Cập nhật: Thứ 5, 21/12/2017 | 19:30 GMT+7

Xây dựng mô hình trồng rau sạch cần đi đôi với xây dựng chuẩn sạch

(QT) - Mô hình trồng mướp đắng trong nhà lưới ở thôn Lại An, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh được Sở Khoa học và Công nghệ đầu tư bằng vốn khoa học công nghệ cấp huyện từ cuối năm 2016 nhưng do ảnh hưởng bởi cơn bão số 4 đầu năm 2017 nên dự án chưa thành công. Tiếp tục thực hiện dự án này, cuối năm 2017 nhằm hỗ trợ cho người dân trồng mướp đắng cho sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bằng nguồn vốn của chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Gio Linh đã hỗ trợ nông dân thực hiện nhân rộng mô hình sản xuất trồng trong nhà lưới và bước đầu phát triển tốt.

Trồng mướp đắng trong nhà lưới tại thôn Lại An, Gio Mỹ, Gio Linh

Mướp đắng là cây trồng truyền thống của người dân ở các xã vùng Đông của huyện Gio Linh như Gio Phong, Gio Mỹ, Gio Thành…Người dân ở vùng này đã có nhiều kinh nghiệm trong trồng mướp đắng mang lại thu nhập cao. Tuy nhiên, do mướp đắng là loại cây trồng khá mẫn cảm với nhiều đối tượng dịch hại, nhất là các loại sâu đục quả, bệnh thối quả, nên người trồng từ trước đến nay phải phun nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật gây nhiều tồn dư trong sản phẩm có hại cho sức khỏe người sử dụng. Việc xây dựng mô hình trồng mướp đắng trong nhà lưới sẽ giúp cây trồng hạn chế tình trạng nhiễm sâu bệnh, ngăn không cho các loại côn trùng vào phá hoại.

Mô hình trồng mướp đắng trong nhà lưới năm 2017 được triển khai tại thôn Lại An, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh với diện tích 20 ha gồm 50 hộ tham gia với tổng vốn đầu tư gần 900 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 250 triệu đồng, còn lại do hộ dân đầu tư bằng vốn tự có. Mỗi hộ được huyện hỗ trợ vật liệu làm nhà lưới khoảng 5 triệu đồng. Hiện nay mô hình đang tiến triển tốt, cây trồng ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống thấp mà vẫn sinh trưởng và phát triển nhanh. Gia đình ông Nguyễn Hữu Mãi, thôn Lại An, xã Gio Mỹ vụ này trồng 4 sào mướp đắng trong nhà lưới. Mặc dù đã hàng chục năm gắn bó với loại cây trồng này nhưng đây là lần đầu tiên ông Mãi thử nghiệm với cách trồng mới có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Ông Mãi cho biết: “Những năm trước, trồng mướp đắng ngoài trời, gặp thời tiết lạnh là cây không phát triển được, lá quắn lại và nhiều loại sâu bệnh xuất hiện. Nhưng năm nay, trồng trong nhà lưới, hiện tại thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống thấp hơn nhiều năm trước nhưng trong nhà lưới ấm hơn ngoài trời nên cây trồng vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường, đặc biệt là không có các loại côn trùng, sâu bệnh nên tôi rất yên tâm”.

Lợi ích của hệ thống nhà lưới là giữ ấm mùa đông, làm mát mùa hè, che chắn các loại sương muối, mưa đá có hại cho cây trồng, ngăn cản các loại côn trùng không vào nhà lưới đục quả, đục thân. Đồng thời, nông dân cũng tiến hành phủ bạt nilon chống xói mòn đất và hạn chế sự xâm lấn của cỏ dại. Hệ thống nhà lưới được nông dân đầu tư làm khá chắc chắn bằng vật liệu khung sắt, trụ bê tông và mái vòm bằng sắt, thép hoặc gỗ cao ráo, phủ lưới có độ bền lưới khoảng 3 năm với vốn đầu tư nhà lưới mỗi sào khoảng 17- 18 triệu đồng. Bạt nilon phủ gốc có thể sử dụng 2 vụ trong năm, lưới có thể sử dụng được 6 vụ (3 năm), khung sắt sử dụng lâu dài.

Tuy nhiên, tham gia dự án này người dân đã được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng và cách làm nhà lưới mà chưa được tập huấn các biện pháp kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản xuất trong nhà lưới là một trong những hình thức đã có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc tạo điều kiện sản xuất an toàn, song vẫn chưa tạo sự đồng bộ trong quy trình sản xuất sản phẩm sạch theo chuẩn sạch của VietGAP. Nông dân vẫn chưa được tập huấn về quy trình sản xuất rau sạch trong khi đã có điều kiện để sản xuất sạch.

Ông Nguyễn Văn Thức, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gio Linh cho biết: “Với mô hình nhà lưới này nông dân tiến hành sản xuất an toàn hơn trước sự tác động của côn trùng và những hình thái bất lợi của thời tiết chứ chưa phải là sản xuất sạch. Để đảm bảo được sản xuất sạch, ngoài xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, nông dân còn phải được tập huấn quy trình sản xuất sạch. Sản phẩm làm ra phải được chứng nhận là đạt chuẩn. Sản phẩm cũng cần phải được xây dựng thương hiệu để quảng bá rộng rãi”.

Theo ông Thức, nếu mô hình sản xuất mướp đắng trong nhà lưới thành công thì trong các vụ tới bằng nguồn vốn chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân các xã khác xây dựng hình thức sản xuất này rồi nhân rộng ra trên tất cả các diện tích mà người dân sản xuất mướp đắng từ trước tới nay. Điều quan trọng hơn là cùng với việc xây dựng hệ thống nhà lưới, huyện sẽ phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn cho nông dân quy trình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, không chỉ ứng dụng đối với mướp đắng mà cho tất cả các loại rau màu khác. Các hợp tác xã cũng cần liên kết với xã viên để đứng ra làm thủ tục đề nghị đăng ký thương hiệu rau sạch cho nông dân. Làm được như vậy, sản phẩm của nông dân không chỉ nâng cao giá trị mà còn mở rộng thị trường tiêu thụ, người dân sẽ nâng cao thu nhập.

Người dân xã Gio Mỹ nói riêng và vùng Đông Gio Linh nói chung trước đây mỗi sào mướp đắng cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng nhưng thị trường tiêu thụ bấp bênh, sản xuất bị nhiều rủi ro do dịch bệnh, thời tiết xấu. Nhưng hiện nay, việc xây dựng mô hình sản xuất trong nhà lưới sẽ giúp người dân hạn chế rủi ro dịch bệnh, thời tiết bất lợi trong sản xuất, năng suất cao hơn nhưng vẫn chưa đảm bảo được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Vì vậy, việc tập huấn, đào tạo cho nông dân quy trình sản xuất sạch để sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và xây dựng thương hiệu rau sạch (ít nhất trước mắt là xây dựng cho sản phẩm mướp đắng) mới là yếu tố để đảm bảo sự phát triển bền vững. Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất rau màu ở Gio Linh, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng.

Võ Thái Hòa



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Đẩy mạnh canh tác hữu cơ cây rau màu
22:45 16/11/2023

Rau màu là nhu cầu thực phẩm lớn đối với thực đơn hàng ngày của mọi người. Vì thế đảm bảo nguồn thực phẩm này sạch là bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng. Hàng ...

Thu nhập khá từ trồng rau sạch
23:33 07/03/2023

“Được địa phương quan tâm tạo điều kiện tham gia lớp học nghề về kỹ thuật trồng trọt, tôi đã đầu tư làm đất để sản xuất rau sạch với các loại giống chất lượng ...

Những cánh rừng trên cát

Những cánh rừng trên cát
12:20 21/12/2017

(QT) - Quảng Trị hiện có 38.058 ha đất cát nội đồng và cát ven biển, trong đó diện tích bãi cát, cồn cát hoang hóa chiếm khoảng 17.000 ha. Vùng cát nằm trên địa bàn 25 xã ven...

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
12:06 21/12/2017

(QT) - Việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được tỉnh xác định với các mục tiêu cụ thể. Theo đó, đến năm 2020 sẽ hình thành Khu du lịch quốc gia Cửa Việt - Cửa...

Nuôi vật nuôi mới cho hiệu quả cao

Nuôi vật nuôi mới cho hiệu quả cao
12:11 19/12/2017

(QT) - Thời gian qua, anh Lê Thành Trung ở thôn 6, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong được biết đến là một nông dân trẻ, tích cực đi đầu trong chăn nuôi gà Đông Tảo, mang lại...

Trao cơ hội khởi nghiệp cho phụ nữ vùng cao

Trao cơ hội khởi nghiệp cho phụ nữ vùng cao
12:07 19/12/2017

(QT) - “Ngoài trồng sắn, trồng chuối trên rẫy, để tăng thêm thu nhập, thời gian qua tôi đã thử nghiệm nuôi gần 100 con gà giống. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian nuôi, đàn gà...

Thời tiết

16°C - 21°C
Có mây, không mưa
  • 17°C - 20°C
    Nhiều mây, có mưa, mưa rào
  • 16°C - 19°C
    Nhiều mây, có mưa nhỏ
POWERED BY
Việt Long