Cập nhật: Thứ 2, 02/08/2010 | 10:26 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chất vấn về "chính sách, cơ chế của nhà nước để đảm bảo người trồng lúa có lãi 30%"

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, đại biểu Quốc hội Phạm Đức Châu, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về “Chính sách, cơ chế của Nhà nước để đảm bảo người trồng lúa có lãi 30%”. Ngày 5/7/2010, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có công văn số 8634/ BTC-QLG về việc trả lời chất vấn trên. Toàn văn như sau: Nội dung chất vấn: Sau khi nghe Bộ trưởng trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội, cử tri Quảng Trị yêu cầu tôi kiến nghị Bộ trưởng nêu thật cụ thể về chính sách, cơ chế của nhà nước để đảm bảo người trồng lúa có lãi 30%. Vì: theo cử tri, hiện nay người trồng lúa rất khó có lãi vì giá thành phụ thuộc rất lớn vào giá cả đầu vào, giá đầu ra lại tùy thuộc thị trường. Bộ trưởng cho biết, nhà nước ta có cơ chế chính sách gì để điều tiết giá cả đầu vào cho nông dân hay không? Trả lời: 1. Về chính sách, cơ chế của nhà nước để đảm bảo người trồng lúa có lãi 30%: Sau khi lấy ý kiến và tham khảo của các Bộ, ngành và các địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ số 52/TTr-BTC ngày 26/4/2010 về Đề án Chính sách tiêu thụ lúa cho người sản xuất góp phần bình ổn thị trường lúa, gạo ở Việt Nam.

Người trồng lúa đang được hỗ trợ về chính sách, cơ chế để đảm bảo có lãi 30%. Ảnh: THANH HẢI

Nội dung Đề án tập trung vào các phương thức hỗ trợ “đầu vào” cho sản xuất lúa các vụ sản xuất trong năm trên phạm vi cả nước và hỗ trợ “đầu ra” của sản xuất lúa vụ hè thu bằng những biện pháp thích hợp ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nơi có sản lượng lúa hàng hóa lớn trong thời gian thu hoạch vụ hè thu trong khoảng 3 tháng (8, 9, 10) nhằm thực hiện các mục tiêu: Bảo đảm an ninh lương thực; đảm bảo cho người trồng lúa bù đắp được chi phí sản xuất và có lãi 30% so với giá thành sản xuất và góp phần tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho người sản xuất, xử lý việc phân phối thu nhập hợp lý giữa các tầng lớp dân cư, từng bước khắc phục xu hướng giảm sút thu nhập của người trồng lúa so với các ngành nghề khác; giải quyết tốt các mục tiêu kinh tế, xã hội. Cụ thể về các phương án hỗ trợ đề xuất như sau: - Hỗ trợ đầu vào sản xuất: Hỗ trợ tối đa 100% lãi suất vay vốn ngân hàng cho người sản xuất lúa. Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, người sản xuất lúa thực hiện việc mua, bán các yếu tố vật tư “đầu vào” của sản xuất lúa theo giá thị trường. Nhà nước hỗ trợ tối đa 100% lãi suất cho người sản xuất lúa vay vốn để mua vật tư đầu vào phục vụ sản xuất như: giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu... để hỗ trợ giảm giá thành cho người sản xuất lúa trên phạm vi cả nước. Để thực hiện đạt hiệu quả, Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính công bố danh mục vật tư được hỗ trợ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện cụ thể. Tiếp tục thực hiện hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn theo Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009 và Quyết định số 2213/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009. - Hỗ trợ đầu ra tiêu thụ lúa hàng hóa: Thực hiện nguyên tắc giá thị trường; gắn với việc hình thành Quỹ bình ổn giá lúa, gạo. Khi giá thị trường lúa (vụ hè thu) xuống thấp, người sản xuất không đảm bảo có lãi tối thiểu 30% so với giá thành sản xuất: - Trên cơ sở hướng dẫn về điều tra chi phí sản xuất, tính giá thành sản xuất lúa của Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định chi phí sản xuất, tính giá thành lúa theo từng vụ và công bố giá mua lúa trên địa bàn (bằng giá thành sản xuất cộng (+) lợi nhuận khoảng 30%) làm định hướng để cho các doanh nghiệp thu mua lúa của người sản xuất lúa. Đồng thời, Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp đó để mua lúa tạm trữ thông qua Quỹ bình ổn giá lúa, gạo. Để thực hiện được cơ chế này, Nhà nước phải thành lập Quỹ bình ổn giá lúa, gạo và cho phép doanh nghiệp mua khối lượng lúa tạm trữ được sử dụng Quỹ bình ổn giá lúa, gạo khi giá thị trường lúa xuống thấp hơn giá mua lúa do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố công bố. Nhà nước thực hiện biện pháp thúc đẩy các doanh nghiệp tập trung mua vào trong thời gian khoảng 3 tháng (dự kiến vụ hè thu vào các tháng 8, 9, 10) khối lượng lúa hàng hóa nhất định (khoảng 2 triệu tấn lúa) theo giá thị trường để phục vụ dự trữ quốc gia, tạm trữ lưu thông (ngoài lượng dự trữ lưu thông của doanh nghiệp) phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu nhằm kích cầu để giá tăng dần lên mức giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đã công bố; sau đó tiếp tục tổ chức mua bán bình thường làm cho giá thị trường vận động hợp lý (ngang bằng hoặc trên mức giá mua lúa do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố công bố). Số lượng lúa mua theo phương thức trên được hỗ trợ tối đa 100% lãi suất cho doanh nghiệp mua tạm trữ từ khi mua vào đến khi bán ra (khoảng 3 tháng). Số lãi suất hỗ trợ đó trong thời gian đầu hình thành (1-2 năm) Nhà nước sẽ chi từ ngân sách Nhà nước; sau khi Quỹ bình ổn giá lúa, gạo có đủ lực sẽ thực hiện chi từ Quỹ. Đồng thời, Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo hướng dẫn các doanh nghiệp phải có kho tạm trữ lúa và có phương án liên kết, cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp với tổ chức, cá nhân (tiêu thụ, xay xát, chế biến lương thực trên địa bàn) để mua lúa trực tiếp cho người sản xuất theo giá mà Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đã công bố. Trong điều kiện hiện nay, các doanh nghiệp chưa tổ chức được mạng lưới để mua tại nhà người sản xuất (hiện mua 20%), còn lại mua qua trung gian là thương lái đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố công bố giá mua lúa bằng 2 loại giá ở 2 địa điểm mua khác nhau, gắn với tiêu chuẩn chất lượng của lúa để người sản xuất lựa chọn nơi bán hàng hóa của mình thuận lợi nhất, tránh tình trạng bị trung gian ép giá, cụ thể: - Công bố giá mua lúa hàng hóa tại nơi tập kết lúa của người sản xuất sau vụ thu hoạch (có thể tại ruộng, tại nhà hoặc tại nơi sấy lúa tập trung...). - Công bố giá mua lúa hàng hóa đủ tiêu chuẩn sản xuất ra gạo xuất khẩu tại cửa kho của doanh nghiệp (hoặc nơi mua tập trung) với mức giá = Giá mua tại nơi tập kết lúa của người sản xuất sau vụ thu hoạch (có thể tại ruộng, tại nhà hoặc tại nơi sấy lúa tập trung)... của người sản xuất cộng (+) chi phí vận chuyển bình quân đến địa điểm bán (mua tập trung). - Hình thành, sử dụng và quản lý Quỹ bình ổn giá lúa, gạo: + Nguồn hình thành Quỹ bình ổn giá lúa gạo của Nhà nước được trích theo mức tiền cố định trên đầu tấn gạo xuất khẩu trực tiếp của tất cả các doanh nghiệp thuộc mỗi thành phần kinh tế tham gia xuất khẩu gạo trực tiếp và doanh nghiệp được phép hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh hợp lý của doanh nghiệp. + Quỹ chỉ sử dụng cho mục tiêu thu mua lúa cho người sản xuất lúa theo chỉ đạo của Nhà nước không sử dụng cho mục đích khác. + Bộ Tài chính hướng dẫn việc hình thành Quỹ và cơ chế điều hành sử dụng Quỹ bình ổn giá lúa gạo theo hướng Quỹ bình ổn giao cho doanh nghiệp tự quản lý tại tài khoản của doanh nghiệp. 2. Về chính sách để điều tiết giá cả đầu vào cho nông dân: Trong những năm qua, Chính phủ rất quan tâm đến đời sống của người nông dân, đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ (trực tiếp và gián tiếp) để góp phần điều tiết giá cả đầu vào và giảm bớt khó khăn cho người nông dân, cụ thể như: Thực hiện các chính sách thuế ưu đãi, miễn giảm thuế, phí, như: Không áp thuế đối với một số hàng hóa đầu vào hoặc liên quan đến dịch vụ cung cấp cho sản xuất nông nghiệp như: giống cây trồng, vật nuôi, nạo vét kênh mương nội đồng; hoặc áp dụng mức thuế suất nhập khẩu từ 0%- 5%, chủ yếu là 0% đối với máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp như: máy cày, máy bừa, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, nhằm góp phần giảm chi phí đầu vào cho người sản xuất; Thực hiện miễn thu thủy lợi phí; Chính sách khuyến nông, khuyến ngư ở các địa bàn khó khăn (Quyết định số 162/2008/ QĐ-TTg ngày 4/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ); Hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để mua tạm trữ lúa gạo hè thu năm 2009 (Thông tư 221/2009/ Tt-BTC ngày 24/11/2009 của Bộ Tài chính); Hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các tổ chức cá nhân vay vốn để sản xuất kinh doanh (Quyết định 131/QĐ-TTg ngày 23/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ); hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn (Quyết định số 497/ QĐ-TTg ngày 17/4/2009 và Quyết định số 2213/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009); Hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay trung và dài hạn ngân hàng bằng đồng Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân (Quyết định 2072/QĐ- TTg ngày 11/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ); Chính phủ cũng đã thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi trong việc đầu tư xây dựng kho chứa, sân phơi, sấy, chợ đầu mối. Cùng với các chính sách trên, Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ để giảm giá phân bón (một trong những nguyên liệu đầu vào chính của sản xuất nông nghiệp) của các doanh nghiệp bán cho nông dân như: ưu đãi thông qua giá đầu vào đối với nguyên nhiên liệu sản xuất một số loại phân bón sản xuất trong nước như than, điện (bán thấp dưới giá thành sản xuất); khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường kinh doanh đầu tư theo chiều sâu sản xuất các loại phân bón chất lượng cao; hướng dẫn nông dân chuyển sang sử dụng các loại phân bón tổng hợp, phân hữu cơ khoáng, phân hữu cơ vi sinh để nâng cao hiệu quả trồng trọt; nhiều nhà máy sản xuất phân bón đã và đang được xây dựng để chủ động trong sản xuất phân bón, tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước có hiệu quả nhằm hạn chế bớt việc nhập khẩu từ nước ngoài giảm việc bị ảnh hưởng bởi thị trường thế giới; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón đảm bảo đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu trong nước; yêu cầu các doanh nghiệp điều chỉnh, sắp xếp lại mạng lưới kinh doanh hợp lý trên cơ sở tổng kết, nhân rộng mô hình mạng lưới kinh doanh tổ chức cung ứng phân bón đến tay người sản xuất; thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường chống các hành vi vi phạm về gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng tăng giá bất hợp lý, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không thực hiện quy định về đăng ký giá, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết... Cùng với đó, chi phí sản xuất đầu vào của người nông dân đã giảm góp phần làm giảm chi phí sản xuất. Thông qua chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để mua tạm trữ lúa gạo hè thu năm 2009 mà Tổng Công ty lương thực miền Nam đã mua tạm trữ được 500.000 tấn gạo trong thời gian 20/9/2009 đến 20/1/2010 góp phần đẩy giá lúa gạo thời điểm đó tăng lên theo hướng có lợi cho nông dân, đảm bảo mục tiêu có lãi tối thiểu 30% cho người nông dân. Theo báo cáo giá thành lúa của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cho thấy người sản xuất lúa đều đạt lãi khoảng 22% đến 60% tùy từng địa phương và mùa vụ. Bộ Tài chính xin trả lời chất vấn và trân trọng cảm ơn đại biểu.



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Chính sách mới về hỗ trợ đất trồng lúa
00:16 12/09/2024

Ngày 11/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về đất trồng lúa. Trong đó nêu rõ chính sách hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa; đầu ...

Thời tiết

16°C - 21°C
Có mây, không mưa
  • 17°C - 20°C
    Nhiều mây, có mưa, mưa rào
  • 16°C - 19°C
    Nhiều mây, có mưa nhỏ
POWERED BY
Việt Long