Cập nhật:  GMT+7

Cần giải quyết dứt điểm tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số xin ăn trên các phố phường và di tích

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều người dân tộc thiểu số (DTTS) về miền xuôi lang thang xin ăn và sinh sống nơi công cộng tại TP. Đông Hà, thị xã Quảng Trị và một số địa phương khác trong tỉnh. Những người này thường ở vỉa hè, công viên, chợ; đứng, ngồi lấn chiếm ra lòng đường và các trục đường có tín hiệu đèn giao thông cũng như vào gõ cửa nhà dân hoặc đến các quán cà phê, chợ và khu di tích để buôn bán, xin tiền. Điều này tạo hình ảnh không thiện cảm đối với người dân và du khách, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, tính trang nghiêm của các di tích và hoạt động văn hóa, du lịch...

Đổ bộ” về miền xuôi xin ăn

Trên nhiều tuyến đường, góc phố hay trong các khu chợ, quán cà phê ở TP. Đông Hà, chúng tôi dễ dàng bắt gặp nhiều phụ nữ và trẻ em đồng bào DTTS xin tiền. Những người này ăn mặc rách rưới, tiều tụy, giọng nói run rẩy trình bày hoàn cảnh khó khăn. Những đứa trẻ thì lấm bẩn, tay cầm sẵn những vật dụng đựng tiền để đi xin ăn.

Nhiều người cảm thấy ái ngại, rút tiền cho. Nhưng cũng có người phản đối việc cho tiền vì biết rõ, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ đồng bào DTTS, vậy sao họ không dùng những “trợ lực” đó cùng sự cố gắng trong lao động sản xuất để xây dựng cuộc sống ấm no, mà chọn cách rời quê hương, đi về miền xuôi lang thang xin ăn...

Cần giải quyết dứt điểm tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số xin ăn trên các phố phường và di tích

Nhiều người lớn và trẻ em xin ăn ngồi ngay cột đèn giao thông trên các tuyến đường của TP. Đông Hà -Ảnh: M.Đ

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện đồng bào DTTS đi xin ăn nhiều nhất ở TP. Đông Hà và thị xã Quảng Trị với khoảng 50 người. Trong đó, nhiều người già, trẻ em sinh sống trong một gia đình cùng đi xin ăn. Khi chúng tôi hỏi thì họ chỉ nói ngắn gọn là ở trên miền núi xuống, hoàn cảnh khó khăn lắm.

Nếu ai đó cố tình hỏi thêm, họ chuyển sang trả lời bằng tiếng bản địa để không ai biết rõ thông tin gì rồi lầm lì rời đi. Bà N.T.H, tiểu thương chợ thị xã Quảng Trị cho hay: “Tôi buôn bán ở đây đã 20 năm nhưng vài tháng nay mới thấy nhiều đồng bào DTTS đi xin ăn như thế. Lúc đầu, tôi cũng cho họ ít đồ ăn, nhưng sau họ đến liên tục hằng ngày thì không thể cho thêm mãi. Những khách hàng vào quán tôi ăn uống cũng cảm thấy khó chịu vì người xin ăn cứ đến làm phiền”.

Để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng trên cũng như kịp thời phát hiện, xử lý những kẻ chăn dắt, trục lợi từ người lang thang xin ăn, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị và an sinh xã hội, UBND TP. Đông Hà và thị xã Quảng Trị đã ban hành kế hoạch, các văn bản chỉ đạo cũng như thành lập các đoàn công tác giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, người sinh sống nơi công cộng.

Sau một thời gian thực hiện, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực song tình trạng trên lại cứ tiếp diễn và không thể giải quyết dứt điểm.

Trao đổi với chúng tôi, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP. Đông Hà Đoàn Thị Diệu Hiền cho biết: “Công tác giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, người sinh sống nơi công cộng trên địa bàn luôn được UBND TP. Đông Hà quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện. Kết quả, tình trạng người lang thang xin ăn giảm sau mỗi đợt đoàn công tác thành phố ra quân thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề khó khăn nhất là xử lý những người lang thang xin ăn là đồng bào DTTS. Lý do họ đưa ra cho việc đi xin ăn là ở miền núi cuộc sống khó khăn, sức khỏe yếu nên khó có việc làm kiếm ra tiền, về thành phố không tốn nhiều công sức khi chỉ cần ngửa tay xin là có thu nhập. Cứ thế, người này rủ người khác, đem theo trẻ em về miền xuôi xin tiền. Chúng tôi đã tiếp cận với nhiều người DTTS đi xin ăn, ban đầu, họ nói tiếng Kinh, nhưng khi hỏi sâu về tên tuổi, nơi cư trú... thì họ quay sang trả lời bằng tiếng mẹ đẻ. Biết họ không hợp tác, chúng tôi đã mời thêm cán bộ nói được tiếng đồng bào để tìm gặp họ, nhưng rất nhanh chóng, họ đã di chuyển sang nơi khác. Qua trao đổi với đồng nghiệp ở các huyện miền núi, chúng tôi biết khó có thể phân biệt được một đối tượng là người đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở Hướng Hóa, Đakrông hay là người đồng bào DTTS vùng biên giới nước bạn Lào. Vì thế, rất khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động những người lang thang xin ăn thường trú ngoài địa bàn trở về địa phương làm ăn, sinh sống. Bên cạnh đó, còn nhiều trở ngại khác như trên địa bàn TP. Đông Hà cũng như toàn tỉnh không có cơ sở để tiếp nhận, quản lý người lang thang, vô gia cư. Hiện tỉnh chưa có kế hoạch giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng nên công tác giải quyết người lang thang xin ăn ở TP. Đông Hà không thể giải quyết triệt để”.

Chèo kéo bán hương kèm theo xin tiền

Theo chân một đoàn khách đến viếng mộ người thân tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, chúng tôi bất ngờ khi ô tô vừa đỗ đã xuất hiện nhiều người DTTS tay xách, nách mang đến tiếp cận đoàn. Từ các khu mộ, có nhiều người (cả đi bộ và đi xe máy) đổ xô đến.

Một phụ nữ mạnh dạn tới gần giới thiệu họ bán hương và nếu cần sẽ thắp hương giùm luôn cho khách. Mặc dù khách trong đoàn đã từ chối và nói có chuẩn bị sẵn hương, đồ lễ, thế nhưng những người phụ nữ này vẫn lẽo đẽo bám theo. Cứ thế, tiếng chào mời của họ phá vỡ không gian tĩnh lặng, nghiêm trang của nghĩa trang.

Chị P.T.N., quê ở Hà Nội, bức xúc nói: “Gia đình tôi đã chuẩn bị đủ lễ, hoa, hương để đến dâng cho liệt sĩ nên tôi đã từ chối lời mời mua hương từ những phụ nữ đồng bào DTTS, mặt khác, nếu thiếu hương thì ở nghĩa trang cũng đã bố trí điểm phục vụ hương khá thuận lợi cho khách. Khi những người phụ nữ và trẻ em vẫn tiếp tục theo chân chúng tôi đến tận các khu mộ, tôi nghĩ họ giúp tôi đốt hương, đi thắp lên các phần mộ là thiện ý. Nhưng sau đó, họ lại mở lời xin tiền như là tiền công. Không cho thì họ vẫn tiếp tục bám theo, nói lời khó nghe, vì thế, tôi đưa họ ít tiền cho xong việc và đỡ phiền hà”.

Cần giải quyết dứt điểm tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số xin ăn trên các phố phường và di tích

Một số người dân tộc thiểu số bán hương sai quy định trong các nghĩa trang liệt sĩ -Ảnh: M.Đ

Thực tế cho thấy, việc người dân tự ý vào khuôn viên di tích để buôn bán kèm theo xin tiền đã gây nhiều ức chế cho du khách, làm mất mỹ quan, sự trang nghiêm chốn linh thiêng, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự.

Theo phản ánh của người dân và ban quản lý nghĩa trang, việc chèo kéo bán hương kèm theo xin tiền đã giảm đi nhiều từ những năm trước đây. Tuy nhiên, 3 tháng trở lại đây thì tái diễn và có phần tăng về số lượng người tham gia, trong đó, phần lớn là phụ nữ và trẻ em.

Mặc dù ban quản lý nghĩa trang và các lực lượng chức năng địa phương đã quyết liệt, ra nhiều quy chế phối hợp về vấn đề này, song việc xử lý, giải quyết tận gốc còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Phó Trưởng Ban Quản lý nghĩa trang và Đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh, phụ trách Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn Hoàng Văn Minh cho biết: Trước đây, tình trạng đồng bào Vân Kiều tổ chức bán hương và xin tiền ở nghĩa trang diễn ra khá phức tạp, gây ra nhiều ức chế cho người dân và du khách đến tổ chức các hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Trước thực trạng đó, vào năm 2014, chúng tôi đã có nhiều phiên làm việc với lãnh đạo huyện Gio Linh, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, lực lượng công an cùng các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động người dân, đồng thời cũng có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Từ đó, đã làm giảm mạnh tình trạng này. Song khoảng từ tháng 8/2023 đến nay, số lượng người bán hương ở nghĩa trang xuất hiện nhiều hơn. Nguyên nhân là do tường rào bảo vệ nghĩa trang bị xuống cấp phải đập đi để xây dựng mới nên nhiều đối tượng dễ dàng ra vào khuôn viên nghĩa trang. Khi thấy cán bộ, nhân viên nghĩa trang đến là họ đã nhanh chân chạy đi tứ phía.

Vì không có lực lượng bảo vệ chuyên trách, chỉ hợp đồng với một bảo vệ nên không thể giải quyết được dứt điểm tình trạng này. Chúng tôi đã trực tiếp trao đổi với lãnh đạo và lực lượng Công an xã Linh Trường về vấn đề này để bố trí thêm lực lượng bảo vệ, song vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Cần nhiều giải pháp căn cơ, bền vững

Giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, buôn bán, sinh sống nơi công cộng là vấn đề phức tạp và phải tiến hành thường xuyên, có sự phối hợp, thống nhất giữa các ban, ngành, lực lượng. Dù đã có rất nhiều cố gắng, song hiệu quả vẫn chưa cao.

Bà Đoàn Thị Diệu Hiền cho biết: TP. Đông Hà tiếp tục quan tâm chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp với mục tiêu ngăn ngừa, giải quyết và tiến đến giảm dần tình trạng người lang thang xin ăn, người sinh sống ở nơi công cộng, góp phần đảm bảo an toàn xã hội, tạo mỹ quan đô thị, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân nâng cao nhận thức trong việc làm từ thiện đối với người lang thang xin ăn, không nên cho tiền, hàng trực tiếp mà ủng hộ thông qua cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Đề nghị Sở LĐTB&XH tổ chức cuộc họp với UBND các huyện, thị xã và thành phố để bàn phương án và có sự thống nhất trong công tác giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng.

Nói về tình trạng bán hương kèm theo xin tiền ở nghĩa trang, ông Hoàng Văn Minh cho hay, trước mắt, chúng tôi sẽ làm việc với đơn vị thi công tường rào bảo vệ tại nghĩa trang để sớm hoàn thành và bàn giao vào cuối năm 2023.

Công trình này hoàn thành sẽ góp phần hạn chế tình trạng người ra vào nghĩa trang tự do, đồng thời chúng tôi cũng sẽ xây dựng phương án, kế hoạch trình lên cấp trên xem xét về việc tăng cường thời gian bảo vệ 24/24 nhằm hạn chế, kiểm soát các đối tượng không phận sự vào cổng.

Về giải pháp hiện tại, chúng tôi tiếp tục bố trí nhân viên vận động người dân không bán hương ở trong nghĩa trang; phối hợp với chính quyền địa phương, công an xã, trường học và già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tuyên truyền, vận động người dân tìm việc làm mưu sinh khác, không vào xin tiền trong nghĩa trang; trao đổi với các thầy, cô giáo về việc nhắc nhở nâng cao ý thức cho học sinh, tránh tình trạng trẻ cứ sau giờ học là lang thang vào khu di tích...

Thiết nghĩ, việc giải quyết tình trạng người xin ăn trên địa bàn tỉnh, tạo nét văn minh đô thị và nơi đông dân cư phải được tăng cường thực hiện bằng nhiều giải pháp căn cơ, bền vững hơn.

Trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc chăm sóc trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi không nơi nương tựa; không để tình trạng bị lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc đi xin ăn; tăng cường công tác quản lý đối tượng, không để người dân thuộc địa bàn quản lý đi xin ăn.

Cần có sự phối hợp giữa các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc kiểm tra, rà soát đối với người đang sống tại các địa điểm công cộng để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp. Đối với người lang thang xin ăn (là người địa phương): vận động và tạo điều kiện để họ tự nguyện trở về gia đình, ổn định cuộc sống. Nếu họ không có thân nhân, gia đình thì liên hệ với các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh để được hỗ trợ hướng dẫn, trợ giúp theo quy định.

Đối với người lang thang xin ăn (là người trong tỉnh): liên hệ với UBND huyện, thị xã, thành phố nơi người xin ăn thường trú để đưa trở về gia đình và bàn giao cho UBND xã, phường, thị trấn quản lý. Đối với trường hợp là người ngoại tỉnh, kịp thời phối hợp với Sở LĐ-TB&XH để có giải pháp đưa trở về địa phương.

Đồng thời, cũng quan tâm động viên về mặt tinh thần, hỗ trợ vật chất và đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người xin ăn, giúp trẻ em đến trường nhằm tránh tình trạng tái lang thang xin ăn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội, tạo mỹ quan đô thị, thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.

Minh Đức

Tin liên quan:
  • Cần giải quyết dứt điểm tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số xin ăn trên các phố phường và di tích
    Mở hướng làm ăn cho đồng bào dân tộc thiểu số

    Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Quyết định số 2085/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự đổi thay trong tư duy sản xuất, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh dần có cuộc sống ổn định hơn, quá trình thoát nghèo cũng vì thế mà dần ngắn lại.

  • Cần giải quyết dứt điểm tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số xin ăn trên các phố phường và di tích
    “Điểm tựa” quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số

    Là những người được tín nhiệm, có phạm vi ảnh hưởng lớn trong cộng đồng, có khả năng tập hợp Nhân dân tin tưởng nghe và làm theo, thời gian qua, người có uy tín trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân, vận động đồng bào chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người có uy tín được xem là lực lượng quần chúng đặc biệt, là “điểm tựa” của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).


Minh Đức

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Những giáo viên đặc biệt

Những giáo viên đặc biệt
2023-12-04 14:29:00

QTO - Không bảng đen, phấn trắng, không bài học văn hóa đầy ắp kiến thức cuộc sống, lớp học của những giáo viên này rất khác biệt bởi học trò của họ là trẻ...

Bờ sông Sê Pôn sạt lở nặng

Bờ sông Sê Pôn sạt lở nặng
2023-12-04 09:52:00

QTO - Sông Sê Pôn đi qua 7 xã, thị trấn thuộc huyện Hướng Hóa hiện có nhiều đoạn bị sạt lở nặng gây khó khăn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân cũng như...

Dạy nghề để giữ nghề truyền thống

Dạy nghề để giữ nghề truyền thống
2023-12-02 06:20:00

QTO - Hiện nay, một số nghề truyền thống của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang dần bị mai một, có nghề đứng trước nguy cơ bị biến mất. Để góp...

Phòng tránh dịch bệnh mùa đông – xuân

Phòng tránh dịch bệnh mùa đông – xuân
2023-12-02 06:16:00

QTO - Hiện nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang chuyển qua thời điểm giao mùa đông - xuân, tạo ra sự thay đổi lớn về môi trường, nhiệt độ và độ...

Ước mơ của cô bé Vân Kiều bị suy thận

Ước mơ của cô bé Vân Kiều bị suy thận
2023-12-02 06:05:00

QTO - Năm nay đã 14 tuổi nhưng em Hồ Thị Lan Anh, trú tại thôn Cheng, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa, thường bị nhầm với những cô bé tiểu học. Căn bệnh suy...

Gieo nụ cười bằng trái tim yêu thương

Gieo nụ cười bằng trái tim yêu thương
2023-12-02 05:50:00

QTO - Là người làm kinh tế, guồng quay của cuộc sống, công việc luôn tất bật đối với chị Phạm Hồng Quỳnh Ny (sinh năm 1987), trú tại Khu phố 3, Phường 5,...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long