Cập nhật: Thứ 6, 12/06/2020 | 06:14 GMT+7

Cần thay đổi thói quen dùng tiền mặt

QTO - Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, từ người mua, người bán hàng, tổ chức tín dụng đến tổng thể nền kinh tế bởi tiết kiệm thời gian, chi phí, hạn chế rủi ro, cung ứng dịch vụ nhanh chóng và minh bạch. Cùng với dịch vụ trích nợ tự động qua tài khoản ngân hàng, thanh toán thẻ, giao dịch tại ATM, POS hay các tiện ích trên ứng dụng như: mobile banking, internet banking, ví điện tử..., khách hàng có thể thực hiện được các lệnh giao dịch chuyển khoản, thanh toán chi phí dịch vụ qua internet một cách nhanh chóng, thuận tiện. Nhiều đơn vị cũng đưa ra các chương trình khuyến khích, ưu đãi đối với cá nhân dùng thẻ và các phương tiện hiện đại trong thanh toán dịch vụ bằng các hình thức như giảm phí, giảm giá… Tuy nhiên, thanh toán điện tử ở Việt Nam vẫn chưa phát triển như kỳ vọng. Tỉ lệ sử dụng tiền mặt của người dân còn rất cao.

Theo các nhà quản lý kinh tế, nguyên nhân lớn nhất của tình trạng này là văn hóa dùng tiền mặt đã “ăn sâu, bám rễ” trong đời sống Nhân dân, khiến nhiều người ngại thay đổi, thậm chí có tâm lý “trong túi không có tiền mặt thì không yên tâm”. Bên cạnh đó, thu nhập, mức sống của người dân còn thấp nên phải phân chia nguồn thu nhập ra thành nhiều món để tiện chi tiêu. Chính vì vậy, họ cảm thấy khá bất tiện khi phải sử dụng nhiều phương tiện thanh toán khác nhau. Một nguyên nhân nữa là những lo ngại rủi ro về tính bảo mật, an toàn dữ liệu, an ninh mạng... khi thực hiện thanh toán qua mạng.

Đối với Quảng Trị, thực hiện các chủ trương của Chính phủ về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động, đề ra mục tiêu cụ thể và giao trách nhiệm cho các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện nhằm đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, các khoản tiền thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Căn cứ các văn bản điều hành của UBND tỉnh, sự đôn đốc quản lý của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, một số đơn vị đã phối hợp với các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính để thực hiện hình thức thanh toán bằng chuyển khoản hay đăng ký với ngân hàng dịch vụ tự động khấu trừ tài khoản hằng tháng được áp dụng ở một số dịch vụ công như thu thuế, tiền điện, tiền nước, trả lương...

Tuy nhiên, phạm vi triển khai các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công chủ yếu đang tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp hoặc tại thành thị còn ở vùng nông thôn vẫn chưa triển khai thực hiện được. Chính vì thế, dù Quảng Trị có đến 95% đơn vị hưởng lương từ ngân sách đã thực hiện trả lương qua tài khoản nhưng phần đông cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều rút tiền mặt ở cây ATM về chi dùng hằng ngày. Mặt khác, ngoài khó khăn chung, doanh nghiệp, người kinh doanh trên địa bàn tỉnh chủ yếu buôn bán, sản xuất nhỏ lẻ nên cũng không muốn sử dụng các phương tiện thanh toán hiện đại, bởi có tâm lý giấu doanh thu để có thể trốn thuế…Vì vậy, việc thay đổi phương thức thanh toán từ tiền mặt sang không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn chưa có nhiều chuyển biến.

Một trong những lĩnh vực sử dụng hình thức thanh toán tiền mặt nhiều nhất hiện nay là hoạt động mua sắm. Rất nhiều người dù mua hàng online nhưng vẫn chọn cách chi trả bằng tiền mặt vì tâm lý muốn “tiền trao, cháo múc”. Thời gian gần đây, nhiều cửa hàng trên địa bàn tỉnh áp dụng các hình thức thanh toán quét mã QR code hoặc quẹt thẻ… Tuy nhiên, một số người khi sử dụng dịch vụ này thì gặp sự cố kỹ thuật, tiền trong tài khoản đã bị trừ nhưng nhân viên cửa hàng lại báo giao dịch không thành công. Cửa hàng không nhận được tiền, không in hóa đơn thanh toán đã đề nghị khách hàng quét lại mã thanh toán khiến tài khoản bị trừ nhiều lần.

Để được hoàn trả lại tiền trong tài khoản, khách hàng phải đợi ngân hàng phối hợp đơn vị chấp nhận thẻ kiểm tra nhật ký giao dịch mới giải quyết nên cảm thấy rất phiền hà. Một số người lại phàn nàn, tại ở nhiều cửa hàng, quán ăn, trung tâm mua sắm... không có máy quẹt thẻ, hoặc máy hỏng hay nhân viên lúng túng khi khách hàng muốn quét mã QR để thanh toán. Với dịch vụ chuyển tiền, khi đăng nhập vào hệ thống, phần mềm bị lỗi không thực hiện được. Trong khi nhiều người chưa mặn mà sử dụng thanh toán không tiền mặt thì những sự cố như trên càng khiến người dùng e ngại với phương thức thanh toán này.

Vì vậy, để thanh toán không dùng tiền mặt phát triển và trở nên phổ biến, cần sự phối hợp đồng bộ giữa người mua hàng, người cung cấp dịch vụ và các cơ quan chức năng để giải quyết từng bước những khó khăn mà thực tế đang gặp phải. Trước hết, đơn vị quản lý nhà nước cần rà soát để tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành bổ sung, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách phát triển rõ ràng, minh bạch về phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường sự giám sát đối với hệ thống ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Hệ thống ngân hàng, tổ chức tài chính bên cạnh việc phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính hiện đại, nhiều tiện ích cần đầu tư, nâng cấp trang thiết bị công nghệ và nguồn nhân lực để có thể kiểm soát rủi ro, xử lý lỗ hổng về quy trình kỹ thuật công nghệ, các giải pháp chống tội phạm một cách nhanh gọn, chính xác. Tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán, đẩy mạnh giám sát các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo ổn định, an toàn và hiệu quả, góp phần củng cố niềm tin cho khách hàng.

Bên cạnh các giải pháp mang tính chuyên môn, nghiệp vụ của ngành ngân hàng và cơ quan chức năng, rất cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, thay đổi thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân, doanh nghiệp. Cần có nghiên cứu để xây dựng thông tin tuyên truyền bằng những hình thức phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, vùng miền. Chỉ khi nào người dân thật sự hiểu rõ cách sử dụng và những tiện ích mà thanh toán không dùng tiền mặt mang lại để tự giác thay đổi hành vi, thói quen thì phương thức thanh toán không dùng tiền mặt mới thực sự trở thành hình thức lưu thông tiền tệ phổ biến trong nền kinh tế và đời sống xã hội.

Lâm Thanh



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
22:35 20/02/2023

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Trị cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đang trở thành một xu hướng mạnh mẽ ...

Đi chợ không dùng tiền mặt
21:35 03/02/2023

Việc mua bán hàng hóa tại các chợ nói chung trên địa bàn tỉnh như cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống..., đặc biệt mua bán vào dịp trước, trong và sau Tết đã ...

Ngành ngân hàng tăng tốc chuyển đổi số
22:41 19/06/2023

Chuyển đổi số (CĐS) không còn là xu hướng mà là nhiệm vụ bắt buộc, là cơ hội để ngành ngân hàng bứt phá, phát triển. Chính vì vậy thời gian qua, các ngân hàng ...

Khơi dậy niềm tự hào dân tộc

Khơi dậy niềm tự hào dân tộc
11:10 tối Thứ 3

QTO - Ngày 30/4, tại TP.Hồ Chí Minh sẽ diễn ra lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước....

Trách nhiệm của nông dân

Trách nhiệm của nông dân
00:06 06/06/2020

QTO - Mới đây, báo chí đăng tải một thông tin đáng chú ý, có một số hộ nông dân ở huyện Hướng Hóa bán chanh leo ra thị trường trong khi đã ký kết hợp đồng...

Hãy bảo vệ trẻ em trước nạn bạo hành

Hãy bảo vệ trẻ em trước nạn bạo hành
23:09 04/06/2020

QTO - Hai vụ bạo hành trẻ em ám ảnh dư luận trong những ngày qua là đoạn clip dài gần 4 phút trên mạng xã hội ghi lại cảnh một người cha ở tỉnh Sóc Trăng...

Thời tiết

24°C - 32°C
Có mây, không mưa
  • 25°C - 32°C
    Có mây, không mưa
  • 25°C - 32°C
    Có mây, có mưa rào
POWERED BY
Việt Long