
{title}
{publish}
{head}
QTO - Một bữa đang ngồi ở TP. Hồ Chí Minh, tôi nhận điện thoại của một người anh, nhạc sĩ Phạm Ngọc Lai của đất Lâm Đồng. Anh giao du rộng, có nhiều bạn bè ở các vùng miền, trong đó có Quảng Trị quê tôi. Một người em quê tôi mời anh ra dự đám cưới của người thân tại huyện Hải Lăng. Anh nói đầy hứng khởi qua điện thoại: “Em biết không, anh bất ngờ luôn. Đâu chỉ thanh niên hát nhạc xưa nhạc nay, nhạc ta nhạc ngoại, mà già trẻ lớn bé của làng này và chắc cả xã này, ai hát cũng hay. Lại nữa, một cụ ngoài 70 đang hát nhạc Đoàn Chuẩn - Từ Linh, rồi nhường micro cho một chàng thanh niên hát tiếp, hay ngất ngây luôn”…Tôi cũng vui vẻ trả lời anh rằng: “Anh thấy chưa, quê em giàu tình cảm, dân quê em mê hát và hát rất hay. Cảm ơn anh đã về Quảng Trị và được biết thêm về đất và người Quảng Trị”.
Xứ hay hát
Từ thuở ông bà, cha mẹ thế hệ chúng tôi ngày xưa thường hay hò đối đáp, hát khi xay lúa giã gạo đêm trăng, chèo thuyền đi đò dọc, hát trong lao động, sản xuất cho bớt mệt nhọc, cho thêm niềm vui nơi miền quê phong cảnh hữu tình, cho đầy vốn sống, dày thêm tình yêu nghệ thuật.
Thời đó phương tiện giải trí, nghe nhìn cũng ít, thì đúng nghĩa là “hát với nhau”, “hát cho nhau nghe”, nhiều khi hát vo không cần nhạc đệm, vẫn đúng nhịp phách. Còn khi đã ráp nối, tập luyện, biểu diễn thì hay hơn nữa là lẽ đương nhiên.
Thế hệ bà nội, bà ngoại tôi đã có những giọng hò nức tiếng, thế hệ mạ tôi cũng biết hò, rành rẽ nhiều điệu thức dân ca. Nhiều khi ngoài đồng thời hợp tác xã những năm 1975- 1979, tôi đã chứng kiến cảnh cấy lúa hay gặt lúa, một giọng hò bất chợt vút lên. Không gian như lặng đi để tiếng hò uyển chuyển rồi có người cất tiếng hò theo, vang vọng cả cánh đồng giọng hò lảnh lót.
Làng Tùng Luật - nơi được mệnh danh là “làng nghệ sĩ” ở Quảng Trị -Ảnh: MINH ĐỨC
Những năm đó, thỉnh thoảng đoàn kịch tỉnh Bình Trị Thiên hay đoàn cải lương từ trong Nam ra diễn, dân háo hức từ chiều, ra sân xí chỗ tốt ngồi chờ xem. Còn những hội diễn văn nghệ “cây nhà lá vườn” của các hợp tác xã lại là những ngày hội, quy tụ anh tài của làng xóm thi thố cùng nhau. Đêm tập nào cũng vui, đêm diễn nào cũng đông nghịt người xem.
Rồi khi huyện làm con đập ngăn sông Cánh Hòm để giữ nước ngọt tưới tiêu đồng lúa mấy xã hạ du Gio Linh, nhiều đội thanh niên từ các xã đổ về, sống trong các nhà dân. Nhà tôi rộng, nên có gần chục anh chị ở Gio Sơn tá túc.
Ngày lao động, tối về các anh chị tập trung ở nhà tôi, ca hát giao lưu với thanh niên làng tôi, vui đáo để. Nhờ đó mà đám trẻ chúng tôi thuộc được mấy bài hát từ thuở xưa như “Mời anh đến thăm quê tôi”, “Quê em miền trung du” đến những bài mới ra đời như “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, “Đường tàu mùa xuân”…
Phải nói đại đa số người Quảng Trị đều mê hát và chịu nghe hát, không bực bội khi người khác hát quanh năm suốt tháng bên mình, đó là tố chất đặc biệt thứ nhất. Đêm gia đình tôi rời Quảng Trị vào Nam, chờ tàu trên sân ga Đông Hà, một nhóm thanh niên ngồi hát trong tiếng guitar với những câu hát làm tôi nhớ mãi.
Gặp người Quảng Trị trên nhiều miền đất nước, dễ thấy mỗi khi gặp nhau, chuyện vãn một hồi là người Quảng Trị lại cùng nhau hát. Hát bên bàn nhậu, lúc đám tiệc, liên hoan, hát trong tiệm karaoke… Tiếng hát xóa nhòa khoảng cách, đưa nhau gần lại trong tình quê hương, thân thương hơn tiếng gọi tên nhau của người quê miềng.
Xứ của những danh ca hàng đầu
Tố chất đặc biệt thứ hai khi nói về người Quảng Trị là hầu hết đều biết hát, hát được, nhiều người hát rất hay, có những giọng ca hàng đầu đất nước suốt hàng chục năm qua.
Người đầu tiên tôi nói đến là nghệ sĩ ưu tú Tân Nhân, người nổi tiếng với ca khúc bất hủ “Xa khơi”, cùng rất nhiều ca khúc vang danh một thời như “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, “Tình quê hương”, “Anh về miền Bắc”...
Bà là o của tôi, con gái đầu của bà Hy, em gái của bà nội tôi. Cuộc đời bà gắn liền với những thăng trầm của lịch sử qua hai cuộc kháng chiến mà bà là người dấn thân theo cách mạng từ thuở còn là nữ sinh Đồng Khánh - Huế. Trải bao gian khổ, nhọc nhằn, cả những mất mát riêng tư, song cuộc đời đậm chất sử thi với những câu chuyện đẹp như cổ tích, những giai thoại đầy yêu thương về bà còn là niềm tự hào của nhiều người dân Quảng Trị.
Mỗi khi nghe bà cất tiếng hát là mọi con tim như nghẹn lại bởi tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi kết tinh, hòa quyện trong giọng hát đặc biệt tuyệt vời của bà.
Người thứ hai từng được xếp vào hạng “đệ nhất danh ca” của miền Nam trước đây là ca sĩ Duy Khánh. Ông có chất giọng trời cho, sang trọng, một giọng hát đặc biệt, nghe cất lên là biết ngay Duy Khánh.
Những năm sau 1980 nổi lên giọng ca của hai chị em Bảo Yến - Nhã Phương, xinh đẹp và hát rất hay, nguyên quán là Quảng Trị. Nếu cô chị Bảo Yến nổi tiếng với băng nhạc Bảo Yến phát khắp cả nước những năm 1996 - 1997 với những ca khúc do chồng chị là nhạc sĩ Quốc Dũng soạn như “Bài ca Tết cho em”, cùng những ca khúc của dòng nhạc quen gọi là nhạc Gò Công, như “Chiều hạ vàng” (Nguyễn Bá Nghiêm), “Thương một người ở xa” (Hoàng Phương)…, thì cô em Nhã Phương thường xuất hiện với cây vĩ cầm và những màn trình diễn lúc trữ tình dịu dàng, lúc rực lửa thanh xuân…
Một giọng ca sinh ra ở Quảng Trị rất nổi tiếng khác là Quang Linh. Những bản mang âm hưởng dân ca qua giọng hát Quang Linh được đưa đi xa hơn vào lòng công chúng bởi chất giọng ngọt ngào, làn hơi dày, ấm, phong thái biểu diễn có duyên, nhất là những ca khúc về Huế hay ca khúc “Chim sáo ngày xưa”.
Nhỏ tuổi hơn nhưng nổi tiếng trước Quang Linh vài năm là ca sĩ Lê Lâm Quỳnh Như, một người con của Quảng Trị. Đoạt giải đặc biệt cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP. Hồ Chí Minh năm 1991 khi mới 21 tuổi; năm 1993, cô cùng gia đình sang Mỹ, đổi nghệ danh là Như Quỳnh và nổi như cồn với ca khúc “Người tình mùa đông” cùng nhiều ca khúc trữ tình khác. Cách đây chưa lâu, cô đã có đêm diễn tại TP. Hồ Chí Minh khá thành công sau nhiều năm xa vắng.
Một nữ ca sĩ đang nổi danh ở TP. Hồ Chí Minh có quê ở Quảng Trị là ca sĩ Vân Khánh. Cô thể hiện thành công nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca, nhất là những ca khúc trữ tình về Huế…
Dĩ nhiên, còn rất nhiều tên tuổi khác mà bài báo này không kể hết và chưa biết hết. Nhưng những tên tuổi kể trên cho thấy người Quảng Trị không chỉ hát hay mà còn là… hát quá hay!
Vì sao hát hay?
Tôi đem câu hỏi này ra hỏi nhiều con dân Quảng Trị rồi cùng nhận được câu trả lời, tựu trung là do ca hát là một sinh hoạt thường ngày trong đời sống nên ca hát từ một tập quán trở thành kỹ năng, từ kỹ năng thành nghệ thuật.
Người Quảng Trị hát hay do thổ nhưỡng, phong thổ hợp với giọng hát con người, từ rừng xanh biển mặn, gió Lào cát trắng mà quyện nên chất giọng thật hay. Do những biến thiên của lịch sử, giao thoa văn hóa (ba miền Bắc - Trung - Nam; văn hóa Việt - Chăm) nên trong tâm tưởng truyền đời khiến giọng hát mang những âm hưởng độc đáo…
Còn một lý do nữa là đất Quảng Trị phát âm chuẩn khi nói nên khi hát lại rất rõ ràng, tròn vành rõ chữ, không mắc lỗi phát âm s-x, ch-tr hay n-ng… như vùng miền khác nên hát dễ nghe, dễ thấm.
Hôm một nhóm anh em Quảng Trị gặp nhau ở quán anh Giỏ, chị Thể ở TP. Hồ Chí Minh, một người anh ngày xưa học Trường Nguyễn Hoàng kể, ra trường anh được điều vào Phú Yên dạy học. Thầy giáo trẻ, dạy hay, tính tình dễ mến rất được lòng người dân địa phương, tất cả đều “số 1” chỉ có điều giọng nói khó nghe, phải nghe nhiều, quen thân mới hiểu được lời thầy nói. Nhưng khi thầy cất giọng hát thì “sao mà hay quá, sao mà rõ ràng, dễ nghe quá chừng, giá mà nói như hát thì thôi, nhất thầy”…
Người Quảng Trị tính tình cởi mở, dễ kết thân và sống chân thành, qua tiếng hát càng có thêm nhiều bạn. Xứ hát hay, hay hát, đúng là món quà trời cho dân Quảng Trị, thật đáng tự hào.
Bùi Phan Thảo
QTO - Từ thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, muốn vào Cùa phải di chuyển theo con đường độc đạo len lỏi giữa trùng điệp núi đồi, hai bên là rừng keo lai xanh rì. Vượt qua đoạn đường đèo, vùng Cùa hiện ra trước mắt là một thung lũng trù phú, với màu nâu sậm của đất đỏ ba dan, màu xanh tốt tươi của hoa lá… Có lẽ chính vì địa thế đặc biệt này nên nơi đây đã được vị vua yêu nước Hàm Nghi trong hành trình xuất bôn kháng Pháp vào năm 1885 đã chọn để dừng lại, dựng sơn phòng Tân Sở và ra chiếu Cần Vương. Qua ...
QTO - Nhiều người thường gọi anh Nguyễn Quang là ca sĩ dẫu chàng trai khiếm thị này chưa bao giờ tự nhận điều đó về mình. Anh chỉ biết rằng, tiếng hát của mình bắt nguồn từ chính trái tim với những khát khao, hy vọng. Từ giọng hát đó, anh Quang đã và đang gửi đến mọi người bản nhạc của chính cuộc đời mình với những thanh âm trong trẻo, đầy cảm hứng.
QTO - Thời gian qua, ngành giáo dục Quảng Trị chú trọng tổ chức nhiều trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống cho học sinh. Những trò chơi dân gian,...
VOV.VN - Kết quả bóng đá hôm nay 24/4 được người hâm mộ chú ý với những trận đấu sớm tại các giải VĐQG hàng đầu châu Âu.
QTO - “Chúng tôi hầu như đi làm cho chủ quanh năm, suốt tháng, dành dụm tiền bạc để cuối năm đưa vợ con về Việt Nam ăn Tết, bởi ở bên Úc không có không khí...
QTO - Những ngày này, khi mùa xuân đang về, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô đang hối hả hoàn thành nốt những công việc còn lại của năm cũ để đón một cái Tết thật...
QTO - Những ngày này, Hồ Thị Huyền Trang đang sắp xếp công việc và hành lý để về Quảng Trị đón Tết bên gia đình. Học tập, sinh sống ở nước ngoài nhiều năm...
QTO - Tác giả Hồ Thanh Thoan sinh năm 1957 tại An Lạc, Đông Giang, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật-Huế năm 1979; hội viên...
QTO - Là nhà thơ xuất hiện vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Lê Thị Mây đã sớm tạo nên ấn tượng mạnh mẽ đối với người đọc về cả số lượng và...
QTO - Bên cạnh nhà tiểu thuyết Xuân Đức, còn song hành một nhà viết kịch Xuân Đức (1947-2020). Nếu tiểu thuyết là dương bản của chiến tranh thì hầu hết...