Âm nhạc xoa dịu mọi nỗi đau
(QT) - Khoảnh khắc một cậu bé khiếm thị ở Hội Người mù tỉnh Quảng Trị rời vòng tay cô giáo, cố nhoài người về phía sân khấu, nơi Mary McBride cùng ban nhạc say sưa biểu diễn với nụ cười trong sáng tựa thiên thần. Nhiều khán giả lặng người và bất chợt nhận ra, âm nhạc có thể xóa nhòa khoảng cách, xoa dịu mọi nỗi đau... Hàn gắn những trái tim Những buổi biểu diễn của Mary McBride không lung linh ánh đèn sân khấu, không dày đặc vệ sĩ bảo vệ và cũng chẳng khiến ai phải lăn tăn chuyện thiếu tiền mua vé. Toàn bộ chương trình hướng đến phục vụ miễn phí cho các em bé mồ côi, bệnh nhân ung thư, người nhiễm HIV/AIDS... Có lẽ hiếm ca sĩ nào đủ tự tin để mang đến những buổi biểu diễn đặc biệt như thế. Nhưng, Mary McBride và ban nhạc đã làm nên “điều đặc biệt” không chỉ tại đất nước mình sinh ra mà còn ở rất nhiều quốc gia trên thế giới như Pakistan, Nga, Lào... Mary McBride là ca sĩ nổi tiếng và được đánh giá cao với bản hit “No one’s gonna you like me” (Sẽ không ai yêu anh như tôi) trong bộ phim đạt giải Oscar “Brokeback Mountain” của đạo diễn Lý An. Cô từng được danh ca Elton John mời hát trong đêm kỷ niệm 35 năm ngày ra đời album “Goodbye yellow brick road”. Cùng ban nhạc, Mary đã phát hành 4 album và nhận được sự hâm mộ của hàng triệu khán giả... Những thành công ấy có lẽ là bước đệm hoàn hảo để Mary McBride “tấn công” vào thị trường âm nhạc thế giới và nâng cao tiềm lực kinh tế. Thế nhưng, trên đỉnh danh vọng, cô vẫn không nguôi nghĩ đến những người chịu nhiều thiệt thòi. Mary McBride cùng đồng nghiệp đã vạch ra kế hoạch giúp âm nhạc của mình gắn với công tác từ thiện - xã hội.
 |
Mary McBride biểu diễn bài hát “Lý chiều chiều” |
Trước khi nhận lời làm Đại sứ Văn hóa của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì Mary McBride đã sáng lập dự án “Home tour” với mục đích đưa âm nhạc đến với những người sống trong các nhà dưỡng lão, trại trẻ mồ côi, trung tâm dành cho người nhiễm HIV/ AIDS, nơi điều trị bệnh nhân tâm thần... Cùng với các thành viên Paul Carbonara (đàn guitar), Mark Spencer (đàn guitar), Greg Besher (guitar bass) và Bobby Lloyd Hicks (trống), Mary McBride đã trình diễn miễn phí ở hàng chục quốc gia. “Chúng tôi muốn mang âm nhạc đến với những ai không có cơ hội được xem liveshow của mình, những người chịu thiệt thòi trong xã hội hay không đủ tiền mua vé. Âm nhạc có thể xóa nhòa ranh giới, rào cản ngôn ngữ. Những buổi biểu diễn của chúng tôi luôn có người phiên dịch nội dung các ca khúc, nhưng thật may mắn, rất hiếm khi phải làm phiền đến họ” – một thành viên trong ban nhạc đồng quê Mary McBride vui vẻ cho biết. Thông thường, các buổi biểu diễn của ban nhạc đồng quê Mary McBride không theo kịch bản định sẵn mà luôn là ngẫu hứng. Ngay cả nhạc cụ cũng vậy, bất cứ thứ gì có thể tạo ra âm thanh đều có thể dùng làm nhạc cụ. Một căn phòng hay ngôi nhà hoặc mảnh vườn... đâu đâu cũng là sân khấu. Có lẽ vì thế mà âm nhạc của Mary McBride đến rất gần với khán giả, đặc biệt là những người chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Một điều thú vị khác là khi biểu diễn ở một đất nước nào đó, Mary và các thành viên trong ban nhạc đều cố gắng tập luyện để có thể hát một vài bài bằng ngôn ngữ của người dân nơi đó. Đến nay, ban nhạc đồng quê Mary McBride đã biểu diễn hơn 1.000 chương trình tại Mỹ, Nga, Bahrain, Pakistan... cùng nhiều tên tuổi lớn trong làng âm nhạc thế giới như: Elton John, Ben Harper, Blondie... Thế nhưng, ấn tượng lớn nhất đối với Mary và các thành viên trong ban nhạc vẫn là các buổi biểu diễn xuyên quốc gia, phục vụ cho những người chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Mary McBride chia sẻ: “Ở Pakistan, tôi từng hát cho những em bé ở trại trẻ mồ côi tại thành phố Karachi. Rất hiếm khi có người ghé vào thăm nom các em ấy. Chúng tôi đã rất khó khăn bởi chẳng biết phải hát làm sao để bù đắp hết những thiếu thốn tình cảm cho các em. Lần khác, tôi cùng đồng nghiệp đến thăm một phụ nữ bị liệt ở Washington DC. Nằm trên giường, bà ấy bảo chúng tôi hãy hát một ca khúc Rock & Roll. Khi chúng tôi hát xong, bà ấy ao ước giá như đôi chân có thể cử động để được nhảy theo điệu nhạc. Tiếc là 45 ngày sau đó, bà đã qua đời... Đối với tôi, những buổi biểu diễn như thế là món quà không chỉ cho những người nghe mà cho chính mình. Âm nhạc có sức mạnh rất lớn. Nó có thể vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, xoa dịu nỗi đau”. Vì miền quê không có bom mìn Giản dị và cởi mở, mạnh mẽ nhưng khiêm nhường, hoang dã và bí ẩn – Mary McBride thường để lại ấn tượng rất sâu đậm với người đối diện. Đến Việt Nam lần này, Mary cùng ban nhạc dành trọn một ngày ở Quảng Trị để thăm hiện trường rà phá bom mìn và tìm hiểu các hoạt động liên quan. Đặc biệt, ban nhạc còn thu xếp thời gian để biểu diễn cho những nạn nhân bom mìn và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
 |
Ban nhạc đồng quê Mary McBride tìm hiểu hoạt động rà phá bom mìn tại Cam Lộ |
Ngoài trọng trách là Đại sứ Văn hóa của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Mary McBride còn là người phát ngôn Quốc tế cho Viện Humpty Dumpty (HDI). Đây là tổ chức do một nhóm các doanh nghiệp thành công và có tinh thần đổi mới liên kết lại với mong muốn giảm thiểu tác động của bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Với vai trò ấy, Mary McBride từng thấy nhiều người không may bị tai nạn bom mìn. Thế nhưng, cô vẫn không khỏi nghẹn lòng khi chứng kiến anh Đỗ Thiên Đăng, một nạn nhân bom mìn ở huyện Triệu Phong “bước đi” trên đôi bàn tay hay hình ảnh cậu bé Hồ Văn Lai bị bom Napal “lấy mất khuôn mặt”... Đặc biệt, Mary rất lo lắng khi nghe một thành viên công tác tại Văn phòng điều phối dự án Renew tại thành phố Đông Hà cho biết: Quảng Trị đến giờ vẫn là địa phương có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao nhất cả nước (chiếm hơn 80% tổng diện tích tự nhiên). Tính đến cuối tháng 12/2010, tỉnh Quảng Trị đã có 7.075 trường hợp thương vong do tai nạn bom mìn. Trong đó, 2.635 người bị chết. Mary McBride bộc bạch: “Tôi tự nhủ phải cố gắng mang niềm vui gieo vào lòng những người đã chịu quá nhiều mất mát. Tôi sẽ hát vì một miền quê không còn bom mìn”. Mary cất tiếng hát. Rào cản ngôn ngữ dường như bị xóa bỏ bởi hình ảnh nụ cười bắt đầu nở trên môi những em bé khuyết tật, nạn nhân bom mìn... Toàn bộ hội trường đứng hẳn dậy, say sưa nghe bản hit “No one’s gonna you like me” (Sẽ không ai yêu anh như tôi) và nhiều bài hát sôi động khác. Các em nhỏ khiếm thính ở làng trẻ Kids Firts dẫu không thể cảm nhận những giai điệu lúc trầm lắng, ngọt ngào khi vui tươi, nhộn nhịp nhưng đều vỗ tay hưởng ứng. Có lẽ không gian ấm cúng đã chuyển tải tất cả những gì mà Mary muốn gửi đến cho các em. Một học sinh khiếm thính cho biết: “Em không thể nghe Mary hát nhưng em yêu chị ấy. Mọi người đều đứng dậy, quây quần lại xem Mary biểu diễn và ai cũng rất vui”. Khán phòng không quá rộng, dàn âm thanh cũng chẳng hoành tráng, nhưng tất cả không ngăn được Mary McBride cháy hết mình với những thông điệp yêu thương. “Đỉnh cao” của buổi biểu diễn là khi cô ca sĩ Mỹ hát ca khúc “Lý chiều chiều” bằng tiếng Việt Nam. Trái tim tất cả khán giả như đều hòa chung nhịp đập. Đã có những giọt nước mắt xúc động tuôn trào. Buổi biểu diễn kết thúc không giống như những “bữa tiệc” âm nhạc thường thấy. Mary MacBride không vội vàng lùi vào cánh gà sân khấu hoặc được hộ tống ra xe bởi đội ngũ vệ sĩ hùng hậu bảo vệ người nổi tiếng. Cô nán lại, chụp ảnh rồi cùng trò chuyện với mọi người. Trong giây phút “sung sướng đến nghẹt thở” khi nhận những bông hoa, lời chúc, Mary thấy ánh mắt các em bé khuyết tật như lấp lánh hơn. Một ngày nhiều trải nghiệm tại Quảng Trị, cô chắc chắn rằng, niềm tin của các em sẽ được nhân lên hơn nữa. Trước buổi biểu diễn, ban nhạc đồng quê của Mary McBride đã có chuyến thăm những địa điểm rà phá bom mìn lưu động tại Cam Lộ, chứng kiến sự lao động tận tụy và cảm nhận rõ quyết tâm “nỗ lực vì sự an toàn của cộng động” trong mỗi nhân viên Renew. Cô cũng đến thăm và rất ngạc nhiên với dự án “Sứ mệnh của nấm”, góp phần tạo thu nhập cho các hộ nạn nhân bom mìn. Đặc biệt, Mary đã tận mắt chứng kiến hoạt động giáo dục học sinh tại làng trẻ Kids First và hình ảnh trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn... Giao lưu với khán giả, Mary McBride chia sẻ: “Chuyến hành trình đến Quảng Trị của chúng tôi diễn ra sau ngày Quốc tế nâng cao nhận thức phòng tránh và hỗ trợ tháo gỡ bom mìn ngày 4/4. Qua đó, tôi hiểu rõ hơn về hậu quả, nỗi đau thương mà bom mìn đã gây ra và từ đó thêm đồng cảm với mọi người. Hiện nay, Hoa Kỳ đã nỗ lực phối hợp cùng Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ hoạt động rà phá bom mìn tại Việt Nam. Tôi tin rằng, thời gian tới sẽ có nhiều dự án giúp phòng tránh tai nạn thương tích, giảm thiểu mối đe dọa của bom mìn, vật liệu nổ và cải thiện sinh kế cho nạn nhân bom mìn”. Buổi biểu diễn kết thúc, ban nhạc đồng quê của Mary McBride nói lời tạm biệt với những cái bắt tay rất chặt. Khoảnh khắc Mary đặt đầu gối xuống sàn, nắm tay một nạn nhân bom mìn bị cụt hai chân, ông Tom Tanner, Tùy viên Văn hóa Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh mĩm cười: “Âm nhạc là cách tốt nhất để mang mọi người đến gần nhau hơn và có thể xóa nhòa mọi sự khác biệt. Ban nhạc Mary McBride hiểu rõ điều đó”. Bài, ảnh: TRƯƠNG QUANG HIỆP