Cập nhật: Thứ 6, 15/07/2016 | 08:09 GMT+7

Bài học từ sự cố môi trường biển ở các tỉnh miền Trung

(QT) - Cho đến nay sự cố cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế) đã được làm rõ. Lãnh đạo Formosa đã cúi đầu nhận lỗi. Song những gì mà Formosa gây ra cho cuộc sống của người dân và môi trường là rất lớn, không dễ gì khắc phục được. Có những thiệt hại về môi trường biển phải mất hàng trăm năm mới có thể khôi phục. Đã hơn 3 tháng qua, nhiều người dân thuộc 4 tỉnh bị thiệt hại không dám ăn cá biển. Trong lúc cá biển không dám ăn thì nguồn cá từ sông, hồ, ao, đồng rất ít; nhiều loài tôm, cá nước ngọt cũng đã bị con người đầu độc bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, xung điện, đánh bắt theo kiểu hủy diệt làm cho cạn kiệt. Một câu hỏi đặt ra đó là bao giờ thì trả lại cho biển miền Trung môi trường trong lành, không có độc tố như trước ngày phát hiện ra cá chết hàng loạt? Bao giờ những người đánh bắt, chế biến hải sản có được thu nhập từ nghề biển để nuôi cả gia đình và những đứa con ăn học đang hàng ngày cần tiền? Nguyên nhân cá chết thì đã rõ nhưng hậu quả mà nó để lại quá lớn, cần rút ra những bài học để tránh thảm họa cho thế hệ mai sau. Đó là phải thận trọng trong kêu gọi đầu tư, không thể chấp nhận đầu tư bằng mọi giá, bởi có khi lợi ích mà nhà đầu tư mang đến thì ít, mà hậu quả để lại phải gánh chịu là quá nặng nề. Một thực tế hiện nay là không ít địa phương đang chạy đua thu hút đầu tư nhằm tăng thu ngân sách, tăng trưởng GDP, để báo cáo thành tích, nên chưa coi trọng vấn đề môi trường đúng mức. Một số ý kiến cho rằng các dự án dệt, nhuộm, giấy, gang thép tiềm ẩn nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường, vì sao một số tỉnh lại cấp phép?. Ở dự án Formosa Hà Tĩnh có những yếu tố bất thường, tại cuộc họp của Ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/7/2016, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Hà Ngọc Chiến cho rằng: Đây là một dự án được phê duyệt rất nhanh, đánh giá tác động môi trường được phê duyệt rất nhanh… và cuối cùng là hậu quả xảy ra cũng rất nhanh. Bài học thứ hai là cần xem xét các đối tác trước khi lựa chọn đầu tư về các mặt công nghệ, thái độ đối với môi trường, thiện chí trong làm ăn. Có cần thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) những ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, để người dân và nhà nước phải gánh chịu hậu quả; tỉnh này thu hút đầu tư nhưng lại ảnh hưởng rộng lớn tới nhiều tỉnh khác? Cần rút ra bài học về sự phát triển bền vững. Chủ trương của Đảng, Nhà nước luôn coi trọng sự phát triển bền vững nhưng thực tế ở một số địa phương, đơn vị vì lợi ích cục bộ mà bỏ qua những yếu tố về môi trường. Bài học về giám sát công nghệ, chất thải cũng cần được coi trọng. Công nghệ mà Formosa đưa vào nước ta có đúng với cam kết?. Gần đây có thông tin cho rằng Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh đã âm thầm thay đổi công nghệ trong thiết kế để tiết kiệm chi phí sản xuất. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, khi kiểm tra liên ngành, phát hiện Formosa làm sai thiết kế cơ sở. Thay vì công nghệ luyện cốc là dập khô thì chủ đầu tư đã chuyển sang dùng công nghệ dập ướt để tiết kiệm chi phí nhưng lại gây ô nhiễm môi trường. Cơ quan nào thẩm định công nghệ của Formosa, vì sao lại cho phép thay đổi công nghệ, cần được làm rõ. Thêm nữa để các chất độc thải ra biển phải chăng do lổ hổng của cơ quan giám sát, hay là đơn vị giám sát có vấn đề? Không chỉ có độc tố trong nước biển gây ra cá chết hàng loạt mà một số thông tin cho biết hệ sinh thái vùng biển 4 tỉnh miền Trung cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi 460 ha san hô ngầm bị các chất độc hủy hoại, phải đầu tư kinh phí và mất hàng trăm năm mới khôi phục được. Bài học về trách nhiệm các tập thể, cá nhân từ các bộ, ngành trung ương đến địa phương có liên quan đến sự cố này, trong đó có trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường. Phải chăng một số cán bộ, công chức vì quyền lợi riêng mà xét duyệt, thẩm định dễ dàng để gây ra hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến hàng triệu người trong khu vực. Vụ việc chưa lắng xuống thì những ngày gần đây người dân sống trong khu vực không khỏi lo ngại khi phát hiện một khối lượng chất thải rắn của Formosa bốc ra mùi hôi, được chôn lấp tại trang trại của ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty Môi trường - Đô thị Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Một bài học quan trọng khác đó là vấn đề ứng phó với sự cố, làm sao đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả, kịp thời hơn. Không để thảm họa diễn ra trong thời gian dài, phạm vi rộng, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người mới phát hiện, điều tra (cũng kéo dài), nên phải gánh lấy hậu quả nặng nề hơn. Phải có sự chuẩn bị, phân công các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm, để không lúng túng, bị động, ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất thảm họa môi trường. QUỲNH ANH



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tích cực bảo vệ môi trường biển
22:05 30/04/2024

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Qua đó, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên sinh ...

Từ cam kết đến hành động

Từ cam kết đến hành động
06:06 09/07/2016

(QT) - Ngay sau khi báo Lao Động đăng bài “Dự án 37 triệu USD vào nông nghiệp ở Quảng Trị: Nguy cơ phá sản do không được bàn giao đất” được phát hành, Văn phòng UBND tỉnh Quảng...

Cảnh báo tình trạng phá rừng

Cảnh báo tình trạng phá rừng
01:17 08/07/2016

(QT) - Rừng tự nhiên cũng như rừng trồng là tài sản quý giá của các quốc gia, dân tộc, là lá phổi xanh điều hòa không khí, nhiệt độ, hạn chế những tổn thất do thiên tai, lũ lụt...

Thời tiết

28°C - 35°C
Ít mây, trời nắng nóng
  • 27°C - 36°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 27°C - 35°C
    Ít mây, trời nắng nóng
POWERED BY
Việt Long