Cập nhật: Thứ 5, 13/04/2017 | 10:43 GMT+7

Xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất, hiệu quả từ mô hình trồng dâu tằm ở Tân Phú

(QT) - Sản xuất nông nghiệp vốn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên như điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai, nhưng quan trọng hơn là còn phụ thuộc nhiều vào thị trường sản phẩm. Tình trạng “được mùa mất giá” thường xảy ra gây bất lợi cho người nông dân. Vì vậy, việc xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm trong nông nghiệp từ trồng trọt đến chế biến sản phẩm và nguồn tiêu thụ ổn định sản phẩm trên thị trường là cách sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững nhất. Mô hình trồng dâu tằm ở Cam Lộ đã xây dựng được chuỗi giá trị trong sản xuất, cần được nhân rộng đối với nhiều cây, con khác.

Thu hoạch dâu tại thôn Tân Phú, Cam Thành, Cam Lộ

Với quyết tâm làm ra sản phẩm nông nghiệp mới từ thế mạnh vùng gò đồi, chị Hồ Thị Lan ở thôn Tân Phú, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ đã đầu tư trồng cây dâu tằm lấy quả. Sau hơn 3 năm chăm sóc, vườn dâu của gia đình chị sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu hoạch quả. Qua chu kỳ đầu trồng dâu, chị Lan nhận ra cây dâu tằm dễ trồng, dễ chăm sóc, lại cho thu hoạch sớm và sản phẩm bán trên thị trường được người tiêu dùng ưa chuộng.

Cách đây vài năm, quả dâu tằm tươi bán trên thị trường nội tỉnh được 45.000 đồng/kg là người trồng dâu đã có lãi. Nhưng chị Lan nghĩ nhu cầu tiêu thụ dâu tươi trên thị trường có hạn và theo mùa, không bảo quản được lâu mà khả năng phát triển vườn dâu còn nhiều nên chị tìm tòi, học hỏi qua sách báo, internet cách làm rượu dâu. Sau nhiều mẻ rượu làm thử nghiệm, chị Lan đã thành công trong sản xuất rượu dâu và bán ra thị trường. Từ thành công ban đầu, gia đình chị Lan cùng 2 hộ khác thành lập nhóm sản xuất, khai hoang mở rộng diện tích trồng dâu hơn 1,5 ha.

Hiện nay, nhóm trồng dâu của chị Lan phát triển ổn định diện tích dâu, đã cho thu hoạch mỗi năm 2 vụ được gần 10 tấn quả và trồng mới thêm 3 ha. Quả dâu tằm có hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt trong mùa hè chế biến thành nước giải khát uống có lợi cho sức khỏe. Dâu tằm trồng tại Cam Lộ được sản xuất sạch, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và không sử dụng thuốc bảo quản quả trong thu hoạch nên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ ưu điểm đó, sản phẩm dâu trồng tại Cam Lộ bán được giá từ 55- 60.000 đồng/kg. Vụ dâu đầu của năm 2017, nhóm sản xuất của chị Lan thu 5 tấn quả, bán được hơn 250 triệu đồng. Chi phí trồng dâu không cao, mỗi héc ta trồng 3 năm đầu chi phí khoảng 27 triệu đồng, đến năm thứ 3 cho thu hoạch năng suất khoảng 3 tấn/ha/vụ. Trừ các khoản chi phí (chi phí giống, phân bón, công thu hái), mỗi héc ta dâu khi đưa vào khai thác cho thu nhập mỗi năm (2 vụ) hơn 150 triệu đồng.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ dâu tươi trên địa bàn khá nhiều, sản phẩm dâu sản xuất không đủ bán. Các hộ trồng dâu cũng ưu tiên bán dâu tươi, nếu dâu tươi không tiêu thụ hết mới đưa vào sản xuất rượu. Năm 2016, nhóm hộ chị Lan sản xuất được 1.000 lít rượu dâu bán được 60 triệu đồng. Việc trồng dâu của nhóm hộ chị Lan không chỉ giải quyết việc làm cho 3 hộ trong nhóm mà còn giải quyết việc làm cho 17 hộ làm công theo thời vụ. Từ thành công ban đầu đó, nhóm sản xuất dâu tằm tại thôn Tân Phú muốn phát triển thành tổ hợp tác trồng, chế biến và tiêu thụ dâu tằm Tam Hợp. Tổ hợp tác này kết nạp thêm thành viên là 17 hộ lao động theo thời vụ từ trước tới nay, tổng cộng thành 20 hộ với tổng diện tích đất có thể đưa vào trồng dâu gần 10 ha.

Chị Lan cho biết: “Vùng đất gò đồi xã Cam Thành rất phù hợp để trồng dâu. Trồng loại cây này ít công chăm sóc, ít cần nước tưới, chi phí sản xuất không nhiều nên nếu giải quyết tốt đầu ra sản phẩm thì mang lại hiệu quả khá cao. Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng diện tích trồng dâu vì hiện nay sản phẩm dâu tươi cũng như rượu dâu tiêu thụ rất tốt”. Việc phát triển thành tổ hợp tác trong trồng và chế biến dâu tằm của nhóm hộ chị Lan đã nhận được sự ủng hộ của Hội LHPN huyện Cam Lộ. Hội đã đứng ra giúp nhóm hộ xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất. Chị Trần Thị Thúy Sâm, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Cam Lộ cho biết: “Để đảm bảo sản xuất bền vững cho sản phẩm dâu tằm của xã Tân Phú, trên cơ sở thành công của các hộ sản xuất tại địa phương, Hội LHPN huyện đã giúp các hộ trồng dâu thành lập Tổ hợp tác trồng dâu và chế biến rượu dâu Tân Phú, Cam Thành, Cam Lộ để vay vốn ưu đãi lãi suất thấp của Chương trình Hạnh Phúc. Đến nay, chương trình đã 2 lần làm việc với các hộ sản xuất trong việc thành lập tổ hợp tác, thẩm định tính khả thi của dự án và đồng ý chủ trương cho vay vốn.

Đây là cơ hội để các hộ dân trên địa bàn thôn Tân Phú, xã Cam Thành phát triển tốt cây dâu với quy mô tổ hợp tác, khai thác tốt thế mạnh của địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân”. Sản phẩm dâu tươi và rượu dâu làm bằng phương pháp thủ công của nhóm hộ sản xuất chị Lan bước đầu được thị trường ưa chuộng, nhất là trong các dịp lễ, tết. Với mục đích nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, mô hình trồng dâu tằm tại thôn Tân Phú, xã Cam Thành, Cam Lộ đang thành công nhờ xây dựng được chuỗi sản xuất từ trồng trọt đến chế biến và tiêu thụ với sản phẩm dâu tươi và rượu dâu đạt chất lượng tốt. Đây là một hướng phát triển tốt trên vùng gò đồi cùng với việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị trong sản xuất của các ngành chức năng sẽ giúp nông dân phát triển tốt một loại cây trồng mới mang lại giá trị kinh tế cao.

Võ Thái Hòa



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả
22:40 07/06/2023

Thời gian gần đây, trên địa bàn thị xã Quảng Trị xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), phù hợp với điều ...

Mua bán nước biển ở... vùng biển

Mua bán nước biển ở... vùng biển
10:26 tối Thứ 6

QTO - Để các loài thủy hải sản tung tăng bơi lội trong làn nước biển trong xanh ở các bể kính loại lớn được trang bị máy sục khí, nhiều nhà hàng, quán nhậu...

Khởi sắc Tà Rụt

Khởi sắc Tà Rụt
10:45 tối Thứ 5

QTO - Mặc dù là địa phương ở vùng núi, phần đông dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhưng những năm gần đây, bức tranh KT-XH ở xã Tà Rụt, huyện...

POWERED BY
Việt Long