Cập nhật:  GMT+7

Cần nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và giá trị của ngành du lịch

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững diễn ra sáng nay 15/11. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị.

Cần nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và giá trị của ngành du lịch

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: H.T

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã báo cáo khái quát một số kết quả đạt được trên lĩnh vực du lịch thời gian qua. Theo đó, trong bối cảnh khó khăn, thách thức và thời cơ thuận lợi đan xen, với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành và nỗ lực toàn ngành, hoạt động du lịch đã dần khôi phục trở lại.

Trong 10 tháng năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9,97 triệu lượt, vượt kế hoạch năm 2023; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỉ đồng.

Bộ VH,TT&DL cùng Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đã huy động các doanh nghiệp du lịch, hàng không tổ chức không gian giới thiệu du lịch Việt Nam tại các hội chợ, sự kiện quốc tế như hội chợ du lịch Travex Indonesia (tháng 1/2023), các hội chợ du lịch hàng đầu thế giới như ITB Berlin tại Đức (tháng 3/2023) và hội chợ du lịch Trung Quốc - ASEAN 2023 (tháng 10/2023); tổ chức các Tuần Du lịch - Văn hóa thường niên tại Nhật Bản (tháng 6, 9/2023), Hàn Quốc (tháng 10/2023), kết hợp giới thiệu du lịch Việt Nam và kết nối doanh nghiệp.

Tập trung phát triển các nền tảng số du lịch ở tầm quốc gia, làm cơ sở hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc; phối hợp với Bộ Công an để kết nối dữ liệu trên cơ sở Đề án 06; chia sẻ dữ liệu để phát triển ngành du lịch trên nền tảng dữ liệu dân cư, căn cước công dân và định danh điện tử để thống kê chính xác về khách du lịch quốc tế, khách nội địa, khách lưu trú, khách tham quan điểm đến... làm cơ sở hoạch định các chính sách về phát triển du lịch.

Hội nghị dành phần lớn thời gian để đại diện các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trao đổi, phân tích về những khó khăn, vướng mắc hiện nay liên quan đến tỉ lệ phục hồi lượng khách du lịch quốc tế; các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam; chính sách thị thực trong bối cảnh mới sau COVID-19; hiệu quả liên kết giữa các vùng, các địa phương; vấn đề thiếu hụt lao động có chuyên môn, kinh nghiệm...

Đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững trong thời gian tới như: đẩy mạnh thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch; tăng cường phối hợp liên vùng, liên địa phương, hình thành chuỗi giá trị, sản phẩm du lịch và xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện; đề xuất cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho phục hồi, phát triển du lịch...

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, định hướng phát triển xuyên suốt của du lịch Việt Nam đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững là “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Do đó, các cấp, ngành, địa phương và hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cần nghiêm túc thực hiện với phương châm “liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện”.

Để du lịch phát triển nhanh và bền vững, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thay đổi tư duy, có tầm nhìn chiến lược lâu dài hơn để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, cần nâng cao nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện về vai trò, tầm quan trọng và giá trị của ngành du lịch đối với sự phát triển đất nước.

Phát triển sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế nổi trội về thiên nhiên và văn hóa của từng vùng, địa phương, đặc biệt là các giá trị về văn hóa, bản sắc dân tộc, chú trọng bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, xây dựng mô hình, phương thức xúc tiến du lịch có tính chất đột phá với tầm nhìn dài hạn, huy động hiệu quả sự tham gia của người dân và doanh nghiệp.

Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, thúc đẩy thị trường nhân lực du lịch; khuyến khích tính sáng tạo của người dân, xây dựng những sản phẩm mang tính thương hiệu...

Đối với cộng đồng doanh nghiệp du lịch, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh kết nối, hợp tác hỗ trợ cùng nhau vượt qua khó khăn; tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo; chủ động nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm dịch vụ.

Tích cực tham gia các chương trình xúc tiến du lịch quốc gia; tham gia bảo vệ môi trường, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nhằm định vị thương hiệu du lịch quốc gia: “Việt Nam - Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi".

Hà Trang

Tin liên quan:
  • Cần nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và giá trị của ngành du lịch
    Liên kết để nâng tầm ngành du lịch ở Hướng Hóa

    Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện Hướng Hóa có nhiều cơ hội để phát triển du lịch, đặc biệt là các hình thức du lịch xanh, du lịch cộng đồng nhằm thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên để du lịch thực sự phát triển bền vững, chỉ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thôi là chưa đủ mà những người làm du lịch cũng cần phải có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau để nâng tầm du lịch huyện nhà. Đây cũng là lý do và động lực lớn nhất để Hội Du lịch Hướng Hóa ra đời.

  • Cần nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và giá trị của ngành du lịch
    Du lịch Quảng Trị - Cơ hội và thách thức

    Mô hình SWOT là kỹ thuật chiến lược được sử dụng để giúp xác định điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, làm rõ mục tiêu và xác định những yếu tố khách quan-chủ quan ảnh hưởng đến quá trình đạt được mục tiêu đó. Để có những phân tích về những cơ hội, thách thức và đưa ra những giải pháp cho việc phát triển du lịch tại Quảng Trị, tác giả bài viết xây dựng mô hình SWOT với những phân tích cụ thể như sau:

  • Cần nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và giá trị của ngành du lịch
    Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

    Xác định du lịch là khâu đột phá trong phát triển KT - XH của huyện, những năm qua, huyện Vĩnh Linh đã chủ động xây dựng, ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án; chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư... nhằm đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển.


Hà Trang

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long