Cập nhật:  GMT+7

"Anh đã lấy thân mình làm cột mốc" (*)

Tôi từng nghĩ rằng thời gian sẽ làm dịu mọi nỗi đau. Nhưng rồi, trước bàn thờ nghi ngút khói của một gia đình ở phường Nam Đông Hà, tôi như nghẹn lại khi chứng kiến người mẹ tóc bạc ôm bộ quân phục hải quân cũ kỹ, gục đầu khóc nấc: “Con ơi! Mẹ đau quá con ơi! Khi mô con mới về với mẹ?”. Trên bức di ảnh, liệt sĩ Hoàng Ánh Đông vẫn rạng rỡ tuổi hai mươi - cái tuổi thanh xuân đã hóa thành cột mốc bất tử giữa trùng khơi Tổ quốc. Anh và bao người lính biển khác đã ngã xuống, để giữ lấy từng hòn đảo, từng nhà giàn, để chủ quyền biển đảo mãi trường tồn trong tiếng gọi thiêng liêng: Việt Nam.

Anh đã lấy thân mình làm cột mốc (*)

37 năm, bà Trần Thị Liểu - vợ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong ở vậy nuôi con, thờ chồng -Ảnh: D.H

Máu đổ” giữa thời bình

“Cứ nghĩ hắn đi rồi sẽ về, chứ hòa bình rồi làm răng mà chết được...”, mẹ Nguyễn Thị Hằng nghẹn ngào khi nhắc đến con trai, liệt sĩ Hoàng Ánh Đông - một trong 64 chiến sĩ ngã xuống trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988. Đã 37 năm trôi qua nhưng nỗi đau trong lòng người mẹ ấy vẫn chưa một ngày nguôi ngoai.

Ngày tình nguyện lên đường, con trai mẹ vừa tròn 20 tuổi, mang khát vọng góp sức trẻ gìn giữ chủ quyền giữa trùng khơi mênh mông. Cùng ra khơi với anh thời điểm ấy còn có hai người bạn học là Tống Sĩ Bái và Trần Thiên Phụng nhưng chỉ một người may mắn được trở về quê hương. Liệt sĩ Tống Sĩ Bái và Hoàng Anh Đông đã nằm lại giữa biển khơi, thân xác hòa vào biển mặn.

Trong trận hải chiến Gạc Ma, những người lính trẻ của vùng gió Lào cát trắng đã hóa thân thành “vòng tròn bất tử” ôm giữ lá cờ đỏ giữa biển trời. Trong đó, liệt sĩ Trần Văn Phương, quê ở phường Quảng Phúc, TX. Ba Đồn (nay là phường Bắc Gianh) với câu nói bất hủ “thà hy sinh chứ không để mất đảo” đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giữ lá cờ Tổ quốc.

Không chỉ những năm tháng chiến tranh mà ngay cả giữa thời bình, vẫn còn đó những người lính lặng lẽ nằm lại giữa trùng khơi. Gần 20 năm gắn bó với nhà giàn DK1, thiếu tá Nguyễn Xuân Tài, quê ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh cũ (nay là xã Quảng Ninh) đã trải qua 16 lần ra khơi, thực hiện nhiệm vụ ở hầu hết các nhà giàn. Tháng 9/2019, trong một chuyến công tác tại DK1/18, anh vĩnh viễn nằm xuống. Khi đó, con trai út mới 21 tháng tuổi, chưa một lần được gọi trọn vẹn tiếng “cha”.

Lênh đênh trên hải trình thăm cán bộ, chiến sĩ ở các đảo và nhà giàn DK1, tôi mới hiểu vì sao bao thế hệ người lính biển đã không quản gian khó, sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ từng tấc đất, sải biển của Tổ quốc. Bởi biển là máu thịt thiêng liêng và chủ quyền biển đảo là điều không được phép xâm phạm. Nơi hải đảo xa xôi, bao thế hệ người lính biển vẫn kiên trung bám biển, bám đảo, bám nhà giàn với quyết tâm gìn giữ Tổ quốc phía trùng khơi. Bao người đã anh dũng ngã xuống, thân xác gửi lại giữa “nghĩa trang xanh” mênh mang sóng vỗ.

Anh đã lấy thân mình làm cột mốc (*)

37 năm, bà Trần Thị Liểu - vợ liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong ở vậy nuôi con, thờ chồng - Ảnh: D.H

Đớn đau và tự hào

Ba mất khi chưa tròn 2 tháng tuổi nhưng suốt nhiều năm qua, anh Nguyễn Tiến Xuân, con trai liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, quê ở xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh cũ (nay là xã Ninh Châu) vẫn lặng lẽ viết thư gửi về phía biển. Những lá thư luôn bắt đầu bằng dòng chữ yêu thương: “Ba ơi! Ba có khỏe không?”. Những bức thư không có hồi đáp nhưng trĩu nặng nỗi nhớ như một cách để anh tự vỗ về chính mình. Với anh, dẫu đi qua năm tháng rộng dài, nỗi đau mất ba vẫn là khoảng trống mãi mãi không thể lấp đầy.

Sau khi trận hải chiến Gạc Ma xảy ra, có những người vợ trẻ đi khắp nơi cầu khấn, đợi chờ. Có những người mẹ, năm này qua tháng khác vẫn bày biện mâm cơm chờ con trở lại. Ngày còn sống, bà Hoàng Thị Dỏ - mẹ liệt sĩ Tống Sĩ Bái (phường Đông Hà) chưa bao giờ ngừng hy vọng đứa con trai út sẽ trở về bằng xương, bằng thịt.

Ông Tống Sĩ Kỳ, anh trai liệt sĩ Tống Sĩ Bái bảo rằng, lúc sinh thời, khi hy vọng cũng dần khép lại, mẹ ông chỉ biết bám víu vào chai nước biển được một người quen mang về từ Trường Sa. Với bà, đó là linh hồn, là thể xác người con trai đã hòa vào dòng biển mặn.

Anh đã lấy thân mình làm cột mốc (*)

Những bức thư liệt sĩ Nguyễn Xuân Tài gửi về cho gia đình trong những năm công tác ở nhà giàn DK1

-Ảnh: D.H

Nỗi đau là thật và chưa bao giờ được khỏa lấp nhưng trong ánh mắt nhòa lệ của những người mẹ, người vợ, người con liệt sĩ vẫn luôn thấp thoáng niềm tự hào. Họ đau đớn nhưng chưa bao giờ ân hận. Họ mất mát nhưng chưa từng oán trách. Bởi chồng, cha, con của họ đã sống một cuộc đời có ý nghĩa để bảo vệ điều thiêng liêng nhất: Chủ quyền Tổ quốc. Có nỗi đau hóa thành ký ức. Có nỗi đau hóa thành máu thịt. Và cũng có những nỗi đau hóa thành lòng kiêu hãnh, khi tên chồng con mình được khắc vào đá, chạm vào lòng biển và in dấu trong trái tim biết bao người. “Đau lắm chứ! Nhưng tôi vẫn luôn tự hào vì con mình đã hy sinh cho Tổ quốc”, bà Nguyễn Thị Hằng rưng rưng.

Ngày 14/3/1988, tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã nổ súng xâm lược và chiếm đảo trái phép. 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Trong đó, tỉnh Quảng Trị có 15 liệt sĩ.

Con đã đến nơi ba ra đi”

Suốt 6 năm kể từ ngày thiếu tá Nguyễn Xuân Tài hy sinh, chị Nguyễn Thị Hương Lan - vợ anh - đã lặng lẽ gồng gánh vai trò của cả cha lẫn mẹ. Nén đau thương, chị chăm sóc hai con thơ, gìn giữ những ký ức về chồng như một phần máu thịt. Dù hiểu hết nỗi vất vả, thiệt thòi của một người lính biển, chị vẫn âm thầm nuôi dưỡng ước mơ cho các con nối tiếp lý tưởng mà anh đã sống trọn.

Cậu con cả Nguyễn Xuân Quang Vinh đã thi đậu vào Học viện Hải quân. Vinh kể, thuở nhỏ, mỗi khi ba về phép, em thường say sưa nhìn ngắm ba trong bộ quân phục màu trắng. Khi lớn lên, hiểu thế nào là lý tưởng, là máu thịt của Tổ quốc, em lại chọn đứng về phía ba, đi tiếp trên con đường ấy bằng chính đôi chân của mình. “Ngày tôi khoác bộ quân phục, mẹ khóc. Không phải vì sợ tôi gian khổ, mà vì thấy hình bóng của ba tôi trở về...”, Vinh nghẹn ngào.

Anh đã lấy thân mình làm cột mốc (*)

DK1-nơi những người lính biển ngày đêm kiên trung bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng-Ảnh: D.H

Hai người con trai của liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong là Nguyễn Mậu Trường và Nguyễn Tiến Xuân cũng đã lần lượt viết đơn xin ra Trường Sa để tiếp bước con đường mà ba họ còn dang dở. Hiện, Nguyễn Tiến Xuân đã mang quân hàm thiếu tá và đang công tác tại Vùng 4 Hải quân.

Vậy là ước mơ được ra Trường Sa, được đứng giữa vùng trời, vùng biển mà ba đã từng sống, chiến đấu và anh dũng hy sinh đã thành hiện thực. Ngày đi qua đảo Gạc Ma - nơi ba vĩnh viễn nằm lại, Tiến Xuân lặng người trong nước mắt: “Ba ơi, con đã đến nơi ba ra đi”.

Dẫu không còn ba kề bên nhưng tình yêu Tổ quốc đã và đang được gieo mầm, nảy nở trong trái tim của những người con. Chị Trần Thị Thủy, con gái liệt sĩ Trần Văn Phương, người đã ôm lá cờ Tổ quốc trong khoảnh khắc cuối cùng tại đảo Gạc Ma cũng đã nối tiếp con đường mà cha chị dừng lại. Chị hiện đang công tác tại Vùng 4 Hải quân và ngày ngày nghĩ về người cha anh hùng với tất cả niềm tự hào, là động lực để phấn đấu không ngừng.

Giữa trùng khơi lộng gió, tên những người lính biển đã vượt khỏi một thân phận. Họ hóa thành mốc chủ quyền - những cột mốc được khắc bằng máu, giữ bằng nước mắt và tiếp nối bằng lý tưởng của thế hệ hôm nay.

Diệu Hương

(*) Câu thơ trong bài thơ “Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra” của tác giả Nguyễn Việt Chiến


Diệu Hương

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

“Gia tài” người lính

“Gia tài” người lính
2025-07-27 05:00:00

QTO - Trong căn phòng nhỏ nằm trên đồi cát Bảo Ninh (phường Đồng Hới), cựu chiến binh Nguyễn Quang Ân tiếp tôi trong bộ quân phục chỉnh tề. Giữa không gian...

Đằng sau một lá thư thời chiến

Đằng sau một lá thư thời chiến
2025-07-25 05:20:00

QTO - Là người duy nhất sống sót sau trận đánh tại Cao điểm 21, xã Gio Mỹ, Gio Linh, ngày 16/10/1968, ông Hoàng Ngọc Bích được đồng đội đưa ra khỏi trận...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long