MN), 11 trường tiểu học (TH), 7 trường trung học cơ sở (THCS), 10 trường TH&THCS, 3 ...

Lãng quên một di tích lịch sử cấp tỉnh ?

Lãng quên một di tích lịch sử cấp tỉnh ?
1:21 sáng qua

QTO - Dù đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh từ nhiều năm trước, nhưng việc bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử Vụ thảm sát Hướng Điền ở xã...

Làm gì khi trẻ sốt cao co giật?

Làm gì khi trẻ sốt cao co giật?
08:27 04/09/2009

(SK&ĐS) - Con tôi 3 tuổi, mỗi khi bị bệnh cháu thường bị sốt cao, co giật làm tôi rất lúng túng không biết phải làm gì. Xin bác sĩ hướng dẫn những việc cần làm khi cháu sốt...

Hy vọng mới cho bệnh nhân đái tháo đường týp 2

Hy vọng mới cho bệnh nhân đái tháo đường týp 2
08:27 04/09/2009

(SK&ĐS) - Đái tháo đường týp 2 là một bệnh mạn tính tiến triển liên tục với nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng người bệnh. Điều đáng chú ý là những biến chứng...

Các bài thuốc trị viêm loét dạ dày - tá tràng

Các bài thuốc trị viêm loét dạ dày - tá tràng
08:26 04/09/2009

(SK&ĐS) - Viêm loét dạ dày - tá tràng là một bệnh rất thường gặp, do nhiều nguyên nhân gây nên. Theo y học cổ truyền (YHCT), bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng thuộc phạm vi...

POWERED BY
Việt Long