Cập nhật:  GMT+7

Bản nhỏ, giấc mơ lớn!

Từ Trạm Biên phòng Khe Đen (thuộc Đồn Biên phòng Làng Mô), chúng tôi theo nhánh Tây đường Hồ Chí Minh rồi men theo con đường bê tông len lỏi dưới tán rừng dẫn đến điểm cuối là bản Ploang, xã Trường Sơn. Giữa thung lũng yên bình, bản Ploang có 36 hộ dân tộc Bru - Vân Kiều với gần 160 nhân khẩu.

Cuộc sống của bà con còn nhiều gian khó, song những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là vai trò đồng hành thiết thực của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và Bộ đội Biên phòng (BĐBP), đời sống vật chất và tinh thần của người dân đang dần đổi thay theo hướng tích cực.

Bản nhỏ, giấc mơ lớn!

Gia đình Hồ Văn Thông - Hồ Thị Lý quyết tâm thoát nghèo trong năm 2025 - Ảnh: N.M

Điều kiện tự nhiên tại Ploang khá khắc nghiệt khi đất đai khô cằn, nhưng chỉ cần vài trận mưa đã trở nên quánh lại, nhão nhoét. Không có đất sản xuất nông nghiệp, diện tích đất rừng hạn chế, trong bối cảnh đó, chăn nuôi trở thành hướng phát triển kinh tế khả thi nhất mà người dân có thể trông cậy để thoát nghèo.

Ngay đầu bản là ngôi nhà của vợ chồng Hồ Văn Thông và Hồ Thị Lý. Là một trong hai hộ mạnh dạn đăng ký thoát nghèo trong năm 2025, tháng 3/2025, họ đã được Phòng Giao dịch (PGD) NHCSXH Quảng Ninh cho vay 50 triệu đồng để mua bò giống.

Ông Thông cho biết, quá trình nuôi bò, gia đình ông nhận được sự quan tâm tận tình của BĐBP, trong đó Trung tá Hoàng Nam Giang, Tổ công tác biên phòng Khe Đen, thuộc Đồn Biên phòng Làng Mô, Phó Bí thư Chi bộ bản Ploang, là người luôn sâu sát nắm bắt tình hình, hướng dẫn ông chăm sóc đàn bò để bảo đảm an toàn và phát triển tốt. 5 con bò được mua từ nguồn vốn vay ưu đãi, đến nay có 4 con chuẩn bị sinh sản, hứa hẹn sẽ mang lại những đổi thay tích cực cho gia đình trong thời gian tới.

Bên cạnh phát triển chăn nuôi, vợ chồng ông Thông còn kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, vừa đáp ứng nhu cầu của bà con dân bản, vừa giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập đều đặn. Và một tin vui nữa là cô con gái của gia đình cũng đã được vay vốn để tham gia lao động có thời hạn tại Nhật Bản, hiện đã có việc làm ổn định với mức lương khá. Khi chúng tôi hỏi liệu cuối năm 2025 ông bà có thể thoát nghèo như cam kết, cả hai đều cười tươi và khẳng định sẽ thành công.

Bản Ploang hiện có hai hộ đã thoát nghèo là gia đình Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Nhát và gia đình Trưởng bản Nguyễn Thị Thi. Đây là những hộ tiên phong trong phát triển kinh tế, tích cực vận động bà con cùng vươn lên, góp phần lan tỏa tinh thần tự lực, tự cường trong cộng đồng. Tin tưởng rằng, với sự dẫn dắt, nêu gương của cán bộ bản và sự chung tay hỗ trợ từ các lực lượng, bản Ploang sẽ có thêm nhiều hộ thoát nghèo, từng bước hoàn thành giấc mơ lớn của bản nhỏ bên đại ngàn Trường Sơn.

Cùng với vợ chồng ông Thông, bà Lý, gia đình anh Hồ Văn Thiên - Hồ Thị Nghỉ cũng nằm trong số ít hộ mạnh dạn đặt mục tiêu thoát nghèo trong năm 2025. Được PGD NHCSXH Quảng Ninh cho vay 50 triệu đồng, anh đầu tư mua 3 con trâu. Sau hơn 4 tháng chăm sóc, đàn trâu của anh đã sinh sản thêm 2 con. Mỗi con nghé lớn lên là một niềm vui, một bước gần hơn với mục tiêu thoát nghèo của gia đình.

Báo cáo với cán bộ NHCSXH và BĐBP về đàn trâu, anh Thiên không quên cảm ơn 2 đơn vị đã hỗ trợ gia đình cả về nguồn vốn và luôn quan tâm nắm bắt tình hình chăn nuôi, đồng thời khẳng định chắc chắn cuối năm nay gia đình anh sẽ thoát nghèo như đã hứa.

Cùng với đàn trâu, anh Thiên còn chăm sóc tốt đàn dê 7 con, nguồn giống được Hội Nông dân hỗ trợ. Từ chỗ cuộc sống rất chật vật, nay gia đình anh đã biết chăm sóc hiệu quả đàn gia súc, tính toán chi tiêu và nuôi dưỡng khát vọng thoát nghèo.

Bản nhỏ, giấc mơ lớn!

Anh Hồ Văn Thiên và đàn trâu từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội - Ảnh: N.M

Trung tá Hoàng Nam Giang, người đồng hành bền bỉ với bà con bản Ploang, cho biết: Những khó khăn do thiếu đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất là rào cản rất lớn đối với người dân nơi đây. Tuy vậy, đồng bào vẫn không ngừng nỗ lực để thoát nghèo.

Chăn nuôi đang là hướng đi phù hợp nhất với điều kiện thực tế của bản. Ngoài đàn trâu, bò được thả xa bản để tận dụng nguồn cỏ tự nhiên, thì ngay trong bản, hình ảnh đàn dê quanh quẩn trước sân, sau vườn đã trở nên quen thuộc.

Ông Hồ Văn Viết là một trong những hộ chăn nuôi dê tiêu biểu. Từ 3 con dê ban đầu, đến nay ông đã phát triển đàn lên 9 con. Dịp Tết nguyên đán vừa qua, ông bán 2 con dê thịt với giá 150.000 đồng/kg, có thêm thu nhập để chi tiêu, sắm sửa.

Không chỉ vậy, ông còn được bà con quý trọng bởi sự chịu khó và những kinh nghiệm chăm sóc đàn dê rất riêng. Mỗi khi có con nào bị thương hay bỏ ăn, ông dùng các loại lá rừng để chữa trị, trở thành những “bí quyết” để bà con học hỏi. Ở bản Ploang hôm nay, chăn nuôi đang từng bước mở ra hy vọng cho nhiều gia đình trên hành trình thoát nghèo.

Câu chuyện của các gia đình Hồ Văn Thông, Hồ Văn Thiên, Hồ Văn Viết... là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của nguồn vốn vay ưu đãi và các chính sách khi đến đúng nơi, đúng người và đúng lúc.

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc PGD NHCSXH Quảng Ninh, cho biết: Trong quá trình triển khai cho bà con vay vốn phát triển sản xuất, đặc biệt là chăn nuôi, đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ với BĐBP và cán bộ địa phương để nắm chắc tình hình, kịp thời hỗ trợ khi cần thiết. Nguồn vốn ưu đãi đã được người dân sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả rõ rệt. Thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục bố trí nguồn lực để đồng hành với người dân trong hành trình thoát nghèo, từng bước phát triển kinh tế một cách bền vững.

Những đổi thay hôm nay cho thấy chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đang thực sự phát huy hiệu quả. Hành trình hỗ trợ bà con vùng cao nói chung, đồng bào Bru- Vân Kiều ở bản Ploang nói riêng sẽ còn tiếp tục, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Từ những mô hình chăn nuôi nhỏ và những ước mơ tưởng chừng đơn giản, bà con bản Ploang đang từng bước đổi thay cuộc sống. Và trên chặng đường ấy, luôn có sự đồng hành, tiếp sức của Đảng, Nhà nước, trong đó có những người lính biên phòng và cán bộ ngân hàng, để ước mơ thoát nghèo của đồng bào vùng cao dần trở thành hiện thực.

Ngọc Mai

Tin liên quan:
  • Bản nhỏ, giấc mơ lớn!
    Chinh phục giấc mơ

    Từ một chàng trai nghịch ngợm, đôi khi được coi là cứng đầu, khó bảo, Võ Văn Thiết (sinh năm 1995), trú tại Khu phố 6, Phường 1, TP. Đông Hà, đã đổi thay tích cực trong quá trình theo đuổi đam mê, chinh phục ước mơ. Sự chuyển biến ấy khởi đầu từ ngày anh bước chân vào quân ngũ.

  • Bản nhỏ, giấc mơ lớn!
    Thức cùng những giấc mơ

    Đối với Nguyễn Như Hải Hòa, giấc mơ không đơn thuần chỉ hiện diện trong những đêm nồng yên ả. Nó chính là thứ mà đã, đang và sẽ không cho phép Hải Hòa ngủ say. Nhờ thức cùng những giấc mơ, Hòa đã gặt hái nhiều thành tựu dẫu xuất phát điểm chỉ là một cô bé quê, sinh ra, lớn lên trong gian khó.

  • Giấc mơ Lào trên đất Việt
    Giấc mơ Lào trên đất Việt

    Cũng như nhiều bạn trẻ Lào, Suaykham Vongxaoloi (sinh năm 1998) ở huyện Vapi, tỉnh Salavan đã vượt khoảng cách về biên giới, địa lý và mọi rào cản sang Quảng Trị để thực hiện giấc mơ của mình. Trên hành trình tuổi trẻ tràn đầy nhiệt huyết đó, cô luôn cảm nhận sâu sắc về tình nghĩa Việt - Lào.


Ngọc Mai

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long