Những hoạt động nổi bật của MTTQVN tỉnh Quảng Trị, 5 năm nhìn lại
* Đồng chí LƯƠNG TRUNG THÔNG, Ủy viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị
.jpg) |
Năm năm qua, kể từ Đại hội X MTTQVN tỉnh, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và XV, chương trình thống nhất hành động của Đại hội lần thứ VII MTTQVN và Đại hội X MTTQVN tỉnh; dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ tỉnh, sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, sự phối hợp có hiệu quả của chính quyền các cấp và các tổ chức thành viên, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã phát huy truyền thống của quê hương Quảng Trị anh hùng, đoàn kết, tự lực tự cường, lao động sáng tạo, vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện sự nghiệp đổi mới đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh. Nền kinh tế của tỉnh có sự tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng (GDP) giai đoạn 2009 - 2013 bình quân đạt 8,68%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ, các vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo. Công tác XĐGN, tạo việc làm mới được chú trọng. Đến cuối năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,76%, GDP bình quân đầu người của tỉnh đạt 26,9 triệu đồng, gấp 1,96 lần năm 2009. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2013 đạt 2.051 tỷ đồng. Các nguồn lực được phát huy, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững; lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới được tăng cường, củng cố; mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước ngày càng gắn bó; vai trò làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy. Tình hình khối đại đoàn kết toàn dân ở địa phương chuyển biến tích cực, quyền làm chủ của nhân dân thể hiện ngày càng rõ hơn trong tham gia quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội, tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Các hình thức tập hợp quần chúng đa dạng và thiết thực. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Đại bộ phận nhân dân tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, nỗ lực khắc phục những khó khăn để ổn định sản xuất và đời sống. Trong những thành tựu chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh đã gặt hái được thời gian qua, có sự đóng góp tích cực, quan trọng của MTTQ và các tổ chức thành viên. Nổi bật là việc thực hiện đa dạng hóa các loại hình tập hợp quần chúng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Đến cuối năm 2013, UBMT tỉnh đã kết nạp thêm 8 tổ chức thành viên, nâng tổng số thành viên của mặt trận tỉnh lên 34 tổ chức. Các đoàn thể đã tập hợp 24.194 quần chúng làm hội viên, đoàn viên, tăng 10,7% so với năm 2009; từ 45 tổ chức hội năm 2009, đến nay đã có 57 tổ chức hội thành lập với 7.300 chi hội và 363.000 hội viên. Các tổ chức hội đều có điều lệ hoặc quy chế hoạt động, hình thức tổ chức đa dạng, phong phú. Đã coi trọng phát huy dân chủ, gắn với thực hiện kỷ cương xã hội. Công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền được triển khai có hiệu quả, MTTQVN các cấp đã vận động nhân dân góp ý kiến vào việc xây dựng các văn kiện Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và các Chương trình hành động của các cấp ủy đảng thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và địa phương. Đặc biệt là việc thực hiện Nghị quyết TƯ4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, tham gia nhận xét tư cách, phẩm chất của đảng viên trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, giám sát hoạt động cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư …với tinh thần dân chủ và trách nhiệm. Đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng chính quyền nhân dân, tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia và giám sát cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016. Phối hợp, nâng cao chất lượng tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với đại biểu Quốc hội, HĐND. Công tác tham gia xây dựng pháp luật được Mặt trận các cấp trong tỉnh tổ chức thực hiện có kết quả, đã vận động nhân dân tham gia ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992, Luật Đất đai (Sửa đổi) và các dự án luật, pháp lệnh liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân. Mặt trận các cấp đã coi trọng công tác phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, thông qua các nhóm nòng cốt, lồng ghép các cuộc vận động để động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, giữ vững kỹ cương theo luật pháp. Thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Mặt trận đã kiến nghị giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân và được các cấp có thẩm quyền quan tâm tập trung giải quyết. 5 năm qua, UBMT các cấp trong tỉnh tiếp nhận được 1.759 đơn, thư khiếu nại tố cáo của công dân, đã đề nghị chính quyền xem xét giải quyết hàng năm trên 93% đơn, thư, đem lại lòng tin cho nhân dân. Công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần tích cực giải quyết các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, củng cố khối đoàn kết cộng đồng dân cư.
.jpg) |
Đồng chí Thái Vĩnh Liệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Hội nghị biểu dương già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị -Ảnh: MINH HỒNG |
Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức vụ chủ chốt do HĐND bầu ở cấp xã do UBMT chủ trì đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần tích cực xây dựng bộ máy chính quyền cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh. Đồng thời phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức lấy ý kiến, kiến nghị của cử tri thực hiện Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn nhằm đánh giá mức độ tín nhiệm của cử tri trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của các đại biểu dân cử... Thực hiện Quyết định số 80/CP của Chính phủ, hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng xã, phường, thị trấn đã có những chuyển biến tích cực, góp phần tham gia cùng với nhà nước giám sát các công trình cơ sở đảm bảo quy hoạch, kế hoạch, nâng cao chất lượng, hiệu quả công trình, hạn chế tiêu cực, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng. Từ năm 2009 – 2013, các ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở đã giám sát kiểm tra 3.109 công trình, kiến nghị chủ đầu tư, nhà thầu khắc phục, sửa chữa 914 công trình và 647 hạng mục công trình, thu hồi về cho Nhà nước trên 1.107 triệu đồng. Việc phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng được UBMT các cấp và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện với nhiều hình thức, biện pháp phong phú, thiết thực góp phần làm cho các nghị quyết của các cấp ủy đảng, kế hoạch thực hiện của các cấp chính quyền vừa phù hợp với mục đích phát triển kinh tế, xã hội của địa phương trong điều kiện mới, vừa sát hợp với yêu cầu, nguyện vọng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đã chú trọng tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động xã hội, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với phong trào thi đua Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” gắn chương trình xóa nhà ở tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đây là các cuộc vận động hợp ý Đảng, lòng dân, do mặt trận đảm nhận đã được nâng cao về chất lượng, chuyển biến cả bề rộng lẫn chiều sâu. Đến cuối năm 2013, có 132.650/153.950 gia đình được công nhận gia đình văn hoá, chiếm 86,2%, tăng 9,5% so với năm 2009; có 922 khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hóa, đạt 80,6%, tăng 4,8% so với năm 2009. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong các cơ quan, doanh nghiệp được phát động rộng khắp. Đến cuối năm 2013 có 129 đơn vị cấp tỉnh đã phát động xây dựng đơn vị văn hóa, 115 đơn vị đã được công nhận văn hóa, trong đó có 20 đơn vị được công nhận văn hóa xuất sắc. Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” gắn với chương trình “Xóa nhà tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo”; cứu trợ thiên tai là những hoạt động mang ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ có các biện pháp linh hoạt, sáng tạo, 5 năm qua, mặt trận các cấp trong tỉnh đã vận động sự đóng góp, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các tổ chức quốc tế, các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân, do đó đã huy động được 138,4 tỷ đồng, trong đó có 45,6 tỷ đồng huy động cứu trợ thiên tai. Đã hỗ trợ xây dựng mới được 2.508 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, mỗi nhà được hỗ trợ từ 15 – 50 triệu đồng; hỗ trợ thêm để xây dựng nhà ở theo Quyết định 167/TTCP và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên 5.378 nhà, mỗi nhà được hổ trợ từ 5 – 10 triệu đồng; hỗ trợ mua giống, cây con, hỗ trợ khó khăn, cứu đói, thiên tai, chữa bệnh, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó học giỏi... với trên 35.500 lượt đối tượng, trị giá trên 48 tỷ đồng.
 |
Lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh và Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh tặng hoa cho các đại biểu tham dự chương trình giao lưu nghệ thuật Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới -Ảnh: H.C |
Tính từ khi phát động cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” năm 2001 đến cuối năm 2013, quỹ vì người nghèo các cấp trong tỉnh đã huy động được 167 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng mới 8.244 nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết cho đối tượng nghèo bằng nguồn huy động chủ yếu từ cộng đồng; hỗ trợ sửa chữa và xây dựng nhà ở theo Quyết định 167/TTCP cho 6.834 hộ nghèo và hàng ngàn đối tượng nghèo được hổ trợ để phát triển sản xuất, khó khăn do thiên tai, chữa bệnh. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” tiếp tục là những hoạt động nổi bật, điểm sáng trong hoạt động của Mặt trận nhiệm kỳ qua. Kết quả của các phong trào trên đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo về quốc phòng, an ninh ở địa phương. Mặt trận các cấp cũng đã chú trọng đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác mặt trận, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo Kết luận số 62 của Bộ Chính trị, hướng mọi hoạt động về cơ sở, khu dân cư, lấy tính hiệu quả, thiết thực làm chuẩn mực. Tập trung xây dựng các mô hình, nhân tố mới; tăng cường công tác đối ngoại nhân dân, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư... Những kết quả đạt được đó thể hiện chủ trương đúng đắn cũng như sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo về công tác vận động quần chúng của các cấp uỷ đảng; sự phối hợp, cộng tác chặt chẽ, đồng bộ giữa chính quyền và các tổ chức thành viên với MTTQ. Đây là những cơ sở, điều kiện thuận lợi để UBMT các cấp trong tỉnh phát huy vai trò của mình trong việc tập hợp, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần xây dựng khối liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức ngày càng vững mạnh, là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương. Ghi nhận những đóng góp của UBMT các cấp trong tỉnh 5 năm qua, UBMTTQVN tỉnh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (giai đoạn 2004- 2008); năm 2009, được UBTƯMTTQVN và UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc; năm 2010, được Chính phủ và UBTƯMTTQVN tặng cờ thi đua xuất sắc; năm 2011, được Chính phủ tặng bằng khen, được UBND tỉnh và UBTƯMTTQVN tặng cờ thi đua xuất sắc và xuất sắc toàn diện; năm 2013, được Chính phủ và UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc. Đã có 7 UBMT cấp huyện, cấp xã và 9 cán bộ Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở được Chủ tịch nước, Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba, bằng khen và Chiến sĩ thi đua toàn quốc; hàng trăm tập thể, cá nhân được UBTƯMTTQVN, các Bộ, ngành TƯ, UBND tỉnh, UBMT tỉnh tặng bằng khen, kỷ niệm chương… Trong những năm tới tình hình chính trị thế giới và khu vực vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, khó lường; Là một tỉnh thường xuyên phải đương đầu với những khó khăn, tác động về khí hậu, thời tiết, thiên tai, dịch bệnh và những tác động bất lợi của tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc đang đặt ra những thách thức mới trước tình hình quốc tế, khu vực, trong nước. Xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế có nhiều biến động, tác động vừa có thuận lợi vừa có nhiều khó khăn thách thức đối với công cuộc xây dựng quê hương, đất nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở địa phương. Trên cơ sở tổng kết đánh giá hoạt động của MTTQVN các cấp trong tỉnh, phân tích rõ những kết quả, tồn tại, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ 2009 - 2014; tiếp tục quán triệt các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về công tác vận động quần chúng trong tình hình mới. Nhiệm vụ của mặt trận các cấp trong tỉnh thời gian tới hướng vào các nội dung trọng tâm sau: 1. Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, mở rộng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác đối ngoại nhân dân bằng những chương trình hành động cụ thể, góp phần làm cho hệ thống chính trị và toàn xã hội nhận thức đúng đắn và đầy đủ quan điểm, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác đối ngoại nhân dân và vai trò quan trọng của MTTQVN trong công cuộc đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 2. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 3. Chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt dân chủ cơ sở, tăng cường các hoạt động giám sát và phản biện xã hội theo các Quyết định của Bộ Chính trị, làm tốt công tác hoà giải và giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân... để góp phần xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh. 4. Tăng cường xây dựng củng cố về tổ chức, kiện toàn bộ máy, cải tiến lề lối làm việc, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận các cấp và Ban công tác mặt trận ở địa bàn dân cư, khắc phục hành chính hoá trong hệ thống mặt trận, hướng mạnh hoạt động về cơ sở, cộng đồng dân cư và từng gia đình với phương châm: gần dân, sát dân, sát phong trào từ cơ sở. 5. Nâng cao chất lượng thực hiện Quy chế phối hợp giữa mặt trận với chính quyền và tổ chức thành viên. Làm tốt công tác xây dựng và nhân rộng điển hình gắn với việc sơ kết, tổng kết, động viên khen thưởng kịp thời các nhân tố mới, nhất là ở cơ sở, địa bàn dân cư. Phát huy những kết quả hoạt động nổi bật của nhiệm kỳ qua, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, nhất định nhiệm kỳ 2014- 2019, Mặt trận các cấp trong tỉnh sẽ phấn đấu giành được kết quả cao hơn, góp phần xây dựng quê hương Quảng Trị giàu đẹp, văn minh.