
{title}
{publish}
{head}
Thuyết phục mãi, ông Trần Kiệm mới kể cho tôi nghe câu chuyện về “Tiểu đội không về” mà ông là tiểu đội trưởng. Tên “Tiểu đội không về” do ông Kiệm đặt để tưởng nhớ các đồng đội của mình đã lần lượt ngã xuống trên mảnh đất xã Cam Mỹ, huyện Cam Lộ, cách đây gần 60 năm. Thời điểm ấy, dù cấp trên cho phép ở lại hậu phương để củng cố lực lượng, nhưng tiểu đội đã quyết trở lại Cam Mỹ cùng đồng đội và Nhân dân chiến đấu với địch, thống nhất nước nhà. Các anh đã lần lượt nằm lại qua từng trận đánh ác liệt trên mảnh đất Cam Mỹ...
Ông Trần Kiệm (người mang áo xanh ngồi hàng đầu tiên phía bên phải) cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa trên cao điểm 544 (Fulơ) -Ảnh: NVCC
Ông Kiệm trầm giọng kể: “Sau cuộc tiến công, nổi dậy của quân và dân ta vào năm 1968, địch điên cuồng tổ chức các cuộc tấn công trả đũa, hòng đè bẹp ý chí, tinh thần của đối phương. Xã Cam Mỹ (nay là xã Cam Tuyền, Cam Thành và thị trấn Cam Lộ) huyện Cam Lộ là một trong những địa bàn bị đánh phá ác liệt nhất. Chiến sự ở đây ngày một căng thẳng. Trước tình hình này, tiểu đội du kích do tôi làm tiểu đội trưởng cùng 12 chiến sĩ được rút từ địa bàn xã Gio Sơn, huyện Gio Linh về bổ sung lực lượng cho xã Cam Mỹ. Tôi còn nhớ, sau 7 ngày huấn luyện cấp tốc, hôm chuẩn bị xuất kích, Khu đội trưởng Vinh Linh Trần Tình đến căn dặn: “Các đồng chí phải xứng đáng là “người dân quân đất lũy thép anh hùng...”.
Ở Cam Mỹ có vùng Hồ Khê, Đá Bạc, Tân Kim, đồng Cây Trổ, nơi Sư đoàn 5 thiết giáp và bộ binh Mỹ bị tiêu diệt sau nhiều ngày đêm gây tội ác với Nhân dân. Các cao điểm như: 544 (Fulơ), 135, 333, 322, 288, 190, 166, 88, 73, 52 cùng địa danh bãi Cù Đinh, Tân Kim, Ba De, Đá Mài, khe Chúc, khe Chùa, khe Tân Kim, khe Đá Bông, suối Con Hươu... là nơi chôn vùi hàng nghìn tên địch và phương tiện chiến tranh. Tháng 10/1969, ông Kiệm đứng trên cao điểm 135 chứng kiến anh Nguyễn Huy Hiệu (sau này là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), lúc đó là Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27, Sư đoàn 390 chỉ huy 20 chiến sĩ diệt gọn cụm xe tăng 16 chiếc và hơn 100 lính Mỹ dưới chân Đá Mài. Ngay sau trận này, ông Kiệm chỉ huy tiểu đội du kích phục kích ở kiềng Du Lý diệt 13 tên thám báo Mỹ chuyên đặt mìn, phục kích sát hại cán bộ và Nhân dân ta.
13 chiến sĩ trong tiểu đội phần lớn quê ở Vĩnh Linh, cũng có người quê ở Hà Tĩnh. Một thời gian ngắn, có hai người ra hậu phương công tác nên tiểu đội còn lại 11 người. Mỗi người là một câu chuyện, một phần ký ức không thể nào quên. “Có những đồng đội giờ chỉ còn trong tấm ảnh nhỏ, nhưng tinh thần của họ vẫn sống mãi trong từng bước chân chúng tôi đi, từng chiến hào chúng tôi đào. Chúng tôi chiến đấu như một lẽ tự nhiên, như hơi thở. Vì phía sau lưng là quê hương, là mẹ già, là những đứa trẻ đang khát khao lớn lên trong hòa bình. Và dù bom đạn có ác liệt đến đâu, dù cái chết có cận kề đến mấy, chúng tôi chưa từng lùi bước. Vào thời điểm ấy, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Chúng tôi đêm ngủ trong hầm, ngày bám làng, bám dân, lúc nào cũng vũ khí sẵn sàng đánh địch với một ý chí thép”, ông Kiệm nhớ lại, mắt ánh lên một nỗi niềm sâu lắng.
Ông Trần Kiệm kể chuyện về đồng đội của mình -Ảnh: M.T
Trong bối cảnh ngặt nghèo ấy, du kích không chỉ chiến đấu bằng súng đạn, mà còn bằng sự mưu trí và tình dân quân keo sơn bền chặt. Nhờ vậy mà các trận phục kích của tiểu đội du kích luôn gây thiệt hại nặng nề cho đối phương, buộc chúng phải dè chừng mỗi khi tiến sâu vào vùng Cam Mỹ.
Tháng 8/1968, chiến sự Cam Lộ bước vào giai đoạn ác liệt chưa từng có. Dân làng phải sơ tán lên núi hoặc xuống hầm sâu để tránh đạn pháo. Nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, phong trào ba cùng: “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” giữa dân và du kích vẫn bền chặt. Người dân nhường cơm sẻ áo, che giấu du kích, đào hầm bí mật, tiếp tế lương thực ban đêm.
Giữa lúc ấy, tháng 10/1968, tiểu đội của ông Kiệm được Ban Cán sự liên huyện Gio - Cam lệnh rút ra thôn Sa Nam, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, để củng cố lực lượng. Chủ tịch Ban Cán sự liên huyện Gio - Cam Trần Vân hỏi: “Cấp trên rút các đồng chí ra hậu phương một thời gian để củng cố lực lượng phục vụ chiến đấu lâu dài. Ý các đồng chí thế nào?”.
Giờ giải lao, sau khi gọi tiểu đội lại hội ý chớp nhoáng, ông Kiệm nói: “Tôi được xã cho đi học bổ túc công nông nhưng đã từ chối và ký đơn bằng máu để được ra mặt trận. Tôi sẽ không về”. Ông nói chưa xong thì anh Nguyễn Văn Lễ đứng bật dậy, nắm tay phải đặt lên ngực, ngẩng cao đầu hô: “Ra đi giữ trọn lời thề, rằng chưa hết giặc chưa về quê hương!”.
Cả tiểu đội thống nhất: “Lời của Lễ là quyết tâm chung của toàn tiểu đội”. Sau này, khi ông Kiệm bị thương, anh Lễ cùng các anh Thạo, Lý gánh ông ra tới bãi Cù Đinh thì trúng đạn hy sinh vào tháng 2/1969. “Chúng tôi hành quân trở lại xã Cam Mỹ, anh em trong xã ngỡ ngàng một lúc rồi xúc động ôm chặt từng người. Mọi người nghĩ chúng tôi sẽ không quay trở lại nơi ác liệt, đầy hy sinh gian khổ này”, ông Kiệm kể.
Khi được hỏi điều gì khiến ông nhớ nhất trong suốt những năm tháng ấy, ông Kiệm lặng người một lúc rồi nói: “Tình người và sự hy sinh”. Ông nói: “Mỗi tấc đất, ngôi làng ở xã Cam Mỹ, huyện Cam Lộ đều có máu xương của đồng đội, của Nhân dân. Có những người ngã xuống mà không để lại tên tuổi, không một tấm bia. Nhưng trong lòng Nhân dân, họ mãi là những anh hùng bất tử.
Các anh Nguyễn Văn Thạo, Nguyễn Văn Lễ, Phạm Doãn Lý hy sinh tại dốc Tre Vàng, bãi Cù Đinh; Nguyễn Quang Tiều hy sinh tại xã Kim Đâu (nay xã Cam Tuyền); Nguyễn Văn Lương hy sinh tại cao điểm 135; Hoàng Đình Oanh, Nguyễn Đình Tân, Đặng Xuân Độ hy sinh tại thôn An Hưng, xã Cam Tuyền; Lê Thanh Trường hy sinh trên địa bàn xã Cam Mỹ.
Riêng anh Lới mất sau chiến tranh do vết thương cũ tái phát. Tiểu đội 11 người thì 9 người đã hy sinh tại trận địa. Tôi bị bắn gãy một chân và một tay trong trận tao ngộ chiến đêm 18/2/1969, phải chuyển ra hậu phương điều trị.
“Chúng tôi từng thề với nhau, dù ngã xuống trên mảnh đất Cam Mỹ này cũng đánh địch đến người cuối cùng, giọt máu cuối cùng cho đến ngày toàn thắng”, ông Kiệm lặng người, giọng như vọng từ đáy sâu của ký ức.
Nhớ thương đồng đội, ông Kiệm ra gửi gắm qua những vần thơ: “Dưới chân đỉnh 333 ngày ấy/Nơi đồng đội chúng tôi nằm lại/Trong một trận đánh với quân Mỹ giữa bãi Cù Đinh/Chúng tôi xa nhau suốt 40 năm/Ngày ấy cũng giữa ngày hè tháng 7/Chúng tôi tiếp tục xông lên còn các anh nằm lại/Và các anh mãi mãi không về” (Bài: Bên dòng suối La La).
Hay khi chưa tìm được hài cốt đồng đội về quy tập, ông Kiệm ngẹn ngào: “...Bao bà mẹ chốn quê nhà chờ mong khắc khoải/Các anh vẫn không về nước mặt mẹ cạn dần, cạn mãi/Và tạo hóa cũng không cho mẹ thêm thời gian để chờ, để đợi/ Mẹ đã đi vào cõi vĩnh hằng để tìm những đứa mình lần cuối...” ( Bài: Những đứa con Mẹ đã đặt tên).
Ông Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, lúc đó giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Cam Mỹ, cho biết: “Tiểu đội tăng cường của ông Trần Kiệm có nhiệm vụ bảo vệ cho lực lượng chính trị xây dựng cơ sở; chống địch càn quét; tổ chức đánh địch. Các chiến sĩ đã chiến đấu rất dũng cảm, gây cho địch nhiều khiếp sợ và lần lượt hy sinh bởi chiến sự quá ác liệt. Đến bây giờ cán bộ và Nhân dân các xã Cam Tuyền, Cam Thành, thị trấn Cam Lộ vẫn thường nhắc đến tiểu đội này”.
Gần 60 năm trôi qua, người dân Cam Mỹ mỗi lần nhắc đến cái tên “Tiểu đội không về” đều cúi đầu kính trọng. Thế hệ trẻ trên đất Cam Lộ vẫn nghe về tiểu đội ấy như một huyền thoại.
Huyền thoại viết bằng máu và bằng trái tim dũng cảm của những người lính.
Minh Tuấn
QTO - Trong ngày tháng Tư lịch sử, tôi tìm về làng Cát Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị gặp ông Hoàng Ngọc Dũng-người chiến sĩ du kích...
QTO - Vào Sài Gòn có cả vạn quán cà phê, nhưng cà phê “dinh” là nơi tôi thường hẹn bạn bè ở đó. Cà phê dinh là cách gọi quán cà phê nằm trong khuôn viên...
QTO - Nhà báo - nhà văn Huỳnh Dũng Nhân sinh năm 1955. Ông từng công tác ở các báo: Tuổi Trẻ, Lao động; nguyên Phó ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam;...
QTO - Với môi trường chuẩn quốc tế, hiện đại, tiện nghi và thân thiện, Trường Liên cấp Hội nhập Quốc tế iSchool Quảng Trị (iSchool Quảng Trị) đã và đang...
QTO - Những ngày tháng Tư lịch sử, bộ phim “Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên được khởi chiếu trên toàn quốc đã nhanh chóng...
QTO - Những năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong chất lượng giáo dục, đào tạo và nguồn nhân...
QTO - Với phương châm: “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, cùng với hệt hống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong cả nước, nhiều năm qua, đặc biệt từ...
QTO - Phát triển kinh tế biển, đảo và giữ vững an ninh, chủ quyền biển, đảo Việt Nam được xác định là nhiệm vụ chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước....
QTO - Sau hơn nửa thế kỷ tìm kiếm, cuối cùng gia đình liệt sĩ Nguyễn Công Hòa (quê Nghệ An) đã tìm được anh. Lúc 1 giờ sáng ngày 3/4, tại Nghĩa trang Liệt...
QTO - Xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị là mảnh đất anh hùng ghi dấu nhiều hy sinh và cống hiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với...
QTO - Tháng Tư lịch sử, khi cả nước hân hoan kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975 - 2025), những ký ức hào hùng về Chiến...
QTO - 4 giờ sáng ngày 11/4, từ Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), Biên đội “tàu đánh cá” thẳng tiến về tọa độ đã định. Trên boong là một vài “ngư dân” chỉ khác chăng...