Cập nhật: Thứ 4, 20/04/2016 | 09:58 GMT+7

Nan giải bài toán nước sạch sinh hoạt ở vùng Lìa

(QT) - Với đặc thù là địa bàn miền núi, có mực nước ngầm thấp nên người dân ở vùng Lìa, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) bao năm nay chủ yếu sử dụng nguồn nước từ các khe suối, sông hồ không đảm bảo vệ sinh. Thời gian qua, dù đã có nhiều dự án, chương trình hỗ trợ nguồn nước sinh hoạt bằng cách khoan giếng, đầu tư hệ thống nước tự chảy, nhưng đến nay các hạng mục trên hoặc là bị nhiễm vôi, phèn rất nặng hoặc bị xuống cấp trầm trọng… Nắng nóng kéo dài nhiều ngày qua khiến các bản làng ở vùng Lìa quay quắt vì thiếu nước sạch sinh hoạt. Những ngày này, đến các xã ở tuyến biên giới vùng Lìa như Thanh, A Xing, A Túc, Xy… sẽ thấy được sự nan giải của người dân trong việc tìm kiếm nguồn nước. Đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở đây chủ yếu sử dụng nguồn nước từ sông Sê Pôn, nhưng con sông này bị nhiễm bẩn, sủi bọt đã nhiều tháng nay, dẫu vậy người dân vẫn lấy về để ăn uống, sinh hoạt dù biết rằng nguồn nước này không đảm bảo vệ sinh.

Người dân vùng Lìa sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh để sinh hoạt

Gặp chúng tôi trong lúc đang gạn lấy nước ở sông Sê Pôn, anh Hồ Văn Khe ở bản 9, xã Thanh cho biết: “Cứ sau mỗi đợt mưa to là nước sông Sê Pôn lại nhiễm bẩn, vàng khè hàng tháng trời. Do không có nguồn nước sinh hoạt nên gần hai tháng nay, chúng tôi đành phải liều mình lấy nước ở đây về dùng, dẫu biết sử dụng nguồn nước này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người thân trong gia đình mình”. Dù đã cố gắng gạn lọc, nhưng hai can nước mà anh Khe vừa lấy được có màu vàng, đục ngầu và bốc mùi tanh. Anh Khe cho biết, mỗi ngày anh và người dân ở bản 9 thường đến sông Sê Pôn lấy nước 2 lần, số nước này phục vụ cho việc nấu ăn và đun sôi để uống. “Biết là bẩn thật, nhưng không lấy nước ở đây thì biết lấy nước ở đâu mà dùng?”, anh Khe ngậm ngùi. Chính quyền địa phương cho biết, năm 2014 nguồn vốn giảm nghèo bền vững đã đầu tư 10 cái giếng khoan trên 10 thôn, bản ở xã Thanh nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân. Nhưng theo phản ánh của nhiều người, nước từ những giếng khoan này khi bơm lên có mùi hắc nặng và bị nhiễm vôi, phèn nên người dân chỉ sử dụng để tắm rửa, giặt giũ. Còn nước để phục vụ việc nấu ăn, uống thì đa số người dân lấy từ hệ thống sông, suối không đảm bảo vệ sinh trên địa bàn, chỉ một số hộ dân có điều kiện thì mua nước đóng bình về phục vụ việc sinh hoạt. Anh Hồ Văn Noan ở thôn A Ho, xã Thanh cho hay: “Do nguồn nước từ giếng khoan ở thôn bị nhiễm vôi nặng nên lâu nay chúng tôi đành sử dụng nước từ sông Sê Pôn nấu cơm, đun nước uống. Trong những ngày nắng hạn như thế này, việc tìm kiếm nguồn nước để sinh hoạt trở nên khó khăn, gian nan rất nhiều”. Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Thanh cho biết: “Năm 2007, ở xã Thanh có hệ thống nước tự chảy đảm bảo vệ sinh dẫn vào từng thôn, bản, nhưng nay công trình này đã bị xuống cấp trầm trọng nên việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân bị gián đoạn đã nhiều năm nay. Bên cạnh hệ thống nước tự chảy đã bị hư hỏng nặng, năm vừa rồi từ nguồn vốn giảm nghèo bền vững, xã Thanh triển khai khoan 10 giếng ở 10 thôn, bản với độ sâu từ 30- 40 m nhưng nguồn nước từ các giếng khoan bị nhiễm vôi, phèn rất nặng, không thể sử dụng được. Hiện xã Thanh có 648 hộ với 3.691 nhân khẩu, trong đó đa số người dân chủ yếu sử dụng nước từ hệ thống sông, hồ không đảm bảo vệ sinh”. Ông Hạnh cho biết thêm, nguồn nước sinh hoạt từ hệ thống giếng khoan ở xã khi lấy lên có màu vàng, lúc đun sôi thì ở phần đáy nồi vôi đọng một lớp dày đến mấy phân. Còn các bể chứa nguồn nước tự chảy thì khô khốc, hư hỏng nặng. Bởi vậy người dân chỉ dùng nguồn nước ở các giếng khoan để tắm, giặt còn nước ăn uống thì vẫn phải lấy từ sông, hồ trên địa bàn. Cũng như xã Thanh, các xã dọc biên giới như Xy, A Xing, A Túc… đang lâm vào cảnh thiếu nguồn nước sạch sinh hoạt nghiêm trọng. Khi nhắc đến vấn đề này, ông Hồ Hen, Bí thư Đảng ủy xã Xy thở dài: “ Ở xã Xy có 3 thôn đầu xã sử dụng nước sinh hoạt từ hệ thống nước tự chảy, nhưng nguồn nước rất thất thường, vào mùa khô như thế này thì nước ngưng chảy hẳn. Còn 3 thôn nằm xa trung tâm như: Ra Man, Troan Ô, Tà Nua lâu nay vẫn phải sử dụng nước ở sông Sê Pôn luôn trong tình trạng nhiễm bẩn, đặc biệt là trong mùa mưa”. Hiện tại, xã Xy có 10 cái giếng khoan phục vụ việc sinh hoạt, nhưng theo phản ánh của người dân, thì nguồn nước từ các giếng khoan này cũng không thể sử dụng được bởi nhiễm vôi, phèn khá nặng. “Trước tình trạng trên, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện để tìm hướng khắc phục, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm. Người dân sử dụng nước từ sông suối nhiễm bẩn như thế này thì nguy cơ mắc bệnh là điều không thể tránh khỏi ”, ông Hồ Hen bức xúc cho biết. Việc sử dụng nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của hàng ngàn hộ dân ở vùng Lìa. Vì vậy, để giải quyết bài toán nước sạch tại vùng Lìa, ngoài sự tự lực tìm kiếm nguồn nước của người dân thì cũng rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền, các tổ chức, dự án để bà con ở đây được tiếp cận với nguồn nước sạch sinh hoạt. Ông Hồ Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: “Thời gian tới chúng tôi sẽ triển khai nạo vét, thông dòng những hồ, đập chứa nước ở đầu nguồn, tu sửa các đường ống dẫn nước ở các công trình nước tự chảy để đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt cho người dân vùng Lìa. Bên cạnh đó, tiến hành khoan lại những giếng bị nhiễm vôi, phèn nặng và có biện pháp thanh lọc nước sạch để người dân an tâm sử dụng, qua đó đảm bảo sức khỏe cho người dân trên địa bàn vùng Lìa”. Bài, ảnh: ĐỨC NGHĨA



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tấm lòng trưởng thôn trẻ

Tấm lòng trưởng thôn trẻ
02:55 20/04/2016

(QT) - Nhắc đến trưởng thôn, hầu như ai cũng liên tưởng ngay tới hình ảnh một người luống tuổi, dạn dày kinh nghiệm. Thế nhưng, hiện nay ở Quảng Trị, có khá nhiều trưởng thôn...

Một gia đình nghèo hiếu học

Một gia đình nghèo hiếu học
02:51 20/04/2016

(QT) - Từng là một gia đình nghèo của thôn Huỳnh Thượng, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) nhưng chưa bao giờ vợ chồng ông Hồ Hữu Lự và bà Trần Thị Nguyệt phải để các...

114 liều vaccine HPV miễn phí

114 liều vaccine HPV miễn phí
17:03 18/04/2016

(SGGP) - Hội Y học dự phòng Việt Nam hợp tác với Viện Pasteur TPHCM, trang mạng HPV Việt Nam và Hãng UBER phối hợp tổ chức sự kiện “Phòng chống HPV, phòng chống ung thư cổ tử cung”.

Hiểu về màu thực phẩm

Hiểu về màu thực phẩm
17:03 18/04/2016

TTO - Những thông tin gần đây trên báo đài về thực phẩm nhuộm màu làm nhiều người bối rối khi đứng giữa hàng trăm mặt hàng thực phẩm có màu, mà không biết thật giả thế nào.

Khai hội... để làm từ thiện

Khai hội... để làm từ thiện
17:00 18/04/2016

(QT) - Hàng trăm người yêu chim cảnh dọc dải đất miền Trung đã tụ hội về Nhà văn hóa huyện Gio Linh (Quảng Trị) để thỏa thuê nghe và ngắm những chú chào mào tranh tài sôi nổi....

POWERED BY
Việt Long