Những giáo viên đặc biệt

Không bảng đen, phấn trắng, không bài học văn hóa đầy ắp kiến thức cuộc sống, lớp học của những giáo viên này rất khác biệt bởi học trò của họ là trẻ tự kỷ, chậm phát triển. Việc chăm sóc, dạy dỗ một đứa trẻ bình thường vốn đã vất vả, với trẻ tự kỷ, chậm phát triển thì khó khăn đó nhân lên bội phần. Trong hành trình gian nan đó, ba mẹ đôi khi cũng trở thành những giáo viên đặc biệt của con mình.

Những giáo viên đặc biệt

Không bảng đen, phấn trắng, không bài học văn hóa đầy ắp kiến thức cuộc sống, lớp học của những giáo viên này rất khác biệt bởi học trò của họ là trẻ tự kỷ, chậm phát triển. Việc chăm sóc, dạy dỗ một đứa trẻ bình thường vốn đã vất vả, với trẻ tự kỷ, chậm phát triển thì khó khăn đó nhân lên bội phần. Trong hành trình gian nan đó, ba mẹ đôi khi cũng trở thành những giáo viên đặc biệt của con mình.

Những giáo viên đặc biệt

Đều đặn mỗi sáng thứ 7 hằng tuần, trên chiếc xe đạp cọc cạch, cháu D.K. (7 tuổi) thích thú khi được ông bà nội chở đến ngôi nhà quen thuộc tại địa chỉ số 4 Lê Hữu Trác, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh. Nơi đây với K. không đơn thuần chỉ là một lớp học mà còn là “mái ấm” thứ 2 - nơi em và các bạn đã gắn bó gần 4 năm nay.

Thấp thoáng thấy cậu học trò nhỏ, cô giáo Trần Thị Mỹ Hạnh (sinh năm 1989) cũng là chủ nhân của ngôi nhà niềm nở đón chào. Hơn 10 năm qua, ngôi nhà của cô dần trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều bậc phụ huynh và các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Hầu hết các em đều không may mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn học tập, tăng động và khiếm khuyết các chức năng như nghe, nói...

Những giáo viên đặc biệt

Cô Hạnh cho biết trước khi mở lớp can thiệp tại nhà, cô đã có khoảng thời gian tích lũy kinh nghiệm khi sống và làm việc tại thành phố mang tên Bác sau khi tốt nghiệp ngành giáo dục đặc biệt, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh.

“Năm 2012, khi quay về quê hương, tôi nhận ra rằng những đứa trẻ mắc chứng rối loạn tự kỷ, tăng động hay khiếm khuyết chức năng nghe, nói xung quanh mình hầu như không được phát hiện từ sớm. Thậm chí có trường hợp phụ huynh không chấp nhận được tình trạng của con mình dẫn đến việc đánh mất thời điểm “vàng” để can thiệp. Điều này thôi thúc tôi phải làm gì đó để giúp các em”, cô Hạnh nhớ lại.

Ban đầu, cô nhận can thiệp theo giờ tại nhà riêng của từng trẻ. Nhiều hôm lặn lội mưa gió, mất một, hai buổi tối chỉ để hướng dẫn trẻ phân biệt cái ly, cái chén nhưng thấy trẻ tiến bộ hơn ngày hôm qua, trái tim cô giáo trẻ này lại ngập tràn cảm giác ấm áp, hạnh phúc. Sau này, cô Hạnh kết hợp với một số giáo viên khác mở “lớp” can thiệp tập trung cho trẻ đến từ nhiều nơi khác nhau trong toàn huyện.

Những giáo viên đặc biệt

“Nếu không thật sự yêu thương, nhẫn nại với trẻ thì thú thật, rất khó để làm được công việc này”, cô Hạnh đã nói như thế khi đưa ánh mắt chứa chan tình cảm nhìn về những cô, cậu học trò của mình. Hơn 10 năm theo nghề, cô đã trải qua bao gian nan vất vả.

Học sinh có những em rất nghe lời nhưng đa phần khi mới vào sẽ có phản kháng rất mạnh bằng cách gào khóc, cào cấu, xô ngã cô, ăn uống sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên. Vất vả ban đầu nên khi thấy học sinh tiến bộ từng ngày, cô rất hạnh phúc.

“Giáo án phải chuẩn bị rất kỹ nhưng không phải theo lớp, theo năm học mà theo tình trạng, khả năng của từng học sinh. Hơn nữa, sự kỳ vọng con mình tiến bộ của bố mẹ rất lớn, mong muốn các em có sự thay đổi nhanh và rõ rệt. Điều này đôi khi khiến tôi và các giáo viên khác rất áp lực. Tuy nhiên, với trẻ rối loạn phát triển, khi bắt đầu học, các em phải mất vài tuần chỉ để làm quen, loại bỏ nỗi sợ và sự e dè với cô giáo rồi mới tính chuyện dạy kiến thức”, cô Hạnh tâm sự.

Tại TP. Đông Hà, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Bình Minh do cô giáo Nguyễn Thị Tình thành lập không còn là cái tên quá xa lạ với nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh có con mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn phát triển ngôn ngữ, tăng động giảm chú ý... Bằng tình yêu thương, những năm qua, cô Tình cùng các giáo viên nơi đây đã luôn quan tâm, chăm sóc những đứa trẻ “đặc biệt” ấy như con của chính mình.

Những giáo viên đặc biệt

Chia sẻ trong một chương trình hội thảo gần đây, cô giáo Tình cho hay: “Chúng tôi hy vọng có thể lan tỏa yêu thương, giúp các gia đình có trẻ tự kỷ bớt áp lực, lo âu, bớt đơn độc trên hành trình cùng con hòa nhập cộng đồng và mang lại những giá trị tốt đẹp cho đời”.

Những giáo viên đặc biệt

Trên hành trình giúp trẻ đặc biệt hòa nhập, ngoài các cô giáo ở lớp can thiệp, các em còn có sự đồng hành của bố mẹ. Khi chưa đầy 1 tuổi, P.N.N (6 tuổi), hiện sống tại Khu phố 8, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, con trai chị N.T. đã có những biểu hiện mắc hội chứng tự kỷ. Em không đòi mẹ, không quay đầu khi bất kỳ ai gọi tên, ánh mắt luôn nhìn lơ đễnh về 1 hướng. Sợ con bị câm điếc, gia đình đem đi khám thì mới vỡ lẽ về tình trạng của con mình.

“Bác sĩ nói tự kỷ không phải là bệnh nhưng nó sẽ theo con tôi suốt cuộc đời. Lúc đó, tôi cảm giác như cả bầu trời đổ sụp xuống, cứ nhìn con là nước mắt trào ra”, chị T. chia sẻ.

Những giáo viên đặc biệt

Chăm sóc một đứa trẻ bình thường đã khó, với N. thì khó khăn ấy lại tăng lên gấp bội. Đến tuổi đi học, không trường nào nhận con chị vào học quá một tháng.

Bản thân chị cũng bất lực khi thấy con luôn hiếu động và không thể tập trung vào bất cứ điều gì. Thế rồi bỏ ngoài tai lời bàn tán của những người xung quanh, chị T. xin phép nghỉ việc trong một thời gian dài để toàn tâm, toàn ý lo cho con.

Không chỉ đưa con xuống thành phố tham gia các lớp can thiệp theo giờ mà chị còn tìm đọc, nghiên cứu sách viết về hội chứng tự kỷ, học cách vừa làm mẹ, vừa làm cô, làm bạn để đồng hành với con.

Những giáo viên đặc biệt

Cả một chặng đường dài, từ sự đấu tranh tư tưởng, chấp nhận hiện thực về tình trạng của con đến sự nỗ lực của cả gia đình, nay N. có thể học hòa nhập, đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa.

Chị T. bộc bạch: “Ngày trước, con tôi vẫn hay la hét, kích động, hoàn toàn không biết nguy hiểm và không nhận thức được gì về thế giới xung quanh. Cháu có thể lao đầu vào tường, chạy ào ra đường bất cứ lúc nào nhưng nay đã tiết chế được. Vợ chồng tôi cảm thấy hạnh phúc khi chứng kiến từng sự thay đổi nhỏ của con”.

Không mắc hội chứng tự kỷ như con trai chị T. nhưng H. (8 tuổi), hiện đang sống tại xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, không may bị điếc bẩm sinh. Tuy nhiên vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, gánh nặng cuộc sống khiến chị T.L., mẹ của H. không sớm nhận thấy biểu hiện bệnh của con mà chỉ nghĩ đơn giản là do con chậm nói. Mãi đến khi 3 tuổi con vẫn chưa nói được, lúc này vợ chồng chị mới hốt hoảng, dồn hết tiền bạc để đưa con đi thăm khám, chạy chữa khắp nơi.

Những giáo viên đặc biệt

“Trước khi tham gia lớp học của cô Hạnh, H. từng tham gia can thiệp tại Hà Nội một thời gian ngắn nhưng kết quả không mấy khả quan. Khoản tiền ít ỏi vợ chồng tôi tích góp bao nhiêu năm đổ dồn vào chữa bệnh cho cháu dần cạn kiệt. Thế là vợ chồng tôi quyết định về quê, vay mượn người thân, bạn bè mua cho H. máy trợ thính; cho con theo học cô Hạnh đến giờ”, chị L. cho hay.

H. có vẻ ngoài rất sáng sủa, thông minh nhưng do một thời gian dài không nghe, nói được nên cậu bé gần như không thể nhận diện được những đồ vật xung quanh. Vì vậy, thời gian đầu dạy H. cách nhận biết, phát âm tương đối vất vả.

Ngoài giờ chở con đến lớp can thiệp, lúc ở nhà, chị L. luôn dành thời gian trò chuyện cùng con, hỏi thăm cô giáo những bài dạy trên lớp để ôn tập cho con khi ở nhà. May mắn là H. tiến bộ rất nhanh, chỉ sau một thời gian ngắn có thể nhận biết, phát âm rõ. Ngày nghe những tiếng bi bô của con gọi mẹ, chị L. như vỡ òa hạnh phúc. Đó là động lực để chị tiếp tục cố gắng, vượt qua mọi khó khăn.

Vượt qua nỗi mặc cảm, suy sụp khi con mình mắc hội chứng tự kỷ hay khiếm khuyết, các bậc phụ huynh sẵn sàng đánh đổi tất cả để ở bên con, giúp con trở lại với cuộc sống bình thường. Họ phải trở thành người cô, người thầy để có phương pháp đúng hỗ trợ can thiệp cho con; là chuyên gia dinh dưỡng để chăm sóc cho con khỏe về tinh thần và thể chất.

Những giáo viên đặc biệt

Còn với những cô giáo như cô Hạnh, cô Tình - họ là “người mẹ” thứ hai luôn nỗ lực dành cho học sinh đặc biệt của mình mọi điều tốt nhất, vừa dạy dỗ, vừa vỗ về.

Đích đến của hành trình này có lẽ còn ở rất xa nhưng hạnh phúc lớn nhất với những cô giáo này đơn giản chỉ là được nghe các con hát ca, vui cười, đến trường, đến lớp như bao bạn bè đồng trang lứa...

Trúc Phương (thực hiện)

1:04:12:2023:14:29 GMT+7

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM