Cập nhật:  GMT+7

Bình yên Cồn Cỏ

Đã nhiều lần ra đảo Cồn Cỏ, nhưng mới đây có hội bạn là những cựu chiến binh và doanh nhân ở Tuyên Quang rủ rê, tôi đã đồng ý đi ngay. Mà thật ra 10 năm nay tôi cũng chưa ra thăm đảo, trong khi vào tháng 8/2024 này, huyện đảo Cồn Cỏ sẽ tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập huyện đảo. Bây giờ khi ngồi trên con tàu Chín Nghĩa Quảng Trị rẽ sóng ra khơi, tôi có cảm giác lâng lâng khi rời xa phố thị, được thở hít không khí mặn mòi của biển. Nằm vắt ngang vĩ tuyến 17, Cồn Cỏ không chỉ là đảo tiền tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia mà còn là một trong những hòn đảo đẹp hiếm có của miền Trung. Cồn Cỏ ngày thường khi chúng tôi đến rất bình yên.

Bình yên Cồn Cỏ

Khách du lịch đến thăm Cồn Cỏ ngày càng đông - Ảnh: P.M

Những lần ra đảo trước đây, tôi đi tàu của Bộ đội Biên phòng, còn bây giờ mới có dịp đi trên con tàu du lịch. Một trong những chủ con tàu này là Trần Công Nam, với tâm huyết của một người con của quê hương Vĩnh Linh, Quảng Trị, anh đã hùn vốn với bạn bè mua tàu Chín Nghĩa để phục vụ khách du lịch.

Tàu thuộc Công ty TNHH Chín Nghĩa Quảng Trị, thành lập lần đầu vào tháng 5/2018, liên doanh với Công ty Chín Nghĩa Quảng Ngãi. Tàu được chế tạo bằng vỏ thép, trang bị các thiết bị hàng hải đáp ứng đầy đủ các quy chuẩn vận chuyển hành khách bằng đường biển với tổng công suất máy chính 820 mã lực, tốc độ tối đa 16 hải lý/giờ, chở được 156 hành khách. Với trời yên biển lặng, chúng tôi đi tàu Chín Nghĩa ra đảo chỉ hơn một tiếng đồng hồ.

Biết tôi là nhà báo, Nam có nhiều tâm tư, giải bày về chuyện kinh doanh khó khăn do tàu chỉ khai thác được một mùa, mùa mưa bão tàu phải nằm bờ; hay do cơ sở lưu trú trên đảo còn hạn chế nên khách ra đảo chưa nhiều, tàu ít khi có đủ lượng khách...

Nhưng đó là chuyện sẽ đề cập sau, còn bây giờ trên đường ra đảo, khi con tàu băng băng rẽ sóng, tôi bật điện thoại gọi một người bạn ở đảo thì được tin bạn ấy đã đi công tác ở TP. Hồ Chí Minh. Lại nhận được cuộc điện thoại khác của một đứa em cũng thật bất ngờ. Đầu dây bên kia nói: “Em Hữu Diễn đây anh. Em vừa ra quân sau hơn 20 năm phục vụ trong lực lượng biên phòng. Hẹn gặp anh một ngày gần đây”. Tôi nghĩ hai anh em có những kỷ niệm khó quên từ 20 năm trước.

Điều bất ngờ trong chuyến ra đảo năm ấy, người lái con tàu tuần tiễu của Bộ đội Biên phòng Quảng Trị vốn trước đây là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Lần ấy trong dịp ra Cồn Cỏ, Hữu Diễn đi trong đoàn báo chí của tỉnh. Khi lên tàu, vốn “máu me” nghề nghiệp thời ở lính, Diễn xin tổ lái cho vào khoang tàu lái thử. Thấy các thao tác lái tàu của Diễn thành thục, tàu chạy đều theo hướng sa bàn, mọi người ngơ ngác nhìn. Thì ra thời đi lính trên đất Bắc, Diễn đã từng được học lái tàu. Sau chuyến đi ấy do nhớ nghề, Diễn xin trở lại đời lính.

Thượng tá Trần Đình Dũng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Trị lúc bấy giờ (sau này là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) từng chứng kiến Diễn lái tàu đã đồng ý tiếp nhận Diễn. Đó là tôi kể vắn tắt thế thôi, ngoài ra còn một số thủ tục nữa, nhưng cuối cùng Hữu Diễn cũng tạm xếp bút nghiên theo con tàu lênh đênh trên sóng biển. Động cơ để Diễn trở lại với nghề lái tàu gian nan vất vả cũng chỉ vì tình yêu biển, đảo quê hương.

Không như những lần tôi ra đảo trước đây phải tăng-bo qua thuyền nhỏ để cập đảo khi biển động, lần này tàu chạy một mạch vào âu tàu, bến đậu một cách nhẹ nhàng. Bây giờ trên bến đã rất nhộn nhịp khách ra thăm đảo thay nhau chụp hình ở cổng chào huyện đảo. Nhớ những lần trước ra đảo, điều quan tâm của mọi người là nguồn nước sinh hoạt. Nhờ sự quan tâm của Bộ Quốc phòng và của tỉnh, huyện đã tiến hành khoan thăm dò và tìm được nguồn nước ngọt.

Hơn thế, huyện còn có bể gom nước ngọt từ mùa mưa rất lớn, có thể dự trữ cho cả mùa khô. Có nước ngọt, cuộc sống trên đảo đổi thay rõ rệt. Những câu chuyện mùa khô thiếu nước, chiến sĩ Cồn Cỏ phải vật lộn nhau cho đổ mồ hôi rồi lấy khăn lau theo kiểu tắm gió; chuyện cái vòi nước được khóa cẩn thận, phân phối từng lon nước vào mùa nắng nóng giờ chỉ còn là kỷ niệm của một thời gian khó đã qua.

Tôi nhớ ngày ra thăm đảo lần ấy là dịp khánh thành đưa vào sử dụng âu tàu vào tháng 10 năm 1998. Tiếp đó một cảng cá cũng đã được Nhà nước đầu tư 32,5 tỉ đồng xây dựng đủ chỗ cho hàng trăm tàu thuyền của các tỉnh ven bờ đi đánh cá trên đường trở về neo đậu.

Rồi đầu năm 1999 bắt đầu có 36 hộ dân ra đảo sinh cơ lập nghiệp. Đến năm 2000 đã có những đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời và được ghi vào khai sinh là công dân đầu tiên sinh ra trên huyện đảo Cồn Cỏ. Mới đó mà hơn 20 năm đi qua, những công dân đầu tiên của đảo giờ đã lớn lên, chuẩn bị tiếp nối bố mẹ góp sức dựng xây huyện đảo quê hương.

Hai mươi năm, đấy chỉ mới là tuổi trưởng thành của một đời người. Với huyện đảo Cồn Cỏ, đây là chặng khởi đầu đầy hứa hẹn cho một hòn đảo tiền tiêu đang thức dậy, trở thành điểm nhấn du lịch trong tam giác phát triển du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ.

Lãnh đạo huyện đảo muốn phát triển đảo trở thành đảo du lịch, dịch vụ nhưng cũng rất thận trọng, như khuyến cáo của các chuyên gia quy hoạch Cuba đến đây khảo sát hơn 20 năm trước, rằng muốn phát triển phải tuân thủ nghiêm ngặt sự tác động vào điều kiện tự nhiên của đảo, nghĩa là phải giữ được không gian rừng, biển và không chỉ là trên đảo mà cả phạm vi rộng lớn của Khu bảo tồn thiên nhiên đảo Cồn Cỏ; trong đó có việc bảo tồn rặng san hô phong phú, bảo vệ các loài hải sản quý hiếm, bảo vệ rừng nguyên sinh, bảo vệ loài cua đá quý hiếm đã từng đi vào thơ ca...

Hôm đó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện đảo Võ Văn Cường nói với chúng tôi rằng huyện đảo có được cơ sở vật chất như bây giờ là nhờ có rất nhiều nguồn lực đầu tư cho Cồn Cỏ. Huyện đảo sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Đảng bộ, chính quyền tỉnh và còn của cả nước nữa, vì xây dựng huyện đảo Cồn Cỏ phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là đảo tiền tiêu còn là trách nhiệm, tình cảm của cả nước chung sức vào đây để một mai hòn đảo mạnh, giàu.

Điều đáng mừng là mấy năm trở lại đã có tour du lịch thăm đảo Cồn Cỏ. Ngay từ khi mở tour, có nhiều du khách trong nước tham gia bởi sức hấp dẫn của một hòn đảo, nơi trong chiến tranh được mệnh danh là “Chiến hạm không thể đánh chìm”.

Nằm cách Cửa Việt hơn 30 cây số, dù cơ sở vật chất, tiện nghi, cơ sở lưu trú hạn chế nhưng sức hấp dẫn của viên ngọc xanh hoang sơ trên Biển Đông vẫn hấp dẫn gọi mời du khách muôn nơi. Khi chúng tôi lên đảo, thời tiết buổi trưa nắng nóng, nhưng các anh chị trong đoàn cựu chiến binh và doanh nhân của tỉnh Tuyên Quang vẫn rất háo hức yêu cầu được đi thăm ngay một vòng quanh đảo.

Phải chờ khi chiều xuống, cái nắng bớt gay gắt và gió biển thổi mạnh làm không khí dịu đi, chúng tôi lên xe điện đi vòng quanh, rồi đi bộ lên Đài tưởng niệm trên đồi 37 (còn gọi là đồi Hà Nội), nơi tôn vinh, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu để bảo vệ biển đảo trong chiến tranh. Đây cũng là nơi ngày trước anh hùng Thái Văn A cùng đồng đội anh dũng chiến đấu giữ đảo trong cuộc chiến đấu rất ác liệt với quân thù.

Đài Tưởng niệm đang được tôn tạo có diện tích 1.000 m2, cao 28,5 m, với tấm bia có danh sách gồm 104 liệt sĩ và hai bức phù điêu nghệ thuật tái hiện cuộc chiến bảo vệ, tiếp tế cho đảo. Trong lịch sử, đã có 104 chiến sĩ và dân quân hy sinh vì sự tồn tại của đảo. Hầu hết hài cốt các anh đã nằm dưới biển, chỉ có một số mộ được chuyển vào đất liền sau ngày đất nước thống nhất. Ngày trước do điều kiện đi lại giữa đảo và đất liền còn nhiều khó khăn nên thân nhân liệt sĩ đã chuyển người thân của mình vào đất liền để tiện hương khói, thờ cúng.

Cách đài tưởng niệm không xa có một bãi biển rất đẹp, gọi là Bến Nghè, nơi đón tia nắng đầu tiên của đảo. Ngược lên trung tâm có Bến Tranh, nơi có bãi tắm cộng đồng. Từ đây xe điện chạy vòng quanh đảo để mọi người được dừng lại chụp ảnh với hai cây bàng vuông có tuổi đời lâu năm; thăm hầm Quân Y; khám phá cung đường rừng nguyên sinh Cồn Cỏ. Do được hình thành bởi hoạt động kiến tạo từ phun trào của núi lửa nên đảo có giá trị về địa chất và sinh thái, cảnh quan như một “bảo tàng” thiên nhiên với các thềm đá ba dan độc đáo dọc bờ biển, các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò, điệp, cát...

Đặc biệt, trên đảo còn có Nhà truyền thống đảo Cồn Cỏ, nơi lưu giữ kỷ vật tái hiện lịch sử hào hùng của quân và dân huyện đảo.

Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, liên kết phát triển tour, tuyến du lịch và đẩy mạnh khai thác thế mạnh của địa phương, đảo Cồn Cỏ được kỳ vọng sẽ phát triển, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.

Vấn đề khó khăn mà Trần Công Nam chia sẻ với tôi hôm ở trên tàu Chín Nghĩa, tôi nghĩ bên Công ty TNHH Chín Nghĩa Quảng Trị nên ngồi lại bàn bạc với lãnh đạo huyện đảo để có thể làm tốt hơn công tác phối hợp đón khách du lịch, vì doanh nghiệp phát triển là huyện đảo phát triển, huyện đảo phát triển thì doanh nghiệp cũng sẽ phát triển; đôi bên cùng có lợi.

Một điểm nhấn trong cung đường vòng quanh Cồn Cỏ là điểm dừng ở Trạm Hải đăng. Nơi đây du khách có dịp chinh phục 100 bậc cấp lên đỉnh ngọn hải đăng có độ cao 78,2 m tính từ mực nước biển, được xây dựng và hoạt động từ cuối năm 2006. Đây được xem là một “mắt ngọc” giữa biển xanh, giúp báo hiệu và định vị đảo Cồn Cỏ, hỗ trợ tàu thuyền di chuyển thuận lợi hơn trong vùng biển Quảng Trị.

Từ đây có thể phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh đảo Cồn Cỏ. Khác với các đảo đá, đảo Cồn Cỏ đất ba dan thật màu mỡ, từ trên cao có thể thấy toàn cảnh đảo với bát ngát màu xanh. Ngoài những cây vốn có trên đảo như mù u, kiền kiền, nhiều nhất là cây phong ba thân sần sùi, vươn ra biển, đảo còn có hàng chục héc ta tràm hoa vàng, muồng đen do bộ đội trồng.

Đứng trên đỉnh Hải đăng nhìn ra bốn hướng, bất chợt tôi nhớ đến sự tích đảo Cồn Cỏ và động Lòi Ren. Chuyện kể rằng từ xa xưa trong lịch sử có một người rất khỏe tên là Thồ Lồ. Ông có nhiệm vụ đào đất đắp núi. Có lần ông gánh một gánh đất quá nặng, đòn gánh bị gãy, hai sọt đất văng ra hai phía. Sọt văng về phía núi thành ra động Lòi Ren, sọt văng về phía biển thành đảo Cồn Cỏ.

Đấy là cách lý giải theo tư duy của người xưa về các địa danh, địa hình, còn ngày ấy giáo sư Trần Quốc Vượng qua hiện vật khảo cổ thu được trên đảo đã khẳng định ngày xưa, Cồn Cỏ là dải đất dính với đất liền, dần dần qua nhiều niên đại do biển xâm thực, bào mòn, tách ra thành đảo.

Cách lý giải này xem ra có sức thuyết phục bởi về đất đai, cây trồng trên đảo rất giống với đất liền. Với diện tích khoảng 2,3 km2, trong đó hơn 70% là diện tích rừng nguyên sinh, đảo Cồn Cỏ là một trong số ít nơi tại Việt Nam còn có hệ sinh thái rừng nhiệt đới ba tầng được gìn giữ gần như nguyên vẹn.

Bởi vậy, một trong những trải nghiệm thú vị không thể bỏ qua khi đến thăm Cồn Cỏ là tham quan khu rừng nguyên sinh, tận hưởng bầu không khí trong lành và khám phá hệ động, thực vật phong phú trên đảo. Đảo Cồn Cỏ được hình thành do các hoạt động kiến tạo phun trào của núi lửa, mang đến những giá trị lịch sử về địa chất và sinh thái, tạo nên một “bảo tàng” thiên nhiên đa sắc màu cho vùng đất nơi đây.

Nhưng đó là chuyện của các nhà khảo cổ học, thực vật học, còn lịch sử chiến công của Quân đội và Nhân dân ta ở trên hòn đảo này phải kể từ ngày 8/8/1959, khi đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên - Trung đoàn 270 do Thiếu úy Dương Đức Thiện chỉ huy đặt chân lên đảo Cồn Cỏ, cắm lá cờ đỏ sao vàng khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Trải qua chiến tranh khốc liệt để giữ đảo, Cồn Cỏ đã hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng. Giờ đây ra thăm đảo, vẫn còn đó những cái tên vang tiếng một thời như các bãi: Hi - rôn, Hà Nội, Hà Đông, Hà Nam, Đá Đen, cao điểm Hải Phòng, chốt Triệu Hải...Màu đất đỏ nơi đây như còn thấm đẫm biết bao máu xương của quân và dân đã đổ xuống để bảo vệ đảo, để bây giờ có một Cồn Cỏ hiên ngang đứng đầu sóng ngọn gió giữa trùng khơi.

Hôm đó, khi mặt trời đã tắt, chúng tôi có một đêm gặp gỡ, giao lưu với lãnh đạo huyện đảo Cồn Cỏ thật thú vị với những ẩm thực đặc trưng của đảo, như hàu vua, ốc vú nàng, rong biển... được chế biến rất kỹ, mọi người được thưởng thức một lần rồi sẽ rất khó quên. Đêm bên biển gió thổi vào mát lạnh.

Ngoài khơi xa, ánh đèn điện của những con tàu đánh cá bừng sáng, như một bức tranh thành phố đêm trên biển. Bên biển, ai ai cũng có cảm xúc dâng trào, tiếng hát hòa tiếng sóng âm vang.

Bất ngờ, Trung tá Nguyễn Đình Cường, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cồn Cỏ hát tặng cho đoàn chúng tôi bài hát: “Em có về Quảng Trị với anh không” (nhạc Nguyễn Chí Quyết) thật là tình cảm. Cường là người con của Hà Nội đến đây công tác và gắn bó với hòn đảo tiền tiêu này, như là một cái duyên của đời binh nghiệp. Anh nói rằng mình rất yêu biển đảo và đang cho hai con vào đây thăm, ở lại những ngày hè để trải nghiệm cuộc sống ở đảo xa này.

Trước khi rời Cồn Cỏ trở về đất liền, chúng tôi được Bí thư, Chủ tịch UBND huyện đảo Võ Văn Cường đưa đi thăm, thắp hương ở Đền thờ Bác Hồ trên đảo. Trong đền, gian giữa thờ Bác Hồ, gian bên phải thờ các anh hùng liệt sĩ, còn bên trái thờ những người đã bỏ mình trên biển trong quá trình mưu sinh.

Chúng tôi cũng rất lấy làm vinh dự, tự hào được dự buổi lễ chào cờ cùng với lãnh đạo, quân và dân huyện đảo Cồn Cỏ. Khi quốc ca vang lên, tất cả mọi người cùng hát theo giai điệu trầm hùng. Trên nền trời xanh, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Ai cũng có cảm giác phút giây thiêng liêng trước biển trời bao la của Tổ quốc. Giờ đây Tổ quốc đang ở trong tim của mỗi người.

Trên đường trở về đất liền; bạn tôi - cựu chiến binh Trần Hồng Luyến, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Sơn, Tuyên Quang sau khi liên lạc, trao đổi với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đã thông báo với tôi một tin vui.

Qua sóng điện thoại, tôi gọi ngay cho Bí thư, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Võ Văn Cường thông báo rằng, rồi đây tỉnh Tuyên Quang sẽ cử đoàn công tác ra thăm huyện đảo Cồn Cỏ và sẽ trồng một cây đa lấy từ gốc cây đa lịch sử Tân Trào của “thủ đô kháng chiến” để trồng trước ngôi đền thờ Bác Hồ ở đảo. Bí thư Võ Văn Cường bày tỏ rất vui mừng, vì như thế sẽ rất có ý nghĩa, bởi trong kháng chiến, Bác Hồ đã hai lần gửi thư khen quân và dân đảo Cồn Cỏ anh hùng.

Rồi đây khi cây đa Tân Trào được trồng ở đây sẽ cắm rễ sâu vào đất đảo, cành sẽ vươn cao tỏa bóng, một biểu tượng lịch sử tuyệt vời về tinh thần, ý chí chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong kháng chiến, nay đang quyết tâm xây dựng đất nước, quê hương giàu mạnh.

Nhất định huyện đảo Cồn Cỏ rồi đây sẽ mạnh giàu từ biển!

Minh Tứ

Tin liên quan:
  • Bình yên Cồn Cỏ
    Cồn Cỏ vững vàng nơi đầu sóng

    Ngày 1/10/2004, Chính phủ ban hành Nghị định 174/2004/NĐ-CP thành lập huyện đảo Cồn Cỏ. Từ đó đến nay, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện đảo đã phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, sáng tạo, phát huy tốt sự lãnh đạo và hỗ trợ trực tiếp của trung ương, của tỉnh để từng bước xây dựng địa phương phát triển, vững vàng nơi đầu sóng.

  • Bình yên Cồn Cỏ
    Nhớ một thời “Vì Cồn Cỏ thân yêu”

    Được ví như những “dân công hỏa tuyến” trên biển, dân quân, du kích xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh năm xưa đã không ngại hiểm nguy vượt biển, vượt mưa bom bão đạn tiếp tế lương thực, vũ khí, nước ngọt, thuốc men, vật liệu xây dựng công sự và đưa bộ đội ra đảo Cồn Cỏ. Sự anh dũng hy sinh, hiến dâng xương máu của những dân quân, du kích một thời hào hùng ấy đã được ghi tạc đầy xúc động trong lòng dân và vào bia tưởng niệm tại xã miền cát anh hùng Vĩnh Thái...


Minh Tứ

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Hành trình truyền lửa của cô giáo trẻ

Hành trình truyền lửa của cô giáo trẻ
2024-11-23 06:15:00

QTO - Từng vượt qua nhiều khó khăn để theo đuổi đam mê nhảy hiện đại, đến nay, Lê Thị Thùy Trinh (sinh năm 1999), ở Phường 5, TP. Đông Hà đã có khoảng thời...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long