Cập nhật:  GMT+7

30/4, Thống nhất non sông và hòa hợp lòng người

30/4/1975 và 30/4/2025. Tròn nửa thế kỷ đất nước kết thúc chiến tranh. Một cuộc chiến tranh dài nhất, tàn khốc nhất, hào hùng nhất và cũng bi thương nhất trong lịch sử dân tộc. Kéo dài 21 năm, dằng dặc máu-mồ hôi-nước mắt, mẹ Việt Nam mong sinh ra được nhiều con trai để đánh thù cứu nước dẫu con gái cất tiếng khóc chào đời trên dải đất hình chữ S này lớn lên đã thuộc lòng câu “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Chiến thắng! Khúc khải hoàn đã ngân vang non sông trong thời khắc lịch sử lộng lẫy ấy; ngày cuối cùng tháng Tư năm mươi năm về trước trở thành dấu mốc chói lọi trong hành trình dựng nước và giữ nước của một dân tộc anh hùng.

30/4, Thống nhất non sông và hòa hợp lòng người

Mầm xanh trên thép - Ảnh: NGUYỄN NGHĨA HUY

Bao nhiêu điều muốn nói về 30/4, ngày mở ra cánh cửa hòa bình và thống nhất non sông. Muốn nói với bầu trời cuối xuân rằng “Tự do xanh quá, mênh mông quá!” như Hữu Thỉnh từng cất lên trong thơ viết về bữa cơm chiều của những người lính tăng ở dinh Độc Lập hôm ấy nhưng vẫn rưng rưng nhận ra một nửa khuất chìm ta chưa nói được trong men say chiến thắng lâng lâng.

Mãi sau này, khi chiến tranh lùi xa, cả dân tộc trong đó có những người cầm bút đã điềm tĩnh hơn thì ta mới khắc khoải thốt lên rằng: “Một đời người mà chiến chinh nhiều quá/ Em níu giường, níu chiếu đợi anh”. Vẫn thơ Hữu Thỉnh đấy nhưng hai thời đoạn có những giãi bày khác nhau và lúc nào cũng hay, cũng thấm thía cả.

Có lẽ tôi là người mau nước mắt chăng, đã rơi lệ khi xem lại phim “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh và gần đây nhất cùng vợ đến một rạp hát ở thành phố Đông Hà xem “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tôi cũng khóc. Nước mắt của người không còn trẻ nữa, tuổi học trò đi qua một thập kỷ đạn bom và đã khoác quân phục khi chiến tranh chưa kết thúc sau khi vừa rời ghế nhà trường.

Tôi ám ảnh với đôi mắt mở to thất thần của bác sĩ Đặng Thùy Trâm khi bị trúng đạn Mỹ trong Đừng đốt (Minh Hương đóng) và khuôn mặt góc cạnh lấm lem bụi đất và ám màu khói súng của Ba Hương (Hồ Thu Anh đóng), cô du kích ở Củ Chi trong Địa đạo...Màn ảnh chắc chắn vẫn còn xa hiện thực; cái hiện thực mênh mang, tầng lớp, ngổn ngang, khói bụi, máu me... nói bao nhiêu mới đủ. Chiến tranh, nói bao nhiêu mới đủ. Vì thế, điều tôi muốn nói nhất về ngày 30/4 chỉ xin được gói gọn lại trong hai tiếng “hy sinh”.

30/4, Thống nhất non sông và hòa hợp lòng người

Sân bay Tà Cơn - Ảnh: HOÀNG TÁO

Phải viết lại từ ấy bằng chữ hoa HY SINH. Bao chiến sĩ, đồng bào ta đã hy sinh (nên hiểu rộng hơn sự hy sinh không chỉ là cái chết) cho ngày chiến thắng, cho độc lập tự do của dân tộc, cho hòa bình thống nhất đất nước và cho hạnh phúc của Nhân dân.

Trong muôn vàn hy sinh cao cả ấy có những hy sinh ngay trước giờ chiến thắng, khi hòa bình chỉ ở phía trước một gang tay. Rất không đúng nếu chúng ta dùng sự may rủi ở đây vì giá trị của những hy sinh vì Tổ quốc chưa bao giờ đính kèm hai chữ ấy cả. Người lính trận nào cũng biết trước mình có thể hy sinh khi chiến đấu. Biết rõ, biết rất rõ mà vẫn đàng hoàng vào trận.

Tôi đọc tiểu thuyết “Đêm cháy” của nhà văn Nguyễn Duy Hiến và ám ảnh mãi đoạn anh viết về một người chỉ huy đã cho đào sẵn mấy chục cái huyệt trước khi đơn vị bước vào trận đánh ác liệt mà sự thương vong lớn chắc chắn sẽ đến. Còn đời thực thì sao, chị Quách Thị Loan vợ anh hùng liệt sĩ Ngô Văn Nhỡ ở Bắc Giang chỉ có bảy ngày được gần chồng sau khi cưới.

Đấy cũng là sự hy sinh thầm lặng của một người vợ bộ đội. Ngô Văn Nhỡ là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203 dẫn đầu mũi đột kích của Quân đoàn 2 đánh chiếm dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975. Ngày anh hy sinh cũng là ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm, ngày Chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Hy sinh. Nếu như cần chọn một vùng đất ghi dấu sự tàn khốc của chiến tranh và sự hy sinh của chiến sĩ, đồng bào thì có lẽ chẳng có ở đâu bằng Quảng Trị. Con đường đi đến ngày 30/4/1975 phải qua những Trường Sơn trùng điệp dày đặc bom đạn Mỹ, qua cầu Hiền Lương bắc trên sông Bến Hải thời đất nước chia đôi, qua Thành Cổ Quảng Trị 81 ngày đêm tàn khốc trong mùa hè đỏ lửa, qua Đường 9-Khe Sanh dữ dội thuở nào.

Đi qua và trở lại, kính cẩn nghiêng mình trước hàng vạn nấm mộ liệt sĩ nằm san sát trên dải đất hẹp nắng bụi, mưa lầy này. Dẫu chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng nhưng dấu tích của nó, dư âm của nó hầu như vẫn còn đó, rì rầm trong bình yên, tha thiết trong khuất lặng, gợi nhắc trong lo âu và chơi vơi trong khởi sắc. Sự chuyển động của cuộc sống trên mảnh đất này có vẻ như chưa tách rời khỏi quá khứ hay nói cách khác nó muốn tiếp nhận những nguồn lực sạch từ sự hy sinh của bao người đã ngã xuống.

30/4, Thống nhất non sông và hòa hợp lòng người

Thả hoa đăng trên dòng Thạch Hãn - Ảnh: HOÀNG TÁO

Ngày 30/4/2025, sau nửa thế kỷ chứa chất bao thăng trầm đất nước khởi đầu một cuộc tiến công “thần tốc” khác. Đấy chính là cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lãnh đạo, quản lý để đạt hiệu năng, hiệu quả, hiệu lực cao trong công việc. Nói “thần tốc” bởi trước những đòi hỏi ráo riết, gấp gáp của thời cuộc, của thời gian chúng ta “vừa chạy vừa xếp hàng” như cách nói của Tổng Bí thư Tô Lâm. Nếu chậm trễ chúng ta sẽ bị tụt hậu và chắc chắn sẽ thua cuộc trong hành trình tiến tới tương lai.

Những gì đang diễn ra hôm nay trên đất nước ta đang minh chứng cho sự táo bạo trong tư duy và hành động của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Tất cả mới bắt đầu nhưng đó là sự mở ra cho một kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của đất nước.

Hạnh phúc không chỉ được tính khi về tới đích mà nó đã có từ khi ta chọn được con đường đi đúng. Chọn đúng con đường đấu tranh vũ trang giải phóng dân tộc, giành lại độc lập tự do, Việt Nam mới có đỉnh chiến thắng 30/4. Chọn đúng con đường ngoại giao hòa bình, Việt Nam mới trở thành bạn và đối tác tin cậy với nhiều nước trên thế giới trong đó có những cựu thù của ta.

Và, trong cuộc chuyển động tích cực mới mẻ này ta đã nhìn được “điểm nghẽn” trong cơ chế để quyết tâm khai thông nó. Khai thông và xác quyết một tư duy mới, hành động mới để vượt lên, để vươn mình bằng bản lĩnh và trí tuệ của một dân tộc văn hiến được kế thừa và phát huy trong kỷ nguyên mới.

Ý nghĩa và bài học của sự “thần tốc” và “táo bạo” trong chiến dịch Hồ Chí Minh và đỉnh cao chiến thắng 30/4 vẫn còn nguyên vẹn. Đấy là bài học “thời cơ là lực lượng”; bỏ lỡ thời cơ là có tội với Nhân dân. Chiến thắng giặc ngoại xâm nhưng hạnh phúc thực sự không đến với Nhân dân thì ý nghĩa chiến thắng sẽ bằng không.

Và, điều này nữa, cũng rất nên nói sau năm mươi năm ngày cánh cửa hòa bình được mở ra là dân tộc phải hòa hợp. Có như thế chiến thắng 30/4 mới được trọn vẹn như Bác Hồ kính yêu đã từng viết trong bài thơ chúc Tết năm 1969: “...Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Mỹ nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Nghĩa sum họp trong câu thơ của Người thật bao la và sâu sắc; đấy là sự thống nhất non sông và hòa hợp lòng người. Chiến thắng 30/4/1975 xóa bỏ hết những “giới tuyến” lòng người. Chiến thắng ấy mới là cao cả nhất!

Nguyễn Hữu Quý

Tin liên quan:
  • 30/4, Thống nhất non sông và hòa hợp lòng người
    Sôi nổi Ngày hội Thống nhất non sông

    Sáng ngày 30/4/2024, tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” nhân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 52 năm Ngày giải phóng Quảng Trị và chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

  • 30/4, Thống nhất non sông và hòa hợp lòng người
    Tổ chức trang trọng Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông”

    Sáng nay 30/4, tại Kỳ đài Hiền Lương, Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975 - 2024); 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5 (1972 - 2024); hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 (1954 – 2024) và Lễ hội Vì Hòa Bình 2024.


Nguyễn Hữu Quý

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tri ân Thành Cổ

Tri ân Thành Cổ
2025-04-29 07:50:00

QTO - Mỗi độ tháng Tư về, khi cả nước nô nức kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Quảng Trị, vùng đất từng bị chiến tranh tàn phá khốc...

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long