Cập nhật:  GMT+7

Cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên mạng xã hội

Những năm gần đây, mạng xã hội như: facebook, zalo, tiktok... phát triển mạnh, kéo theo lượng người dùng cũng ngày càng tăng. Hiện nay, từ hầu hết học sinh đến người già đều có điện thoại thông minh và tài khoản mạng xã hội. Nắm bắt được xu thế này, nhiều đối tượng đã sử dụng các thủ đoạn lừa đảo tinh vi để chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ cả tin, muốn có nhiều tiền một cách nhanh chóng.

Cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên mạng xã hội

Một số chiêu thức lừa đảo tinh vi trên mạng xã hội -Ảnh: TRẦN THANH

Trong một lần lướt facebook, anh V. ở thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh thấy hiện trên bảng tin video clip về một nhóm hẹn hò. Trong video clip xuất hiện nhiều cô gái trẻ đẹp với lời chú thích đều đang độc thân, muốn kết bạn để tìm hiểu, hẹn hò.

Anh V. không mấy chú tâm nên lướt qua. Những ngày sau, các video tương tự liên tục xuất hiện khiến anh V. tò mò, bấm vào xem thì trên ứng dụng này hiện ra cửa sổ chát yêu cầu để lại số điện thoại, sẽ có nhân viên chủ động liên hệ. Ngay sau đó ít phút, một tài khoản gửi lời kết bạn với anh V. qua zalo.

Sau khi tìm hiểu nhu cầu, tài khoản này gửi cho anh V. một danh sách hình ảnh những cô gái trẻ đẹp, có thông tin về tên tuổi, năm sinh... Nếu muốn hẹn hò cùng ai, anh V. chỉ cần nhắn tin là sẽ được kết nối.

Song, khi anh V. chọn được người vừa ý thì tài khoản này lại không kết nối như đã hứa mà buộc anh V. phải liên hệ với một “chuyên gia” khác để lập tài khoản, tạo thẻ VIP. Anh V. làm theo với hy vọng sẽ sớm được hẹn hò với người đẹp. Theo hướng dẫn của “chuyên gia”, anh V. phải nộp tiền mới được tạo tài khoản hẹn hò và cấp thẻ VIP. Sau khi nộp 200 ngàn đồng, anh V. tiếp tục được hướng dẫn bấm vào đường link lạ, thực hiện hàng loạt các bình chọn với nội dung mơ hồ, khó hiểu để nhận lại tiền và hưởng thù lao.

Mất vài chục phút thao tác trên máy điện thoại, anh V. mới nhận được số tiền đã nộp và 50 ngàn đồng tiền hoa hồng. Vị “chuyên gia” này hướng dẫn anh V. tiếp tục nộp 1 triệu đồng, sau đó sẽ được nhận lại tiền gốc và hoa hồng 200 ngàn đồng. “Đến lúc này, tôi biết mình đã sa vào nhóm lừa đảo nên âm thầm rút lui, mộng hẹn hò với người đẹp cũng tan vỡ. May mà mình chưa bị mất tiền oan”, anh V. nói.

Một ngày đầu tuần, chị L. ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh nhận được cuộc gọi từ số máy lạ. Ở đầu dây bên kia, một người phụ nữ giới thiệu là nhân viên của một trung tâm thương mại lớn, chị L. nằm trong danh sách được nhận phần quà trị giá 500 ngàn đồng mà không phải tốn bất cứ chi phí gì, sau cuộc gọi sẽ kết nối zalo để hướng dẫn nhận quà.

Chị L. nghe vậy cũng yên tâm và kết bạn zalo với người kia. Song, sau khi kết bạn, chị L. được mời vào 1 nhóm kín. Tại đây, chị L. được tặng ngay 50 ngàn đồng vào tài khoản. Sau đó, chị làm theo các lệnh của trưởng nhóm để nhận tiền, thực hiện thành công mỗi lệnh và chụp ảnh màn hình gửi lên nhóm sẽ nhận 10 nghìn đồng. Sau 1 ngày thực hiện lệnh, chị L. nhận được 150 ngàn đồng. Mặc dù không nhận được quà nhưng thấy tự dưng được nhận tiền nên chị L. rất hào hứng.

Ngày hôm sau, chị L. tiếp tục tham gia thực hiện theo lệnh của trưởng nhóm để nhận tiền. Sau vài lệnh, nhận được 50 ngàn đồng, chị L. và các thành viên trong nhóm được trưởng nhóm thông báo phải nộp tiền với 2 mức: 100 ngàn đồng để nhận lại 150 ngàn đồng, 250 ngàn đồng để nhận lại 400 ngàn đồng.

Tâm lý muốn nhận nhiều tiền nên hàng chục người trong nhóm này đồng loạt nộp 250 nghìn đồng. Chị L. cũng không ngoại lệ. Đáng nói, lần này chị L. không nhận được tiền ngay mà phải thực hiện rất nhiều bước phức tạp, khó hiểu. Có vài người tỏ ra lo lắng, sợ bị lừa đảo thì lập tức bị chặn và đưa ra khỏi nhóm.

“Trưởng nhóm đó nhắn tin cho tôi bảo phải tải 1 ứng dụng thông qua đường link lạ, sau đó phải đăng ký tài khoản rồi đăng nhập vào đó để được hướng dẫn tiếp. Khi tôi mở đường link này về và tải ứng dụng thì điện thoại thông báo đây là nguồn nguy hiểm, không đáng tin cậy. Ứng dụng này liên tục gửi thông báo muốn cập nhật vào danh bạ, bộ nhớ và đòi cấp quyền khác trên điện thoại của tôi”, chị L. kể.

Chưa dừng lại ở đó, khi đã tải ứng dụng và đăng ký thành công tài khoản, chị L. được hướng dẫn kết nối với một “trợ lý”. Người “trợ lý” này lại bảo chị làm theo hướng dẫn của một “chuyên gia” khác để nhận lại tiền. Phải qua nhiều bước bình chọn, đánh giá với nội dung mơ hồ, vô nghĩa vào những ứng dụng, phần mềm khác nhau ngót cả buổi sáng, chị L. mới nhận được 400 nghìn đồng.

“Lúc này, vị “chuyên gia” liên tục hối thúc tôi nộp tiền với các mức từ 500 nghìn đồng đến 10 triệu đồng để nhận về từ 650 nghìn đồng đến 13 triệu đồng, kèm theo thù lao và hưởng nhiều lợi ích khác. Tôi nộp 3 triệu đồng với hy vọng sẽ nhận được 3,9 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản 3 triệu đồng thì các tài khoản đã liên hệ với tôi đều bị khóa, không còn liên lạc được nữa. Sau đó, tôi được biết những người khác trong nhóm kín này cũng bị lừa từ 1-10 triệu đồng/người”, chị L. chua xót nói.

Không chỉ anh V. và chị L. mà thời gian qua, rất nhiều người bị lừa đảo bởi những thủ đoạn tinh vi trên mạng xã hội, như: đánh giá sản phẩm; nộp tiền nhận quà, hưởng hoa hồng; bình luận tăng tương tác; kết nối hẹn hò... Có trường hợp bị lừa đến hàng chục triệu đồng.

Tìm hiểu được biết, các đối tượng này thường chủ động gọi điện thoại đến “con mồi” rồi tự giới thiệu đang làm cho những tập đoàn, trung tâm thương mại lớn, cần người cộng tác để bình chọn, đánh giá, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tương tác cho các trang cộng đồng hay thông báo được nhận quà miễn phí...

Sau vài bước tạo dựng niềm tin bằng cách cho “con mồi” nhận một số tiền hoa hồng nhỏ để khích lệ, các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân nộp vào số tiền lớn hơn để nhận hoa hồng, thù lao rồi chiếm đoạt. Trước những lời dụ dỗ ngon ngọt, hấp dẫn về mặt lợi ích, nhiều người nhẹ dạ cả tin đã làm theo và mắc bẫy.

Sau khi chiếm đoạt tài sản, các đối tượng này sẽ xóa tài khoản mạng xã hội, khóa số điện thoại nên nạn nhân không thể liên lạc được. Những người bị lừa tiền vì tâm lý em ngại, không muốn người khác biết nên thường giấu kín mà không báo với cơ quan chức năng.

Trước những chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi, mỗi người dân cần nâng cao kiến thức, kỹ năng khi sử dụng mạng xã hội để tự bảo vệ mình; nêu cao tinh thần cảnh giác với những lời mời gọi tham gia các hoạt động, chương trình có hoa hồng, thù lao hay nhận quà miễn phí, kiếm tiền nhanh chóng...

Nếu nghi ngờ hoặc phát hiện có dấu hiệu lừa đảo thì thông báo với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng. Đối với trường hợp đã bị lừa đảo thì dừng gửi tiền và chặn tất cả các liên lạc từ đối tượng lừa đảo; liên hệ ngay với ngân hàng và tổ chức tài chính để báo cáo và yêu cầu họ dừng mọi giao dịch trên tài khoản.

Tiếp đó, bình tĩnh thu thập, lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi lưu trú. Cảnh báo cho gia đình và bạn bè về trò lừa đảo này để họ có thể đề phòng những trò lừa đảo tiếp theo có thể xảy ra.

Trần Thanh

Tin liên quan:
  • Cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên mạng xã hội
    Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội

    Thời gian qua, tình trạng lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đã có không ít người rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.

  • Cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên mạng xã hội
    Cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng lòng tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

    Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vừa được Công an huyện Hải Lăng điều tra, khám phá thành công trong thời gian gần đây là một trong những vụ án lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn huyện. Qua vụ án, cơ quan công an cảnh báo người dân không nên tin tưởng vào các đối tượng hành nghề bói toán để tránh bị lừa đảo, “tiền mất, tật mang”.

  • Cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên mạng xã hội
    Cảnh giác với muôn kiểu lừa tiền qua mạng xã hội

    Vì “nhẹ dạ, cả tin”, nhiều nạn nhân đã bị lừa tiền qua mạng xã hội một cách dễ dàng, một số trường hợp cũng suýt bị lừa số tiền lớn. Với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, các đối tượng lừa đảo đã đưa nhiều nạn nhân “vào tròng” và chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Mặc dù các ngành chức năng đã nỗ lực cảnh báo, ngăn chặn nhưng tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng vẫn tiếp diễn, nhiều nạn nhân vẫn bị dính bẫy và mất tiền.


Trần Thanh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Cho con học tập qua những trải nghiệm

Cho con học tập qua những trải nghiệm
2024-01-06 05:10:00

QTO - Ngày 28/12, Ban tổ chức cuộc thi video clip “Tôi yêu Quảng Trị” năm 2023 đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải. Vượt qua 39 tác phẩm của 27 tác giả,...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long