Cập nhật: Thứ 4, 04/06/2014 | 06:37 GMT+7

Yêu cầu cấp thiết phải đột phá cải cách thể chế kinh tế

(QT) - Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, đại biểu HÀ SỸ ĐỒNG, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã có bài phát biểu về yêu cầu cấp thiết phải đột phá cải cách thể chế kinh tế. Sau đây là nội dung phát biểu của đại biểu. Kính thưa Quốc hội! Tại kỳ họp thứ 6 cuối năm 2013 trong phát biểu của mình tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, tôi đã nhấn mạnh đến yêu cầu cấp thiết phải đột phá cải cách thể chế, trước hết là thể chế kinh tế, bởi triển vọng kinh tế Việt Nam có sáng sủa trở lại hay không phụ thuộc rất lớn vào sự tiến triển của công cuộc cải cách này. Nay Việt Nam đang trong bối cảnh cần tập trung sức lực cho bảo vệ chủ quyền biển đảo, vấn đề thực lực quốc gia, đằng sau đó là thể chế trở thành thách thức to lớn. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng giờ nên tạm ngừng công cuộc cải cách thể chế mới được khởi xướng để tránh những xáo động lớn, tập trung mọi trí lực, sức lực quốc gia cho việc ứng phó, xử lý sự kiện biển Đông.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại hội trường - Ảnh: PHN
Tôi chia sẻ nhưng hoàn toàn không cho rằng cần phải như vậy mà nên tiến hành song song, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc vừa phải sớm đổi mới một cách mạnh mẽ hơn nữa. Một khi nội lực quốc gia yếu kém, những mối đe dọa từ bên ngoài luôn rình rập và ta luôn vô cùng khó khăn để chống đỡ. Bởi thế yêu cầu cải cách thể chế nhằm phát triển đất nước bền vững, vừa bảo vệ vững chắc Tổ quốc càng trở nên cấp thiết hơn. Bên cạnh đó, theo Báo cáo của Chính phủ về kinh tế, xã hội trình bày tại phiên khai mạc và qua theo dõi thực tế, tôi cho rằng tình hình kinh tế, xã hội nhìn chung có tiến triển nhưng rất chậm chạp và không vững chắc. Sản xuất, kinh doanh cơ bản vẫn trong tình trạng trì trệ, lạm phát tăng thấp, chủ yếu do sức cầu quá yếu, hoạt động ngoại thương khởi sắc nhưng đóng góp chính đến từ khu vực FDI, không phải khu vực nội địa cho thấy tính kém bền vững của thành tích xuất siêu. Hoạt động đầu tư FDI chưa đạt kỳ vọng, nguy cơ bị tác động tiêu cực của sự kiện biển Đông là lớn. Thời điểm khó khăn hiện nay cũng chính là thời cơ cho chúng ta tái cơ cấu lại nền kinh tế, mối giao thương với Trung Quốc gặp khó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhất là hàng nông lâm sản. Điều này rất cần các Bộ, ngành, Chính phủ trợ giúp nông dân, giúp đỡ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, chú trọng đầu tư sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn tham gia hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, không để lệ thuộc quá mức vào nước láng giềng này. Về tình hình thu chi ngân sách, đặc biệt với cơ cấu thu chi thiếu tích cực như hiện nay đang làm dấy lên nỗi lo về mức bội chi và độ an toàn của nợ công. Trong bối cảnh chính sách tài khóa ngặt nghèo, gánh nặng này một phần được đẩy sang tiền tệ và hệ thống ngân hàng. Đáng tiếc là với bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện hành, chính sách tiền tệ đang trở nên kém hiệu lực, hiệu quả, dù Ngân hàng Nhà nước đã rất nỗ lực, làm tốt nhất có thể. Trong bối cảnh như vậy, các chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách lại đang đề cập đến gói giải pháp kích thích cả cầu đầu tư lẫn cầu tiêu dùng. Điều này vẫn cần thiết và bắt buộc trong ngắn hạn. Tuy nhiên, vì mục tiêu chung và dài hạn, nhất thiết phải thực hiện giải pháp căn cơ hơn là cải cách thể chế để tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng. Thực tiễn đã chỉ ra nền kinh tế Việt Nam đang suy kiệt tổng lực để phát triển và cần phải có cải cách lần hai để tạo động lực phát triển mới. Một lý do thứ ba cho thấy cấp thiết phải tiến hành cải cách thể chế, đó là vấn đề lòng tin. Thực trạng tổng vốn đầu tư suy giảm, khu vực sản xuất, kinh doanh kinh tế tư nhân co lại, người dân cắt giảm tiêu dùng chính vì niềm tin bị đổ vỡ. Rõ ràng nếu ta nao núng, chùn tay trước cải cách, nếu cứ hô khẩu hiệu nhưng không làm hay có làm nhưng không làm đúng như nói, niềm tin chắc chắn tiếp tục bị xói mòn. Khi đó mọi nỗ lực giải pháp nhằm khôi phục lại kinh tế sẽ trở nên vô ích. Thông điệp cải cách thể chế của Thủ tướng Chính phủ ngày đầu năm đã phát đi rất mạnh mẽ, rất rõ ràng, trong đó hàm ý nhằm khôi phục lại lòng tin trong dân và trong các nhà đầu tư. Kính thưa Quốc hội! Rất đáng mừng trong thời gian giữa hai kỳ họp, cải cách thể chế đã trở thành vấn đề được bàn thảo khá sôi nổi. Với tư cách là cơ quan tham mưu kinh tế tổng hợp cho Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất tích cực trong việc triển khai nghiên cứu cải cách thể chế kinh tế Việt Nam và một hệ thống tư duy quan điểm mới về kinh tế đang dần được định hình, được kiểm chứng khẳng định và từng bước được phản ánh vào luật để sớm đi vào cuộc sống. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây cũng chọn chủ đề động lực mới từ cải cách thể chế cho Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2014 ngay trước thềm kỳ họp Quốc hội này. Tôi rất đồng tình với quan điểm của một vị chuyên gia tại diễn đàn này là: Thể chế kinh tế thị trường hiện đại phải bao gồm ba trụ cột là nền kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Trong đó nền kinh tế phải hội được những yếu tố cốt lõi như xác lập rõ ràng quyền sở hữu tài sản của mọi chủ thể. Trong nền kinh tế bảo đảm quyền tự chủ, tự do và bình đẳng trong kinh doanh của các chủ thể kinh tế trong khuôn khổ pháp luật, hợp đồng, quy luật cạnh tranh, sàng lọc đào thải và phát triển phát huy tác dụng tốt, giá cả phải được hình thành theo quy luật cung cầu trên thị trường và mọi nguồn lực trong nền kinh tế phải được phân bổ theo nguyên tắc này. Chi phí giao dịch kinh tế thấp nhất có thể để khuyến khích tối đa các giao dịch kinh tế diễn ra. Nhà nước cần xác định lại cho đúng vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình trong mối quan hệ với thị trường, chỉ cần và chỉ nên can thiệp ở đâu, khi nào và thông qua công cụ điều tiết gì, mức độ quyền lực của các cơ quan công quyền nhất thiết phải được cân bằng với trách nhiệm giải trình và tính công khai, minh bạch của chính nó, đồng thời mọi quyền lực đều phải chịu một cơ chế giám sát tương xứng. Yếu tố thứ ba của mô hình thể chế mới là xã hội dân sự để đối trọng giám sát và phản biện hoạt động của các cơ quan nhà nước, ý tưởng này cần xuyên suốt trong mọi hành động cải cách ở mọi lĩnh vực, bộ phận thể chế của quốc gia. Ở kỳ họp này bản báo cáo kinh tế - xã hội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi đại biểu lần đầu tiên cũng dành hẳn một mục riêng với dung lượng đáng kể để nói về cải cách thể chế. Tuy nhiên trong bản báo cáo của Chính phủ lại thiếu vắng nội dung này. Kính thưa Quốc hội! Cho dù trong bối cảnh mới mục tiêu ưu tiên có thể thay đổi, song không ai có thể làm thay Quốc hội công việc xây dựng pháp luật, trong đó có khá nhiều đạo luật mới và sửa đổi nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho cải cách thể chế kinh tế, tăng cường tiềm lực quốc gia. Theo phiếu xin ý kiến gửi đến đại biểu Quốc hội cần ưu tiên 16.000 tỷ đồng ngân sách đầu tư cho ngư dân bám biển, cho an ninh, quốc phòng, tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm đó. Song bất cứ một công việc cụ thể nào cũng sẽ đạt hiệu quả cao hơn với điều kiện được vận hành trong một nền thể chế hiện đại phù hợp. Với suy nghĩ đó, tôi đề nghị Chính phủ cung cấp đầy đủ thông tin về tiến trình cải cách thể chế kinh tế để các đại biểu Quốc hội có thể theo dõi, giám sát và thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình. Xin cảm ơn Quốc hội! PHẠM HỒNG NAM (lược ghi)



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Cam Lộ đột phá trong cải cách hành chính
22:55 18/03/2025

Xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công việc, tạo bước đột phá trong chương trình hành động thực ...

Nỗ lực cải cách thể chế của ngành y tế
23:05 01/11/2024

Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đạt được những kết quả đáng khích lệ, được dư luận đồng ...

Kinh tế du lịch sẽ tạo đột phá lớn
00:25 01/01/2025

Năm 2024, Quảng Trị đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 168 nghìn lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay và dự báo sẽ tăng mạnh trong thời ...

Thảo luận tại tổ về các dự án Luật

Thảo luận tại tổ về các dự án Luật
7 giờ trước

QTO - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều nay 8/5, Quốc hội thảo luận Tổ về các dự án Luật: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của...

“Chúng tôi luôn hướng về quê hương”

“Chúng tôi luôn hướng về quê hương”
01:47 30/05/2014

Ông PHAN NGỌC VINH, Chủ tịch Hội người Việt tại Mukdahan (Thái Lan): Hiện nay số lượng người Việt Nam đang sinh sống tại tỉnh Mukdahan khoảng 8.000 người. Phần lớn trong số đó...

Thời tiết

28°C - 35°C
Ít mây, trời nắng nóng
  • 27°C - 36°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 27°C - 35°C
    Ít mây, trời nắng nóng
POWERED BY
Việt Long