Cập nhật:  GMT+7

Cảnh báo lừa đảo bằng hóa đơn chuyển tiền trực tuyến giả mạo

Các hình thức thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt như chuyển tiền qua internet banking hay quét mã QR đang trở nên rất phổ biến với đa số người dân vì thuận tiện và nhanh chóng. Tuy nhiên, đây cũng là một môi trường để các đối tượng lừa đảo lợi dụng sơ hở và lòng tin của người tiêu dùng nhằm chiếm đoạt tiền.

Chỉ với hình ảnh hóa đơn làm giả chuyển tiền giống app của ngân hàng, các đối tượng lừa đảo gửi đến hoặc cho xem trực tiếp đã khiến không ít người tin tưởng giao dịch của mình với “khách hàng” đã thành công mà không nghi ngờ gì nữa nhưng cuối cùng thì bị mất tiền.

Cảnh báo lừa đảo bằng hóa đơn chuyển tiền trực tuyến giả mạo

Chị Nguyễn Thị H. ở TP. Đông Hà kinh doanh các mặt hàng thực phẩm hỗ trợ sức khỏe như yến sào, sâm và thực phẩm chức năng cho biết, vừa rồi chị có khách đặt mua 300 g yến thô với giá 9,6 triệu đồng và yêu cầu gửi gấp hàng theo đường bưu điện ra một tỉnh phía Bắc.

Do thời điểm đặt hàng vào cuối buổi chiều, lúc cửa hàng đang đông khách nên khi nhận được hình ảnh hóa đơn chuyển khoản thành công 9,6 triệu đồng và tin nhắn điện thoại xác nhận tiền đã về tài khoản nên chị H. yên tâm rồi tiếp tục bán hàng, định bụng tối sẽ đóng gói yến thô để sáng mai đưa ra bưu điện chuyển sớm cho khách hàng đã chuyển tiền.

Tuy nhiên, tối đó, sau khi đóng cửa hàng, chị H. kiểm tra lại một lần nữa biến động số dư tài khoản trong ngày thì may mắn phát hiện mình đã bị khách hàng mua yến lừa tiền. Tin nhắn nhận tiền về tài khoản chỉ là 96.000 đồng.

Chị không tin và kiểm tra số dư tài khoản thì chính xác chỉ nhận được 96.000 đồng. Nhưng khi xem kỹ lại hình ảnh hóa đơn chuyển tiền do người đặt hàng gửi thì rõ ràng là 9,6 triệu đồng. Nghi ngờ có dấu hiệu khuất tất, chị phóng to hình ảnh hóa đơn chuyển tiền nhận thấy có dấu vết của việc dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh, thêm 2 số 0 để từ 96.000 đồng trở thành 9,6 triệu đồng.

Phát hiện ra gian lận, chị gọi người mua hàng đó để cảnh cáo nhưng ngay khi biết bị lộ, đầu dây bên kia tắt máy và chặn cuộc gọi.

“May cho tôi là kiểm tra tiền trước khi giao hàng nên chưa mất. Qua việc này tôi cẩn thận hơn với việc nhận thanh toán trực tuyến để không bị mất tiền oan do bị kẻ xấu lừa đảo”, chị H. chia sẻ.

Tương tự như chị H. một chủ quán phở ở TP. Đông Hà cũng vừa bị mất 1 triệu đồng do chủ quan và tin vào hóa đơn chuyển tiền thành công từ khách hàng ăn phở. Chị chủ quán phở nhớ lại, sáng ấy có 2 thanh niên đi xe máy đến gọi phở. Ăn xong, với lý do không mang theo tiền mặt nên một trong hai người đề nghị được chuyển tiền qua tài khoản.

Chị liền đưa mã QR để khách quét. 2 tô phở chỉ 70.000 đồng nhưng khách muốn chuyển 1 triệu đồng để lấy 930.000 vì cần gấp tiền mặt. Chị không mảy may nghi ngờ gì liền đồng ý. Sau đó một trong hai thanh niên đưa cho chị xem hình ảnh giao dịch chuyển khoản thành công, họ cầm 930.000 đồng, rời đi.

Do vội vì khách đông nên chị nhìn qua loa hình ảnh hóa đơn có số tiền chuyển đến và tên ngân hàng như chị đăng ký sử dụng. Đến trưa vãn khách, chị kiểm tra lại tài khoản, không thấy có 1 triệu đồng chuyển đến vào thời điểm 2 thanh niên đến ăn thì biết mình đã bị lừa đảo. Số tiền cũng không quá lớn nên chị không báo cơ quan chức năng, nhưng đó cũng là bài học để chị cẩn thận hơn trong quá trình giao dịch trên mạng. Tại Quảng Trị hiện có nhiều người dân bị lừa theo hình thức này, chứ không riêng hai trường hợp trên.

Các chiêu trò gian lận này xuất hiện tại rất nhiều địa phương trên cả nước. Đối tượng chụp mã QR của các cửa hàng rồi tạo hóa đơn giả sẵn trên điện thoại, sau đó đến mua hàng tại các cửa hàng này đúng với số tiền trên hóa đơn giả rồi chuyển hóa đơn cho người bán hàng nhằm chiếm đoạt tiền. Theo các cơ quan chức năng, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo đang phổ biến là mua hàng và đề nghị chuyển khoản theo hình thức internet banking cho người bán hàng. Nhưng thực chất các đối tượng không chuyển tiền thật, mà đã dùng một số phần mềm tạo dựng biên lai (bill) thanh toán giả rồi đưa cho người bán hàng xem nhằm chứng minh đã thực hiện việc chuyển khoản thành công. Người bán hàng nhìn ảnh bill các đối tượng đưa, thấy đúng tên tài khoản, đúng số tiền là cứ nghĩ rằng tiền đã về tài khoản của mình nên đồng ý giao hàng. Cho đến khi không thấy tài khoản báo có tiền thì nhận ra mình đã bị lừa, trong lúc các đối tượng đã kịp rời đi xa.

Hiện nay, chỉ cần vào công cụ tìm kiếm google gõ “web tạo fake bill (hóa đơn giả) chuyển tiền”, sẽ cho hàng loạt kết quả các dịch vụ cung cấp các biên lai thanh toán giả giống hệt các app ngân hàng nhằm tiếp tay cho hành vi lừa đảo trên. Điều đáng nói hơn nữa là chiêu trò này thời gian qua đã bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ cũng như cảnh báo liên tục trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng vẫn còn nhiều người chủ quan nên bị sập bẫy.

Cơ quan công an khuyến cáo, đối với các giao dịch trên mạng, để tránh trở thành nạn nhân của những kẻ xấu, người dân cần kiểm tra kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao vật chất hay tiền bạc cho bất kỳ ai khi chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi được cung cấp hình ảnh đã chuyển khoản thành công.

Hiện nay, các ngân hàng đều có dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn, do đó, khi giao dịch thanh toán trực tuyến, người dân nên chờ thông báo đã nhận được tiền đầy đủ của món hàng đó từ ngân hàng thay vì chỉ tin tưởng vào ảnh chụp chuyển tiền thành công. Ngoài ra, hình ảnh hóa đơn ghi “giao dịch thành công” bị làm giả có một số đặc điểm khác với hình ảnh hóa đơn từ ngân hàng chính thống về màu sắc, phông chữ, thời gian... nên cần kiểm tra kỹ lưỡng.

Người dân cũng cần lưu ý, không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu ứng dụng, mã xác thực OTP, email... cho bất kỳ ai kể cả khi người đó tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước mà mình chưa biết rõ. Trường hợp phát hiện có người lừa đảo bằng hình thức này cần liên hệ cơ quan chức năng trên địa để kịp thời xử lý vụ việc.

Tú Linh

Tin liên quan:
  • Cảnh báo lừa đảo bằng hóa đơn chuyển tiền trực tuyến giả mạo
    Cảnh báo lừa đảo chuyển tiền bằng hình thức mới

    Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện hình thức gọi điện bằng hình ảnh qua tài khoản facebook, messenger kết hợp cung cấp tên tài khoản ngân hàng trùng tên với người thân, bạn bè của nạn nhân nhằm xác thực thông tin, tăng độ tin cậy để lừa chuyển tiền. Chiêu thức lừa đảo tinh vi này đã khiến một số người mất tiền oan.

  • Cảnh báo lừa đảo bằng hóa đơn chuyển tiền trực tuyến giả mạo
    Lừa đảo bằng chuyển khoản thừa tiền hàng rồi nhận lại tiền mặt

    Những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra một số trường hợp bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng phương thức mua hàng có giá trị thấp, sau đó chuyển khoản với số tiền cao hơn để nhận lại tiền chênh lệch bằng tiền mặt.


Tú Linh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Bảo vệ “nguồn sáng” cho người cao tuổi

Bảo vệ “nguồn sáng” cho người cao tuổi
2024-06-29 06:10:00

QTO - Tình trạng mù lòa gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cộng đồng nói chung và người cao tuổi (NCT) nói riêng. Trong nỗ lực thực hiện hiệu quả các mục...

Vượt lên nghịch cảnh

Vượt lên nghịch cảnh
2024-06-04 05:00:00

QTO - Đến thôn A Sóc Lìa, xã Lìa, huyện Hướng Hóa, nhắc đến anh Hồ Văn Phơi, người dân nơi đây đều dành cho anh sự cảm mến và khâm phục. Không chỉ vì anh...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết